Mô hình mắt mô phỏng sinh học do các nhà nghiên cứu và thiết kế công nghiệp Úc phát triển (Monash University) (Credit: Audience Submitted) .Một nhóm nhà khoa học và thiết kế công nghiệp Úc vừa hé lộ mô hình mắt mô phỏng sinh học đầu tiên trên thế giới.
Nhóm phát triển hi vọng thiết bị mới, bao gồm một microchip cấy trong hộp sọ và một camera gắn với một cặp kính, sẽ cho phép người được cấy mắt mô phỏng sinh học nhìn thấy hình thù những thứ xung quanh.
Nếu thành công, mắt mô phỏng sinh học có tiềm năng hỗ trợ trên 85% những người được xếp vào diện mù lòa.
Thử nghiệm dự kiến bắt đầu thực hiện vào đầu năm 2014 và giáo sư Mark Armstrong từ Đại học Monash cho biết mắt mô phỏng sinh học giúp cho người được cấy thiết bị di chuyển dễ dàng hơn.
“Thiết bị có một camera ở phía trước tương tự như camera trên iPhone và nó chụp quang cảnh trực tiếp có màu sắc,” ông Armstrong phát biểu trên chương trình thời sự của ABC. “Sau đó hình ảnh được lọc ra qua một thiết bị xử lý rất tinh vi thành một tín hiệu chắt lọc. Tín hiệu này sau đó được truyền tới một bộ phận xử lý được gắn ở sau đầu. Trong não có một thiết bị cấy ghép chứa một loạt các mảnh gốm nhỏ để tiếp nhận tín hiệu và truyền chúng qua các điện cực rất nhỏ gắn trong vùng vỏ não thị giác.”
Giáo sư Armstrong cho biết các nhà thiết kế hi vọng công nghệ này sẽ giúp những người mù hoàn toàn có thể tự định hướng khi đi lại.
“Chúng tôi tin rằng những người được cấy mắt mô phỏng sinh sẽ nhìn thấy hình ảnh có độ phân giải thấp nhưng đủ để nhìn thấy cạnh bàn hoặc hình bóng người thân hay miệng rãnh nước hoặc những thứ tương tự,” ông Armstrong giải thích. “Vì chúng tôi chưa thể chắc chắn cho tới khi thử nghiệm ở người, nếu chúng tôi suy diễn đúng, điều tuyệt vời là thiết bị cho phép những người mù tiếp cận thế giới chung quanh theo một cách mới.”
“Có một số cách điều chỉnh khác nhau. Ví dụ bạn có thể dùng chế độ lập bản đồ sàn nhà và thiết bị sẽ tạo ra bóng xung quanh vật thể trên sàn để người mù có thể nhìn thấy mình đang đi đâu,” GS Armsatrong giải thích.
Một thách thức các nhà thiết kế phải vượt qua là đảm bảo sản phẩm thật nhẹ, điều chỉnh được và cho phép người sử dụng cảm thấy thoải mái.
“Chúng tôi muốn làm cho thiết bị này thoải mái, nhẹ và dễ điều chỉnh để kích cỡ đầu và hình dáng khác nhau vẫn có thể kiểm soát được và mang tính thẩm mỹ,” giáo sư Armstrong nói. “Chúng tôi không muốn tạo ra một thiết bị thô kệch gắn trên đầu bệnh nhân. Thiết bị cần có thiết kế tinh vi và phù hợp, ít giống một bộ phận giả gắn trên cơ thể mà giống một thiết bị Bluetooth sành điệu hơn.”
Thử nghiệm cấy ghép đầu tiên được dự kiến vào năm 2014 và tiếp đó là các cuộc thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu và phản hồi từ phía người sử dụng.
Phát triển mắt mô phỏng sinh học là một trong những mục tiêu lớn được mong đợi của Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức năm 2008. Giáo sư Armstrong cho rằng thật đáng ngạc nhiên khi phát triển thành công mô hình kỹ thuật này trong một thời gian tương đối ngắn.
Source: ABC Australia
Sửa bởi người viết 13/06/2013 lúc 08:23:27(UTC)
| Lý do: Chưa rõ