Ngay từ thời ngồi trên ghế nhà trường ở bậc tiểu học, tôi thường phải viết những bài luận đề: Không thầy đố mày làm nên, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn,… Lớn lên, sự suy luận và kinh nghiệm sống tương đối đã tạm dùng, thì lại có những đề tài có tính cách triết học và tôn giáo như Phật nói: “Không có chúng sinh, thì không có Phật.”
Tất cả những câu trên đều đúng, có câu đúng theo một chiều, có câu đúng theo hai chiều. Chẳng hạn câu “Không thầy đố mày làm nên,” ngay Đức Phật cũng phải tầm kiếm thầy để học hỏi tiến hóa. Theo tôi câu này đúng một trăm phần trăm theo chiều từ thầy xuống trò.
Câu “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đúng cả hai chiều, có nghĩa là người ăn phải nghĩ tới sự trồng trọt của người nông phu, nhưng người nông phu cũng phải cám ơn, có người tiêu thụ, thì mới ra công ra trồng trọt.
Còn câu “Không có chúng sanh, thì không có Phật” có nghĩa là chỉ có Phật sau khi có chúng sanh, chúng sanh nhận biết ra Phật, đặt tên cho Phật, chứ không phải Phật tự nhận mình là Phật.
Còn người thầy thuốc theo tôi, “Không có bệnh nhân, thì không có thầy thuốc.”
Cho nên Hải Thượng Lãn Ông viết: “Tôi sưu tầm, nghiên cứu từ 30 tới 40 tuổi mới biết làm thuốc, từ 40 tới 50 tuổi mới đỡ sai lầm, từ 50 tới 60, 70 mới không sai lầm…”
Theo kinh nghiệm bản thân, mặc dầu được đào tạo tại Đại Học Đông Y nổi tiếng tại Los Angeles, nhưng đây vẫn là những kinh nghiệm của bậc tiền bối để lại, để soi đường, chỉ lối, dẫn dắt cho thế hệ sau được dễ dàng hơn, ít bị sai lầm hơn, khi chữa trị. Nhưng tất cả vẫn chưa phải là của mình.
Chỉ sau khi suy luận dựa vào những căn bản của người thầy thuốc tối thiểu phải thông suốt, thế nào là bát cương: âm, dương, biểu, lý, hàn, nhiệt, hư, thực; thế nào là phù, trầm, trì, sác; thế nào là tạng, phủ, biết sự liên hệ các tạng phủ theo ngũ hành, tương sinh, tương khắc, tương thừa, tương vũ; phải hiểu phong, hàn, thử, thấp, táo, nhiệt, thế nào là tiêu bản, thế nào là thất tình vui, giận, buồn, lo, nghĩ, kinh, sợ…
Đem áp dụng vào chữa trị và thay đổi những phương thang sẵn có thích hợp với từng thể trạng của bệnh nhân, tạo được những kết quả theo ý của mình, thì những vị thuốc và những thang thuốc này mới là của mình. Vì mình biết chắc khi mình cho thuốc, người bệnh nhân sẽ cảm nhận được những gì mà người thầy mong muốn.
Từ năm 1982 cho tới nay, đã trải qua 40 năm được học hỏi qua những người thầy vô cùng quý giá, người thầy đó chính là những bệnh nhân của tôi.
Cho nên, nhân dịp Giáng Sinh về, tôi không biết nói gì hơn ngoài lời thành thực cám ơn những bệnh nhân, đã cho tôi những kinh nghiệm vô cùng quý giá, sự hiểu biết rõ ràng hơn, vững vàng hơn khi cho thuốc và chữa trị các loại bệnh, đồng thời cũng giúp cho tôi có đủ để sống an vui, chay lạt, quay về với bản lại của mình.
Ngoài ra, còn nhiều bệnh nhân có những kinh nghiệm do gia đình hay người thân truyền lại những bài thuốc gia truyền quý báu, mà họ sẵn sàng cho tôi để giúp cho bệnh nhân, là một điều vô cùng khích lệ.
Viết tới đây, tôi nhớ tới một chú tiểu tu tại chùa Yên Tử, nơi đây vua Trần Nhân Tông sau khi dẹp giặc xong, từ bỏ ngai vàng vào núi Yên Tử ẩn tu và đắc Phật sau này. Đây là một trang sử vô cùng vẻ vang cho người Việt Nam chúng ta. Chỉ độc nhất vô nhị trên toàn thế giới, vừa làm tròn bổn phận với quê hương, đất nước, nơi sinh ra mình, vừa cứu dân khỏi ách thống trị của Tàu. Có lẽ điều này xin nói vào một dịp khác.
Chú tiểu này đã hoàn tục và vượt biên sang cư trú tại California.
Khoảng bốn hay năm năm trước, có một người thanh niên lại phòng mạch tôi, hỏi tôi gọi điện thoại với hội đồng chấm thi nail, xin hoãn lại ngày thi, vì không có người đi theo thông dịch. Tôi sẵn sàng làm, anh ta xin trả tiền tôi không nhận. Câu chuyện tưởng tới đó chấm dứt. Nhưng sau đó ít lâu, anh ta lại tới xin tôi làm một lần nữa. Tôi sẵn sàng làm và cũng chẳng cần thù lao. Mạnh ai ấy đi.
Khoảng chừng ba bốn tháng sau, anh ta trở lại và viết cho tôi một toa thuốc, mà người ở vùng Yên Tử ai cũng khen hay, cũng như những ai đã sống ở ngoài Bắc cũng thường nghe qua, đó là toa Thuốc Phong Chùa Đồng (chùa Đồng là ngôi chùa nằm trên đỉnh núi Yên Tử). Anh ta còn đưa ra tấm hình lúc anh còn là chú tiểu tại chùa Đồng, thường phơi thuốc và sấy thuốc hằng ngày để chế biến thành thuốc viên, chuyên chữa đau nhức do phong thấp gây nên. Đây cũng là một niềm vui vô vàn của người thầy thuốc.
Vậy “Ai cám ơn ai?”
Sau đây một chuyện có thật, nhưng vị bác sĩ đó xin giấu tên, là bạn thân của tôi.
Vị này là một nữa bác sĩ châm cứu nổi tiếng tại Pháp, chỉ trị những bệnh nan y, ngày vài chục bệnh nhân, không có thì giờ nghỉ ngơi. Qua Mỹ, có đặc tính là lấy bệnh nhân là niềm vui của bà, bà không cần biết tới thân bà, ngay khi bà đang bị ung thư và đang bị hành hạ, đau đớn nằm tại tư gia, bà vẫn nhận lời khi bệnh nhân kêu cứu. Khi người bệnh nhân đau tới nhà bà để xin được chữa trị, bà đang đau, không đứng được trước đó, nhưng khi nhìn thấy bệnh nhân là bà đứng dậy được và đi lại như thường, để tận tụy chữa cho bệnh nhân. Sau đó cơn đau của bệnh nhân thuyên giảm ra về. Bà cũng trở lại mạnh khỏe, đi đứng bình thường.
Người xưa thường nói “Phúc chủ lộc thầy.” Câu này, theo tôi, lộc đây chính là sự làm mà coi như không làm của bà, chỉ biết cho mà không cần báo đáp, chỉ biết đau của chúng sinh là đau của mình. Cho nên Phật có nói: “Làm mà coi như không làm, mới gọi là làm.” Chúng ta cho đi tất cả thì sẽ có tất cả, mấy ai ngộ được điều này.
Thực vậy, bà đã cho tất cả và sẽ lại được có tất cả, bệnh tình bà thuyên giảm và sau này ung thư bà không còn nữa. Vậy “Ai cám ơn ai?”
Trong đạo Thiên Chúa Giáo có nhiều chuyện Chúa chữa bệnh cho nhiều người khỏi bệnh và có một chuyện mà tôi thích nhất là Chúa làm mà coi như không làm, làm mà ngay chính Chúa cũng không biết là Chúa làm, mới là làm. Đó là chuyện, có một người bị cùi, khi thấy Chúa đi qua, chỉ cố gắng sờ được vạt áo của Chúa cầu nguyện, sau này về nhà hết bệnh.
Mặt trời chiếu sáng cho muôn loài vạn vật, không phân biệt chúng sinh hiền, ác, giỏi, dốt, quen hay không quen. Làm mà không phân biết mới là làm. Cho tay phải mà không để cho tay trái biết, mới là cho.
Tôi nghĩ người thầy thuốc phải học cách đối xử này. Đối xử đồng đều với người giàu cũng như kẻ nghèo.
Hải Thượng Lãn Ông có dạy: “Chữa bệnh cho người nghèo mà quan quả cô độc, ta càng thêm lưu ý, nhất là những người con hiếu, vợ hiền hay nghèo mà bị bệnh, thời ngoài sự cho thuốc, ta còn có thể trợ cấp thêm, nếu không đủ ăn, như thế mới là nhân thuật.”
Xưa kia có câu chuyện. Cây khế và con chim để bù đắp cho sự hiền hòa của người em, chịu sống trong cảnh nghèo khổ. Thượng Đế đã lo tất cả: “Cho một quả, nhả cục vàng, may túi ba gang, đi mà đựng.”
Chuyện này, chúng ta đã học từ thời đồng ấu, nhưng mấy ai đem ra áp dụng vào đời sống và nhất là những thầy thuốc lại cần phải suy nghĩ và ngộ được để đem ra thực hành.
Ráng sống trong thanh đạm, cố gắng giúp đỡ những bệnh nhân như Hải Thượng Lãn Ông đã nhắc nhở, là con đường nhân bản.
Nếu người thầy thuốc cố gắng đi theo con đường mà Phật, Chúa dạy thì đời sống sẽ vô cùng an lạc và hạnh phúc. Tình thương sẽ hàn gắn những đau thương của bệnh nhân cả về vật chất, lẫn tinh thần.
Một lần nữa, nhân ngày dịp Giáng Sinh về, tôi thành thực cám ơn những bệnh nhân, là những người thầy đáng kính nến của tôi.
Và xin hẹn vào một ngày rất gần, tôi sẽ tổ chức một buổi họp mặt để cùng nhau chia sẻ những cảm nghĩ giữa thầy (bệnh nhân) và trò, hay giữa bệnh nhân và thầy thuốc.
Bác Sĩ Đặng Trần Hào