logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 12/06/2017 lúc 09:03:16(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
UserPostedImage
Thượng tọa Thích Từ Lực trong một buổi sinh hoạt chánh niệm cùng giáo viên, học sinh trường Boddhi Academy (Ảnh: Quảng Pháp)


Đây là chương cuối cuốn sách tôi dự định cho ra đời như một lời ngỏ chân thành cảm ơn đến với mọi nhân duyên, mọi tình thân mà tôi may mắn nhận được suốt bốn mươi năm ở xứ Mỹ. Tình sâu nghĩa nặng canh cánh trong lòng bấy lâu nhưng cho dù có nói khéo, có viết hay cũng không thể bày tỏ trọn vẹn, nói hết những điều mình muốn nói. Những lời rào đón dông dài nào có nghĩa gì chi bằng hãy thành thật với lòng và xin mời người cùng ngồi ôn lại chuyện cũ không khác chi những lời bộc bạch bên nhau.
 
Tôi Yêu Sách
Bốn mươi năm trước, tôi không ngờ đã khởi đầu một chuyến xa nhà vĩnh viễn đồng thời đánh dấu một biến chuyển quan trọng nhất trong đời. Ra đi mà vắng gia đình hay người thân, tâm trạng tôi rơi vào hoang vắng như bao người cùng cảnh ngộ. Nhớ nhà, nhớ những gì mình buộc lòng phải bỏ lại nhưng giờ biết ngỏ cùng ai. May làm sao, tình cờ tờ giai phẩm Xuân 1976  do nhà văn Thanh Nam chủ biên mà tôi không còn nhớ lọt vào tay trong trường hợp nào đã thổ lộ giùm tôi những điều chất chứa. Lúc đó, tâm trạng của đa số người tỵ nạn Việt nam ở xứ Mỹ đều buồn bã, bơ vơ, nhớ nhà, nhớ tất cả những gì mà mình bỏ lại sau lưng. Không chỉ riêng tôi, ai cũng nghĩ  chẳng còn có ngày về. Ngoài ra lòng còn nặng trĩu những lo âu cho cuộc sống trước mặt. Nhưng, lúc đó, ngồi một mình bên thềm vắng với tờ báo trong tay, từng lời văn, câu thơ lần lượt dẫn dắt tôi vào thế giới của quá khứ và kỷ niệm. Tôi đã thổn thức với những hàng chữ vì chúng đã san sẻ cho tôi một cách kỳ diệu biết bao cảm xúc và luyến nhớ. Tôi như thấy mình bớt trơ trọi, bớt cô đơn vì đã tìm được cách " tâm sự với chính mình " hay hơn nữa, nếu cầm bút viết ra những điều thôi thúc mình giãi bày. Như sau này, tôi chợt hiểu ra ý nghĩa nằm trong một câu thơ của người thủ lãnh thơ tự-do, Thanh-Tâm Tuyền, “tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ”, một cách độc thoại nội tâm về phương diện tâm lý theo giải thích của Carl Jung.(*) Như thế, nếu bảo rằng văn chương đã giúp làm sống lại tình cảm với Gia đình, Bạn hữu hay những tình cảm thiêng liêng khác thì quả không sai chút nào.
 
Thật thế, từ nhỏ, tôi đã thích đọc truyện Tàu. Đọc hết những bộ truyện trong nhà  chú thím Hỷ trong xóm, một nơi vừa là quán hàng, vừa là "thư viện" của tôi. Tôi đọc, có lúc quên ăn, bỏ bữa, trời tối lúc nào cũng không hay. Những bộ truyện như Phong Thần, với những phép thần thông, hô phong hoán vũ, hay những câu chuyện tình giữa Địch Thanh và Thoại Ba công chúa, Dương Tôn Bảo với Mộc Quế Anh… cũng làm cho đầu óc non nớt của tôi có cơ hội lớn theo, khả năng tưởng tượng thêm phong phú. Lớn thêm, tôi đọc Tam quốc, Hán Sở tranh hùng… Đông châu liệt quốc như đi lạc vào thế giới của binh pháp, đồ trận, rồi sau này, đầu óc có dịp giang hồ khắp chốn với những bộ võ hiệp của Kim Dung.
 
Sang bên này, khoảng vài năm sau khi đến, nhà sách Xuân Thu đã khởi sự  in lại rất nhiều sách Việt ngữ, và tôi mặc sức đọc. Có đồng nào đều dành trọn cho sách. Mê đọc nên phải  "nhớ nguồn."  Ai cho tiền, khi mua sách hay kinh sách Phật, tôi đều ghi lại phương danh người tặng trên trang đầu như một lời biết ơn. Điều may khác là ở UC Berkeley, có  thư viện Đông Nam Á châu (Southeast Asia) tàng trữ tới mấy ngàn cuốn sách tiếng Việt. Tôi cậy cục làm thẻ thư viện (guest student), với lệ phí $10 một năm là tôi có thể tha hồ mượn sách. Trung bình, cứ 10 cuốn mỗi tuần nằm yên trong ba lô đeo lưng, tôi đi đi về về suốt mấy năm như vậy. Thỏa thuê cho một đời người tỵ nạn, và nhờ đó, mà tôi bớt nhớ nhà!
 
Bước qua giai đoạn khác, khi lên đại học, tôi hiểu rằng: sách là kho tàng văn hóa, văn minh của nhân loại. Biết bao nhiêu điều hay, lẽ phải ở trong sách. Đó là lúc, tôi tìm đọc về lịch sử, đạo học hay về phương diện giáo dục, xã hội… Lại mê văn “lính” của Phan Nhật Nam, truyện viết về tuổi trẻ của Duyên Anh, cảm phục cách làm việc cần mẫn của cụ Nguyễn Hiến Lê, óc phân tích chi li sắc sảo nơi bác Võ Phiến, hay bút pháp minh bạch, khúc chiết của anh Nguyễn Hưng Quốc. Còn nhiều cây bút tài hoa mình phải học hỏi nhưng từ lâu, tôi đã "thẩm định" có 3 nhà văn chiếm vị trí đặc biệt trong lòng tôi (favorite authors).  Ôn Trí Quang thì văn nghiêm trang đúng mực, sách của sư ông Nhất Hạnh  nhẹ nhàng, sáng sủa, và cách diễn đạt của Duyên Anh trong những truyện viết về tuổi trẻ là đúng “tim đen” của mình. Không chê vào đâu được!
 
Duyên may nữa là tôi học môn thư viện học, học cách tàng trữ, xếp đặt, giữ gìn và đưa sách đến tận tay người đọc, nghĩa là không còn có cơ hội nào lớn hơn được gần gũi, tiếp xúc với tác phẩm của hai nền văn hóa Đông Tây kim cổ. Từ những danh tác của văn chương Âu Mỹ cho đến tiểu thuyết tiêu biểu một thời lãng mạn của Tự Lực văn đoàn đều là những món ăn tinh thần quyến rũ.
 
Ngoài ra, không hẳn do trí tò mò thúc đẩy, có một loại sách mà tôi ham tìm đọc là những cuốn sách viết về cuộc sống tu hành do chính tay người tu sĩ viết. Đọc và để thấy hình ảnh mình mờ tỏ trong đó không khác gì soi mặt bằng tấm gương trong. Đọc để so chiếu và hình dung ra những thử thách và đòi hỏi cần thiết mà cuộc đời của người hành trì phải trải qua nhiều khi trong câm lặng, nhẫn nại. Cuốn sách, “một thời làm điệu”, của ôn Thái Hòa, hay tập truyện “tình người” của Tâm Quán, tức là sư ông Nhất Hạnh đều là những tập đoản văn mà tôi coi như gối đầu giường thuở còn chập chững nơi cửa chùa. Kể cả những cuốn sách xen lẫn tự truyện của các Linh mục bên Công giáo nữa. Hay hồi ký của cụ Huỳnh văn Lang, trong đó có đoạn, cụ nói, “mấy lần muốn đi tu rồi, gần tới, mà lại không được, đúng là ý Chúa”.  Tôi rất mực cảm thông và quý mến tấm lòng trung thực của cụ.
Tôi vẫn nghĩ, văn tức là mình, nghĩa là, chính cuốn sách là đứa con tinh thần được hoài thai từ những suy nghĩ cá nhân và kinh nghiệm từng trải. Đến nay, tôi đã in được 7 cuốn sách, trong đó có một cuốn in chung với anh Trần Mạnh Toàn để làm kỷ niệm. Anh là cố vấn văn chương của tôi. Nói ngay, không có anh giúp tôi đọc lại, tôi còn lưỡng lự hoài trước khi quyết định in thành sách! Quyển đầu tiên ra đời vào năm 1991, 100 bài thơ, của nhiều tác giả, một hợp tuyển  tôi chỉ thu thập và viết thêm lời ngỏ. Cũng may, nhờ mấy lời khích lệ của bác Võ Đình, mà tôi lên tinh thần tiếp tục in thêm. Bác nói, “lời ngỏ của Thầy còn hay hơn nhiều bài thơ trong đó.” Thực tình, nhiều bài thơ trong tập, tôi muốn in lại chỉ để “cất giùm” cho tác giả thôi, vì nghĩ rằng, bài thơ nào cũng có giá trị riêng vào thời đại ra đời, nếu không để công gom  thành tập, sẽ  sớm mai một, cũng tội cho công sinh thành ra nó.
Sau đó, đến khi viết thêm được nhiều bài chung quanh việc tổ chức, phương thức hoạt động và hướng đi của Gia Đình Phật Tử, một công cuộc giáo dục giới trẻ mà tôi thường hằng cưu mang như một trọng trách của người hoằng hóa, tôi mới có thêm niềm tin để in tiếp. Quyển ra đời gần nhất, là “Vạn Dặm Rong Chơi, Đường Rộng Mở” (2015) mới đúng là tấm gương phản chiếu tâm trạng của con người bước vào tuổi biết xem nhẹ gánh nặng trên vai bấy lâu với ý thức của một người hành giả chân chính. Và tôi hy vọng quyển kế tiếp “Ngàn Năm Phiêu Bạt, Một Lối Về” ít nhiều sẽ giúp hình dung ra sự tiếp nối nhận thức về sự hiện hữu của con người như cuộc hành trình trở về nguồn cội.
  
Tôi Quý Bạn
   Kinh Phật cũng có lời dạy: “Sanh ta là cha mẹ, tác thành ta là bạn bè”, danh từ đẹp nghĩa gọi là thiện hữu tri thức, tức là những người bạn tốt có lòng  giúp đỡ, khuyến khích chúng ta trên đường tu thân, hành thiện đến chỗ tốt đẹp, thành tựu.
Nhớ lại vào những ngày đầu ở trại tỵ nạn, tôi có một người bạn thật đáng nhớ; anh  tặng tôi hai câu đối lấy từ pháp danh Nguyên Thọ của tôi, nhờ đó, về sau tôi đã chọn được con đường tu tập cho mình suốt 40 năm nay:
 
       Nguyên chơn thường trú vô sanh diệt
      Thọ lý tùy duyên kiến Phật đà
Đúng như vậy, bản thể của cuộc sống là không sanh diệt, biến đổi gì cả, chỉ do nhân duyên mà biến hiện thôi, khi có khi không. Còn chúng ta vì bị nghiệp lực chi phối, cứ chạy theo trần cảnh nên bị sanh tử trói buộc hết kiếp này qua kiếp khác. Do đó, nếu mình có thể sống tùy duyên thì chúng ta có được nội tâm an lành, vững chãi cho đời sống tâm linh của mình. Tôi rất biết ơn anh, sau này, anh cũng trở thành một tăng sĩ có năng khiếu thẩm mỹ rất cao.
Người bạn thứ hai, cũng gặp trong buổi đầu lưu lạc nơi xứ người. Cô chăm sóc tôi với lòng chân thành, làm mình cảm động. Có thể  cùng hoàn cảnh, tâm trạng nên chúng tôi có sự cảm thông thật sâu sắc.  Chuyện không có gì đáng kể nhưng phát xuất từ lòng thành, việc tuy nhỏ đã để lại một ấn tượng khó quên trong lòng mình! Vừa mới đến Mỹ, tôi chưa quen uống sữa tươi vị hơi lạt. Biết vậy, nên sau một ngày làm việc tình nguyện tại Red Cross, cô mang về cho tôi mấy gói đường cát, nhờ đó mà ly sữa được đậm đà hương vị. Ít ra những ngày đầu ở trại tỵ nạn, tôi có cảm giác được an ủy mỗi khi làm quen với vị sữa ngọt ngào.
Tôi là người đa cảm nên dễ xúc động trước những thân tình. Có lần trên đường hành hoạt,  tôi ghé thăm nhà một anh Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử, chị vợ lại là người Công giáo. Tôi nghỉ lại đây qua đêm. Chị đích thân giúp tôi sắp xếp chỗ nằm. Chu đáo và tỉ mỉ nữa là đặt sẵn trên bàn viết mấy con tem gởi thư mà chị nghĩ là cần cho người đi xa. Đây có lẽ là lần hiếm hoi trong đời tôi được nhận sự ân cần như thế. Cũng như khi tôi thấy có một chị xin cúng tuần thất cho Mẹ, mà trên ban thờ, còn có cây tăm xỉa răng và cục kẹo gừng dành riêng cho Mẹ như khi Cụ Bà còn sinh tiền.
Lúc ở trường học, tôi có được nhiều bạn tốt, giúp đỡ tôi trên đường đời. Còn nhớ mãi là người bạn trong lớp ESL của thuở nào. Bà là người Ba Tư có con rể là người Anh, đã giới thiệu cho tôi một chỗ làm trong 2 ngày cuối tuần. Món tiền đầu tiên kiếm được trên đất Mỹ chính là nhờ việc làm này. Tôi nhớ ơn Bà vì có tin cậy Bà mới giới thiệu tôi giúp việc trong gia đình người con. Chắc lúc đó, tôi hiền lắm, ai thấy cũng thương! Như thế, tình bạn làm phong phú thêm đời sống tình cảm, tinh thần. Riêng với kẻ xa nhà như tôi, tình cảm ấy bù lại cho tôi những thứ mà vì xa cách tôi không nhận được từ mái nhà ấm cúng nơi Lương Văn biền biệt.
 
 Bạn Mỹ cũng không thiếu người còn lưu lại trong tôi cảm tình sâu đậm. Tên cô là Tracy. Mỗi lần gặp nhau, chúng tôi chào bằng cách gọi tên nhau 3 lần: Tracy, Tracy, Tracy rất thân thiết. Cùng học chung trong lớp Mỹ thuật, nhưng khi ra trường, tôi chuyển qua Hayward, và học ngành Speech Communications, còn Tracy tiếp tục học, lấy bằng MFA, tức là Master of Fine Arts. Sau này, cô chuyên về ngành Arts Conservation, làm việc ở Paris và Madrid xứ Tây ban nha. Cô có gởi cho tôi mấy cái postcards làm kỷ niệm.
 
Nhưng, không thể quên là khi Tracy lập gia đình, có con đầu lòng, tôi đến nhà ăn cơm tối với Ken, chồng cô, thì cả hai  ngỏ ý nhờ tôi làm cha đỡ đầu cho đứa bé. Tôi rất vui và cám ơn, nhưng buộc phải từ chối vì luật Phật không cho phép người xuất gia làm việc đó. Hai vợ chồng tỏ ra thông cảm, chúng tôi còn giữ liên lạc cả chục năm sau.
Bạn ạ, người xưa rất coi trọng việc kết giao, cũng như việc lập thân, lập chí. Thật là may mắn, tôi đọc được lời khuyên hữu ích về mối tương giao giữa bạn bè của một bậc tiền bối, Tăng Quốc Phiên. Xin được chia sẻ với mọi người. Phần mình, chỉ mong, tôi không làm cho người bạn thất vọng về điều họ trông đợi nơi mình cũng như người mà tôi mong đợi kết giao là người tôi học hỏi được đôi điều hữu ích.
 
 Tám loại người nên kết giao
(Bát Giao)
 1.  Kết bạn với người đức hạnh 
Người đức hạnh có tâm ôn hòa, thân thiện đối với người, rất ít khi mất lòng ai. Kết giao với họ cảnh giới nhân sinh của bạn nhất định sẽ thăng lên.
2. Kết bạn với người hơn mình 
Người thắng mình, chính là giỏi hơn mình về một số phương diện. Học tập ưu điểm của họ, tỷ thí với họ, nâng cao bản thân mình, kết giao được với người như vậy, thì quả là vô cùng hữu ích.
3. Kết bạn với người lý thú 
Một người lý thú, cuộc sống sẽ luôn muôn màu muôn vẻ, tích cực hướng về phía trước, kết giao với họ sẽ giúp hiểu biết và kinh nghiệm sống  của chúng ta thêm phong phú, khiến cuộc sống của ta sẽ vui vẻ thú vị hơn.
4. Kết bạn với người nói thẳng 
Người trực ngôn không e dè, thường rất thiết thực, mỗi khi hoạn nạn họ sẽ bên cạnh ra tay giúp đỡ bạn, chính họ sẽ là người kéo bạn lại nếu bạn đi sai đường, có người bạn như vậy thì quả thực là may mắn.
5. Kết bạn với người chí hướng rộng lớn 
Tam quân có thể đoạt soái, thất phu thì không thể thay đổi chí hướng. Một người không chí hướng, không có định hướng cho cuộc đời mình thì chắc chắn sẽ là một đời tầm thường. Kết bạn với người có chí hướng rộng lớn, có thể làm cho chúng ta định ra phương hướng của mình và nỗ lực thực hiện nó.
6. Kết giao với người hay giúp đỡ người khác 
Một người hay ra tay giúp đỡ khi người khác gặp khốn khó, là rất đáng trân quý, là những người đáng để ta kết bạn nhất.
7. Kết bạn với người biết thông cảm lượng thứ 
Người có thể lý giải, thông cảm với người khác, săn sóc, quan tâm người khác, chính là người bạn tốt. Giao tiếp với họ, sẽ ít có hiểu lầm, tranh cãi, tranh đấu, cũng không cần giải thích nhiều, rất nhiều điều có thể tâm đầu ý hợp, ở bên họ ta sẽ luôn cảm thấy thoải mái dễ chịu. 
8. Kết giao với người nhận phần thiệt về mình 
Phàm là người mà chuyện gì cũng tình nguyện nhận phần thiệt về phía mình, hy sinh lợi ích của mình, chính là quân tử. Người biết chịu thiệt, tất nhiên sẽ hiểu biết sâu sắc về cuộc sống, lợi lộc sẽ không lay chuyển được họ. Làm bạn với người này, bạn sẽ học được rất nhiều đạo lý đối nhân xử thế.
  
Tôi Giữ Nguyện
Ở Mỹ được 40 năm thì tôi đã phát tâm xuất gia hết 38 năm, nên có thể nói, mọi diễn tiến trong cuộc đời tôi đều liên quan đến quyết định quan trọng này. Nếu có điều nào trái với  tâm nguyện sâu xa trên thì tôi đều dành thì giờ suy nghĩ cặn kẽ thấu đáo. Tính tôi chuộng yên tĩnh là không khí thuận tiện cho việc đắm mình trong suy tư, lại dễ mủi lòng trước những cảnh ngộ không may nên sẵn sàng tiếp tay giúp người gặp hoạn nạn, theo đúng quan niệm “ mọi người là bạn bè, anh em một nhà.”  
Ngoài ra, nghĩ lại trong thời gian qua, đặc biệt những năm học đại học, tình cảm gửi trao hay nhận được nơi bạn hữu thật tròn đầy nhưng không thể tránh được điều làm phật ý người, tới nay tôi không thể không ân hận và cam lòng chịu lỗi.
Thật ra, những xao xuyến thường tình của trái tim tuổi thanh xuân không dễ gì tức thời dập tắt. Ngay cả khi duy trì được hạnh nguyện trong một thời gian dài, những tình cảm luyến ái vẫn còn là thử thách đáng kể, những dằng co, day dứt mạnh mẽ trong lòng người xuất gia trẻ tuổi. Bốn câu dưới đây gần như chứng nghiệm cho nỗ lực tự tin vượt qua  
 
Tuổi bốn mươi tràn đầy sức sống
Đem lòng mình trải rộng muôn phương
Cầu cho Đạo pháp miên trường
Người người bớt khổ, chọn đường xuất gia.
  
Bất giác nhìn lại chính mình, thì ra tôi đã quyết chí chọn con đường Bồ tát hạnh, và nguyện suốt đời theo chân Phật.
Ít nhất có 3 thời điểm khi tôi thực tập thiền quán trong những khóa tu dài ngày tại Vạn Phật Thành, Zen Center, và tu viện Tangpulu ở Santa Cruz đã giúp tôi  nhìn sâu, hiểu thêm con người mình. Từ đó, tôi thấy con đường tu hành rất đẹp, lối sống của người tu thật thích hợp với tôi. Tôi hiểu chân ý nghĩa của an vui, hạnh phúc. Điều này cũng luôn ở trong niềm tin và mong ước của bao người: sống vui, sống khỏe, sống thảnh thơi.
Những giây phút vắng lặng an tịnh của tâm hồn, tôi thường kiểm điểm lại đời sống của mình. Cũng có lúc, suy nghĩ của tôi miên man đi ngược dòng thời gian về với quá khứ. Nếu tôi không đi tu, thì nay cuộc đời tôi sẽ trôi nổi về phương nao? Có nhiều phước báo như thái tử Tất Đạt Đa, dù không xuất gia, ngài có thể làm chuyển luân thánh vương khi chọn đường đời, còn tôi, mình có làm nên tích sự gì không, hay chỉ đem lại phiền hà cho mọi người chung quanh thôi. Tôi thường tự nhủ với mình như vậy. May mà mình gặp được thầy, được bạn để chọn đường tu.
 
Bình thường tôi là người sống điều độ, có kỷ luật, nên cuộc sống cứ trôi qua theo những dự tính trước mắt. Học mười năm đại học xong, thọ Cụ túc giới, tôi tính đến chuyện làm việc lợí ích cho Đạo, cho Đời. Cứ vậy mà cuộc đời của người hoằng hóa với những dự tính kế hoạch hoạt động với giới trẻ đã chiếm trọn thời gian, thường xuyên đem lại niềm vui phấn khởi cho mình. Khi thành lập đạo tràng, tôi cũng noi theo đường hoằng pháp lợi sanh của chư Tổ, mà có công phu bái sám, có chương trình hàng tuần hay định kỳ  rõ ràng cho Phật tử nương theo. Ngoài việc góp công thành lập được ba nơi thờ Phật tương đối khang trang, quy tụ được ba đơn vị Gia đình Phật tử ở Hayward, tôi còn có thêm chút trách nhiệm với hai đạo tràng ở Washington, DC và Las Vegas nữa. Bấy nhiêu công khó tưởng cũng được đền bù bằng việc đem lại chút ít lợi lạc cho địa phương.
 
Tuy vậy, phải thú thật với lòng rằng cũng có khi thấm mệt trước những biến đổi khôn lường của đời sống và cả trong lòng người. Nhất là trong việc lập chúng xuất gia, mà trong một khóa tu ở tu viện Lộc Uyển, tôi đã được Sư ông Làng Mai chỉ dạy: Khó, khó lắm! Nhưng con đã “lỡ dại” rồi cũng phải tiến tới mà thôi, bạch Sư Ông. Trong câu chuyện vui nơi trai phòng, chúng tôi còn nhớ mãi lời dạy của một bậc trưởng thượng với những Thầy, hay Sư cô vừa thọ giới:
 
        - Thọ giới rồi mà ra lập Chùa là mất đi nửa cuộc đời. Lập chùa xong mà còn nhận đệ tử nữa là mất đi 2/3 của nửa cuộc đời còn lại.
Nếu đồng ý với suy nghĩ  trên thì nhờ Bạn hãy làm giùm bài toán, coi cuộc đời của người xuất gia còn được bao nhiêu dành cho an lạc? Lập chùa, xây dựng đạo tràng là phải đối diện với rất nhiều trở ngại, đòi hỏi nghị lực và toan tính chẳng khác việc chấp nhận làm dâu trăm họ! Nếu thêm việc lập chúng là nhận đệ tử xuất gia thì phải mang thêm trách nhiệm “giáo bất nghiêm, sư chi đọa.” Nặng lời, khó khăn thì đệ tử giận mà bỏ đi, còn dễ dãi quá thì e rằng, chỉ mất thời gian của nhau mà thầy trò không có lợi ích gì. Câu kết luận, tôi thường nêu ra: tương lai ngó bộ còn mờ mịt quá nếu quý vị không chịu khó tu học, thực tập chánh niệm trong đời sống hàng ngày.
Những lúc xuống tinh thần nhất là khi bệnh hoạn, thấy mình rất cô đơn, rồi thân ảnh hưởng đến tâm. Lúc đó, mình mới biết tu không phải dễ! Vì sao mà quý Ngài thường dạy, chuyện tu hành như bông xoài, trứng cá,  trổ rất nhiều nhưng thành trái, ra quả thì không được bao nhiêu. Biết vậy, tôi đã áp dụng vài biện pháp để phòng thân: không gặp nữ giới khi bệnh hoạn, giữ vững đường tu để báo hiếu cha mẹ và, tự dặn mình, vui thú của cuộc đời thật giả tạm, mong manh. Chạy theo nhu cầu nhất thời của cuộc đời là tiếp tục buông trôi trong vòng sanh tử.
Cũng may, suốt 40 năm có vài “tai nạn” xảy ra mà không đem lại hậu quả nghiêm trọng. Cuộc đời xem ra không đơn giản chút nào!
Còn niềm vui thì không thiếu, hơn nữa, rất nhiều, nên tôi mới "sống sót" đến hôm nay. Có một buổi chiều, tôi ngồi trong căn phòng riêng, nghe bản tân cổ giao duyên nói về tình tự quê hương, thấy nhớ nhà quá. Nào là cha mẹ, anh em, bà con ruột thịt đang ở Việt nam, còn mình một thân nơi xứ người. Cảm thấy tủi thân, rưng rưng, nhưng rồi tôi nhận rõ: không chia cách bây giờ thì sau này cũng sẽ mỗi người một ngả khi vô thường, già bệnh đến. Vừa lúc, đọc xong quyển sách Bát nhã Tâm kinh giảng giải của Ôn Già Lam vào buổi chiều hôm đó, qua một đêm ngồi thiền tôi làm bài thơ dưới đây đánh dấu tám năm tu tập ở San Francisco:
 
 Đêm khuya, canh vắng giở từng trang
 Bát nhã Tâm kinh nghĩa rõ ràng
 Rằng lẽ thật, không: không thật tướng
Giựt mình tỉnh giấc: giấc kê vàng.
Gần đây, khi tụng kinh Hoa Nghiêm ở Trung tâm Phổ Trí, Vacaville, tôi có dịp chiêm nghiệm sâu hơn về ý nghĩa cuộc sống và công hạnh của người tu qua con đường Bồ tát đạo. Quả thật, thế giới vô cùng vô tận, mà cuộc sống của mình lại quá nhỏ nhoi, ngắn ngủi. Phật dạy, hãy phát tâm thương người, làm lợi ích cho mọi loài mới là tạo cho mình một hướng tiến tâm linh tốt đẹp.
 
Bốn mươi năm qua, nhìn lại, thấy thời gian trôi qua thật nhanh! Mới đó, mà nay mình đã trên sáu mươi tuổi. Tre sắp tàn rồi. Cũng may, những em Oanh vũ ngày nào, bây giờ đã học xong đại học, lập gia đình, bồng hai đứa con về Chùa lễ Phật, thăm Thầy, như vậy măng cũng đã mọc lên tươi tốt. Để tạm kết luận cho một đoạn đường huyết mạch khởi đầu từ vận nước truân chuyên, tôi xin chép lại đây lời dạy của Phật trong kinh Hoa Nghiêm: “Vị Bồ tát thấy chúng sanh khổ, cho nên dù mình đã thoát khổ, vẫn phát đại nguyện đi vào biển khổ để độ tận chúng sanh. Nhưng dù vị Bồ tát sống hết lòng với lý tưởng phụng sự của mình mà cũng không thấy có chúng sanh nào được độ cả, tất cả chỉ do nhân duyên mà biến hiện thôi”.
Phóng khoáng thay và cao vời thay cái nhìn rộng mở với tâm Đại Bi của nhà Phật ! Chẳng phải bi quan mà là điều được người người thực chứng.
 
Thích Từ Lực
___________________
(*) Tôi buồn khóc như buồn nôn
      ngoài phố
     nắng thủy tinh
     tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
     thanh tâm tuyền
     buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường
    tôi xin một chỗ quỳ thầm kín
    cho đứa nhỏ linh hồn...
     ( Phục sinh - Tôi Không Còn Cô Độc - 1956)

     --- 
Chanh Niem La Trai Tim Cua Su Song
Mindfulness is the Heart of Life 
Chua Pho-Tu
17327 Meekland Avenue, Hayward, CA 94541-1308 USA 
Phone: (510) 481-1577 * Website: www.chuaphotu.net
Ai đang xem chủ đề này?
Guest (2)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.286 giây.