Ảnh minh họa ADN
Getty Images/ Digital Vision/ Lawrence Lawry Việc khám phá ra cấu trúc ADN cách đây đúng 60 năm đã từng là một vấn đề đau đầu cho tổ chức phụ trách giải Nobel. Theo tạp chí Nature, thì các tác giả công trình đã được đề nghị hai giải Nobel về y học và hóa học trong cùng một năm.
Ba nhà nghiên cứu Francis Crick, James Watson và Maurice Wilkins vào năm 1962 đã chia nhau giải thưởng Nobel y học. Ngày 25/04/1953, tức là cách đây đúng 60 năm, Crick và Watson trong một công trình nghiên cứu, lần đầu tiên đã mô tả được cấu trúc của ADN (acide désoxyribonucléique), tức phân tử mang thông tin di truyền được mã hóa, gồm hai chuỗi xoắn với nhau. Đây là vật liệu di truyền cho tất cả các dạng thức của sự sống.
Các nhà khoa học trên đây được hưởng lợi từ các nghiên cứu của một số đồng nghiệp, đặc biệt là Maurice Wilkins và Rosalind Franklin, vốn tìm cách quan sát cấu trúc này bằng việc cho nhiễu xạ tia X quang xuyên qua các tinh thể ADN được tinh lọc.
Hai nhà nghiên cứu Alexander Gann và Jan Witkowski của Cold Spring Harbor Laboratory ở New York đã điều tra về tiến trình phân bố giải Nobel năm 1962. Họ đã sững sờ kinh ngạc khi thấy ba tác giả được giải Nobel y học cũng đã từng được đề nghị giải Nobel hóa học trong cùng năm. Sự kiện việc phát hiện cấu trúc ADN được đề nghị hai giải Nobel đã làm cả hai ủy ban bối rối.
Gann và Witkowski đã tìm thấy chứng cứ là một lá thư của nhà di truyền học Pháp Jacques Monod (là người đoạt giải Nobel y học vào năm 1965, tức ba năm sau đó), viết gởi ủy ban Nobel hóa học, đề nghị tặng thưởng cho ba nhà khoa học trên. Lá thư này được lưu giữ tại kho tư liệu của Viện Pasteur Paris.
Rốt cuộc, giải Nobel hóa học năm đó đã được trao cho Max Perutz và John Kendrew vì các nghiên cứu về hồng huyết cầu và myoglobine.
Ngoài ra, cũng theo Gann và Witkowski, thì ông Francis Crick đã viết một lá thư dài 9 trang gởi cho Jacques Monod hôm 31/12/1961, để tả lại quá trình nghiên cứu chung với James Watson về cấu trúc ADN. Trong thư, Crick « nhìn nhận tầm quan trọng » trong các nghiên cứu của bà Rosalind Franklin, để xác định « một số đặc tính » của cấu trúc ADN.
Đối với một số nhà đấu tranh cho nữ quyền, thì bà Rosalind Franklin là một khuôn mặt tiêu biểu. Họ cho rằng ba nhà khoa học được giải Nobel chưa bao giờ công nhận tầm quan trọng của các đóng góp từ bà. Dù sao đi nữa, bà Rosalind Franklin không thể nào nhận được giải Nobel vào năm 1962, vì bà đã qua đời vào năm 1958, trong khi giải Nobel chưa bao giờ được trao cho một người quá cố.
Cho đến nay, nhà nữ bác học Marie Curie là người duy nhất đoạt được hai giải Nobel trong hai lãnh vực khác nhau, chỉ cách có vài năm. Năm 1903, bà được trao giải Nobel vật lý cùng với chồng là Pierre Curie và ông Henri Becquerel, và đến năm 1911 thì được tặng giải Nobel hóa học.
Source: RFI