Giáo sư Stephen Hawking trong một buổi thảo luận ở California, 13/3/2007
Stephen Hawking, nhà vật lý người Anh nổi tiếng thế giới, đã qua đời hôm 14/3, thọ 76 tuổi. Ông là người đã nghiên cứu về một loạt các chủ đề vũ trụ, từ sự khởi đầu của vũ trụ cho tới những giả thuyết về các hố đen.
Phát ngôn viên của gia đình cho biết ông đã ra đi thanh thản tại nhà riêng ở thành phố Cambridge, nơi ông làm việc trong hàng chục năm với tư cách Giáo sư Lucasia về Toán học tại Đại học Cambridge.
Trong một tuyên bố, các con ông - Lucy, Robert và Tim - nói: "Ông là nhà khoa học vĩ đại cũng như một con người phi thường, việc làm và di sản của ông sẽ còn hiện diện trong nhiều năm".
Ông Hawking được chẩn đoán bị xơ cứng cột bên teo cơ ở tuổi 21, căn bệnh về sau đã khiến ông phải ngồi xe lăn và làm ông mất khả năng nói, buộc ông phải giao tiếp qua một máy tạo giọng nói.
Các bác sĩ dự đoán ông chỉ sống thêm được vài năm, nhưng trái lại, ông đã vẫn duy trì sức khỏe, tập trung vào công việc, bao gồm tìm cách thu hẹp khoảng cách giữa Thuyết Tương đối của Albert Einstein mô tả sự chuyển động của các vật thể lớn và Thuyết Cơ học Lượng tử liên quan đến các hạt hạ nguyên tử.
Ông Hawking nói: "Mục tiêu của tôi thật đơn giản, đó là hiểu biết đầy đủ về vũ trụ, tại sao nó là như vậy và tại sao nó lại tồn tại".
Cuốn sách năm 1988 của ông, “Lược sử về thời gian”, đã trở thành một cuốn sách bán chạy nhất thế giới và làm cho ông nổi tiếng.
Một trong những thành tựu nổi tiếng nhất của ông là nghiên cứu về hố đen, cho thấy rằng một lượng nhỏ bức xạ có thể thoát được lực hấp dẫn của chúng. Hiện tượng này thường được gọi là bức xạ Hawking.
Một dấu hiệu khác về mức độ nổi tiếng của ông Hawking là hồi tháng 10 năm ngoái, khi trường Cambridge lần đầu đưa ra luận văn năm 1966 của ông lên mạng, nhu cầu về tài liệu này đã lên cao đến mức trang web của trường đã bị sập.
Ông Hawking cũng là người ủng hộ việc đưa người tới mặt trăng và sao Hỏa, một nỗ lực mà ông cho là sẽ giúp đoàn kết nhân loại trong mục đích chung là tỏa ra, đi xa hơn ngoài trái đất.
Ông Hawking nói việc thực hiện những động thái đầu tiên đi vào vũ trụ sẽ "nâng tầm nhân loại" bởi vì việc đó sẽ phải có sự tham gia của nhiều quốc gia.
"Chúng ta đang hết dần không gian và chỉ còn có thể đi đến những thế giới khác. Đã đến lúc khám phá các hệ mặt trời khác. Tỏa ra có thể là điều duy nhất cứu chúng ta khỏi chính bản thân mình. Tôi tin rằng con người cần phải rời khỏi trái đất", ông nói hồi năm ngoái. "Nếu nhân loại muốn còn tiếp tục tồn tại thêm cho một triệu năm nữa, tương lai của chúng ta phụ thuộc vào việc dũng cảm đi đến những nơi mà không ai khác đã đi tới trước đó”.
Thiên tài vật lý người Anh có một chút gắn bó với Việt Nam. Năm 1990, ông nhận làm cha đỡ đầu cho cô Nguyễn Thị Thu Nhàn, sinh năm 1980, là trẻ mồ côi tại Làng SOS ở Hà Nội. Đến mùa đông năm 1997, ông đã sang Việt Nam thăm cô Nhàn. Sau đó 3 năm, người cha đỡ đầu đã đón cô Nhàn sang Anh thăm gia đình ông trong 1 tháng.
Theo RFA