Bối cảnh và lý do
Văn hóa cũng như nếp sống, cách suy nghĩ, và cách hành xử của một dân tộc nếu tuần tự phát triển một cách tự do cởi mở thì sẽ tiến hóa theo chiều hướng mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn. Dân trí sẽ tăng trưởng cả về lượng lẫn phẩm chất và sẽ tự sàng lọc những gì xấu và không hợp thời, sẽ hấp thu những gì tốt đẹp và văn minh.
Bất hạnh thay dân tộc Việt Nam không được may mắn như thế. Trong hơn một thế kỷ vừa qua dân Việt hết làm thân nô lệ thuộc địa của Pháp thì một nửa đất nước bị áp đặt với chủ nghĩa cộng sản vô nhân tính, rồi thêm 20 năm chiến tranh với thây người và xác bom đạn rãi đầy khắp đất nước. Sau đó là hơn 40 năm cả nước bị tròng vào cổ một chủ nghĩa ngoại lai dựa trên hận thù và bạo lực. Giờ đây đất nước tan hoang, lòng người ly tán nghi kỵ, môi trường sống bị hủy hoại, chủ quyền quốc gia bị khống chế, văn hóa đạo đức suy đồi, những tính chất tốt đẹp của dân tộc bị bứng tận gốc rễ và bị thay thế bởi một thứ chủ nghĩa hoàn toàn vắng mặt tình người, tình gia đình, và sự cao quý của tâm linh.
Xã hội Việt Nam hiện tại bị đảng Cộng Sản kiểm soát toàn diện với công an, quân đội, truyền thông báo chí và các hội đoàn của đảng như những vòi bạch tuột lan tỏa đến mọi ngóc ngách đời sống và sinh hoạt của người dân. Chính sự kiểm soát và khống chế từ hệ thống cầm quyền đã tạo ra một không khí ỷ lại, thờ ơ và vô cảm trong tâm lý của dân chúng. Vì vậy khi chế độ CS biến mất nó sẽ để lại một khoảng trống đáng kể trong toàn bộ hoạt động của xã hội. Chính sách giáo dục hiện nay đặt trọng tâm đào tạo một lớp người trẻ chỉ biết vâng lời, tiêu diệt tư duy độc lập và sự sáng tạo. Thêm vào đó thói quen lừa dối, gạt gẫm, trục lợi cá nhân của nhiều tầng lớp trong xã hội Việt Nam sẽ khiến cho việc xây dựng một quốc gia hùng mạnh, một xã hội hạnh phúc gặp rất nhiều trở ngại.
Sau khi chế độ CS cáo chung ở Việt Nam, toàn bộ cơ cấu xã hội, văn hóa, giáo dục, chính trị, kinh tế đều phải được thay đổi. Mỗi lãnh vực nói trên đều cần một nền tảng triết lý để soi đường và để biết mỗi con người nói riêng và xã hội nói chung sẽ đi về phương hướng nào. Và ở mức độ tổng quát hơn, một nền tảng triết lý cho cuộc sống cần được chú ý trước tiên.
Đã đến lúc cần phải thảo luận một triết lý sống cho dân Việt thời đại hậu cộng sản phù hợp với những khuynh hướng tiến bộ nhất của nhân loại trong thế kỷ 21. Đó là mục đích của bài này.
Phần chính của bài này sẽ trình bày ba điểm tạm gọi là "Quan Niệm Sống", mỗi điểm sẽ được giải thích ngắn gọn đó là gì, tại sao lại cần thiết và áp dụng như thế nào. Hy vọng nhỏ của tác giả là sẽ khơi dậy sự thảo luận rộng rãi để có thể hoàn chỉnh một triết lý sống tốt đẹp và lành mạnh cho các thế hệ hiện tại và tương lai. Một điểm khác cần lưu ý là bất cứ một quan niệm sống nào cũng sẽ là một khái niệm động và sẽ được bổ túc, hoàn thiện và thay thế cho phù hợp với sự tiến hóa của xã hội và của nhân loại.
Quan niệm #1: Sống với lòng từ bi nhân ái
Tình thương có lẽ là thứ tình cảm tự nhiên và cao quý nhất của con người. Khi mới sinh ra con người không có tính hận thù, chỉ có thương yêu, che chở và đùm bọc lẫn nhau. Chính vì môi trường sinh sống tạo ra sự tranh dành để sinh tồn, từ đó tạo ra lòng tham và quyền lực. Có lẽ cần đặt ra một số tiêu chuẩn tối thiểu nào đó để có thể xác định thế nào là có lòng từ bi nhân ái.
Không làm tổn thương người khác: Tiêu chuẩn đầu tiên là không được làm tổn thương hay tổn hại người khác về phương diện thể xác, tinh thần và tài sản. Đây là điều kiện tối thiểu của lòng từ bi nhân ái.
Che chở và giúp đỡ người hoạn nạn nghèo khó: Khác với điều kiện thứ nhất có tính thụ động, điều kiện thứ hai đòi hỏi người có lòng từ bi nhân ái phải chủ động trong việc giúp đỡ người nghèo khổ hay người gặp hoạn nạn. Sự giúp đỡ chỉ có ý nghĩa khi dựa trên lòng thương người chân thật chứ không phải dựa trên sự hứa hẹn một phần thưởng nào đó.
Nói một cách nôm na, sống với lòng từ bi nhân ái là sống tử tế với mọi người chung quanh, sống với tâm địa hiền lương, thương yêu tất cả mọi người. Đó cũng là một phần tính chất của dân tộc Việt có từ thuở xưa như đã thấy trong văn hóa, truyền thống và ca dao. Dân tộc ta sống còn trong mấy ngàn năm dưới sức ép bạo tàn của phương Bắc cũng nhờ tính chất thương yêu đùm bọc lẫn nhau đó.
Với căn bản là lòng nhân ái, quan hệ giữa con người sẽ được xây dựng trên những tính chất tốt đẹp như sự tôn trọng, tính lịch sự, và lòng tử tế. Tôn trọng người khác dựa trên thương yêu là sự tôn trọng chân thực, không phải tôn trọng vì bề ngoài, vì đối tượng có quyền thế, giàu có, hay tài năng. Tính lịch sự vì lòng thương yêu là một phản ứng tự nhiên, không phải là một đối phó ngoại giao hay màu mè. Khi có tính nhân ái thì mỗi con người đều trở thành tử tế, mở rộng tấm lòng với mọi người và sẵn sàng giúp đỡ người khác.
Sống với lòng từ bi nhân ái cũng là phương pháp hay nhất để tạo dựng một xã hội hạnh phúc. Con người dù có đầy đủ vật chất nhưng sống vô cảm, nghi kỵ, ganh ghét hay lừa dối nhau thì đời sống cũng sẽ trở thành khó thở. Hạnh phúc thật sự chỉ có khi mình yêu thương người khác và được người khác yêu thương mình.
Quan niệm #2: Sống đơn giản và lương thiện
Sống đơn giản là sống không xa hoa, không phung phí, là sống tiết kiệm với những tiện nghi vừa phải, không phí phạm những tài nguyên của gia đình, xã hội, và của nhân loại. Đất nước Việt của chúng ta còn nghèo, cũng như hàng trăm triệu người nghèo trên quả đất này vẫn còn vật lộn hàng ngày chỉ để đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của đời sống. Trái đất với tài nguyên có hạn đang khó khăn cưu mang bảy tỉ người, nên con người phải sống đơn giản để tự cứu chính mình.
Nếu chúng ta thực hành sống với lòng từ bi nhân ái thì chúng ta sẽ không muốn sống xa hoa phung phí khi nhiều người chung quanh phải sống cơ cực khó khăn. Chính lòng từ bi nhân ái sẽ là động lực giúp chúng ta tập sống đơn giản và lương thiện.
Sống đơn giản cũng là một phương pháp hiệu nghiệm để bớt dục vọng. Khi đã sống đơn giản thì sẽ không còn ham muốn chiếm hữu làm của riêng những gì có thể chia sẻ cho người khác. Sự chia sẻ là kết quả tất nhiên khi con người thương yêu lẫn nhau. Lúc đó sống lương thiện, không lường gạt, không lừa dối, không làm tổn hại người khác trở thành một điều tự nhiên như hơi thở.
Sống đơn giản để được tự do hơn vì sẽ không bị ràng buộc, câu thúc bởi dục vọng hay lòng tham, nghĩa là con người sẽ được giải thoát khỏi những hèn mọn tầm thường của cuộc sống. Khi con người yêu thương nhau và cùng tập sống đơn giản thì sự lương thiện là kết quả tất yếu. Sẽ không còn đất sống cho những ý niệm xấu xa và những hành động ác độc. Đời sống sẽ trở nên an toàn, bình yên và thoải mái. Sợ hãi và thù hận sẽ biến mất.
Quan niệm #3: Sống hài hoà với thiên nhiên
Trái đất là nơi cưu mang cho hơn bảy tỉ người hiện nay. Khoảng một trăm năm gần đây con người đã và đang lạm dụng sự chịu đựng của trái đất. Mỗi ngày chúng ta thải ra hàng triệu tấn những chất độc hại vào lòng đất, vào bầu khí quyển, và vào nguồn nước ở sông ở biển. Chúng ta đang phá rừng, buồng phổi của trái đất, đang sa mạc hóa đất đai phì nhiêu, đang làm cạn hay ô nhiễm những giòng sông chứa lượng nước ngọt ít ỏi, đang đào xới những tài nguyên có hạn dưới lòng đất, và trái đất đang oằn vai chịu đựng những lạm dụng đó. Chúng ta hùng hục sản xuất, tiêu thụ, và xả thải như không có ngày mai. Lối sống này không bền vững, cần phải thay đổi. Chúng ta phải săn sóc đúng mực quả đất là nơi đang cưu mang chúng ta nếu chúng ta không muốn những thế hệ trong tương lai phải tìm đường di cư đến một hành tinh khác.
Sống với lòng nhân ái cũng có nghĩa là chúng ta cần giữ gìn trái đất này cho bảy tỉ người đang sinh sống hiện nay và nhiều tỉ tỉ người khác trong các thế hệ tương lai. Trái đất là nguồn sống duy nhất của con người và hàng triệu loại sinh vật khác. Con người không sở hữu trái đất mà tùy thuộc vào trái đất. Hoạt động của con người trong một trăm năm gần đây đang phá hủy sự cân bằng sinh thái của trái đất và bầu khí quyển. Nếu cái đà này kéo dài thêm vài chục năm thì nơi chốn dung thân duy nhất của con người có thể sẽ đi vào giai đoạn hủy diệt. Chỉ còn một con đường duy nhất là con người phải nhanh chóng phục hồi sự cân bằng thiên nhiên đó trước khi quá muộn.
Quan niệm sống đơn giản trình bày ở trên là một phương pháp hữu hiệu để cứu trái đất này. Không còn thích hợp khi kích thích lòng tham muốn vật chất của con người như là một động lực để tăng trưởng kinh tế. Sự phát triển kinh tế phải dựa trên mục tiêu duy nhất là giúp con người sống hạnh phúc, trong đó giữ gìn hệ thống sinh thái của trái đất và bầu khí quyển là ưu tiên trên hết.
Xuân Đinh Dậu 2017
Đỗ Tùng