logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 27/02/2018 lúc 06:25:26(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
UserPostedImage
1932-2018

UserPostedImage
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông (trái) cùng vợ và nhạc sĩ Trần Quốc Bảo chụp trước cửa tiệm Nhiên Hương năm 1996 (Hình: nhạc sĩ Trần Quốc Bảo cung cấp)
WESTMINSTER, California (NV) – Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, tác giả tình khúc nổi tiếng “Chiều Mưa Biên Giới”, vừa qua đời lúc 4 giờ 30 sáng Thứ Hai, ngày 26 Tháng Hai (tức 7 giờ 30 tối 26 Tháng Hai theo giờ Việt Nam) tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn, hưởng thọ 85 tuổi.

Nhạc sĩ Trần Quốc Bảo, chủ nhiệm đặc san Thế Giới Nghệ Sĩ, xác nhận tin trên với phóng viên Người Việt.
“Tôi nhận được tin do ca sĩ Giao Linh từ Sài Gòn gọi sang cho hay. Giao Linh là học trò rất thân với thầy Nguyễn Văn Đông. Chị Giao Linh vào bệnh viện thăm thầy buổi trưa, vừa về vài tiếng thì nghe người nhà của thầy gọi cho biết là thầy qua đời,” nhạc sĩ Trần Quốc Bảo cho biết.
Cũng theo lời nhạc sĩ Trần Quốc Bảo, “Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông được đưa vào bệnh viện một vài ngày trước do khó thở, và vì những bệnh già chứ không phải bệnh tật gì nặng hết. Thế nên việc ông ra đi đột ngột khiến ai cũng bàng hoàng. Bản thân tôi cũng cảm thấy buồn quá!”
Theo Wikipedia, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sinh ngày 15 Tháng Ba, 1932 tại Sài Gòn, trong một gia đình nguyên là một điền chủ lớn có nhiều ruộng đất ở Tây Ninh
Ông nguyên là một sĩ quan Bộ binh cao cấp của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc cuối cùng là đại tá. Ông xuất thân từ trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tầu và sau đó là trường Võ Bị Quốc Gia do Chính phủ Quốc gia mở ra tại miền Nam Việt Nam vào cuối thập niên 40 của thế kỷ trước.
Năm 1954, ông được gửi ra Hà Nội theo học khóa “Tiểu đoàn trưởng” tại Trung tâm Chiến thuật Hà Nội. Ông từng giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trọng pháo 553 và là Tiểu đoàn trưởng trẻ nhất của Quân đội Quốc gia khi mới 22 tuổi.
Cuối năm 1957, ông được cử đi du học khóa Chỉ huy tham mưu tại tiểu bang Hawaii, Hoa Kỳ.
Tháng 11, 1972, ông được thăng cấp Đại tá chuyển sang làm Chánh Văn phòng cho Tổng Tham mưu Phó. Ông đã ở chức vụ này cho đến cuối Tháng 4 năm 1975.
Ông bị bắt đi tù cải tạo 10 năm. Kể từ đó ông đã ngừng sáng tác nhạc. Ông không xin đi xuất cảnh theo diện H.O, mà ở lại Sài Gòn sống cùng vợ tại quận Phú Nhuận.
Trong thời gian ở trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu, ông được học nhạc với các giảng viên âm nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Pháp sang giảng dạy. Năm 16 tuổi, ông đã có những sáng tác đầu tay như “Thiếu sinh quân hành khúc”, “Tạm biệt mùa hè”…
Trong thập niên 1950, ông nổi tiếng khi là Trưởng Đoàn Văn Nghệ Vì Dân với thành phần ca nhạc sĩ tên tuổi như Mạnh Phát, Minh Kỳ, Hoài Linh, Thu Hồ, Quách Đàm, Minh Diệu, Khánh Ngọc và các nghệ sĩ sân khấu danh tiếng như Kim Cương, Vân Hùng, Ba Vân, Bảy Xê, Trần Văn Trạch, diễn viên điện ảnh Trang Thiên Kim…
Từ năm 1958, ông là Trưởng ban Ca nhạc Tiếng thời gian của Đài Phát thanh Sài Gòn, gồm những danh ca, nhạc sĩ danh tiếng như Lệ Thanh, Hà Thanh, Minh Diệu, Khánh Ngọc, Mạnh Phát, Thu Hồ, Quách Đàm, Anh Ngọc…
Ông còn là Giám đốc hãng băng đĩa nhạc Continental và Sơn Ca, cộng tác với những nhạc sĩ tên tuổi như Lê Văn Thiện, Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi, Y Vân…
UserPostedImage
Vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông (ngồi) chụp tại tư gia của ông năm 2014 cùng các ca sĩ Giao Linh, Phương Hồng Quế, Trang Thanh Lan, Phương Hồng Ngọc, Kim Anh , Michael, nhạc sĩ Trần Quốc Bảo (Hình: nhạc sĩ Trần Quốc Bảo cung cấp)
Nhiều sáng tác của ông viết về chủ đề người lính Việt Nam Cộng Hòa thời đó, như nhạc phẩm “Phiên gác đêm xuân” được ông viết vào đêm Ba Mươi Tết năm 1956 khi gác phiên ở khu 9 Đồng Tháp Mười, “Chiều mưa biên giới” ra đời năm 1956 và nổi tiếng qua tiếng hát của Trần Văn Trạch…
Ông còn có nhiều bút danh khác như Phượng Linh, Phương Hà trên một số nhạc phẩm tình cảm như “Khi đã yêu”, “Thầm kín”, “Niềm đau dĩ vãng”, “Nhớ một chiều xuân”…
Với bút danh Đông Phương Tử và Phượng Linh, ông đã viết nhạc nền và đạo diễn cho trên 50 vở tuồng, cải lương nổi tiếng ở Miền Nam trước năm 1975 như Nửa đời hương phấn, Đoạn tuyệt, Tiếng hạc trong trăng, Mưa rừng…
Về gia đình riêng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, theo nhạc sĩ Trần Quốc Bảo thì “Hầu như những người thân đều biết cô Nguyệt Thu là vợ của thầy Đông. Hai thầy cô lấy nhau từ khi nào thì không rõ nhưng chắc chắn một điều là sau khi thầy ra khỏi tù cải tạo năm 1985, cô Thu một tay quán xuyến một cửa hàng bán bánh mì, giò chả tên Nhiên Hương tại nhà đường Nguyễn Trọng Tuyển, Phú Nhuận, và lo lắng chăm sóc cho thầy không rời nửa bước.”
“Với thầy Đông, tôi chỉ biết nói rằng tôi kính phục ông nhất hai điểm, đó là tài hoa và tư cách,” nhạc sĩ Trần Quốc Bảo cảm nhận.
Chủ nhiệm đặc san Thế Giới Nghệ Sĩ nói thêm, “Được biết, do không có con cháu, nên trong cáo phó của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông có ghi ‘không nhận vòng hoa, phúng điếu’ vì sợ sau này không có người trả lễ.”
Ngọc Lan/Người Việt
song  
#2 Đã gửi : 27/02/2018 lúc 06:34:39(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
‘Lòng trần còn tơ vương khanh tướng’

WESTMINSTER, California (NV) – Tôi không là người thuộc thế hệ chiến tranh, tao loạn. Nhưng lại cũng không xa lạ với “Sắc Hoa Màu Nhớ,” với “Phiên Gác Đêm Xuân,” đặc biệt là “Chiều Mưa Biên Giới” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Lứa chúng tôi, khi vào tuổi mới lớn, đã được nghe các bản nhạc này từ những băng đĩa đầu tiên của Thúy Nga-Paris By Night do ai đó “chuyển lậu” về nước cuối thập niên 80.
Nghe, nhớ, thuộc và day dứt với những nỗi niềm mơ hồ của một thế hệ…
Để rồi, trong những ngày này, lại lần tìm, nghe lại và miệng khe khẽ hát, không phải chỉ tôi, cả những đồng nghiệp xung quanh, những câu hát của người nhạc sĩ – cũng là một người lính – vừa nằm xuống, như một cách tưởng niệm lẫn tri ơn ông.
Và, thêm một lần nữa, sau những bâng khuâng, bồng bềnh trong hình ảnh “Lòng trần còn tơ vương khanh tướng/ thì đường trần mưa bay gió cuốn…” tôi lại cảm thấy quá bất ngờ khi biết rằng tác giả của “Phiên Gác Đêm Xuân” cũng là người viết nên “Đoạn Tuyệt” với những câu tê tái “Nào ai lấy thước đo tấc lòng/ Tình như mây khói trên làn sóng…”
Có quá nhiều người đã nói về sự ra đời của “Chiều Mưa Biên Giới” – một trong những bài hát viết về đời lính hay nhất xưa nay, theo tôi – nhưng trong thời khắc tiễn ông, chắc cũng không quá thừa khi điểm lại đôi dòng về tuyệt tác này.
Trong một bài trả lời phỏng vấn ký giả Trường Kỳ trước đây, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông từng cho biết ông viết “Chiều Mưa Biên Giới” vào năm 1956, khi đang là trung úy trưởng phòng hành quân của chiến khu Đồng Tháp Mười.
“Lần đó tôi dẫn đầu một nhóm biệt kích bí mật đi điều nghiên chiến trường dọc theo biên giới Miên-Việt và Đồng Tháp Mười. Trên đường về, anh em chúng tôi lâm vào cảnh trời chiều gió lộng, mưa gào như vuốt mặt. Giữa cánh đồng hoang vắng tiêu sơ, lối vào tiền đồn thì xa xôi, thoáng ẩn hiện những nóc tháp canh mờ nhạt ở cuối chân trời. Và từng chập gió buốt kéo về như muối xát vào thịt da. Từ trong cảnh ấy, tận đáy lòng mình đã nghe nẩy lên những cung bậc rung cảm, những trường canh đầu tiên buồn bã cho bài Chiều Mưa Biên Giới anh đi về đâu…”
Lời tự sự của ông về hoàn cảnh ra đời của bài hát đã giúp người nghe cảm nhận rõ hơn những câu chữ xuất hiện trong “Chiều Mưa Biên Giới,” cảm nhận được đến tận cùng sự khắc nghiệt của chiến tranh – không phải là chết chóc, không phải là chia lìa, không bom rơi, súng nổ – mà là nỗi cô đơn, nỗi nhớ thương đến thắt lòng về một chốn nao.
Vốn dĩ những gì chạm đến trái tim thì tự khắc nó lan tỏa. “Chiều Mưa Biên Giới” cũng vậy. Nhất là khi nghệ sĩ Trần Văn Trạch, vào năm 1961, đã thu âm bài hát này trên đài Europe No.1 và Ðài Truyền Hình Pháp. Để từ đó, tiếng vang nơi trời Âu lại dội ngược về quê hương, “khiến chỉ trong vòng ba tháng, nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo, đã bán hết 60,000 bản nhạc lẻ, phá kỷ lục số ấn bản lớn nhất từ xưa, ở thời điểm đó. Âm vang của ca khúc ‘Chiều Mưa Biên Giới’ lại được khuếch tán thêm nữa, khi cũng trong năm 1961, nghệ sĩ Trần Văn Trạch, lần đầu tiên, trình bày ca khúc ấy tại ‘Ðại nhạc hội Trăm Hoa Miền Nam’ với dàn nhạc của Ðài Truyền Hình Pháp, thu “play back.” (Theo Du Tử Lê trong “Nguyễn Văn Ðông và, điểm đứng chông chênh giữa hai đầu tả, hữu”).
UserPostedImage
Vợ chồng Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông chụp tại tư gia của ông năm 2014 cùng các ca sĩ Giao Linh, Phương Hồng Quế, Trang Thanh Lan, Phương Hồng Ngọc, Kim Anh , Michael, nhạc sĩ Trần Quốc Bảo (Hình: nhạc sĩ Trần Quốc Bảo cung cấp)
Thế nhưng…
Cuộc đời luôn có chữ “Nhưng” để tránh mọi sự hoàn hảo, khỏi làm Ông Trời nổi cơn ghen tức.
Sức lan tỏa của “thứ cảm xúc” kiểu “Tình anh theo đám mây trôi chiều hoang” hay “Về đâu anh hỡi mưa rơi chiều nay” đã khiến cho Bộ Thông Tin Sài Gòn ra quyết định cấm phổ biến bài hát với lý do: “Nội dung ‘phản chiến!’ Có thể đưa tới sự sa sút tinh thần của những người lính trấn đóng ở những vùng hẻo lánh, núi non, biên giới…”
Quân lệnh như sơn! Nhưng. Lại “Nhưng.” Lòng người như thác lũ, có thể cuốn luôn núi non thành quách. “Chiều Mưa Biên Giới” vẫn sống, bởi, đằng sau nỗi buồn tơi tả của lòng người trong “rừng chiều âm u rét mướt” vẫn còn đó cái ngạo nghễ kiêu hùng của người trai thời loạn, dẫu mang dáng dấp của một… kiếm khách “Lòng trần còn tơ vương khanh tướng/ thì đường trần mưa bay gió cuốn/ Còn nhiều anh ơi…”
Tôi nghĩ, không có được hình ảnh này, “Chiều Mưa Biên Giới” đã không là bài hát mà nhiều người đều có thể cùng bật ra trong lúc này.
Mặc dù, trong “Hồi Ký Nguyễn Văn Đông,” người nhạc sĩ này tự nhận “tôi mang cấp bậc Trung úy khi mới 24 tuổi đời, còn bạch diện thư sinh. Tuy hồn vẫn còn xanh nhưng tâm tình đã nung trong lửa chín ở quân trường,” nhưng bên cạnh những ca khúc chứa đầy hình ảnh người lính nơi tiền đồn, thì ông lại có những bản tình ca rất đời. Và “Đoạn Tuyệt” mà tôi nhắc ở trên chính là một trong những bài hát nằm trong số này.
“Một mai em có đi lấy chồng. /Vòng tay ân ái thay hình bóng. /Xác pháo tươi hồng như trái tim, /Êm ái trao lòng tôi vết thương. /Em biết không em?”
Hình như không có bất kỳ bài báo nào viết về “tình trường” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Ngay cả khi tôi có dịp nói chuyện với nhạc sĩ Trần Quốc Bảo, chủ nhiệm tập san Thế Giới Nghệ Sĩ, người mà tôi nghĩ cũng khá thân với tác giả “Sắc Hoa Màu Nhớ”, thì anh cũng chỉ nói cho tôi biết rằng, “Chưa bao giờ nghe ai nói gì đến con của thầy. Còn vợ thì chỉ biết cô Nguyệt Thu là người đã chăm sóc thầy trong thời gian thầy đi tù cải tạo và sau khi ra tù, cho đến tận ngày ông qua đời.”
Hoàn toàn là chủ quan, nhưng “Đoạn Tuyệt” của ông, tự dưng khiến tôi nghĩ rằng ông là người chung tình.
“Một mai đôi ngã xa cách rồi. /Người say duyên mới quên thề ước. /Xin chiếc khăn nồng hương cố nhân, /Đôi mắt em màu xanh ái ân để nhớ muôn đời.”
Không một chữ bóng bẩy. Không một câu trau chuốt. Chỉ là những câu từ như mình vẫn thường dùng để nói với nhau hằng ngày đó thôi. Nhưng sao mà nó thấm, nó đau, nó buồn đến tưởng như có giọt nước mắt nào đó âm thầm chảy ra từ trong tim, không lau được. Phải chăng từ cách chọn cung nhạc?
“Nào ai lấy thước đo tấc lòng. /Tình như mây khói trên làn sóng. /Anh sẽ đi tìm trong lãng quên, /Nhưng cố quên lại càng nhớ thêm. /Vì trót yêu rồi.”
Tôi nhớ trong đoạn cuối Hồi Ký của mình, ông có viết “tôi nghiệm rằng những gì có giá trị nghệ thuật, dù bị vùi dập vì sự ganh tỵ hay hiểu lầm, sẽ có ngày được mang trả lại vị trí đích thực của nó. Tôi chỉ tiếc đời người ngắn ngủi mà tôi đã phí phạm quãng thời gian dài 30 năm. Thật lấy làm tiếc!”
Tôi thì lại không thấy tiếc. Bởi, cả quá trình sáng tác, chỉ cần bấy nhiêu câu ca nằm mãi trong lòng người, qua bao năm tháng, là đã xứng đáng cho một đời.
Tiễn biệt ông. Trời Cali cũng “mưa bay gió cuốn”.
Ngọc Lan/Người Việt
song  
#3 Đã gửi : 02/03/2018 lúc 10:23:11(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và những điều chưa nói hết
  
 
Thế là chú ấy đã giã từ chốn này và bắt đầu cuộc rong chơi miền phương ngoại rồi. Lần cuối tôi gặp chú là tháng 12 năm 2011. Sau đó, tôi thường liên lạc bằng điện thoại và điện thư với chú nhưng bất thình lình chú thôi không trả lời, bởi vì chú sợ chính quyền theo dõi nên bặt tin chú. Giờ chú đã nằm xuống, thôi lo lắng, hết băn khoăn và thật sự được yên bình. Mời bạn đọc bài viết kể lại cuộc gặp gỡ của tôi với chú Nguyễn Văn Đông vào ngày tháng 12 năm 2011 đã lưu lại nhiều ấn tượng trong tôi, mà bây giờ tôi mới có thể viết, sau khi chú đã nằm xuống.
Nhân một lần về thăm Việt Nam, nhà văn Bích Huyền kiêm xướng ngôn viên đài VOA có nhờ tôi đem vài món quà biếu ông nên tôi có cơ duyên gặp và tiếp xúc với ông tại nhà riêng. Cô Bích Huyền dự định làm một buổi văn nghệ tuởng niệm những người lính VNCH ở Quận Cam Hoa Kỳ và có ý nhờ ca sĩ hát mấy bài của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Tiện thể, cô nhờ tôi ghé thăm và viết bài về ông. Nhà ông nho nhỏ trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, Phú Nhuận, phía trước có chiếc xe bán bánh mì ổ do phu nhân ông là cô Nguyệt Thu đứng bán. Cô rất dễ thương và hiếu khách. Cô cũng là người đầu ấp tay gối đã chăm sóc ông suốt quãng đời còn lại từ ngày ông đi cải tạo về bằng chiếc xe bán bánh mì giò chả này. Bây giờ căn nhà đã thành tiệm thực phẩm và bánh mì Nhiên Hương khang trang và tươm tất hơn năm tôi ghé 2011 rất nhiều.
Tôi thuộc thế hệ con cháu, nên khi nói chuyện tôi gọi ông bằng chú. Lần ấy, ông tiếp tôi rất thân mật, niềm nở nhưng không kém phần nghiêm túc. Ông có nhấn mạnh rằng, sau 36 năm, đây là lần đầu tiên ông tiếp người lạ, từ ngày 30 tháng tư năm 1975, ông không tiếp xúc ai hết, kể cả các giới truyền thông, báo chí, nghệ sĩ, ca sĩ là những người ngày xưa đã từng quen biết ông hay khán thính giả ái mộ và thương mến ông. Vì có sự giới thiệu đặc biệt của cô Bích Huyền, ông mới tiếp tôi. Ông có nói thêm rằng sở dĩ ông không tiếp xúc hay cho ai phỏng vấn vì ông rất e ngại, dè dặt trong việc tiếp cận hay ngoại giao và ông muốn sống yên thân đừng ai nói hoặc nhắc tới ông nữa. Ông sợ sự liên hệ hay tin đồn không đúng lan rộng, bất lợi cho ông để tránh những rắc rối phiền phức sau này.
UserPostedImage
Pic 1: Chân Dung NS Nguyễn Văn Đông lúc còn trẻ

UserPostedImage
Pic 2: Chân Dung NS Nguyễn Văn Đông vào năm 2011

UserPostedImage
Pic 3: Trịnh Thanh Thủy ghé thăm NS NVĐông năm 2011

Thật ra trước đó vào mùa xuân Bính Tuất 2006, trong chương trình phát thanh Nghệ Sĩ và Đời Sống do Trường Kỳ thực hiện ông đã dành cho đài VOA một cuộc phỏng vấn rất lý thú và đầy đủ về cuộc đời binh nghiệp và âm nhạc của ông. Ông cũng không quên kể nguyên do và động cơ khiến ông sáng tác những tác phẩm như "Chiều mưa biên giới, Phiên gác đêm xuân, Hải ngoại thương ca, Thiếu nhi hành khúc ...v..v..”.,trong cuộc phỏng vấn của Trường Kỳ này.
Tôi bày tỏ lòng ngưỡng mộ của tôi với những sáng tác của ông trước năm 1975, về cuộc sống hay những mối tình của những người trai thời chiến, đã chiến đấu hy sinh cho đất nước trong các ca khúc trên. Ý định của tôi là gặp gỡ tác giả để hiểu thêm về tác phẩm, hầu viết một bài về ông cho đúng đắn và trung thực, trước khi buổi tưởng niệm diễn ra. Ông và tôi nói chuyện rất tương đắc về âm nhạc, tác phẩm của ông và những ca sĩ đã trình bày nhạc của ông thế nào và ra sao. Tuy nhiên ông vẫn dè dặt dặn tôi phải cẩn trọng vì ông không muốn gặp rắc rối kẻo lụy cho ông và người nhà.
Về đến Hoa Kỳ, tôi bắt đầu viết thì ông gởi điện thư bảo tôi, thôi đừng viết, vì ông muốn mọi người quên ông đi, ông không tha thiết gì nữa, nên đừng nhắc đến tên ông. Tuân theo ý nguyện của ông, tôi xếp lại và thầm cảm thương cho một người nhạc sĩ tài hoa chịu nhiều bất hạnh, giờ bệnh tật triền miên mà không muốn ai nhớ đến mình nữa. Có lẽ ông nghĩ đúng, biết đâu những hệ lụy của cái tài danh mang đến cho ông nhiều bất lợi hơn là thứ tiếng tăm hư ảo của người đời. Tuy nhiên, ông quên một điều là ông còn có một số lượng rất lớn người trong và ngoài nước vẫn còn mến mộ, yêu, hát, và rung động chân thành khi nghe những con Sơn Ca ngày cũ hát nhạc của ông. Những Hà Thanh, Thanh Tuyền, Thái Thanh hay Trần Văn Trạch, Duy Trác... những giọng hát thiết tha, đầy cảm xúc trong "Chiều mưa biên giới, Mấy dặm sơn khê, Khúc tình ca hàng hàng, lớp lớp, Hải ngoại thương ca, Nhớ một chiều xuân..." đã cho các tác phẩm của ông một chỗ đứng trang trọng nhưng riêng biệt trong con tim những thính giả mến mộ.
Khi hỏi đến sức khoẻ, ông bảo, ông bị đau bao tử kinh niên, đau tai, thấp khớp và cao máu, những thứ này hành hạ ông thường xuyên từ khi đi tù cải tạo về. Tôi liền hỏi lý do tại sao ông không qua Hoa Kỳ định cư theo chương trình HO. Ông bảo sau khi vào tù 9 năm, vì bị bệnh nặng sắp chết nên ông được trả về với lý do: “Đương sự bị bệnh sắp chết, nên cho phép gia đình đem về nhà chôn cất!” chứ không phải họ tha vì lý do chính trị. Khi về đến nhà, ông được cô Nguyệt Thu và gia đình chăm sóc, thuốc thang mãi và có lẽ vì chí khí kiên cường dũng mãnh lắm, ông mới sống lại được.

UserPostedImage
Pic 4: Trước cửa tiệm bánh mì Nhiên Hương cũng là nhà của NS Đông ở Phú Nhuận

UserPostedImage
Pic 5: Trước linh cữu của NS NVĐông- Ảnh của Nhà Thơ Trần Tiến Dũng

UserPostedImage
Pic 6: Nhà Thơ Trần Tiến Dũng và bà quả phụ NVĐông, trong đám tang - Ảnh của Nhà Thơ Trần Tiến Dũng

UserPostedImage
Pic 7: Cáo phó Tang Lễ

Đến khi có chương trình H.O., chính phủ Mỹ có gởi giấy báo cho ông biết về chương trình, ông trộm nghĩ, mình đã già lại bệnh hoạn thế này, qua Mỹ làm gì, vả lại đời sống ông cũng tạm ổn định bên người thân nên từ chối ra đi. Họ có gởi giấy cho ông nhiều lần hỏi ông đã suy nghĩ kỹ chưa? Ông quyết định chọn giải pháp ở lại, với lý do gia đình không muốn đi, nên ông ở lại với gia đình.


Sau này khi Paris By Night có ý định mời ông qua Mỹ để thực hiện cho ông một chương trình dành riêng cho dòng nhạc của ông, ông lại gặp rắc rối trong vấn đề thủ tục. Chính quyền chỉ cho phép ông đi trong 15 ngày mà chương trình họ mời cần đến ít nhất là 1 tháng. Thời gian 15 ngày không đủ cho việc phỏng vấn và thực hiện thu hình..v...v... Có người ngỏ ý bảo lãnh ông qua Canada rồi sau đó sẽ qua Mỹ. Paris By Night sẽ tổ chức show ở đó, vì ở Mỹ còn rất đông người yêu nhạc ông, việc thu nhập mới cao hơn được. Ông bảo tôi, ông có khí phách của một người nhạc sĩ ngày xưa đã từng từ chối đi Mỹ theo chương trình H.O., rồi bây giờ lại đi đường vòng như thế còn gì khí phách ngày xưa nữa. Sau họ có mời ông nhiều lần ông đã từ chối không đi. Ông tâm sự tuy mất cơ hội được có mặt và tiếp xúc cùng đám đông, vẫy vùng trong thế giới âm nhạc mà ông yêu thích nhưng ông cam chịu. Có lẽ vì ông muốn tâm được an bình, không phải lo lắng sợ sệt, bỏ danh lợi ngoài thân và yên phận trong tuổi già. Nhà văn Chu Tất Tiến là 1 bạn tù được ông nhận làm đệ tử kể tôi nghe, một trong những lý do chính là ông không muốn phải xin xỏ, lạy lục, đi lên đi xuống với chính quyền, đòi thêm thời gian, vì dù gì ông còn cái khí tiết của một người sĩ quan quân lực ngày xưa. Ông có bảo Chu Tất Tiến rằng “Anh ghét phải đi lạy lục, xin xỏ, rồi nghe hạch hỏi tra vấn, làm mất hết khí phách của mình”.


Trong lúc vui chuyện, ông kể về thời gian còn trong trại cải tạo ở Suối Máu. Ông bệnh nhiều lắm nhưng được các bạn tù thương mến và giúp đỡ ông rất nhiều vì họ biết tiếng ông, và tìm cách giúp ông. Nhắc đến trại cải tạo Suối Máu, trong một bài viết cho NS Nguyễn Văn Đông của nhà văn Chu Tất Tiến kể chuyện ở tù với ông có đoạn :
 
“ Em nhớ lại thời gian khi còn trong tù, anh chỉ dẫn cho em từng nốt nhạc vọng cổ, và vì lúc đó anh bệnh nặng quá, nên sự cố gắng dậy bảo của anh làm anh ứa máu, em đã sợ hãi mà ngăn anh lại: “Thôi! Thôi! Anh nghỉ đi! Đừng nói nữa! Máu chẩy ra miệng anh kìa!” Anh lắc đầu, lấy vạt áo tay chùi máu miệng, và nói: “Không ngừng được! Anh phải dậy em bây giờ! Anh không biết lúc nào anh chết, nên phải truyền hết kinh nghiệm cho em, kẻo mai mốt anh chết, thì không có người tiếp tục!” Và cứ thế, bất chấp sức khỏe càng ngày càng sa sút, máu cứ chẩy ra ngoài miệng, anh đã dậy cho em từng câu nhạc Vọng cổ, từng cách viết kịch bản cho một vở tuồng cải lương, cổ nhạc. Vì các đốt ngón tay anh đã bị chất vôi phù lên, cứng ngắc, không sử dụng được, anh đã ngồi xổm trên chiếu, kẹp chiếc bút chì vào giữa ngón chân cái và ngón kế tiếp để vẽ lên các nốt nhạc to bằng quả trứng gà, cũng như các tiết tấu và kết cấu từng câu nhạc, thật công phu vô cùng. Em biết là viết như vậy, anh đau lắm và vất vả lắm, nhưng anh vẫn kiên trì truyền hết kinh nghiệm cho thằng em kém cỏi này và cũng vì biết nỗ lực của người Thầy như anh thật là hiếm có trên đời, nên em đã cố gắng làm vui lòng anh bằng cách sáng tác các bài ca Vọng cổ, cũng như các bài tân nhạc rồi hát cho anh nghe, để thấy anh mỉm cười, mãn nguyện là em mừng. Dĩ nhiên, khả năng của em không đủ để theo kịp sự dậy dỗ của anh, khiến có vài lần anh nhăn mặt, mắng: “Em cứ có cái tật phăng-tê-di! Không chịu theo khuôn phép gì cả! Hòa âm gì kỳ cục thế! Viết lại!” Để sau khi em sửa lại rồi, anh vẫn lắc đầu, thở dài: “Thôi! Cái tật ẩu không bỏ được!” rồi anh lại gật đầu, cười mỉm: “Thế mà lại hay! Mỗi người sáng tác đều có những cái riêng của mình, không ai giống ai.”
 
Phải nói rằng không những Nguyễn Văn Đông có cái khí tiết của một người lính VNCH mà còn có cái lòng tận tụy của một người thầy đam mê với âm nhạc, dạy học trò tới thổ huyết mà vẫn không chịu ngừng đến nỗi , Chu Tất Tiến tả:
“…, anh chỉ có thể nằm trên một miếng ván nhỏ có gắn bánh xe do anh em cùng tù làm cho anh, để anh lấy tay đẩy miếng ván trôi đi, y như một người bị què cụt sắp chết. Nhìn hình ảnh đó, anh em đều sa lệ. Còn đâu người hùng năm xưa? Còn đâu hình dáng người nhạc sĩ với cây đàn và những bản nhạc tuyệt vời, hát mãi không chán?"
Đám tang ông diễn ra đơn sơ vì có lẽ ông sống khép kín không tiếp xúc với ai và không cho phúng điếu vì hai ông bà không có con, sợ không ai trả lễ.

 
 
Sau khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông nằm xuống, trên mạng mọi người bắt đầu truyền nhau nghe nhạc ông sáng tác. Càng nghe lại càng yêu mến ông hơn vì tôi và biết bao nhiêu người Việt ở miền Nam trước 75 đã sống và chia sẻ cùng ông những tư duy, tâm sự, hay cảnh ngộ ngang trái của con người trong một đất nước có chiến tranh trên cả hai miền Nam và Bắc. Nhất là trong cái cảnh mưa phùn, gió rít của một mùa xuân Cali 2018, xứ người, trời gây gây lạnh, cái buồn nhè nhẹ bỗng lãng đãng trong tôi.  Giọng ca mê hoặc lòng người của Hà Thanh mà người ta gọi là sang cả, quấn quít, ám ảnh óc tôi khôn nguôi. Hình như nỗi thương, niềm nhớ một mùa xuân nó bàng bạc trong nhạc của Nguyễn Văn Đông và vận vào ông đến nỗi ông đã ra đi vào một ngày xuân và đã không bao giờ trở lại.
 
Trong buổi gặp gỡ tháng 12 năm 2011, tôi có nói chuyện với ông về các tác phẩm đã làm sáng danh ông vào thập niên 60 như "Chiều mưa biên giới, Mấy dặm Sơn Khê, và Về mái nhà xưa.v..v..". Ông đem ra một cái máy hát cầm tay cũ, một tập nhạc và một chồng CD trong đó có những đĩa nhạc của ông. Ông bảo "Đây là những CD có nhạc của chú do các ca sĩ hát nhạc chú, tặng chú. Chú cho cháu thâu lại hay lấy bất cứ bản copy nhạc nào của chú nhưng không được bán hay làm thương mại". Tôi chọn ra những bài hát tôi ưa thích và ông đã ký đề tặng tôi.
  
Nhìn những dòng chữ như rồng bay phượng múa “Quý mến tặng cháu Trịnh Thanh Thủy”, tôi giật mình tự hỏi khi nào chữ viết tay đẹp như vậy tuyệt chủng, bởi lâu lắm rồi tôi không nhìn thấy những dòng chữ viết tay đẹp như vậy, vì thời đại này, tôi và nhiều người quen nhìn những dòng chữ đánh máy của máy tính, của Iphone hằng ngày.
 UserPostedImage
Pic 1 Nhạc phẩm Mấy dặm sơn khê với lời tác giả đề tặng
 UserPostedImage
Pic 2 Chiều mưa biên giới
 UserPostedImage
Pic 3 Về mái nhà xưa
 
Tôi thấy trong các CD nhạc có rất nhiều bài do Hà Thanh hát, nhân đấy tôi hỏi "Cháu có biết và hay nói chuyện với cô Hà Thanh, cô Hà Thanh hát nhạc chú rất hay". Nghe tôi nói vậy, mắt ông bỗng xa xăm. Ông cầm cuốn CD của Hà Thanh lên một cách trân quí, "Hà Thanh hát nhạc của chú đạt nhất". Rồi ông mở cái máy hát cũ, giọng trong và cao của con hoạ mi xứ Huế vút lên, người nhạc sĩ chìm vào dĩ vãng và thế giới của riêng mình.
 
Tôi bắt đầu bàn luận với ông về âm vực của Hà Thanh, tôi thích cái lối cô luyến láy. Ông bảo Hà Thanh hát dễ dàng những bài có âm vực rộng của ông viết. Từ ngày cô qua Mỹ, ông không còn gặp cô nhưng ông vẫn theo dõi theo tiếng hát của cô đều đặn. Tôi bảo tôi thích nhất là bài "Mấy dặm sơn khê" của ông nó vừa buồn vừa lãng mạn nhất là do Thái Thanh hát. Ông đồng ý nói, Thái Thanh có âm vực rất tốt, hát được những bài có nốt cao như “Mấy dặm sơn khê” của ông thật tuyệt vời. Tôi hỏi thêm, hình như những bản nhạc của chú đều viết cho những người có âm vực rộng. Ông cười nói, do đó có những bản chú phải viết lại cho các ca sĩ khác dễ hát hơn. Tôi tò mò “Trong quá trình sáng tác, chú có viết nhạc cho riêng một ca sĩ nào, hình bóng nào rõ rệt không?”. Ông bảo “Khi có, khi không, tùy lúc và tùy hứng, cháu ơi”.


Tôi bắt đầu nhắc đến thời vàng son của ông với những bản nhạc nổi tiếng như “Chiều mưa biên giới, Hải ngoại thương ca, Tình khúc hàng hàng lớp lớp ..v..v…” Tôi bảo chú là người đầu tiên trong âm nhạc trước 1975, dùng chữ “Hải ngoại” đó. Tôi tiếp tục nhận xét “Cháu yêu thích những câu kết trong nhạc của chú, câu nào cũng mang ấn tượng sâu đậm cho nguời hát và người nghe khiến họ nhớ mãi. Như câu “Em ái yêu trong chiều đông gió, mang áo xanh theo chồng sang sông, quên mái tranh quên, con đò xưa”. Tôi cười cười, dí dỏm hỏi, “vừa âu yếm, vừa nao lòng, có phải bài này chú viết cho người yêu đầu đời không?”. Chú cũng cười bảo tôi, muốn hiểu sao cũng được, nhưng bài này có hình ảnh quê cũ là Tây Ninh, ngày chú trở lại, nên trong đầu bài nhạc có ghi “Dâng mảnh đất quê nghèo -Tây Ninh-. Về sau 10 năm xa cách, ngày về vẫn với tâm hồn bơ vơ, cô độc, và tấm lòng dễ tin, dễ yêu như ở buổi ra đi. N.V. Đ. 1964.”
 
 UserPostedImage
Pic 4 Tờ quảng cáo chương trình xưa
 UserPostedImage
Pic 5 NS Nguyễn Văn Đông với quân phục

 
Ông nói thêm rằng, sau này ông nghe có những ca sĩ hát bài này, lời bị sai mà họ cứ hát khiến ý nghĩa lời hát bị méo mó. Đó là câu “Tôi lắng nghe tâm tình nhân thế, qua đáy tim chưa đục sông Mê…”. Họ hát thành “qua đáy tim chưa đục “song mê” hay “song khuya”. Ông bảo trong bản nhạc phát hành hồi đó ông đã cẩn thận ghi chú “Sông Mê, nghĩa bóng, tức lòng không bợn nhơ”. Rồi ông ngồi tỉ mỉ giải thích cho tôi nghe nghĩa của Sông Mê. Khi người ta chết phải đi qua cầu Nại Hà, dưới đó là Sông Mê, rồi uống chén cháo lú để quên kiếp trước, không còn thương tiếc nuối về cảnh cũ mà lộn kiếp trở lại. Nghe ông giải thích tôi mới vỡ lẽ ra ý nghĩa sâu sắc của câu “Tôi lắng nghe tâm tình nhân thế qua đáy tim chưa đục sông Mê”, có nghĩa lòng người trở về còn y như lúc đi, yêu mảnh đất quê, yêu mái tranh và chưa quên hình bóng người xưa. Nhất là còn yêu lắm lắm, thế mà nhân tình thế thái đổi thay “và em ái yêu đã mang áo xanh theo chồng sang sông mất rồi”.
 
Về Mái Nhà Xưa - Hà Thanh
 
Tôi tấn công thêm “Lòng trần còn tơ vương khanh tướng, thì đường trần mưa bay gió cuốn, còn nhiều anh ơi”, theo cháu, câu cuối lại là câu sâu sắc nhất trong bài nhạc “Chiều mưa Biên giới” chú ơi”. Mặt ông bỗng sa sầm, giọng đầy cảm xúc “Chính câu này đã là câu hát gây rắc rối cho đời chú.”. Ông hồi tưởng lại những giây phút gặp khó khăn phải đương đầu với chính quyền VNCH. Những câu hát trong bài “Chiều mưa biên giới” đã làm ông khó xử. Ông tiếp "Những gì chú viết đều là cảm xúc thật, những câu hát trong bài "Chiều mưa biên giới" là những câu hát nói lên nỗi lòng thương nhớ của người đi chiến đấu, dành lại non sông, mà chính chúng lại khiến chú khó xử với chính quyền đương thời ngày đó".
 
Ông không kể tôi nghe chi tiết, nhưng sau này tôi đọc các bài viết thì biết ông bị phạt trọng cấm 15 ngày và tác phẩm này cùng “Mấy dặm sơn khê” bị cấm lưu hành một thời gian với lý do nội dung làm suy yếu tinh thần binh sĩ. Bản nhạc có lời đề tặng rất cảm động “Kính tặng các chiến sĩ một nắng hai sương, lao mình nơi tiền tuyến. Kỷ niệm Đồng Tháp Mười(biên giới Việt-Cambod-1956)”.
 
Chiều Mưa Biên Giới - Trần Văn Trạch- Shot Gun11 trước 75


 
Thái Thanh - Mấy Dặm Sơn Khê - Thu Âm Trước 1975


 
Thấy ông buồn tôi lãng sang chuyện khác, bảo “Nói đến nhạc lính, theo nhận xét riêng của cháu, nhạc chú có những giai điệu rất quý phái, mà vẫn gần gũi, đi thẳng vào lòng người, điều mà có nhạc sĩ được học hành chỉnh chu cũng không làm nổi, những tình khúc viết cho người lính của chú không giống với các nhạc sĩ khác như Trần Thiện Thanh, Trịnh Lâm Ngân, Lam Phương chẳng hạn.". Ông nhấn mạnh rằng, ông sáng tác những bài hát về người lính khác với những nguời khác, tại ông sống thực. Ông là một sĩ quan tác chiến cùng các quân nhân xông pha trong lửa đạn nên những gì ông viết là cảm xúc thực của người lính đã ôm súng ngoài chiến trường. Còn những nhạc sĩ khác viết nhạc lính vì nhu cầu, lý do thương mại, chính trị hay bởi đơn đặt hàng, có khi cảm xúc vì cái chết, sự hy sinh của những người lính trận mà viết, nên nghe ra khác với nhạc lính của ông. Ngoài ra không có sự chi phối nào giữa một người quân nhân và một người lãnh đạo trong khi sáng tác, dù ông làm tới Trung Tá trong quân lực VNCH.
 
Ông kể thêm ngày xưa ông đã từng làm Trưởng Đoàn văn nghệ Vì Dân, Trưởng ban Ca nhạc Tiếng thời gian của Đài Phát thanh Sài Gòn, gồm có những ca nhạc sĩ tên tuổi như Thu Hồ, Mạnh Phát, Thái Thanh, Anh Ngọc và từng nhận giải Âm nhạc Quốc gia. Tuy nhiên ông hiểu trong cương vị một người lãnh đạo trong quân đội lại sáng tác hay sinh hoạt tích cực trong âm nhạc thì không thể tiến xa trong quân đội. Do đó hoạt động âm nhạc chỉ là dòng phụ chứ không phải là dòng chính trong sinh hoạt của ông. Sau này ông được vinh thăng Đại Tá. Tôi thêm "Tuy nhiên những hoạt động phụ này đã làm nên tên tuổi của chú".


Khi ông kể chuyện "sông mê", tôi biết ông am tường triết lý nhà Phật và ông thường đi chùa, tôi nêu thắc mắc tại sao ông lại viết rất nhiều những ca khúc Thiên Chúa Giáo, cũng như chuyển ngữ lời ngoại quốc sang lời Việt. Đó là những "Đêm Thánh vô cùng, Ave Maria, Màu xanh Noel, Bóng nhỏ giáo đường, Mùa sao sáng, Giáo đường chiều chủ nhật...v..v..." Ông trả lời rằng, trong quá khứ sinh hoạt và giao tiếp với các vị cố đạo và linh mục Thiên Chúa Giáo, ông có học hỏi nghiên cứu thêm về đạo này và rất mến họ. Chính vì vậy, lòng ông rung động và cảm xúc với thánh ca và ông thường viết nhạc đạo Thiên Chúa dù ông theo đạo Phật.


Lúc tôi dở tập nhạc lấy bản sao, những tác phẩm ông đề tặng, ông vui miệng kể thêm, trong đó có mười mấy gần 20 bài được nhà nước cho phép phát hành hay lưu hành trong nước. Tuy nhiên, ông không cảm thấy đó là điều may mắn hay hài lòng vì những tác phẩm được lưu hành không phải là những tác phẩm ông ưa thích. Những bài hát như "Trái tim Việt Nam" không phải là những bài xuất sắc làm sáng chói tên tuổi ông như "Chiều mưa biên giới hay Mấy dặm sơn khê". Thật ra, họ cũng rất dè dặt trong việc cho lưu hành các tác phẩm của ông. Tôi hỏi liền, "Bây giờ họ cho lưu hành một số nhạc của chú, vậy chú có phát hành hay tổ chức các buổi show nhạc như Phạm Duy đã từng làm không?". Ông lắc đầu ngay "Nếu phát hành những bài hát không hay lắm hoặc không ai biết đến, thì phát hành làm gì, thôi khỏi làm". Ông kể thêm, có lần nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ khi còn sống trở về nước gặp ông và nói HTThơ biết một nhân vật rất quan trọng trong chính quyền có thể giúp ông can thiệp và nhờ người đó cho lưu hành nhạc của ông. Ông nói với HTThơ rằng, đâu có dễ dàng như vậy và người đó làm sao có quyền hạn như vậy được, chỉ có ban Tuyên Huấn Trung Ương mới có thể cho phép lưu hành nhạc, nên cho dù có nhân vật nổi tiếng nào đó chăng nữa, cũng không thể cho phép lưu hành nhạc. Làm gì có chuyện ảo tưởng như vậy.

Tuy gặp ông có một lần trong đời, nhưng tôi cảm thấy mình rất may mắn được cơ duyên tiếp xúc với một người nhạc sĩ tài hoa. Hơn thế nữa, là một vị sĩ quan VNCH tuy thất thế nhưng vẫn khiêm cung, có khí phách và rất tư cách. Ông còn là một người nghệ sĩ đầy sáng tạo khi đi tiên phong trong lãnh vực khai sinh ra “Tân cổ giao duyên” là một hình thái nghệ thật kết hợp giữa âm nhạc phương Đông và phương Tây, giữa tân nhạc và vọng cổ miền Nam. Xin thắp nén hương lòng đầy quý mến của tôi gởi về NS Nguyễn Văn Đông nơi cõi tịnh.

Trịnh Thanh Thủy (Việt Báo)
______________________

Tiểu sử
NS Nguyễn Văn Đông (1932 – 2018) nguyên là sĩ quan quân lực VNCH, cấp bậc Đại tá. Nhiều người biết đến ông với tư cách Nhạc sĩ nổi tiếng trước năm 1975, với các ca khúc Chiều Mưa Biên Giới, Phiên Gác Đêm Xuân, Nhớ Một Chiều Xuân, Sắc Hoa Màu Nhớ, Hải Ngoại Thương Ca...Một số bút danh khác của ông là Phượng Linh, Phương Hà, Vì Dân và Đông Phương Tử trên một số nhạc phẩm tình cảm như "Khi đã yêu", "Thầm kín", "Niềm đau dĩ vãng", "Nhớ một chiều xuân"... ông cũng đã viết nhạc nền và đạo diễn cho trên 50 vở tuồng, Cải lương nổi tiếng ở Miền Nam trước năm 1975 như Nửa đời hương phấn, Đoạn tuyệt, Tiếng hạc trong trăng, Mưa rừng...
Ông còn là giám đốc hãng băng đĩa nhạc Continental và Sơn Ca, Trưởng Đoàn văn nghệ Vì Dân, Trưởng ban Ca nhạc Tiếng thời gian của Đài Phát thanh Sài Gòn, và từng nhận giải Âm nhạc Quốc gia
Sau 30 tháng 4, 1975, Nguyễn Văn Đông bị bắt đi học tập cải tạo 10 năm và ngừng sáng tác từ đó. Ông sống tại Phú Nhuận, cùng gia đình và mất tại đây.

Sửa bởi người viết 08/03/2018 lúc 08:17:17(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

song  
#4 Đã gửi : 07/03/2018 lúc 11:10:20(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Những gì còn lại

UserPostedImage
Hầu hết đó là những cựu thiếu sinh quân VNCH cùng trường với ông, và những người khác là cựu quân nhân đã chào tiễn biệt ngài đại tá Chánh Văn phòng của Tổng Tham mưu Phó quân lực Việt Nam Cộng Hòa về nơi an nghỉ cuối cùng.
Courtesy of FB Quang Cau Muoi

Trong đám tang của  Chris Kyle, tay bắn tỉa lừng danh nhất nước Mỹ, qua đời năm 2015 ở Texas, người ta nhìn thấy chiếc xe tang đi qua một đoạn đường dài hơn 300 cây số mà suốt hai bên đường, luôn có người dân đứng vẫy cờ hoặc nghiêm chào tiễn biệt.
Đó là một hình ảnh xúc động hiếm có về cái chết của một con người. Chris Kyle là người lính SEAL được ca ngợi như một thiên thần hộ mạng vì đã cứu cả trăm đồng đội của mình trên chiến trường Trung Đông nhờ tài bắn tỉa. Anh giải ngũ, trở về nhà và sau đó chết như một người lính.
Rằm tháng Giêng Mậu Tuất, tức ngày 2/3/2018 tại Sài Gòn, đám tang của nhạc sĩ, đại tá Nguyễn Văn Đông cũng xuất hiện một cảnh tượng xúc động tương tự. Khi lễ di quan diễn ra, nhiều người đàn ông mặc thường phục, không ai bảo ai, đã bất ngờ đưa tay lên chào theo kiểu nhà binh. Thấp thoáng trong những hàng khác, cũng có những cá nhân im lặng đưa tay chào, không cần hiệu lệnh. Hầu hết đó là những cựu thiếu sinh quân VNCH cùng trường với ông, và những người khác là cựu quân nhân đã chào tiễn biệt ngài đại tá Chánh Văn phòng của Tổng Tham mưu Phó quân lực Việt Nam Cộng Hòa về nơi an nghỉ cuối cùng.
Hàng người đứng chào theo kiểu nhà binh trước đám tang của nhạc sĩ – đại tá Nguyễn Văn Đông, đem lại niềm xúc động lạ thường, tương tự như hình ảnh tiễn xe tang của Chris Kyle. Nhưng có lẽ còn đặc biệt hơn với câu chuyện Việt Nam, khi mọi thứ về con người và hệ thống của chính quyền miền Nam bị săn lùng, giam giữ và hủy diệt nhiều năm, nhưng vẫn ẩn khuất đâu đó, rồi bất ngờ hiển lộ.
Nhưng ngoài âm nhạc, vẫn còn đôi chuyện về đại tá Nguyễn Văn Đông chưa được nói hết. Bài viết này là những gì còn lại, chưa kể, sau cuộc tiễn đưa đó.
Đọc tiểu sử cá nhân sau năm 1975, người ta chỉ biết ngắn gọn rằng nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đi trại tù của Nhà nước Bắc Việt trong 10 năm, và sau đó không đi Mỹ theo diện H.O (Humanitarian Operation). Đó là một chiến dịch nhân đạo do tổng thống Mỹ Ronald Reagan bật đèn xanh nhằm giải thoát hàng trăm ngàn quân nhân cựu quân nhân VNCH bị đưa đi tù, dưới danh nghĩa cải tạo (Special Release Reeducation Center Detainee Resettlement Program). Mọi thứ về đời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, lâu nay vẫn được mô tả thoáng qua, y như cách mà báo chí Nhà nước đưa tin ông mất. Ấy vậy mà vài ngày sau đám tang, nhiều tờ báo vẫn còn bị khiển trách vì đã có thái độ trân trọng thái quá với một “sĩ quan ngụy”.
Năm 1975, ngay sau khi đại tá Nguyễn Văn Đông ra trình diện, dù được chính quyền quân quản tuyên bố là chỉ đi “học tập tư tưởng mới” trong vài tháng. Thế nhưng, sự thật sau đó là 10 năm dài tù đày ở trại Suối Máu, Biên Hòa. Cho đến sau năm 1980 thì đưa về Chí Hòa. Đại tá Nguyễn Văn Đông được trả về nhà vào năm 1985 để được chết ở nhà, theo chính sách khoan hồng của cách mạng. Bà Nguyệt Thu, vợ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông kể rằng khi chia tay ông 10 năm trước, bà vẫn còn nhớ hình dáng một người đàn ông gầy nhưng khỏe mạnh, để rồi khi nhận lại ông, thì lúc đó gần như chỉ là một cái xác, chỉ còn thoi thóp.
Bà Nguyệt Thu, vợ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông kể lại rằng gia đình lúc đó chỉ còn đợi ngày để chôn ông, vì do ông mang quá nhiều căn bệnh cũng như thuốc men lại quá đắt đỏ và khan hiếm vào thời đó.
Rồi nhiều năm sau, ông sống lại như một kỳ tích, khỏe mạnh. Hai người im lặng sống trong căn nhà nhỏ chỉ có đôi vợ chồng già, không con cái, không nhiều sinh hoạt với xã hội. Bà Nguyệt Thư nói rằng cho đến nhiều năm sau khi ông được thả về, bà vẫn còn khả năng sinh con nhưng ông không còn có thể. Vì vậy hai người đã chọn sống cô đơn cùng nhau đến ngày chung cuộc.
Lời của bà kể như tiếng chuông chùa xa xăm về một nỗi đau không lời. Về với ông được 2 năm, thì bà bị chia cắt với đại tá bởi 10 năm tù không hề tòa án, cũng như không hề có lời giải thích. Khi được trả về nhà, thì ông đã như một phế nhân.
Bà nói rằng không muốn sinh con vì ông quá yếu. Nhưng cũng có thể bà không muốn có một đứa con, bởi cuộc sống như ác mộng mà bà và ông trãi qua, nếu có đơm hoa kết trái thì chắc cũng không thể có được lúc tỏa hương.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông bị đưa đến trại Suối Máu ngay sau khi trình diện. Thực tế là trại này tên là trại Tân Hiệp, Biên Hòa, từng là nơi giam giữ các binh sĩ Bắc Việt chờ trao trả theo các thỏa ước. Tên Suối Máu là do các tù nhân sau năm 1975 gọi thành quen mặc dù bị quản giáo cấm. Bởi năm 1968, cuộc đột kích thất bại ở cứ điểm này, mà dân trong vùng mô tả máu dân thường và của hai bên Nam Bắc chảy như suối, từ đó mà thành tên.
Trại Suối Máu giam giữ khoảng 5000 người, chia làm năm trại theo ký hiệu K. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ở K5.
Chỉ một năm ở trại này, do điều kiện giam giữ và ăn uống khắc nghiệt, không chỉ đại tá Nguyễn Văn Đông mang bệnh, mà rất nhiều người cũng đổ ra đủ thứ bệnh từ nội khoa đến ngoại khoa. Mà thuốc thì chủ yếu là một loại dược phẩm dân tộc được bào chế ở miền bắc có tên là Xuyên Tâm Liên. Bệnh gì cũng uống một loại ấy.
Nhà văn Hà Thúc Sinh, tác giả của tác phẩm Đại Học Máu, đã kể rằng nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông vì bị mang bệnh ghẻ nhầy nhụa kỳ lạ, khiến cả mảng lưng của ông lở loét. Đã vậy nhiều chứng bệnh khác như đau bao tử, thấp khớp, huyết áp… ập tới hành hạ ông liên tục nhiều năm. Vào lúc thập tử nhất sinh, anh em khiêng lên trạm xá được ít bữa thì y tá ở đó đuổi về. Lý do là ở bệnh xá không có thuốc điều trị, cũng như cho về thì khỏi mang trách nhiệm.
Nhà văn Hà Thúc Sinh viết rằng mấy người bạn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông khiêng ông ra hố nước để tắm lại sau nhiều ngày nằm liệt, như một cách giúp duy nhất có thể. Nhưng do phải đi lao động nên mọi người chỉ kịp nhìn thấy ông Nguyễn Văn Đông nằm sấp trên mặt đất, chứ không còn đứng nổi, cố múc nước rồi nằm quơ quào cố tắm rửa một mình như vậy.
Nói về sáng tác trong giai đoạn đó, đại tá Nguyễn Văn Đông đã cố giữ lại cảm hứng của mình trong những năm đầu bị tù, vì nghĩ rằng cùng lắm 2-3 năm gì đó sẽ ra. Nhưng rồi dần dần mọi thứ thui chột theo sức khỏe và niềm hy vọng. Ngay lúc bệnh đã nặng, nhưng phát hiện tù nhân Đỗ Văn Phúc là em họ của ca sĩ Duy Khánh cũng bị tù chung trại, ông đã vui đến mức sáng tác lại. Cảm mến giọng hát của người này mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông viết riêng một bài hát để tặng, có tựa đề là “Sài Gòn trong trái tim tôi”. Tác phẩm này, giờ chắc đã tuyệt bút, chỉ còn được nhắc lại với đôi ba câu với những ai từng nghe qua như “Sài Gòn tiếc nuối không thôi, Hà Nội héo hắt răng môi, cho nhớ thương vời vợi. Ôi, Sài gòn trong trái tim tôi…”
Năm 1985, khi khiêng ông về nhà, bà Nguyệt Thu nói rằng không nghĩ ông sống qua được năm đó. Sự tuyệt vọng tràn ngập đến mức khi nhận được hồ sơ ghi danh đi chương trình H.O ngay trong nhóm đầu, ông đã từ chối vì muốn được chết trên quê hương mình. Bà cũng thuận theo ý ông. Ấy vậy mà với sự chăm sóc nhẫn nại và yêu thương của người vợ hiền, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã chậm chạp sống lại một lần nữa, cho đến ngày buộc phải chia tay trần thế.
Khác với cuộc đưa tiễn người lính Chris Kyle, buổi chia tay nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông không có nhiều người khóc. Chỉ có những cánh tay đưa lên, im lặng chào đưa tiễn ông. Động tác rất quen thuộc khiến những người xa lạ nhau như gần lại. Có điều gì đó dâng lên trong suy nghĩ, đầy xúc động. Quả là có những triều đại nguy nga lộng lẫy, nhưng mọi thứ đã không còn. Nhưng cũng có những chế độ đã mất nhưng con người và tinh thần quốc gia thì còn sống mãi.
Theo Blogger Tuấn Khanh (RFA)

Sửa bởi người viết 07/03/2018 lúc 11:12:30(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

Ai đang xem chủ đề này?
Guest (2)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.311 giây.