Khoa học giờ đây đang tiến thêm một bước tới khả năng tạo ra một em bé sơ sinh hoàn hảo, hoặc chí ít là một em bé không bị những khiếm khuyết di truyền nhất định.
Các nhà khoa học Trung Quốc dùng một kỹ thuật chỉnh sửa gen di truyền gọi là CRISPR để loại các bệnh di truyền gây chứng rối loạn máu và các bệnh khác ra khỏi phôi thai, theo tờ New Scientist. Các chuyên gia đã xem qua dự án này cho tờ báo biết rằng đây triển vọng đầy hứa hẹn.
Ông Robin Lovell-Badge, chuyên gia về gen người tại Viện Francis Crick ở London, nhận xét với tờ New Scientist: “Thật hết sức khích lệ.”
Kỹ thuật này là phương pháp vô hiệu hoá gen bằng cách đưa ra những đột biến nhỏ phá vỡ mã di truyền của một chuỗi DNA. Trước cuộc thử nghiệm ở Trung Quốc, các cuộc nghiên cứu liên quan đến kỹ thuật CRISPR tập trung vào việc sử dụng kỹ thuật này trong các phôi bất thường không thể phát triển hoàn toàn. Vì lý do đạo đức sinh học, trước đây kỹ thuật này không được sử dụng cho phôi lành tính hoặc phôi bình thường.
Thử nghiệm chỉ ‘sửa chữa’ thành công dưới 10% các đột biến gen, tuy còn quá thấp nhưng đủ để khích lệ.
Theo tờ báo, nhóm nghiên cứu Trung Quốc làm việc tại bệnh viện trực thuộc Đại học Y Quảng Châu thoạt đầu thử nghiệm với phôi bất thường, nhưng không mấy thành công. Sau đó, họ tìm cách ‘sửa chữa’ các đột biến trong các phôi bình thường từ trứng chưa trưởng thành của những người mẹ muốn thụ tinh trong ống nghiệm, thì đạt được bước đột phá.
Nhóm nghiên cứu thụ tinh mỗi trứng bằng cách tiêm tinh trùng từ một trong hai người đàn ông mắc bệnh di truyền, sau đó sử dụng kỹ thuật CRISPR trên phôi bào đơn trước khi chúng bắt đầu phân chia.
Nghiên cứu này có thể dẫn tới việc thử nghiệm rộng rãi hơn bằng cách sử dụng CRISPR để chỉnh sửa bộ gen của phôi người bình thường. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo công nghệ này chưa tới mức được sử dụng an toàn để chỉnh sửa phôi.
Theo New Scientist, Fox News