Hồ Biểu Chánh
(1884 - 1958)
Hồ Biểu Chánh còn tên là Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh, hiệu Thứ Tiên, quê huyện Gò Công, Tiền Giang. Lúc trẻ học chữ Nho, sau học trường Quốc ngữ ở Mỹ Tho và Sài Gòn. Năm 1905, đậu Thành chung (Diplôme d'Étude Primaire Supérieurs Franco-Indigène), làm thông ngôn và ký lục cho Soái phủ Nam kỳ, thăng dần đến đốc phủ sứ (1936), từng giữ chức chủ quận ở nhiều nơi, có tiếng là thanh liêm.
Năm 1941, ông về hưu, Pháp mời làm cố vấn Nghị viện Hội đồng Liên bang Đông Dương, Phó Đốc lý thành phố Sài Gòn và làm giám đốc các báo tuyên truyền cho chủ nghĩa Pháp-Việt.
Năm 1946, Pháp tái chiếm Nam Bộ, mời ông làm cố vấn cho chính phủ Nguyễn Văn Thinh; bị tai tiếng nhưng chỉ mấy tháng thì chính phủ Thinh sụp đổ. Từ đấy, ông chuyên sống với nghiệp văn cho đến ngày 4-9-1958, ông mất tại Gia Định.
Hồ Biểu Chánh là một nhà văn Việt Nam, với văn phong tiêu biểu của người Nam Bộ vào đầu thế kỷ 20. Ông là một trong những nhà văn tiên phong sáng tác bằng chữ Quốc ngữ, cũng là một trong những tiểu thuyết gia đầu tiên ở miền Nam, mở đầu cho thể loại tiểu thuyết hiện đại.
Ông đã đóng góp lớn lao vào sự hình thành thể loại tiểu thuyết khi chữ Quốc ngữ còn phôi thai. Ông để lại một khối lượng sáng tác khổng lồ: 2 tác phẩm dịch thuật; 64 tiểu thuyết, 12 tập truyện ngắn và truyện kể, 12 vở hài kịch và ca kịch, 5 tập thơ và truyện thơ, 8 tập ký, 28 tập khảo cứu-phê bình.
Những tiểu thuyết tiêu biểu của ông: Ai làm được. Cha con nghĩa nặng. Đại nghĩa diệt thân. Hai khối tình. Lá rụng hoa rơi. Một duyên hai nợ. Ngọn cỏ gió đùa. Tơ hồng vương vấn. Vợ già chồng trẻ...
Ngoài ra, có một số tác phẩm của ông đã dùng làm phim: Lòng dạ đàn bà, Nợ đời, Khóc thầm...
Cảm phục: Hồ Biểu Chánh
Hồ Biểu Chánh, son sắt nước nhà
Làm quan thời Pháp, giữ hài hòa
Lo lường Quốc ngữ, luôn bồi đắp
Sáng tác văn thơ, luống thiết tha.
Nguyễn Lộc Yên