Cô Betty Nguyễn trong một lần làm từ thiện ở Việt Nam.
Courtesy of helpthehunger
Những em bé theo gia đình đến Mỹ trong thập niên 70, khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc nay đã là những người trung niên, họ được gọi tên là “thế hệ 1.5".
Cô Betty Nguyễn, niềm hãnh diện của cộng đồng người Việt ở Mỹ, một xướng ngôn viên làm việc trong các đài truyền hình như CNN, CBS được nhiều người ngưỡng mộ không chỉ vì tài năng và thành đạt mà còn được yêu mến vì công việc thiện nguyện cô làm trong tổ chức “Help The Hungry”. Trong một cuộc phỏng vấn với RFA, cô Betty Nguyễn chia sẻ về các chuyến đi làm từ thiện ở nhiều quốc gia, đặc biệt chuyến đi đến Việt Nam để lại trong lòng cô nhiều cảm xúc.
Đồng tâm tình với cô Betty Nguyễn, nhiều người Mỹ gốc Việt “thế hệ 1.5”, là những người được sinh ra ở Việt Nam nhưng trưởng thành ở Mỹ đã trở về làm làm thiện nguyện. Tuy nhiên, không phải ai trong số họ cũng thực hiện được mong muốn của mình ở nơi gọi là “chôn nhau cắt rốn”.
Anh Luân Nguyễn, một em bé đến Mỹ định cư cùng gia đình lúc 3 tuổi, sau hành trình vượt biển dài 4 tháng. Là con của một quân nhân Việt Nam Cộng Hòa mà gia đình phải bỏ nước ra đi sau khi thân phụ được thả về từ trại tù cải tạo, anh Luân Nguyễn hiểu biết về Việt Nam khá nhiều qua những câu chuyện kể của ba mẹ cũng như qua sách, báo.
“Luân ở Mỹ từ nhỏ. Luân nghe chuyện về Việt Nam với lại xem trên tivi thấy cũng buồn lắm.”
Tham gia trong các tổ chức thiện nguyện “Builder for Christ” và “Neverthirst” cùng sự nhắc nhở của gia đình về kết nối giữa quá khứ gốc gác Việt và tương lai của quê hương Việt Nam, anh Luân Nguyễn lên kế hoạch cho các dự án xây nhà giúp người nghèo sau chuyến du lịch Việt Nam vào năm 2007. Qua tìm hiểu các thủ tục để thực hiện những dự án xây nhà thiện nguyện, anh Luân đành từ bỏ ý tưởng của mình.
“Bên đó nhiều luật lệ khó quá, chính trị và chính quyền cũng khó. Thứ hai là trở ngại về ngôn ngữ. Và thứ ba nữa, tiếng Mỹ gọi là ‘red tape’.”
Mặc dù bận rộn với cuộc sống ở Hoa Kỳ và những chuyến đi xây nhà, đào giếng ở các quốc gia Nam Mỹ và Châu Á, anh Luân Nguyễn vẫn luôn nhớ đến người dân nghèo khó tại Việt Nam và hy vọng những thủ tục rườm rà quan liêu ở quốc gia này sớm gỡ bỏ để anh có cơ hội xây lên các căn nhà ấm cúng cho những người không may mắn mà anh gọi là “đồng bào”.
Ấn tượng về quê hươngĐến Mỹ lúc 3 tuổi giống anh Luân Nguyễn, nhưng chị Grace Bùi lại không có khái niệm gì về đất nước nơi chị chào đời cho lắm. Như lời chia sẻ với RFA, chị Grace nói rằng khái niềm về Việt Nam chỉ đơn giản là một quốc gia nhỏ bên kia bờ Thái Bình Dương, không được tiến bộ và sạch sẽ nên không nằm trong danh sách những quốc gia chị muốn đến du lịch. Tuy nhiên, chuyến đi Việt Nam hồi năm 2007 để dự đám cưới một người bạn đã làm thay đổi cuộc đời của chị Grace Bùi.
Đầu tiên là cảm nhận khi máy bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất:
“Khi máy bay sắp đáp xuống phi trường thì tự nhiên mình có cảm giác rất kỳ lạ. Mình cảm nhận là mình đã đến chỗ này một lần. Mình nhìn khung cảnh thì rất lạ, giống một chỗ mình mới đến thôi. Nhưng sâu thẳm trong lòng mình tự nhiên cảm thấy có sự gắn kết nào đó với nơi này, giống như một người bị mất trí nhớ mà bây giờ họ đang cố gắng nhớ lại một chỗ nào đó biết rằng đã tới nhưng không thể nhớ được.”
Vỏn vẹn chỉ một tuần trong chuyến đi Việt Nam, chị Grace có quá nhiều điều để nhớ và lưu tâm. Từ một em bé bán vé số từ chối nhận tiền chị cho để xin được trả cho một bữa ăn cùng các bạn bán vé số khác, cho đến:
“Khi đang đi trên đường đến Lãnh sự quán Mỹ ở Sài Gòn thì Grace nhìn thấy một nhóm người ngồi ở trước cửa. Tự nhiên họ tới có mấy giây thôi và giăng các bảng lên. Grace không biết mấy người đó đang làm gì nên bước lại xem và được một người nói cho biết những người này bị mất đất cho nên họ đến để cầu cứu. Grace đang đứng chụp hình thì công an đến đuổi và làm dữ lắm. Sau đó Grace thấy họ bị bắt lên lên xe buýt, nhanh lắm, 5 phút thôi.”
Trở về Mỹ, những hình ảnh, những con người, những câu chuyện ở Việt Nam thôi thúc chị Grace Bùi tìm hiểu và kể từ đó, chị khám phá được ý nghĩa của từ “dân oan Việt Nam” là gì:
“Thực sự nếu nói chính phủ lấy đất của dân thì xảy ra nhiều chỗ lắm, không chỉ ở Việt Nam. Nhưng ở Việt Nam, chính phủ lấy mà không có trả tiền. Bên Mỹ, nhiều lúc có những chỗ chính phủ cần làm đường hay gì đó thì họ vẫn lấy, nhưng họ trả tiền cho mình. Và nếu dân chúng không đồng ý thì họ cũng không làm gì được. Nhưng bên Việt Nam thì khác, không cho thì chính phủ vẫn lấy. Năm 2010 Grace trở lại Việt Nam một lần nữa và tìm những người bị mất đất nói chuyện với họ. Đó là tại sao Grace bắt đầu làm việc với những người dân oan bên Việt Nam.”
Càng hiểu biết về tình trạng người dân bị mất đất đai, nhà cửa, ruộng vườn khắp nơi ở Việt Nam, chị Grace nghĩ rằng chị cần phải làm điều gì đó để giúp họ. Nhưng chị cũng chưa có được một ý tưởng nào rõ ràng nào nên chị quyết định dành thời gian 3 tháng đi Việt Nam vào năm 2014. Và trong chuyến đi này, chị đã bị Chính phủ Hà Nội trục xuất:
“Khi đến Hà Nội, Grace lại một chỗ kêu là Công viên Mai Xuân Thưởng, thời gian đó dân oan ở chỗ này rất đông. Đến nơi thì công an không cho vô. Mình đứng ở ngoài nói chuyện với một vài người thôi. Lúc đó họ thấy và bắt cóc Grace 12 tiếng đồng hồ.”
Vụ việc xảy ra đã 3 năm, nhưng khi nhắc lại, cảm giác tiếc nuối trong lòng chị Grace Bùi vẫn nguyên vẹn:
“Mình cũng hơi buồn là đã mất cơ hội để mình có thể trở lại Việt Nam làm một vài điều mình đã mong muốn. Nhưng mình cảm thấy (Chính phủ) Việt Nam chưa có sẵn sàng cho những người giống như mình. Tại vì những người khác đi Việt Nam, khi họ làm từ thiện là họ phải thuận phục chính phủ, theo những điều chính phủ đặt ra, nhưng Grace lại không như vậy. Do đó, Grace biết mình sẽ không bao giờ có thể giúp được cho người dân của mình ở Việt Nam.”
Không có cơ hội giúp những dân oan trong nước cũng như ý tưởng mở lớp thiện nguyện dạy tiếng Anh và vi tính cho các bạn sinh viên nghèo tại Việt Nam bị dang dở, chị Grace Bùi quyết định đến sinh sống tại Thái Lan để giúp cộng đồng người Thượng trốn chạy khỏi Việt Nam tìm quy chế tị nạn.
Nhân dịp 30 tháng 4 năm nay, một số những người Mỹ gốc Việt, thế hệ ‘1.5” mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc như anh Luân Nguyễn và chị Grace Bùi đều chia sẻ tâm nguyện làm thiện nguyện ở Việt Nam luôn thôi thúc họ; thế nhưng cánh cửa làm từ thiện của Chính phủ Hà Nội vẫn chưa rộng mở.
Theo RFA