Là bậc cha mẹ, ai chẳng muốn con mình giỏi giang, xuất chúng, thông minh, trí tuệ, nhưng không phải ai cũng cứ muốn là được.
Steve Jobs, bên trái, và Bill Gates là hai tấm gương thành công rực rỡ, trở thành tỷ phú, mặc dù họ đã không tốt nghiệp đại học. (Odyssey)
Ông bà M. Nguyễn (Ventura, California) đều làm trong ngành y, nên luôn hướng cho hai người con đi theo ngành này. Họ chỉ hài lòng khi người con gái lớn theo đuổi suốt nhiều năm học để trở thành nha sĩ.
Riêng cậu con trai thứ, thấy chị học cực quá, vốn lại say mê âm nhạc, nên cậu không theo định hướng của gia đình mà chọn ngành music production - sản xuất âm nhạc. Cha mẹ cậu đã hết sức thất vọng vì sự chọn lựa này của con mình, nhưng họ lại tôn trọng quyết định ấy trong sự buồn rầu, ray rứt, cho đến ngày thấy con mình có một chỗ đứng vững vàng và bảo đảm cuộc sống với niềm say mê công việc, ông bà mới thở phào yên tâm về con.
Thật ra, trong cuộc sống hiện nay, không phải gia đình nào cũng có được những đứa con thành công trên đường đời như mong ước của cha mẹ. Con cái không theo ngành cha mẹ mong muốn mà chọn ngành khác theo sở thích cá nhân, tuy khiến các bậc phụ huynh lo buồn nhưng vẫn yên tâm vì con cái còn được trường chọn để ngồi học trong một môi trường giáo dục, đào tạo.
Với những thanh thiếu niên không được trường chọn thì sao? Chẳng lẽ cha mẹ bỏ rơi chúng sao?
Hai trong số 10 nhân vật rất nổi tiếng trên thế giới vì sự thành công do tự tay mình dựng lên nghiệp lớn mà không cần phải có bất kỳ tấm bằng chứng nhận nào, nói tên ra thì ai cũng biết, đó là Bill Gates và Steve Jobs. Tạp chí Time viết về Bill Gates: Tại khuôn viên trường Harvard mang tên "Harvard Crimson" có một tấm biển ghi “Bill Gates là người bỏ học thành công nhất của Harvard," trong khi phần còn lại của thế giới vẫn gọi ông là "người đàn ông giàu nhất thế giới" trong hơn một thập niên qua.
Bây giờ, mặc dù không giữ vị trí dẫn đầu, ông vẫn còn trong danh sách những người giàu có của thế giới. Khi được mời phát biểu tại buổi lễ phát bằng tốt nghiệp cho sinh viên Havard, Bill Gates nói, "Tôi là một ví dụ xấu. Đó là lý do tại sao tôi được mời tới đây để nói chuyện tốt nghiệp của bạn. Nếu gặp tôi trước khi nhập học, có thể số lượng sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp có mặt ở đây sẽ ít hơn nhiều.”
Do khó khăn tài chính, Steve Jobs đã phải bỏ Đại Học Reed chỉ sau khi nhập học sáu tháng. Sau đó, ông sáng lập ra Apple, NeXT Computer và Pixar, những công ty đã tạo nên tầm ảnh hưởng đáng kể vào sự phát triển của kỹ thuật hiện đại và cả nền văn hóa toàn cầu.
Theo các nhà tâm lý học, trọng tâm của các bậc phụ huynh là tăng khả năng của những đứa trẻ trong mối quan hệ tương tác xã hội, hơn là tập trung vào việc dạy cho chúng đọc và viết. "Những đứa trẻ gặp rắc rối khi hợp tác, lắng nghe, và giải quyết xung đột ít có khả năng học hết bậc trung học, chứ đừng nói đến đại học."
Vậy, làm thế nào để các bậc phụ huynh có thể dạy con mình có được khả năng xã hội? Dưới đây là những lời khuyên của các nhà tâm lý, giáo dục học dành cho các bậc phụ huynh:
Hợp tácKhông bao giờ để con bạn rơi vào tình cảnh cô đơn, không bạn bè, không thích giao tiếp với cha mẹ, hoặc anh chị em ruột để hoàn tất một công việc, một nhiệm vụ gì đó. Các bậc phụ huynh cần giúp con em mình và tạo điều kiện cho chúng có điều kiện làm việc, hợp tác với người khác, và học cách làm việc với người khác.
Cách tốt nhất để dạy con bạn hợp tác là tin cậy chúng. Tin tưởng rằng chúng có thể hoàn thành nhiệm vụ và làm việc với người khác - quan trọng hơn, hãy nói với những đứa con của mình rằng bạn tin tưởng chúng để làm điều đó.
Lắng ngheTrẻ em không lắng nghe không thể đi quá xa và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, vì chúng không muốn nghe những gì cha mẹ của chúng dạy dỗ hoặc không chấp nhận sự hướng dẫn của người khác.
Nếu bạn muốn dạy con cái mình là người biết lắng nghe, bạn cần phải lắng nghe con cái của bạn. Nếu bạn muốn chúng lắng nghe bạn và những người khác. Trẻ học các kỹ năng xã hội bằng cách quan sát cách bố mẹ tương tác.
Trang mạng dành cho các bậc phụ huynh Parents.com viết:"Bậc làm cha mẹ cũng cần phải lắng nghe. Con trẻ thường khóc mè nheo (hoặc rên rỉ, la hét, hoặc quậy phá) bởi vì chúng không thể truyền đạt lý do tại sao chúng khó chịu hoặc không biết làm thế nào để đối phó với cảm xúc. Hãy lắng nghe chúng bày tỏ ý thích, suy nghĩ của chúng, để hiểu chúng hơn.”
Dành thời gian để lắng nghe con của bạn, cho dù họ đang có chuyện buồn rầu, hay phải lo lắng về một vấn đề nào đó.
Giải quyết xung độtKhi ở với con, bạn cần dạy cho chúng cách giải quyết xung đột mà chúng đang cảm nhận hoặc những vấn đề chúng gặp phải. Theo psychologytoday.com, hãy nói rõ với những đứa trẻ rằng những cảm xúc tức giận là hành vi có thể chấp nhận được, nhưng hung dữ thì không.
Dạy cho con trẻ về khả năng xã hội, là dạy cho chúng có cách thích hợp để đối phó với cảm xúc của chúng khi bước ra ngoài xã hội. Hãy dạy cho chúng, nếu khi đang trong một cuộc tranh luận, nên thở sâu để bình tĩnh, vì chỉ bình tĩnh mới có thể giải quyết được công việc một cách tốt đẹp.
Muốn con mình thành công trên đường đời, không nhất thiết phải ép chúng vào trường đại học. Theo Current Biography Yearbook, trong số những nhân vật thành công nhất thế giới, có 768 người từng bỏ học và họ thành công trong các lãnh vực khác nhau, chẳng hạn: Tỷ phú: 26 người; Đoạt giải Oscar: 63 người; Tác giả có sách bán chạy nhất: 56 người...
Cuộc đời thực sự là một bài học dài, nên bạn không thể định nghĩa thành công của một người chỉ ở một khía cạnh nào đó. Nếu con bạn đã tốt nghiệp, hãy giúp chúng tiếp tục học tập vì điều chúng học được ở trường sẽ không bao giờ đủ để đạt được cuộc sống tươi đẹp.
Nếu con bạn vẫn đang trên ghế nhà trường, dù chúng học tốt hay kém, đừng quá coi trọng điểm số. Đừng bao giờ tin mù quáng rằng đạt được điểm tốt là cách duy nhất để trở nên thành công hay các nguyên tắc phải làm theo luôn là tốt nhất cho con bạn. Hãy cố gắng phát hiện ra những tiềm năng và tài năng của con trẻ, về cách giúp con có được sự tự tin ở chính bản thân mình bằng những bài học về sự hợp tác, sự lắng nghe và cách giải quyết mâu thuẫn, và cuối cùng là đi đến một cuộc sống thành công.
ĐOAN TRANG
Theo Familyshare và tổng hợp từ nhiều nguồn