Cảnh một "người hùng" Trung Quốc chiến đấu với lính Nhật. Bình quân mỗi ngày có đến 2,7 triệu lượt lính Nhật bị "giết" trong các phim truyền hình Trung Quốc.
DRTrước những chế giễu của khán giả truyền hình, cơ quan quản lý nghe nhìn của Trung Quốc đã phải đòi hỏi các bộ phim giả tưởng thuật lại cuộc chiến tranh Trung – Nhật (1937-1945) không được quá phi lý cũng như phải bớt khoác lác.
Trên các mạng xã hội, nhiều khán giả truyền hình đã chế nhạo một số cảnh buồn cười, như cảnh cho thấy một người hùng Trung Quốc dùng hai bàn tay trần chặt làm đôi những người lính Nhật, hay xen một cung thủ Trung Quốc chỉ cần một mũi tên để giết chết nhiều lính Nhật cùng một lúc.
Trên Nhân dân Nhật báo số ra ngày hôm nay 17/05/2013, Wang Weiping, một viên chức phụ trách quản lý báo chí tuyên bố : « Cuộc chiến chống Nhật là một thời kỳ anh hùng của nhân dân Trung Quốc chống xâm lăng, và là một nguồn sáng tạo phong phú cho điện ảnh và truyền hình ».
Tuy nhiên ông nói thêm : « Một bộ phận của sự sáng tạo này là thiếu nghiêm túc, có rất nhiều sự phi lý, không tôn trọng lịch sử, quá thiên về câu khách, gây tác động xấu lên xã hội và cần phải được sửa chữa ».
Viên chức này yêu cầu các kênh truyền hình xem xét lại các bộ phim chiến tranh và « chỉnh đốn » lại các phim nào « quá nhiều thủ thuật câu khách », hoặc loại ra khỏi chương trình phát sóng nếu không thể chỉnh sửa được.
Chính quyền Trung Quốc thường xuyên can thiệp vào nội dung các chương trình truyền hình, trong khi các kênh truyền hình phải tìm cách thu hút quảng cáo và khán giả để bù vào số trợ cấp bị cắt giảm.
Cơ quan kiểm duyệt đã từng cấm chiếu các phiên bản dựa theo các phim nước ngoài, hay yêu cầu các bộ phim nhiều tập không nên nhấn mạnh đến các xung đột gia đình. Hồi năm 2002, Bắc Kinh đã cấm một bộ phim nhiều tập của Đài Loan mang tên « Meteor Garden » (Vườn sao băng) vì lo sợ cách sống sa đọa của bốn chàng trai trong băng F4 sẽ làm hư hỏng thanh niên Trung Quốc.
Source: RFI