Đấu trường Colosseum trước lúc tắt đèn hưởng ứng Ngày Trái Đất, Roma, Ý, ngày 24/03/2018 REUTERS
Tối qua, 24/03/2018, sau nhà hát Úc Opera Sydney và những tòa nhà chọc trời ở Hồng Kông, điện Kremlin ở Nga hoặc tháp Eiffel ở Pháp, đèn điện đã được tắt đi trên toàn châu Mỹ nhân sự kiện Giờ Trái Đất lần thứ 11, nhằm vận động mọi người đấu tranh chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu.
Điểm mới năm nay là Giờ Trái Đất còn mở rộng mục tiêu sang lĩnh vực đấu tranh bảo vệ thiên nhiên.
Tại Úc, nơi phát sinh phong trào « Giờ Trái Đất » vào năm 2007, sự kiện năm nay đã được phát động với việc đèn tại nhà hát Opera Sydney và Cầu Cảng Sydney được tắt đi và đúng 20 giờ 30 giờ địa phương.
Sau đó, lần lượt theo các múi giờ, các tòa nhà chọc trời ở Hồng Kông hay Singapore cũng đã tắt đèn, tương tự như tháp Petronas ở Kuala Lumpur Malaysia hoặc tháp Burj Khalifa ở Dubai, sau đó là tháp Eiffel ở Paris, đền Acropolis ở Athens Hy Lạp, hay nhà thờ Thánh Phê Rô ở Roma.
Rồi đến lượt điện Kremlin và Quảng Trường Đỏ ở Mátxcơva chìm vào bóng tối, và theo hãng tin Nga Ria Novosti, cường độ ánh sáng của Trạm Không gian Quốc tế (ISS) cũng được giảm bớt.
Tại châu Mỹ Latinh, các thành phố lớn từ Mêhicô cho đến Cali (ở Colombia), cũng tắt đèn hưởng ứng phong trào, cũng như tại New York, nơi toà nhà chọc trời Empire State Buding chỉ phát ra một ánh sáng nhấp nháy mờ nhạt để đánh dấu sự kiện vào đúng 20 giờ 30 giờ địa phương.
Ngoài mục tiêu đánh động về vấn đề khí hậu bị hâm nóng, năm nay Earth Hour muốn đi xa hơn, và kêu gọi mọi người bảo tồn thiên nhiên, trong bối cảnh giới chuyên gia của Diễn Đàn Liên Chính phủ về Đa Dạng Sinh Học và Hệ Sinh Thái (IPBES) vừa báo động về nguy cơ các loại động và thực vật của hành tinh bị cạn kiệt.
Theo RFI