Trong dân gian, người ta vẫn thường dùng lời hứa để thể hiện một sự cam kết bằng lời nói. Sự cam kết có thể là giữa nhiều đối tượng, hoặc cũng có thể là sự tự nguyện đơn phương của một phía mà thôi.
Trên phương diện pháp lý, những cam kết trong sự giao dịch được thể hiện cùng lúc giữa các đối tượng, thông thường là phải bằng văn bản giấy trắng mực đen thì mới có giá trị. Nhưng tại nhiều nơi và tùy vào từng trường hợp, sự cam kết thể hiện qua lời nói hay bằng hành động, cũng vẫn có thể được luật pháp công nhận. Tuy nhiên, mọi thứ cam kết dầu bằng văn bản, lời nói, hay hành động, tất cả chỉ có hiệu lực và giá trị pháp lý khi được thực hiện bởi người đủ tuổi thành niên, trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo, và nội dung của sự cam kết phải phù hợp với các quy định của luật pháp.
Lời Hứa Hướng Đạo
Căn cứ vào Bản Hiến Chương của Tổ Chức Phong Trào Hướng Đạo Thế Giới (World Organization of the Scout Movement – WOSM), phương pháp giáo dục Hướng Đạo chủ yếu là dựa trên Lời Hứa và Luật Hướng Đạo. Vì vậy, Lời Hứa Hướng Đạo – mặc dầu không thể có giá trị pháp lý như một sự cam kết trong sinh hoạt dân gian – nhưng đó chính là kim chỉ Nam nhằm nhắc nhở Hướng Đạo Sinh về những việc cần phải làm, và những điều cần phải tôn trọng, hầu có thể trở thành một người tốt cho cộng đồng, cũng chính là mục đích của Phong Trào Hướng Đạo.
Vì là một phong trào hoàn vũ, mọi thành viên của WOSM tại các nước trên thế giới đều phải tuân thủ và sử dụng Lời Hứa Hướng Đạo đề ra bằng ngôn ngữ thích hợp với nền văn hóa và văn minh của mỗi Hội Hướng Đạo Quốc Gia (National Scout Organization – NSO) là thành viên WOSM, dựa theo ý tưởng và gợi ý của vị sáng lập Phong Trào Hướng Đạo là cố Huân Tước Baden Powell, và Lời Hứa đó phải được chấp thuận bởi WOSM - (Hiến Chương Hướng Đạo Thế Giới, Chương I, Điều II, Khoản 2).
Với những quy định vừa kể trên đây được trình bày hết sức rõ ràng và dễ hiểu nơi bản Hiến Chương của Hướng Đạo Thế Giới từ bấy lâu nay, cho thấy sự quan trọng và đúng đắn của Lời Hứa trong sinh hoạt Hướng Đạo. Và những ai hiểu rõ Hiến Chương của Hướng Đạo Thế Giới cũng đều phải biết rằng chỉ có các NSO hội viên của WOSM mới có quyền đặt ra, hoặc sửa đổi, Lời Hứa Hướng Đạo của quốc gia đó với sự chấp thuận của WOSM. Thêm vào đó, cũng từ nguyên tắc trên đây và bởi tại mỗi quốc gia chỉ có duy nhất một NSO được công nhận là thành viên của WOSM - (Hiến Chương Hướng Đạo Thế Giới, Chương III, Điều V, Khoản 3), Hướng Đạo Sinh ghi danh và mặc đồng phục của NSO trong quốc gia nào, thì phải áp dụng Lời Hứa Hướng Đạo của NSO đó. Điều này cũng đã được thể hiện rất rõ ràng trước đây qua các sinh hoạt của Đạo Kỳ Hòa trong Hội Hướng Đạo Việt Nam, từng là NSO của Việt Nam Cộng Hòa (Nam Việt Nam) được WOSM công nhận từ 1957 đến 1975: Hướng Đạo Sinh trong Đạo Kỳ Hòa thời đó là người gốc Đài Loan và thường sinh hoạt ca hát bằng tiếng Trung Hoa. Tuy nhiên, vì là người Việt gốc Hoa và là hội viên và mặc đồng phục của Hội Hướng Đạo Việt Nam, các Hướng Đạo Sinh Đạo Kỳ Hòa đều phải tôn trọng và áp dụng Lời Hứa Hướng Đạo của Hội Hướng Đạo Việt Nam.
Tóm lại, Hướng Đạo là phong trào mà những ai tham gia đều là do sự tự nguyện. Nhưng khi đã là người Hướng Đạo - đặc biệt là các trưởng có trách nhiệm hướng dẫn và làm gương cho lớp trẻ đi sau - thì phải có bổn phận tôn trọng những quy định đã ghi rõ nơi bản Hiến Chương của Hướng Đạo Thế Giới. Và trong đời sống xã hội, khi một thành viên biết tôn trọng các quy luật chung của tổ chức mà mình tham gia, cũng chính là biểu hiện cung cách của người hiểu rõ thế nào là nguyên tắc cũng như luật lệ của một xã hội văn minh và có tôn ti trật tự.
Nhân kỷ niệm sinh nhật của Lord Baden Powell (22 Feb. 1857 – 8 Jan. 1941), người sáng lập Phong Trào Hướng Đạo Thế Giới.
22/2/2017
Tom Huỳnh, J.D.
T.Huynh@1stcounsel.com