Chuyên gia còn có khác biệt khi đánh giá giá trị, nguồn gốc của 'Cột đá thề'Dù khó xác định nạn trấn yểm, hay giải bùa ở một số địa điểm mang yếu tố tâm linh ở Việt Nam có bàn tay của người trong nước, hay nước ngoài hay không, những tin tức này đang tiếp tục làm nhiễu loạn dư luận ở nước này, theo ý kiến của một số nhà quan sát.
Trao đổi với BBC Việt ngữ hôm 06/5/2013, Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng hiện nay chưa có cơ sở để nói có việc yểm bùa này hay không, tuy trong lịch sử có thể có.
Giáo sư Thịnh nói: "Chuyện yểm trong lịch sử thì có, nhưng có phải người ta làm cái đó không thì bây giờ không có cơ sở nào để khẳng định cả.
"Tôi hoàn toàn bác bỏ việc nói rằng trong Đền Hùng trước kia quân Nguyên Mông từ hồi thế kỷ thứ 13 đã yểm.
"Tôi nói cái đó vô căn cứ vì di tích Đền Hùng mới có từ thời Nguyễn thôi. Cho nên những lời đồn đó không có cơ sở nào cả."
Nhà nghiên cứu cho hay thêm việc cho rằng ở Việt Nam hiện nay có những địa điểm tâm linh, long mạch, có thể có nguy cơ bị yểm hay không, cũng chỉ đều là những lời đồn đoán, có thể gây hoang mang trong cộng đồng.
Ông nói:
"Nói chỗ này, chỗ kia, thí dụ chỗ Hồ Tây chẳng hạn, tôi nghĩ chưa chắc đã phải. Đó hoàn toàn là những lời đồn thôi chứ không có bản đồ nào chỉ những điểm có những cái huyệt hoặc những điểm nào đó mà có thể điểm, cái đó chỉ là những lời đồn thôi."
Gần đây trên truyền thông mạng rộ lên các bàn luận đặt vấn đề liệu ở khu di tích Đền Hùng, thuộc tỉnh Phú Thọ, có thực sự bị xáo trộn không gian thờ cúng, tâm linh hay không, xung quanh một số hiện tượng, chẳng hạn có một "hòn đá yểm" hay "giải yểm" đã được đưa vào khu di tích, trong khi một "cột đá thề" có "uy lực tâm linh" đã bị thay thế và mang đi chỗ khác.
Giáo sư Ngô Đức ThịnhVề điều này, Giáo sư Trần Lâm Biền, chuyên gia tôn giáo học từ Hà Nội cho BBC biết ý kiến:
"Ở khu vực Đền Hùng không có những chuyện xáo trộn đâu. Nếu nó có một hiện tượng gì gây xáo trộn, thì nó nằm ngoài khu di tích Đền Hùng."
'Đưa đá bừa bãi'Tuy nhiên, theo Giáo sư Biền, nếu có những rắc rối nào đáng bàn liên quan tới Đền Hùng, thì cần cương quyết xử lý:
Ông nói thêm:
"Trong đó, ngành văn hóa họ ứng xử rất cẩn thận, từng tí một. Chỉ có điều ai đó đưa vào trong Đền Hùng những thứ không phải của Đền Hùng, thì cương quyết bỏ ra ngoài, để không gây thêm rắc rối.
"Chẳng hạn việc đưa vào Đền Hùng cái hòn đá, cứ đưa bừa đi, nghệ thuật không phải nghệ thuật, triết học không phải triết học, nó là hình tượng của một cá nhân sáng tạo ra để đưa vào đấy, chứ không có một giá trị gì."
Giáo sư Biền khẳng định nguyên tắc xử lý: "Cái gì không phải của Đền Hùng mà đưa vào không có phép và vô nguyên tắc thì nhất định phải đưa ra."
Về việc một hòn đá "yểm" sau khi được đưa vào đã bị chính quyền chuyển ra khỏi khu di tích, Giáo sư Ngô Đức Thịnh nêu quan điểm:
"Bây giờ cứ chiểu theo pháp luật, Luật Di sản thôi, tức là khi kiểm kê Di tích Đền Hùng, người ta không có vật đó, hoàn toàn trong hồ sơ kiểm kê không có, và bây giờ bỗng nhiên nó có, và gây nên những xì xào, thì tốt nhất phải đưa cái đó ra khỏi.
"Tôi được biết hiện nay hòn đá đã được đưa ra ngoài rồi và chỉ đạo của Bộ Văn hóa cũng là như vậy."
Về việc được cho là một cột đá thề bị thay thế tùy tiện, Giáo sư Thịnh nói qua điện thoại từ Hà Nội:
"Sau một thời kỳ, khi tu sửa, các anh thay vào đó một cột đá khác, bằng đá granit, trông có vẻ đẹp hơn nhưng nó là đá mới.
Còn cột đá cũ, các anh nói cho vào Bảo tàng Đền Hùng, nhưng chính tôi vào Bảo tàng Đền Hùng cũng không nhìn thấy cột đá ấy. Thì không biết cột đá ấy đi đâu.
Giáo sư Thịnh cho rằng việc làm này là có chủ trương, có sự đồng tình của Chính quyền và nhà quản lý văn hóa, nhưng ông cho rằng việc làm này là không nên.
'Lãnh đạo cũng tin'Tuy nhiên, việc đánh giá về giá trị và nguồn gốc của cột đá được cho là "Đá thờ" này ở các chuyên gia có điểm khác biệt.
Giáo sư Trần Lâm Biền bình luận với BBC:
"Rất may mắn là tôi đã làm (nghiên cứu) Đền này từ đến hơn 50 năm, hơn nửa thế kỷ rồi, trước đây chẳng có cái cột đá nào cả gọi là Cột Đá thề.
Giáo sư Trần Lâm BiềnGiáo sư Biền cho rằng cột đá thề là một sản phẩm của nhân thức dân gian và truyền thuyết:
"Và từ truyền thuyết ấy, một thời người ta cũng đưa bừa vào và khi đưa vào, chúng tôi nhìn thấy cái cột ấy, đấy là một cột của một kiến trúc bị bỏ ra, người ta đưa lên đấy,
"Mà cột đá vuông ấy có những lỗ mộng, như vậy tính về mặt niên đại mà xét, thuộc về lĩnh vực kiến trúc, nó là sản phẩm của cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20."
Theo Giáo sư Biền: "Trước trường hợp như thế, thì không thể đánh lừa dân được và cái cột đó nhất đinh phải bỏ ra"
Câu chuyện 'đền Hùng bị đạo sỹ Phương Bắc yểm bùa' từng rộ lên hồi tháng 4 năm nay rồi tưởng như đã lắng xuống.
Nhưng hôm 05/6/2013, tờ Đời sống và Pháp luật, thuộc Hội Luật Gia Việt Nam có bài viết đưa trường hợp cột đá thề tranh cãi này tới một góc độ nhìn nhận khác của pháp luật:
"Việc di dời cột đá thề ở Đền Hùng có thể khép vào hành vi phá hoại di tích lịch sử."
Sự quan tâm đến chủ đề tâm linh hoặc mê tín dị đoan ở Việt Nam còn lan cả vào các hoạt động mang tính kinh doanh và đầu cơ chính trị và thậm chí gây ra nhiễu loạn dư luận.
Cũng hôm nay 6/5, một chuyên gia về tâm lý học tôn giáo từ Hà Nội nhận xét với BBC Tiếng Việt:
"Tất cả các hiện tượng này cho thấy Việt Nam, từ một bộ phận người dân tới một bộ phận lãnh đạo, trong đó có quần chúng và các nhà quản lý đang có chung một khuynh hướng quan tâm đặc biệt tới đời sống tâm linh
"Tuy nhiên, việc quá chú ý tới các hiện tượng tâm lý mà nhiều người gọi là thuộc về cõi âm, dù dưới các lý cớ về thờ phụng hay nghiên cứu văn hóa tâm linh, mà thái quá, thì cũng có thể là một dấu hiệu bất cập trong xã hội,"
"Chưa kể tới việc chúng có thể gây ra những rối nhiễu trong tâm lý đám đông, quần chúng, mà lo lắng, bất an, gây tổn phí, lãng phí tinh thần, vật chất khi xử lý, có thể là một trong những hiện tượng đó," chuyên gia không muốn tiết lộ danh tính này nói với BBC.
Source: BBC