Trong năm 2017, giới âm nhạc Bắc Mỹ chịu một cái tang lớn khi Chester Bennington, giọng ca đầu đàn của ban nhạc Rock Linkin Park ở California, nổi tiếng trong thập niên vừa qua, mới ở tuổi 41, đã tìm cái chết bằng cách treo cổ tại nhà riêng ở Los Angeles vào tháng bảy vừa qua.
Nguyên nhân nào khiến người nghệ sĩ tài danh sớm chán đời? Chester rất thành công trong nghề trình diễn, con cái đầy nhà và mới đây mua một căn nhà giá tới trên 2 triệu Mỹ kim. Tiền tài danh vọng, vợ đẹp (người mẫu Talinda Ann Bentley), con khôn đều đầy đủ sao lại bỏ cuộc chơi nửa chừng làm cho biết bao khán thính giả ái mộ luyến tiếc và thương xót? Có người cho rằng Chester có người bạn thân là nhạc sĩ Chris Cornell. Nhạc sĩ tài hoa này là tinh thần của ban nhạc Rock Soundgarden, ở Washington. Bỗng nhiên vào tháng 5 vừa qua, ở tuổi 53, ông đã treo cổ tự tử! Phải chăng cái chết của Chris Cornell trước đây đã ám ảnh Chester Bennington?
Dư luận đều nói đa số nghệ sĩ là những người giàu cảm xúc, vô cùng lãng mạn, lại có thể dễ vướng đam mê nghiện ngập rượu hoặc ma túy. Từ đó tâm thần bất ổn và rơi dần vào vòng trầm cảm nếu gặp sóng gió trong đời sống. Trầm cảm tiêu hao dần tinh thần con người và vào một lúc nào đó, do một cảm xúc mạnh tác hại như cảm thấy sự nghiệp có áp lực, tình yêu tan vỡ, mộng vàng phút tan…đã ngã lòng và bị buồn sầu bao phủ không lối thoát như một nhà thơ từng than thở:
Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?
Với tôi, tất cả là vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!
Trầm cảm không phải chỉ tạo sự bi quan mà kể như nguyên nhân chính dẫn tới nạn tự tử.
Cũng trong năm 2017, cái chết của một đôi uyên ương trẻ ở Staffordshire, Anh quốc đã làm cho nhiều người cảm thương. Người phụ nữ trong gia đình bất hạnh này có tên là Kirsty Farbrother, 21 tuổi, có bạn trai là Callum Lines. Đôi bạn cho ra đời một bé trai tên Reece vào năm 2012. Reece sinh non nên yếu đuối và sớm qua đời. Chàng trai Callum Lines, sau đó bỏ đi mất tung tích, để người phụ nữ trẻ ôm sầu hận trong lòng. Rồi vào tháng 5, 2016, Lines không biết nghĩ sao, trở về đoàn tụ với Kirsty. Callum Lines do quá xúc động với kỷ niệm cũ, với hình ảnh con thơ yểu mạng, nên vào tháng 8, 2016 cũng tìm cách quyên sinh. Còn lại Kirsty Farbrother, biết yêu từ thuở 17 và chưa được hưởng nguồn vui nào từ tình yêu, mà trong năm năm (2012-2017) chứng kiến hai cái chết của những người thân yêu nhất, nên từ đó, cô sống trong kỷ niệm đau buồn, chỉ biết tâm sự với trang giấy và những giòng lưu niệm, chỉ biết nhỏ lệ thâu đêm, và cứ thế tinh thần suy thoái dần. Người phụ nữ đa cảm sao có thể chịu đựng nổi trầm cảm nên cũng tìm cái chết vào tháng đầu năm, 2017.
Nhạc sĩ guitar lừng danh Chris Cornell của ban nhạc Soundgarden treo cổ vào tháng 5, 2017
Thần kinh căng thẳng liên tục là căn bệnh của thời đại và con người càng dấn thân vào vòng mưu sinh và danh lợi áp lực càng cao. Tình trạng thần kinh đã lên gần hết độ căng xảy ra nhiều hơn ở thành thị, nhất là thành thị lớn như ở Bắc Mỹ. Cũng vì thế nhiều chuyên gia ở đây đã viết cẩm nang để đối phó với hiện tượng trên, một hiện tượng tâm lý nếu kéo dài và không kịp thời chữa trị sẽ có cơ nguy dẫn tới các hậu quả kinh khủng làm hại mình và hại người xung quanh. Nhà tâm lý báo nguy nếu khẩn trương kéo dài sẽ gây ra sự thay đổi về cân bằng hormone trong cơ thể (constant stress brings about changes in the balance of hormones in the body.)
Không nên quên, bị áp lực, bị căng thẳng hay bị khẩn trương là hiện tượng tâm lý bình thường trong đời sống con người nhưng nếu nó xảy ra trường kỳ cho một người mới gọi là một trạng thái bệnh lý. Ngày nay danh từ y học gọi dạng bệnh lý này bằng nhiều tên khác nhau. Người Tàu gọi nó là áp lực, khẩn trương, còn danh từ Âu Tây gọi nó là stress. Trong bài này chúng ta sử dụng cả ba cách gọi vì hiện nay cả ba danh từ trên đều đã quen với chúng ta. Làm cách nào để khống chế stress hay khẩn trương? Muốn làm việc này trước hết phải hiểu rõ khẩn trương hay stress tác dụng ra sao đối với cơ thể con người.
Trong bài “6 lessons for Handling Stress” (Sáu bài học cần biết để khống chế Stress) của tác giả Christine Gorman đăng trên tờ Time số 29 tháng 01, 2007, giúp chúng ta ý thức được ảnh hưởng của áp lực đối với con người ra sao để ra tay đối phó.
1-Áp lực có thể giải tỏa:Sự tiến hóa đã cung cấp cho não bộ chúng ta nhiều cách để đối phó với các thăng trầm của cuộc sống từ việc tích lũy hóa chất, có công dụng như bộ phận ngắt, giúp khóa chặt sự tiết ra chất hormone hay kích thích tố, tới toàn bộ hệ thống thần kinh chỉ có công dụng duy nhất là làm bạn bình tĩnh lại. Nhưng rắc rối ở chỗ là cuộc sống bình nhật có nhiều áp lực lên thân tâm chúng ta và nếu lâu lâu mới đi chơi cuối tuần thì không đủ giải tỏa. Bạn có thể cố gắng bỏ qua nhu cầu thư giãn định kỳ, nhưng coi chừng tai hại đấy. Càng ngày càng có nhiều chứng cớ chứng tỏ tình trạng khẩn trương hay stress sẽ chẳng buông tha bạn. Tại Mỹ, các vụ đòi bồi thường vì căng thẳng, trầm cảm và làm việc kiệt sức đã phát triển thuộc vào loại nhanh nhất trong các vụ khiếu nại mất khả năng lao động.
Kirsty Farbrother, 21 tuổi, sống trong kỷ niệm với hình bóng con thơ và người tình cho tới lúc tự tìm cái chết vào đầu năm 2017
Rủi thay người ta thường đối phó với stress bằng những cách sai lầm. Một nghiên cứu do Mental Health America thực hiện, đã phát giác người Mỹ đối phó với tình trạng stress bằng cách ngồi xem truyền hình, bỏ bê tập tành và hoạt động. Tai hại của các biện pháp trên là chúng đã cản chúng ta cơ hội giải tỏa gánh nặng ưu tư có thể nhờ hoạt động hay đi đây đó thăm bè bạn hay thân thích. Không những thế chúng còn tăng thêm căng thẳng cho thân tâm chúng ta.
Ngay cả việc thường dùng các phương tiện truyền thông mà chúng ta ưa chuộng nhất như cell phôn hay các phương tiện gửi e-mail di động nhiều khi có tác dụng bất lợi vì gây thêm khẩn trương. Trong lúc chúng ta đang căng thẳng và muốn tạm xa công việc để thư giãn, chúng lại tạo thêm áp lực cho chúng ta do những cú điện thoại hay e-mail gửi từ văn phòng làm việc dù chúng ta đang muốn nghỉ xả hơi.
Hai mươi năm trước đây người ta tưởng rằng nguyên nhân gây ra tình trạng căng thẳng cho một kẻ làm việc là do công việc quá nặng nề hay vì thiếu khả năng khống chế việc làm. Nhưng những nghiên cứu mới đây như của Christina Maslach thuộc Đại học California, Berkeley cho thấy chính sự thiếu công bình trong môi trường làm việc và sự thiếu hài hòa giữa nhân viên và các công ty về tiêu chuẩn làm việc đã có vai trò mãnh liệt gây ra sự căng thẳng.
2-Khẩn trương thay đổi diễn biến hóa học trong máu.
Trước đây các nhà tâm lý đã chú trọng tới biểu lộ của kẻ trong tình trạng tinh thần kiệt quệ như mất năng lực, thiếu hăng say và mất tự tin trong sinh hoạt. Nhưng ngày nay nhờ các phương pháp tân tiến nghiên cứu não bộ, xét nghiệm máu, các nhà khoa học đã nhận ra một số thay đổi trong tinh thần và cơ thể của người bị stress.
Trước hết là kích thích tố hay hormone có tên là adrenaline tăng cao khi bị khẩn trương. Nó có thể dẫn đến mạch của chúng ta gia tăng nhịp chuyển, tóc gáy dựng ngược, giúp chúng ta chống lại hay bỏ chạy trước một vật đe dọa hay một tình trạng nguy cấp gần kề. Ngoài ra, còn một hormone khác nữa thường xuất hiện trong tình trạng một người bị khẩn trương. Đó là sự hiện diện của chất cortisol. Chất này tiết ra chậm hơn adrenaline nhưng lại ở trong máu lâu dài hơn. Nhưng có điều ít người biết là mức cortisol nếu quá cao và kéo dài trong máu có hại cho cơ thể thì nó ở mức quá thấp cũng gây tai hại không kém.
Cũng từ những khám phá trên các nhà khoa học cho thấy cơ thể trước tình trạng bị áp lực đã diễn ra khá phức tạp dưới nhiều dạng khác nhau nhưng có liên quan với nhau, bao gồm tình trạng rối loạn tâm lý hậu-chấn-động (PTSD hay post-traumatic stress disorder), kiệt sức vì làm việc và mệt mỏi thường xuyên.
3-Chúng ta không thể tránh được áp lực mà chỉ giải tỏa được nó. Những dòng tâm sự trong cuốn Với tử thần (Death book) của Kirsty Farbrother
Dù trong một việc làm bình thường nhất như lúc thức giấc buổi sáng cũng có áp lực. Nhờ đâu chúng ta thức giấc? Khoa học cho biết trong não bộ chúng ta có một bộ phận nhỏ bé ở ngay đáy não có tên là hypothalamus (vùng khâu hay đồi não dưới) vào đúng lúc ta sắp tỉnh giấc nồng đã gửi tín hiệu cho nang thượng thận (adrenal glands) ở trên thận của chúng ta để ở đó bắt đầu tiết ra chất cortisol, có tác dụng như hồi chuông báo thức. Mức cortisol tiếp tục tăng cao cho tới lúc bạn biết rằng đã tới lúc phải chấp nhận trời đã sáng và ngày mới bắt đầu. Mức cortisol cao như thế và nếu kéo dài sẽ có hại cho cơ thể. Nhưng kỳ diệu thay, não của bạn đã can thiệp kịp thời giúp bạn khỏi bị “sốc” chỉ vì ngày mới trở lại mình không thể nằm nán lại, bằng cách bắt bộ phận hypothalamus ngừng phát ra tín hiệu báo động, nang thượng thận ngừng tiết chất cortisol.
Khoa học cho biết phần đông chúng ta có mức cortisol lên cao vào buổi sáng sớm sau khi thức giấc nhưng mức này hạ thấp dần trong ngày. Nhưng đối với những người bị trầm cảm nặng thì lại khác, mức cortisol ở họ có thể cao suốt ngày. Hình như bộ phận hypothalamus quên tắt máy báo hiệu hay nang thượng thận cứ tiếp tục tiết kích thích tố. Đây cũng là điểm nên chú ý: những người thiếu ngủ thường có chất cortisol cao kéo dài trong ngày.
Nhưng không phải cortisol cao và kéo dài là dấu hiệu xấu mà ngày nay các nhà khoa học còn nhận định nếu mức này thấp quá cũng là nguy cơ cho thân tâm con người bị trầm cảm nặng
4-Stress khiến con người mau giàCác nhà khoa học từ lâu ngờ rằng khẩn trương hay stress kéo dài có thể tác hại tới hệ thống miễn nhiễm của con người nhưng họ chưa biết rõ mức tác hại ra sao. Cho đến hai năm trước đây, các nhà khoa học của Đại học California, San Francisco khi nghiên cứu các tế bào bạch huyết của một nhóm người mẹ có con bị các triệu chứng bệnh lý mạn tính như não tê liệt (cerebral palsy), thiếu khả năng truyền thông hay chứng tự kỷ (autism) đã thấy ở họ có dấu hiệu già trước tuổi. Các dấu hiệu này đã xảy ra ở tầng kiến trúc cực vi của tế bào có tên là telomeres (người Tàu dịch là đoan lạp chỉ hạt nhỏ ở hai cực của chromosomes hay nhiễm sắc thể) có vai trò bảo vệ cho các chromosomes khỏi bị xé nhỏ. Theo nhận xét thì tế bào non hay trẻ nhất có telomeres dài nhất, nhưng telomeres ở các bà mẹ lo âu ngắn hơn ở mức đáng kể so với các loại trên, khiến họ già trước tuổi từ 9 tới 17 năm.
5-Áp lực không phải giáng xuống đồng đều đối với tất cả mọi người trong cùng một môi trướng có áp lực.Vào năm 1995, các nhà khoa học của Đại học Trier ở Đức đã chọn 20 nhân viên nam tình nguyện trong một thử nghiệm bị áp lực xem họ đã bị kích thích ra sao. Các nhà khoa học tạo ra một tình trạng kích thích giả: các đối tượng thử nghiệm được hỏi dồn dập bằng câu hỏi và khả năng tính toán với sự hiện diện của người lạ có trách nhiệm luôn bắt bẻ và chỉ trích chỗ sai lầm của họ nếu họ mắc phải. Như dự đoán, ban đầu mức cortisol ở các đối tượng tăng cao nhưng sang ngày thứ hai, mức này ở đa số đối tượng không tăng cao nhiều. Kinh nghiệm đã cho họ thấy rằng thử nghiệm này không có gì ghê gớm lắm nên áp lực nơi họ mới giảm. Tuy nhiên, trong nhóm này, có bảy người lại có mức cortisol trong ngày thứ tư cao xấp xỉ ngày đầu. Mãi tới ngày thứ năm phản ứng của nhóm nhỏ này trước áp lực mới biến mất.’
Chu Nguyễn