Một chiếc tàu tham gia ngày hoạt động vì khí hậu tại cảng Sydney, Úc ngày 08/09/2018. Reuters
Hôm nay, 08/09/2018, những người bảo vệ môi trường tại khoảng 90 quốc gia trên thế giới xuống đường, theo lời kêu gọi của phong trào « Rise for climate » ( Vùng lên vì khí hậu ).
Ngày hành động vì khí hậu này, được tổ chức ít hôm trước Thượng đỉnh thế giới vì khí hậu của các thành phố và doanh nghiệp, tại Hoa Kỳ, có mục tiêu gia tăng áp lực để thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu chia tay với năng lượng hóa thạch, chuyển sang năng lượng tái tạo.
Theo AFP, ở châu Á, nhiều cuộc tập hợp đã diễn ra tại Melbourne, Manila, hay Bangkok, để đánh động công luận về tính cấp thiết của hành động vì khí hậu. Tại Bangkok, gần 200 người biểu tình tập hợp trước trụ sở khu vực của Liên Hiệp Quốc, nơi đang diễn ra các cuộc họp trù bị cho thượng đỉnh về khí hậu COP 24, tháng 12/2018, tại Ba Lan. Người biểu tình lên án chính quyền Trump rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris 2015. Cuộc tuần hành tại Manila là đông đảo nhất, với khoảng 1.000 người. Philippines là quốc gia rất phụ thuộc vào than đá, và quốc gia quần đảo này cũng là một trong những nơi hứng chịu nhiều nhất các hiện tượng thời tiết cực đoan, có xu hướng gia tăng, do biến đổi khí hậu. Tại Úc, hàng trăm người biểu tình tập hợp trước văn phòng của thủ tướng, để kêu gọi chính phủ chấm dứt chính sách hậu thuẫn cho than đá.
Tại Hoa Kỳ, các tổ chức phi chính phủ chờ đợi một cuộc tuần hành khổng lồ chưa từng thấy tại bờ tây nước Mỹ, ở San Francisco, nơi sẽ diễn ra Thượng đỉnh thế giới vì khí hậu của các thành phố và doanh nghiệp, bắt đầu từ ngày 12/09. Thượng đỉnh San Francisco do thống đốc bang California tổ chức, nhằm đáp lại chính sách « chống khí hậu » của tổng thống Donald Trump.
Pháp là một trong những nước diễn ra nhiều hoạt động nhất, với khoảng 130 sự kiện dự kiến được tổ chức. Trả lời RFI, bà Clemence Dubois, phụ trách các hoạt động cổ vũ cho khí hậu tại Pháp của mạng lưới tranh đấu vì môi trường 350.org, cho biết : Mục tiêu của cuộc vận động hôm nay là nhằm hướng đến một « phong trào công dân toàn cầu » nhằm hóa giải các thách thức về khí hậu, tạo thế « đối trọng » với các tập đoàn kinh tế hùng mạnh, vốn có ảnh hưởng rất lớn đối với giới cầm quyền.
Hai hôm trước đó, các hiệp hội đứng ra tổ chức Ngày hành động vì khí hậu hôm nay tại Pháp, trong đó có 350.org, ATTAC, Oxfam France hay Les Amis de la Terre, ra thông cáo kêu gọi « rút vốn khỏi các năng lượng hóa thạch, cấm phát triển các dự án và hạ tầng cơ sở cho năng lượng hóa thạch, (…) để hướng đến một nền kinh tế tiêu thụ năng lượng ít, năng lượng tái tạo do công dân kiểm soát, và nền công nghiệp sử dụng năng lượng hóa thạch phải chịu trách nhiệm về các thảm họa sinh thái mà họ gây ra ».
Theo RFI