Hạnh phúc. Đó là điều ai ai cũng muốn. Ai ai cũng thích. Nó là trạng thái tâm lý cân bằng. Là sự thoải mái. Là vui sống. Thấy đời có ý nghĩa… Tuy vậy chúng ta thường có cái nhìn khác nhau về hạnh phúc. Nguyễn Thị A. có cách nhìn về hạnh phúc của riêng chị. Bùi Văn B. có suy nghĩ riêng của anh về hạnh phúc. Với bạn, hạnh phúc là gì, phải chăng đó là những thành quả gặt hái được, tiền tài, danh vọng, sự nghiệp, xe đắt, vợ đẹp, con ngoan, sức khỏe tốt… hay như một thành công mang tính kỳ tích kiểu Mr. Trump đắc cử.
Trái ngược với hạnh phúc là bất hạnh, là chán nản. Là thấy sống mà không thoải mái chút nào. Thối chí. Buồn bã. Trầm cảm. Là thất bại; không đạt được những mục đích mình dày công đầu tư, tốn hao nhiều công sức nhưng không đạt sở nguyện. Thấy đời chẳng còn nhiều hứng thú nữa. Như trường hợp của Mrs. Clinton mùa phiếu năm 2016.
Đó là những gì ta quan sát và kết luận (từ góc độ của người ngoài cuộc). Nhưng như đã nói, hạnh phúc – giá trị thực của nó rất chủ quan với mỗi người. Có người tìm thấy hạnh phúc trong những điều giản dị đơn sơ. Có người chỉ cần sự bình an. Cần một mái nhà. Một công việc ổn định. Một sức khỏe tốt. Một mảnh vườn con với các loại rau thơm. Vài chậu lan. Đôi ba lồng chim… Song (cũng có) nhiều người sở hữu thừa mứa bao nhiêu thứ thiên hạ thèm khát, thế mà (họ) vẫn thấy thiếu, thấy chưa đủ, thấy không vui, thấy phiền não…
Không ít học giả tin rằng con người thường mau nhàm chán với các sự kiện trong cuộc sống, không hài lòng với điều gì lâu dài. Có mới nới cũ. Thấy trăng quên đèn. Chưa có thì háo hức. Có rồi chẳng mấy chốc sẽ chán ngay. Trường hợp của Mr. Trump – đắc cử rồi không biết cảm giác tuần-trăng-mật với “chiếc ghế mới” kéo dài lâu không? Hay chưa đủ 100 ngày ông đã thấy chán. Thấy khó nuốt. Thấy mình bị ràng buộc, bị cản trở, trăm ngàn thứ phải lo. Cứ ngỡ sẽ được tự tung tự tác, thân Nga, hất cẳng NATO, xây một bức tường đập vào mặt Mexico, xử bắn Obamacare, làm mưa làm gió, tranh thủ kiếm chác, vơ vét những khoản hợp đồng béo bở… Để rồi ông chợt nhanh chóng hiểu ra, ngó vậy mà không phải vậy…
Và Mrs. Clinton – Liệu bà có buồn lâu không sau cú “thất cử” đánh thốc vào đan điền? Dĩ nhiên chuyện buồn là có rồi; thậm chí nhiều người còn nghĩ bà sẽ ngã quỵ, sẽ quy ẩn, sẽ giã từ vũ khí, sẽ thượng sơn, sẽ vùi mình vào lặng lẽ… Nhưng chưa hẳn. Rất có thể (giờ đây) khi nhìn lại đối thủ của mình nhấp nhổm như “gái ngồi phải cọc”, ăn không ngon, ngủ không yên, liên tục bị phanh phui vạch bới, bị hoạnh họe, (giữa lúc đó) thang điểm ủng hộ của dân chúng dành cho ông ta càng lúc càng thấp dần. Đã thế ông luôn bị báo chí xem thường. Mỗi lần mở miệng ra (thì) bị người khác “gang vào miệng” bằng những phản đối (gần như) vỗ vào mặt. Theo suy nghĩ của kẻ tiểu nhân, chắc bà đang cười (thầm): Đấy. Sướng chưa. Không biết tí gì về nghề làm quan mà cũng đòi ra làm.
Với bạn, hạnh phúc là gì? Có thật nhiều tiền, đúng không! Bởi có tiền mua tiên cũng được. Hay hạnh phúc (sẽ) là một thứ gì đó sâu xa, “khác người”, như tình yêu chẳng hạn. Hoặc bình thường hơn: Một cơ thể lý tưởng. Giảm được 20 pounds. Trúng số. Mua được một chiếc áo khoác lông thú giá hời. Được đưa vợ con về quê ăn tết. Được sống ở Houston cho gần các chiến hữu năm xưa. Được một lần đi Las Vegas chơi cho thỏa chí…
Trắc nghiệm WHR (World Happiness Report) gần đây nhất xếp Na Uy vào danh sách nước có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới. Phải chăng hạnh phúc của họ là thứ hạnh phúc bền vững, ổn định, gần gũi bình thường như hơi thở cuộc sống; vốn khác hẳn với thứ hạnh phúc ăn xổi ở thì, bạo phát bạo tàn, thứ hạnh phúc ập đến với tuổi thọ rất “tuần-trăng-mật” như hạnh phúc của Mr. Trump [nếu chúng ta tạm đồng ý với nhau nỗ lực ngăn cấm dân tại 7 (sau đó là 6) nước Hồi giáo vào Mỹ và Đạo luật American Health Care – còn gọi là Trumpcare của ông gặp phải thất bại khiến ông cụt hứng với con đường quan lộ].
Theo trắc nghiệm WHR này, dân Mỹ không hạnh phúc bằng dân Na Uy? Phải chăng dân Mỹ nghèo hơn? Ít tiền hơn. Cuộc sống xô bồ hơn, bát nháo hơn nên người ta cảm thấy dễ “tức khí”. Nhưng không. Quá nửa Tổng sản lượng quốc dân GPD của Na Uy đến từ dầu hỏa. Với giá dầu thô tuột dốc không phanh hiện nay, vậy mà dân Na Uy vẫn không thấy buồn chán như trời sắp sập. Còn dân Mỹ, thu nhập bình quân tăng đều từ hai thập niên qua, vậy mà dân Mỹ vẫn thấy chán, thấy bế tắc; happiness in America is declining.
Theo bảng xếp hạng của WHR, năm ngoái Mỹ đứng thứ 13. Năm nay Mỹ tuột xuống hạng 14. Nhìn chung càng về sau dân Mỹ càng dễ chán nản hơn. Câu hỏi của John Helliwell (người dẫn đầu cuộc nghiên cứu bản trắc nghiệm WHR lần này), đồng thời là giảng viên tại Trường ĐH British Columbia của Canada: Nếu ta thừa tiền mà thiếu những mối quan hệ gần gũi đáng tin cậy, liệu có đáng sống không? (Nguyên văn: If the riches make it harder to have frequent and trustworthy relationship between people, is it worth it?) Ông cho biết thêm của cải vật chất có thể án ngữ con người tìm đến với hạnh phúc của bản thân: The material can stand in the way of the human.
Trà dư tửu hậu, mấy anh bạn rủ nhau lai rai vài lon bia bên khay crawfish “bàn luận” về một trắc nghiệm không rõ của tổ chức nào (cũng bày trò đo đạc chỉ số hạnh phúc – happiness index) của năm ngoái tuyên bố một câu xanh dờn: Việt Nam đứng đầu bảng. Thế là bàn tiệc bỗng rôm rả hẳn lên. Có người tin. Có người không tin. Cãi nhau như mổ bò. Bảo là bảng trắc nghiệm ấy bố láo, bố lếu.Thế là lên Google cho chắc cú. Báo Thanh Niên của Việt Nam cho biết trắc nghiệm Happy Planet Index – HPI của Tổ chức New Economics Foundation – NEF có trụ sở tại Anh công bố Việt Nam nằm trong top 5 các nước hạnh phúc nhất năm 2016). Nhưng gẫm lại, quả nhiên có điều gì đó khá có lý. Bởi có nơi đâu người dân thích làm thì làm, thích chơi thì chơi. Đang làm, hứng lên thì vứt đó. Nhậu nhẹt bất cứ lúc nào. Nhân viên cơ quan hành chính thì vờ vịt, sáng cắp ô đi, tối cắp về. Làm việc chẳng cần biết có hiệu quả (hay hậu quả) hay không. Thử hỏi có nơi nào trên thế giới người ta lại ung dung an nhàn thong thả như thế! Còn năm nay, Báo Tuổi Trẻ loan tin Việt Nam đứng thứ 94 trong số 155 nước (theo trắc nghiệm của WHR).
Thực ra chỉ số happiness Index chỉ tương đối thôi. Nó chỉ mang tính ước lệ.
Giống như mua TV màn hình phẳng mới. Lúc đầu coi thấy rất sướng mắt. Hình ảnh sắc nét, âm thanh surround sound ấm áp, sống động. Nhưng sau một thời gian thấy nó bình thường. Hoặc lỡ mua một bộ ghế sofa vì giá rẻ, lúc ở tiệm thấy nó đẹp và sang trọng, tới chừng khuân về nhà mới thấy nó kỳ kỳ, thấy nó dị hợm, nghịch mắt sao sao đó… Nhưng sau một thời gian thấy nó quen mắt, thấy hay hay. Hay như lúc chuyển trường, thấy bạn học mới mặt mũi ai cũng ngao ngáo sao đó (so với bạn bè trường cũ). Tới chừng gần mãn khóa mới thấy những khuôn mặt mới thân quen gần gũi (y như bạn học trường cũ). Vô tri bất mộ. Không gần gũi thì không thể mến thương. Hạnh phúc cũng thế, nó là cảm xúc. Mà đã là cảm xúc thì lúc nó thế này, lúc nó thế kia, “bố ai” biết đâu mà lần cho được.
Trở lại chuyện Mr. Trump và Mrs. Clinton. Bạn chẳng cần phải thầy tướng số mà chỉ cần thoạt nhìn qua (đã tám phần) hiểu được cảm giác của họ. Một bên (thì) cơm đưa lên miệng rồi còn rớt. Một bên thì tự nhiên cơm gà, cá gỡ, bưng lên hầu tận miệng. Nhưng nói đến chữ phúc – một thành phần quan trọng của hạnh phúc mới thấy mọi cái ở đời thật vô thường. Chẳng có điều gì là vững bền chắc chắn. Biết đủ là sướng. Biết có là vui. Nhưng mấy ai ở đời đạt được cái ngưỡng ung dung tự tại này (?) Mấy ngày đầu Mr. Trump ăn nói rất mạnh miệng, giờ cũng thế, nhưng càng lúc tuy ông vẫn oang oang nhưng khí phách giống như cọp giấy nhiều hơn cọp thật.
Cứ nhìn rõ Mr. Trump bây giờ sẽ biết ngay. Mặt mũi căng thẳng. Hiếm khi có nụ cười. Lịch làm việc thì nhấp nhổm. Ùn ùn bao nhiêu là thứ. Dồn dập hàng núi văn kiện giấy tờ. Đã vậy chưa được 100 ngày mà điểm số approval thấp ở mức đáng ngại, ngấp nghé 37%. Giữa lúc đó nhiều bài toán gay gắt vẫn chờ đợi những câu trả lời thỏa đáng. Trumpcare của ông từ cảnh mua-van-bán-lạy chuyển sang xếp-xó, bởi nó chướng, bởi nó trúc trắc. Chướng vì nó không đáp ứng được nguyện vọng của nhiều người dân Mỹ. Trúc trắc bởi nó không hợp lòng nhiều người từng bỏ phiếu cho ông. Obamacare tuy không hoàn hảo, nhưng để có một chương trình ưu việt hơn nó xem ra không dễ.
Rồi chuyện áo gấm đi đêm với Nga của ông đang có dấu hiệu vỡ lở, rất khó nuốt. Tại sao? Vì càng ngày dân Mỹ và dư luận càng ngửi thấy mùi tanh. Họ bắt đầu nhìn rõ hơn chân tướng của một Mr. Trump với những tham vọng, những móc nối, những quan hệ không mấy hiền lành trong sáng cho lắm với Điện Cẩm Linh. Cộng thêm nhiều rắc rối hồi ông vận động tranh cử (chưa xuất hiện) nay bỗng từ từ xuất hiện. Nội khoản chi phí bảo vệ an toàn cho cả nhà ông – rất đông – từ con dâu, con rể, con trai, con gái, cháu chắt… ngốn hàng triệu đô-la của dân Mỹ. Đã thế ông lại thích ở nhà riêng hơn ở Bạch Ốc nên chi phí bảo vệ an toàn càng đắt đỏ hơn. Sau đó liên tục xuất hiện những vạch vọi khác như hồ sơ khai thuế, các doanh nghiệp kếch sù của ông có thể liên quan đến tham nhũng, Nội các của ông chẳng mấy ai 100% trong sạch, nhiều viên chức cao cấp của ông buộc phải nghỉ việc vì những bê bối không thể chấp nhận được. Đã thế đang có những làn sóng rục rịch đòi đưa ông ra truất phế.
Đấy. Khổ lắm. Hạnh phúc đâu phải cứ đạt được điều mình mong muốn là sẽ thỏa mãn. Sẽ có những liên can từ bối cảnh mới, lắm lúc bươi móc, dây dính, tội nọ đẻ ra tội kia, vô cùng phiền toái. Ông đắc cử – cứ ngỡ sẽ thuận buồm xuôi gió – Nhưng kể từ ngày ông nhậm chức đến nay, những nỗ lực của ông đều tréo nghoe, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược; không mất lòng dân nhóm này thì lại há miệng mắc quai với nhóm khác.
Phải chăng (chỉ có) những cử tri bầu cho ông là còn hạnh phúc – Bởi họ không nằm trong chăn của ông. Họ chỉ biết thỏa mãn vì ứng cử viên họ chọn đã thắng cử. Họ hy vọng ông làm được việc lớn. Họ mong ông sẽ nổi đình nổi đám: Tống hết di dân lậu. Đem công ăn việc làm về cho dân Mỹ. Cứu lấy kỹ nghệ khai thác than đá. Đánh thuế nặng vào nhập khẩu. Khuếch trương bảo hộ mậu dịch. Make America Great Again. Nhưng từ hồi tháng 1 đến giờ, hơn 2 tháng rồi, mọi cái có vẻ diễn ra khá “tất bật” nhưng lại chẳng ra tấm ra món. Lệnh cấm dân các nước Hồi giáo cực đoan vào Mỹ vừa ban ra đã bị tẩy chay, rồi cắt sửa, sau đó lại bị chặn lại, chòe choẹt hết cả ra. Bức tường xây ngăn cách với Mễ chưa đi đến đâu đã gặp rắc rối do Trumpcare đem lại. Rồi đây sẽ có những vụ điều tra, điều trần, sẽ có biểu tình hàng loạt, sẽ gặp phải bao nhiêu là trở ngại…
Đó là (tạm thời) vẫn chưa có những vụ lùm xùm bên ngoài xảy ra. Chưa có những vụ va chạm lớn, hoặc những đòn phản công về mặt quân sự của những nước không ưa gì Mỹ. Sẽ có những phản ứng gay gắt của thế giới nếu Mr. Trump cứ mạnh miệng tuyên bố vung vít. Kinh tế Mỹ có thể sẽ bị cô lập, hoặc bị ảnh hưởng nặng nếu như Mỹ mất dần vị trí then chốt các thị trường lớn. Lúc đó Mr. Trump càng mất ăn mất ngủ. Càng thấy mình sa lún hơn. Thấy mình mất tự tin. Già xọm đi. Mệt mỏi. Căng thẳng. Tweet cũng bị chửi. Mà không tweet cũng bị riếc móc.
Nhiều người không ưa ông chắc chắn sẽ vui. Có thể họ sẽ cảm thấy hạnh phúc nữa. Chẳng hạn như kẻ chống ông. Họ đang cười thầm (có khi còn toe toét nữa). Không hẳn vì họ ghét ông. Mà vì (rất có thể) mọi cái vẫn chỉ là những món lợi của họ bị lấy đi.
Nguyễn Thơ Sinh