Một gia đình đang bắt cá tại một con mương khô cạn ở Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh chụp ngày 08/03/2016. STR / AFP
Tiếp theo nhiệt độ Trái đất tăng cao, đa dạng sinh học suy giảm, đến lượt vấn đề đất đai suy kiệt là đối tượng cảnh báo khẩn thiết của giới khoa học. Báo cáo đầu tiên về tình trạng đất toàn cầu, được công bố hôm nay, 26/03/2018, nhấn mạnh rằng đất đai suy thoái khiến sản phẩm nông nghiệp sụt giảm, đến độ buộc nhiều cộng đồng cư dân phải rời bỏ quê hương.
Trả lời AFP hôm qua, trước ngày công bố báo cáo của chương trình liên chính phủ về đa dạng sinh học và các dịch vụ sinh thái hệ thống (IPBES), nhà khoa học Robert Watson, chủ tịch IPBES, lưu ý : Hiện tượng đất suy thoái không phải là « một vấn đề đơn lẻ », mà tác động đến nhiều khu vực và ảnh hưởng đến một bộ phận lớn dân cư trên thế giới. « Đất suy thoái sẽ ảnh hưởng xấu đến nông nghiệp, và chất lượng của nước (…) và khi đất suy thoái, nhiều người sẽ buộc phải di cư ».
Bà Anne Larigauderie, thư ký điều hành của IPBES, cho biết báo cáo về tình trạng đất suy thoái toàn cầu được thực hiện theo yêu cầu của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Chống Sa Mạc Hóa (CLD), nhằm chuẩn bị cơ sở cho việc đề ra các biện pháp đối phó mới.
Báo cáo nói trên của IPBES - với sự tham gia của hơn 100 nhà nghiên cứu tình nguyện từ 45 quốc gia - được thực hiện trong vòng 3 năm. Báo cáo tập hợp toàn bộ các nghiên cứu khoa học quốc tế về vấn đề này. Chi phí cho việc thực hiện là 810.000 euro. IPBES cũng chính là cơ sở vừa công bố báo cáo về đa dạng sinh học bị đe dọa nghiêm trọng.
Quản lý kém và biến đổi khí hậu, hai nguyên nhân chính
Theo Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), 95% thực phẩm nuôi sống con người đến trực tiếp hoặc gián tiếp từ đất. Việc quản lý đất đai kém - với các hoạt động gây ô nhiễm, làm đất đai bị sói mòn, khiến chất lượng đất suy giảm đe dọa mục tiêu gia tăng sản lượng và chất lượng thực phẩm, mục tiêu mang tính sống còn của nhân loại, khi dân số thế giới dự kiến lên đến 9 tỉ người trước năm 2050.
Theo chủ tịch IPBES, trong số các nguyên nhân cụ thể khiến đất suy thoái, có việc « chuyển đất rừng thành đất trồng cây » hay « chuyển rừng ngập mặn thành nơi nuôi tôm »… Bảo vệ chất lượng đất lại càng khó khăn hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm gia tăng khô hạn, và các hiện tượng thời tiết bất thường khác.
Hành động nhanh chóng để bảo vệ chất lượng đất là việc khẩn cấp. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature Climate Change, cho dù nhân loại giới hạn được nhiệt độ tăng không quá 2°C, theo mục tiêu của thỏa thuận Paris 2015, thì cũng sẽ có đến một phần tư diện tích đất đai trên thế giới sẽ lâm vào tình trạng khô kiệt « đáng kể ». Mà đất đai khô kiệt và suy thoái sẽ là điều kiện thuận lợi cho nạn cháy rừng, sa mạc hóa, khiến ô nhiễm tăng cao, càng làm cho Trái đất nóng nhanh hơn và khí hậu biến đổi theo hướng tồi tệ hơn.
Theo RFI