Văn Miếu - Quốc tử giám, Hà Nội. RFA
Văn Miếu - Quốc tử giám là một quần thể di tích nổi tiếng tại thủ đô Hà Nội. Đây chính là trường đại học đầu tiên của Việt Nam nên những ai theo con đường học vấn đều ít nhiều chú ý đến nơi này.
Bạn Nguyễn Mạnh Cường - một sinh viên ngành ngân hàng mới ra trường chia sẻ về vai trò và ý nghĩa của Văn Miếu trong con mắt của bạn, một người trẻ hiện nay.
“Mình biết có một hai dịp các bạn trẻ đến đây khá là nhiều. Thứ nhất là trước khi thi, trước kia có một truyền thuyết rằng nếu các sĩ tử tới đây xoa vào các đầu rùa là thi đỗ vào các trường đại học, nên các bạn trẻ hay đến đây để xoa đầu rùa, nhưng sau đó thì nhà nước đã rào lại. Còn dịp thứ 2 là dịp trước khi ra trường, có thể cấp 3 hoặc đại học, vì nơi đây cảnh đẹp nhiều nên các bạn tới đây để chụp kỷ yếu.
Còn đối với nhà nghiên cứu Hán Nôm, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, thì ý nghĩa và vai trò của Văn Miếu đã có sự thay đổi theo năm tháng:
“Văn Miếu ngày nay nó vẫn là một cái thiết chế nhưng nó có tính chất là di tích lịch sử và đã đem theo những nội dung mới . Ví dụ ngày xưa người ta nhất định là thờ kính Khổng Tử vân vân các thứ, nhưng mà bây giờ thêm một cái nội dung mới là bên cạnh việc thờ Khổng Tử ông tổ của đạo Nho thì người ta còn thờ những nhân vật khoa bảng, những danh nhân. Thì thêm những nội dung mới như vậy là cho thấy dù sao Văn Miếu vẫn còn tồn tại như là một vật thể văn hóa trong đời sống xã hội hiện nay ”
Vừa qua nhiều địa phương tại Việt Nam rộ lên việc xây dựng công trình phỏng theo Văn Miếu ở Hà Nội; tuy nhiên sau khi hoàn thành các địa phương tỏ ra lúng túng không biết đưa vị nào vào thờ chính tại ‘Văn Miếu’ địa phương cuả họ. Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện tiếp lời:
“Ở tỉnh Vĩnh Phúc người ta đầu tư xây dựng một cái Văn Miếu với kinh phí 271 tỷ đồng chẳng hạn , nhưng bây giờ xây xong rồi vẫn bỏ không ở đấy, vì không biết phải đưa những người nào để vào thờ. Nếu đưa Khổng Tử vào thì các nhà nghiên cứu, các học giả địa phương người ta cũng phản đối rồ . Hay tỉnh Hà Tĩnh xây đến 80 tỷ một cái Văn Miếu thì đến bây giờ vẫn bỏ không Hay là Văn Miếu Sơn Tây nằm trên địa phận xã Đường Lâm cũng xây xong 4-5 năm nay rồi nhưng chưa vào hệ thống thờ cũng được, vì người ta không có lý do thuyết phục để đưa Khổng tử vào đó để thờ ”
Vào thời Trần, Lê, Nho giáo rất thịnh hành nên việc thờ Khổng Tử đề cao tinh thần, tư tưởng của Đạo Nho là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, qua bao biến chuyển suốt chiều dài lịch sử, đến nay những người trẻ như bạn Nguyễn Mạnh Cường có cái nhìn về Nho giáo hoàn toàn khác xưa:
“ Đạo khổng giáo được sinh ra là để duy trì trật tự xã hội trong thời kỳ phong kiến, trong khi chúng ta đang ở trong một xã hội hiện đại và có hướng đến dân chủ thì những giá trị về thứ tự trên dưới hay những quy tắc quan thần với cả vua chúa thì những cái đó có thể bỏ qua được, còn những giá trị về con người thi mình nghĩ nó vẫn đúng và vẫn có thể giữ được.”
Chắt lọc những tinh hoa của quá khứ để góp phần xây dựng hiện tại và tương lai theo hướng tốt đẹp hơn là quan điểm mà cả những nhà nghiên cứu như tiến sỹ Diện và bạn trẻ Nguyễn Mạnh Cường cùng chia sẻ. Đối với Nho giáo, những đức tính “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” hay “tôn sư trọng đạo” vẫn còn giá trị hiện nay.
Văn Miếu - Quốc Tử giám được xây dựng từ năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông để thờ các bậc tiên thánh, tiên sư của đạo Nho. Bên cạnh đó còn có chức năng của một trường học hoàng gia mà người học trò đầu tiên là Thái tử Lý Càn Đức, về sau lên ngôi trở thành vua Lý Nhân Tông.
Ban đầu, trường chỉ dành riêng cho con vua và con các bậc đại quyền quý và đến đời vua Trần Thái Tông đã cho mở rộng và thu nhận cả con cái các nhà thường dân có học lực xuất sắc.
Văn Miếu - Quốc Tử giám là một quần thể kiến trúc có giá trị lịch sử tiêu biểu cho thời kỳ phong kiến, cũng là nơi đề cao học vấn và giá trị tư tưởng “tôn sư trọng đạo” của người Việt.
Theo RFA