Sau khi đã rải đơn chừng năm chục chỗ, từ trên net, tới văn phòng và công ty xin việc, cộng thêm người quen biết xa gần giới thiệu thì cũng có vài chỗ liên lạc kêu cô sinh viên mới ra trường đi phỏng vấn.
Nhận được mail trả lời từ một công ty ngoại quốc, cô Linh rất hồi hộp. Đọc chia sẻ từ trên mạng về cách thức đi phỏng vấn, cô nhận thấy cần phải o bế ngoại hình trước. Chớ nên cho rằng mình thừa giỏi giang để xuất hiện trong buổi phỏng vấn dưới một hình thức luộm thuộm.
Vì thế cô cấp tốc đi tậu một bộ váy áo cùng túi xách, giày dép, thắt lưng thêm vòng tay, nhẫn… đủ bộ. Nói chung một vẻ ngoài chỉn chu dễ lấy cảm tình của người đối diện từ cái nhìn đầu tiên. Trang phục dù rẻ cũng ngốn một khoản tiền kha khá mà vì hơi mập nên cô khó đi mượn của bạn bè hoặc tìm thuê ngoài tiệm.
Diện bộ vest được coi là trang phục công sở mẫu mực, đi qua đi lại trước gương như tập catwalk để tạo dáng dấp tự nhiên và tự tin, chùi đôi giày bóng loáng không dính chút bụi, cô luyện giọng nói sao cho êm ái như nhung. Phụ nữ trong văn phòng như bông hoa cho nên ngoài những điều đã kê khai trong hồ sơ xin việc về bằng cấp, khả năng, kinh nghiệm… thì vẫn nên cần thêm ngoại hình, thanh sắc ổn một chút. Không kể các công ty Tây phương có ý chuộng phụ nữ mập xíu cũng được nhưng nên cao ráo cũng là lợi thế. Kiến thức hay kinh nghiệm có thể bổ túc theo thời gian nhưng vẻ ngoài thì cố hữu. Bởi vậy ở TQ, các thanh niên thiếu nữ tốn tiền đi kéo dài chân hay ở Hàn quốc, đi sửa sắc đẹp mắt hai mí, mũi dọc dừa, cằm thon… nhằm nâng cao khả năng tìm việc. Người xấu dễ bị gạt đi lắm.
Cẩn thận nhé, nghe nói người ta đặt camera từ ngoài đường vào đến trong nhà. Vì thế khi đi qua cổng nên cười duyên với ông bảo vệ trước tiên, vui vẻ cám ơn anh gửi xe xé vé. Bước vào thang máy chú ý nhường chỗ cho bất kỳ quý khách nào tình cờ gặp (!). Nhìn thấy bà lao công dựa tường, coi chừng bà ấy là diễn viên đấy, đừng thản nhiên bước qua nhát chổi mà nên dừng lại vài giây để chào hay ân cần hỏi thăm một câu. Ông bảo vệ hay bà lao công đều có thể được “gài” đứng đó để thử xem thái độ giao tiếp của ứng viên dễ chịu hay chảnh chọe… Nếu không khả ái như vậy, theo rỉ tai kinh nghiệm truyền miệng, e rằng 50% rớt!
Có một mẩu chuyện ngắn thuật lại anh chàng không có tài cán gì đặc biệt nhưng được nhận vào làm việc chỉ vì sau khi bước ra khỏi phòng phỏng vấn bị từ chối, anh cúi xuống nhặt dưới đất một chiếc ghim kẹp ai đó đánh rơi. Người chủ nhìn thấy, cho đó là dấu hiệu của bản tính cần kiệm và chân thật. Cô Linh cũng chăm chú nhìn quanh quẩn xem có chiếc ghim kẹp hay cây viết nào nằm dưới đất để nhặt lên kể công, hơi chút thất vọng khi không có gì cả trên sàn nhà sạch bong, bóng loáng!
Phỏng vấn xin việc giống như mọi kỳ thi trong cuộc đời, tốt hơn hết nên học tủ cho chắc ăn. Vì thế ở nhà, cô Linh đã lục lọi trên Google để học thuộc lòng “hai mươi câu phỏng vấn kiểu mẫu” hay “ba mươi câu trả lời khi đi xin việc”…, may mắn trúng tủ thì tuôn ra mặc dù đã được cảnh cáo là những câu trả lời đó, nhà tuyển dụng còn thuộc làu làu hơn ứng viên”, giống như các cô thi hoa hậu khi được hỏi yêu gì nhất, câu trả lời cũ mèm em yêu hòa bình luôn tự động bật ra khiến người nghe ngán ngẩm! Không kể quá mất bình tĩnh trong cuộc thi vấn đáp căng thẳng mặt đối mặt, tới mức nhiều ứng viên líu lưỡi thốt ra gọi chú xưng em, gọi chị xưng cháu… khiến hy vọng tuột xuống còn một nửa.
Mặc dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng từng ly từng tý nhưng cô Linh vẫn bị rớt mà theo như thông thường, hoàn toàn không biết lý do ra sao để có thể rút kinh nghiệm cho những lần phỏng vấn sau.
Rớt dăm lần phỏng vấn, cô nhụt chí và bắt đầu sốt ruột nên tìm tới những công ty nhỏ hơn. Đó là những nơi chỉ cần hình thức gọn gàng chứ không cần sáng chói, các câu hỏi đi thẳng vào công việc chứ không cần đánh đố lòng vòng, cũng không cần hai năm hay ba năm kinh nghiệm. Tại VN, các sinh viên trong thời gian đi học, đa số đều tìm cách kiếm thêm nhưng hầu hết là những công việc giản đơn quen thuộc như chạy bàn, phát tờ rơi, gia sư… chứ ít người tìm được công việc kiếm thêm đúng ngành đang học. Do đó, đòi hỏi hai năm kinh nghiệm là điều các sinh viên rất ngán vì không có. Hai năm kinh nghiệm ấy chỉ bắt đầu thu thập sau khi ra trường mà thôi.
Những công ty nhỏ này, nhiều khi nhân viên chính thức chỉ vài người nên hỏi dăm câu chính là chấp nhận hoặc từ chối ngay, rất thích sinh viên mới ra trường, cao đẳng trung cấp cũng được, vì thường không đòi hỏi chuyên môn quá cao mà chỉ cần chịu khó với những việc thượng vàng hạ cám, miễn năng động và chịu khó cày là được. Đại khái kế toán kiêm luôn đòi nợ, liên lạc khách hàng, tư vấn, cần thì giao hàng luôn… Cái gì cũng phải biết và lăn lưng vào làm không ngại. Câu hỏi thẳng vào vấn đề không quanh co, không đấu trí… Đại khái em biết quản trị trang web không hoặc em có quen người nào làm web không. Tức là nếu không biết làm web thì nhờ cậy ai đó miễn giao việc xoay xở sao hoàn tất tùy ý.
Loại công ty này thay đổi nhân viên xoành xoạch. Phía chủ chọn nhân viên mới để có thể trả lương thấp của người học việc và phía kia, nhân viên cũng sẵn sàng nhảy việc khi khám phá mình bị bóc lột bởi công việc bào mòn sức khỏe với đồng lương không tương xứng.
Ứng viên xin việc cảm thấy thật khó trả lời câu hỏi Bạn muốn mức lương bao nhiêu. Công việc đáng giá bao nhiêu thì trả bấy nhiêu chứ câu hỏi sao khó trà lời. Cô Linh phân vân vì không rõ công việc trong thực tế cùng với bản thân mình đáng giá bao nhiêu ở thời điểm hiện tại. Đưa ra con số cao quá sẽ bị từ chối thẳng thừng, đưa con số thấp hơn lại cảm thấy thiệt thỏi. Cùng một công việc thu mua chẳng hạn, nhưng ở mỗi công ty lớn nhỏ, công sức bỏ ra khác nhau. Nhiều người đã rớt ở vòng phỏng vấn vì đã không đưa ra câu trả lời khôn khéo. Mà muốn có câu trả lời khôn khéo đó chắc là phải sau năm chục lần phỏng vần.
Không phải công ty nào cũng có một văn phòng hay bàn giấy để phỏng vấn. Có khá nhiều chỗ tuy được gọi là công ty nhưng thực sự nhân viên rất ít. Có công ty chỉ hai người. Một anh là giám đốc kiêm nhân viên kỹ thuật kiêm bảo vệ… cùng một chị là chủ tịch hội đồng quản trị kiêm kế toán kiêm thủ quỹ kiêm lao công quét dọn nấu nước… Ai muốn gặp người ở vị trí nào, hai nhân vật đó thay phiên đảm nhiệm các chức vụ khác nhau ra tiếp khách.
Thậm chí có những cơ sở làm ăn gặp gỡ ứng viên và phỏng vấn ngoài quán nước do không có văn phòng chính thức. Họ chiếm một bàn ở góc cố định của quán cà phê không tới nỗi bình dân quá hay một góc nhà kho sạch sẽ. Mọi giao dịch diễn ra rất hiệu quả mà chẳng cần tốn kém thuê văn phòng.
Cô Linh từng được phỏng vấn một lần như vậy, dĩ nhiên không run bắn như khi vào các văn phòng choáng lộn của công ty lớn. Để thích hợp với khung cảnh thân thiện vừa sức thì cô không cần lên bộ đầm nghiêm chỉnh mà chỉ cần quần jean áo pull sao cho có vẻ lẹ làng, sẵn sàng nhanh chân lẹ tay cho những công việc biết trước là sai vặt! Chắc là khả năng của sinh viên mới ra trường chỉ phù hợp với những việc cò con thế này thôi. Kinh nghiệm việc làm bắt đầu tính từ đây. Việc phỏng vấn diễn ra ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu và cô Linh nhanh chóng thỏa thuận mức lương. Nếu không thích thì cô “nhảy việc” mấy hồi và sẽ kiếm việc nhờ dạn dày kinh nghiệm phỏng vấn.
Dù sao phỏng vấn ở quán cà phê lịch sự vẫn đàng hoàng và có thật, ngoài ra còn có những cuộc gặp ở quán nước bình dân hoặc chung cư, tư gia. Nếu căn tư gia đó diễn ra ở quán tạp hóa, cửa hàng bán gaz… còn đỡ. Phỏng vấn chớp nhoáng trong không gian kiểu này có nghĩa người chủ dễ dãi nhận nhân viên, nhưng nếu nhìn thấy trước mắt chỉ là gian nhà cá nhân, căn hộ riêng tư chẳng thấy bóng dáng, hơi hướng cua một công việc cụ thể thì lo co chân chạy thoát thân trước cho an toàn. Từng có những thiếu nữ ngây thơ lọt vào tay yêu râu xanh chỉ sau vài ngày làm việc bá vơ với những “văn phòng” mờ ám, hay bị mất trắng tiền thế chân đặt cọc cho những công việc mơ hồ.
Cuối cùng là các cuộc phỏng vấn ở công sở. Nơi này coi vậy mà nhẹ nhàng. Y phục gọn gàng, tỏ vẻ ngoan ngoãn nhu mì hơn là thông minh sắc sảo. Chắc thạo việc chưa phải yêu cầu đầu tiên mà nên biết vâng lời thì tốt hơn.
Nếu có quen biết chạy chọt thì khỏi qua giai đoạn phỏng vấn hoặc phỏng vấn qua loa kiểu làm rõ đối với bà X hay ông Y, em là con hay cháu, cháu một đời kêu chú bác hay cháu ba, bốn đời kêu cô dì, cháu họ của thím hay của dượng của các ông bà ấy, hay anh Z gửi em hả, truy ra quen biết với chú của bạn anh Z hay dì của cháu vợ anh Z… Nhất thiết phải làm rõ nguồn gốc để xử sự với nhau cho đúng mực.
Cũng khỏi cần phỏng vấn chuyên môn vì mọi kiến thức, khả năng đã nằm đầy đủ ở hồ sơ xin việc, đâu cần hỏi han chi mất công. Đại khái tốt nghiệp đại học ngành này ngành nọ, vi tính bằng B, ngoại ngữ 400 điểm. Những bằng này vẫn có ích trong hồ sơ xin việc ở công sở trong khi sở tư đòi hỏi khả năng thật sự hơn những chứng chỉ chung chung mà ai cũng biết có thể tậu được dễ dàng. Vì thế ở sở tư, nhân viên có thể nói trơn tru mặc dù giọng nói có thể không chuẩn lắm trong lúc ở sở công, rất hiếm tìm được người giao tiếp ngoại ngữ khá cho dù bằng cấp kẹp đầy trong hồ sơ và vẫn tiếp tục được bổ túcg.
Cô Linh quá sức may mắn không gặp khó khăn trong phỏng vấn. Lý do bất ngờ vì giám đốc và trưởng phòng cùng xuất thân từ ngôi trường cô học nên đâm ra có cảm tình với đàn em khóa sau. Cô được nhận vào ngay khỏi cần hỏi han câu nào. Sinh viên mới ra trường không quen biết thì chỉ cho vào chân văn thư nhàm chán đang khuyết chứ những chỗ có thu nhập cao thì không tới phần. Trong phòng đó cũng có một anh được nhận vào làm trước mấy tháng, không quen biết chạy chọt, cũng không đồng môn nhưng té ra lại… đồng hương. Anh chàng may mắn đó tuy không cùng thôn ấp, xã huyện nhưng nội cùng tỉnh với ông sếp là đã thơm lây rồi. Không phải một người làm quan cả họ được nhờ mà một người làm quan cả tỉnh được nhờ là vậy.
Cô Linh thở phào vì cuối cùng sau nhiều phen vất vả, cũng tìm được nơi yên ổn chắc chân. Thật ra ngành học hay khả năng cũng không quan trọng lắm(!) vì cô cử nhân Kinh tế vào Phòng Hành chánh, anh Quản trị kinh doanh vào Phòng Pháp chế… Miễn lọt qua vòng phỏng vấn, có công việc ổn định không sợ thất nghiệp, rồi cứ tà tà vác ô đến hết đời thôi.
SGCN