Nhiều người già ở Việt Nam vẫn còn phải tự mưu sinh hàng ngày. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Ngoại trừ vào Tết Nguyên Đán, người trẻ ở Sài Gòn ngày nay ít để ý đến ngày tháng Âm Lịch. Bây giờ là Tháng Bảy mùa Vu Lan, mưa Sài Gòn cứ đều đều rớt hạt sáng chiều, nhưng không còn nhiều người trẻ quan tâm tới thời tiết bất thường nữa, bởi đời sống riêng và các kết nối ở thế giới ảo với “bổn phận” like dạo trên Facebook là nơi không bao giờ họ phải mắc mưa hay bị bão gió.
Không phải mọi tin tức đến từ mạng xã hội đều là “thực phẩm” tốt cho tinh thần của người trẻ. Chối bỏ sự quan tâm đến các giá trị gia đình xã hội truyền thống đang là xu hướng chung của cộng đồng công dân trẻ mạng xã hội.
Ngày 4 Tháng Tám tại Bình Thủy, Cần Thơ. Vì các con tranh chấp đất dẫn đến gây rối, người cha 84 tuổi đã dùng dao tấn công để tự vệ và bị con kiện ra tòa. Tòa đề nghị cho người cha hưởng án treo vì sức khỏe yếu. Tuy nhiên, các con nhất quyết đòi bỏ tù cha ruột của mình.
Tin về phiên tòa trên được chia sẻ lên mạng xã hội nhưng chẳng mấy ai quan tâm. Từ một cách nhìn khác biện minh rằng, ở Việt Nam và Sài Gòn hiện nay, các chuyện đảo lộn luân thường đạo lý, mất nhân tính diễn ra hàng ngày khiến dư luận nhàm chán không hơi đâu để tâm bất nhẫn.
Mới đây mạng xã hội đưa thông tin về trường hợp con rể nhét bùn đất vào mồm mẹ vợ ở thôn Cao Xá, Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội. Lý do, bà cụ bị cả hai vợ chồng cô con gái đánh và nhét bùn đất vào mồm chỉ vì dám đòi lại số tiền đã cho con gái vay.
Cứ cho là các chuyện bại hoại đạo đức đó không câu được nhiều “like” là bình thường, thậm chí cho rằng nền tảng đạo đức gia đình xuống cấp chỉ là một góc nhỏ trong thực trạng suy đồi của tất cả các giá trị văn hóa xã hội.
Làm cách nào, cần phải thay đổi theo giá trị nào để hạn chế được những thảm trạng gia đình trong đời sống tương lai của các người Việt trẻ.
Thưa rằng. Có khi văn hóa – đạo đức truyền thống gia đình Việt đang bị tấn công hủy hoại bởi chính vì các giá trị đó không tìm được phương cách mới để thay đổi, để thích nghi với một thời đại mới.
Người phụ nữ lớn tuổi ở chợ Cà Mau vẫn chèo xuồng mò vớt từng bao ni-lon để kiềm sống qua ngày. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Trong một chuyến đi về vùng quê ở một tỉnh miền Tây, chúng tôi nghe người dân quê ở đây bàn về việc có ông Việt kiều từ Canada về dự định xây một nhà dưỡng lão cho dân quanh vùng. Đa phần người Việt nhất là ở miền quê, người ít học đều cho rằng nhà dưỡng lão là nơi dành cho người già nghèo khổ, không con cái thân nhân nuôi dưỡng. Ông Việt kiều này xây nhà dưỡng lão là làm từ thiện tích phúc.
Người rành hơn cũng phần nào biết ở các nước phương Tây đa phần người Tây và Việt kiều chọn sống ở nhà dưỡng lão cho những năm cuối đời người. Nhưng ông Việt kiều Canada xây nhà dưỡng lão không phải để làm từ thiện mà là một nhà dưỡng lão tư, dành cho những người lớn tuổi không muốn sống với con cái hoặc con cái chọn đưa cha mẹ, ông bà vào để phụng dưỡng theo cách mới.
Trò chuyện với người quê về cái nhà dưỡng lão tư, họ không tin người già trong nước chịu sống ở nhà dưỡng lão và họ nhất định bám vào giá trị truyền thống gia đình rằng: Đạo lý người Việt là phải phụng dưỡng cha mẹ tuổi già. Ai đem cha mẹ khỏi gia đình bỏ vô nhà dưỡng lão là thứ đồ bất hiếu.
Hẳn nhiên nhà dưỡng lão mà vị Việt kiều định xây ở vùng quê, việc thành công hay thất bại không ở chỗ nó chất lượng phục vụ tốt hay xấu mà chính là có thay đổi được nhận thức truyền thống bất biến: Cha mẹ về già phải sống chung nhà với con cháu hay không.
Việc đưa mô hình nhà dưỡng lão về Việt Nam không có gì mới, nhưng đưa với ý thức góp phần thay đổi nhận thức về chuyện phụng dưỡng cha mẹ tuổi về chiều cho cả cộng đồng truyền thống, hạn chế các bi kịch của cha mẹ, ông bà khi sống chung đụng hàng ngày với con cháu mới là một giá trị lớn đáng trân trọng.
Từ chuyện ý thức để hình thành đạo lý phụng dưỡng cha mẹ tại nhà riêng đến ý thức việc phụng dưỡng cha mẹ từ nhà dưỡng lão là hành trình dài và đầy trở ngại. Nhưng nếu ai đó vội vàng cho rằng đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão là thói theo đuôi, lai căn cách sống phương Tây thì họ nên nghĩ rộng hơn, bởi không thời nào lối sống người Việt nhất là người Việt ở các đô thị lớn lại Tây cho bằng thời này, và cũng không thời nào mà người già bị đẩy ra đường phố ăn xin, bán vé số, hàng rong… nhiều bằng thời này.
Không tính tới việc họ bị con cái tận dụng sức mòn lực kiệt để trục lợi, chỉ tính đến việc người già phải gối mỏi lưng còng tìm mưu sinh hàng ngày thì cũng đủ thấy sự phá sản của cách phụng dưỡng truyền thống của người Việt Nam.
Trong hổ lốn các kiểu sống quơ quào từ phương Tây mà người trẻ tìm thấy, du nhập từ mạng xã hội không biên giới đang được nhà nước độc tài kích động là hội nhập với thế giới. Trong tất cả cái ngộ nhận hay tự nhận là hiện đại đó dù muốn dù không, phần chuẩn bị ý thức làm bổn phận của người con có hiếu phụng dưỡng cha mẹ tuổi về già từ các nhà dưỡng lão vẫn là giá trị của lối sống hiện đại và văn minh.
Trần Tiến Dũng/Người Việt