Hỏi đáp Y học: Nhức đầu do viêm thần kinh chẩm Thính giả Lê Thị Hoa, 45 tuổi, ở Ðà Nẵng, hỏi:
“Thưa Bác sĩ,
Cách đây khoảng một tháng rưỡi, tôi bị một tấm nệm dày, nặng hai người khiêng mới nỗi, đổ đè lên từ vùng cổ lên đầu.
Vì chỉ có một mình ở nhà, tôi cố rị/[dỡ/ đẩy] tấm nệm ra, cũng phải khoảng nửa tiếng mới thoát ra được. Từ cổ lên đầu tôi bị đau.
Ban đầu, tôi uống thuốc tây bác sĩ cho, thấy nó đỡ. Sau đó đi vật lý trị liệu, thấy cái cổ bớt.
Nhưng đầu vẫn đau, đau từ dưới óc, từ dưới vùng cổ đau lên, đau hai bên chân tóc, đau rêm rêm nơi đầu.
Ði chụp não, và bác sĩ nói căng thẳng thần kinh; có cho uống thuốc mà không thấy bớt.
Tôi muốn hỏi là có phải bị viêm dây thần kinh chẩm dưới đầu không? Uống thuốc gì để chữa?”
Chúng tôi đã chuyển thắc mắc cho bác sĩ Hồ Văn Hiền, và sau đây là phần giải đáp của bác sĩ Hiền:
Tải để nghe hỏi đáp Y học: Nhức đầu do viêm thần kinh chẩmNhức đầu do viêm thần kinh chẩm - Occipital NeuralgiaCó hai dây thần kinh chẩm: Thần kinh chẩm lớn (greater occipital nerve) và thần kinh chẩm nhỏ (lesser occipital nerve) được tạo nên bởi những rễ thần kinh C2-C3 (thoát ra trên các đốt xương sống cỗ thứ 2 và thứ 3); phụ trách cảm giác vùng sau của đầu (giữa hai tai) và phần sau của cổ. Tổn thương hay viêm các dây thần kinh này tạo nên sự cảm nhận đau nhức trong vùng sau đầu và cổ. Đây là một trong những nguyên nhân mà bs cần phải định bệnh phân biệt đứng trước một trường hợp bệnh nhân nhức đầu.
Đau dây thần kinh chẩm có thể do:
● Chấn thương làm hư hại dây thần kinh trên đường đi của nó (ví dụ kẹp giữa các cơ bắp cổ)
● Chèn ép do đốt xương sống thoái hoá, do đĩa đệm thoát vị (herniated disk),thoái hoá;
● Do u bướu đè lên
Đau thần kinh chẩm là một loại đau đầu vùng sau gáy và cổ.
Đau có thể mang nhiều đặc tính khác nhau: đau liên tục, một bên (trái hay phải) ê ẩm, rát như phỏng (burning pain), hay bưng bưng (throbbing pain), thêm vào đó những cơn đau nhói, đau xuyên thấu. Đau phát xuất từ vùng dưới chẩm (suboccipital area), lan ra da đầu về phía sau, hoặc trước; có thể đi ra trán, thái dương (temporal), xuống cổ. Có khi bệnh nhân thấy đau sau mắt, cùng một bên.
Một số bệnh nhân tê và đau lúc bs gõ nhẹ trên đường đi của dây thần kinh. Có thể đau lúc ngẩng đầu, hoặc quay cổ. Có thể có những triệu chứng như tê da đầu, choáng váng, chóng mặt, sợ, chói lúc ra ánh sáng (photophobia), làm khó phân biệt với các loại nhức đầu khác như:
● Tension headache: đau đầu do thần kinh căng thẳng, stress, có thể đi đôi với trầm cảm.
● Clusters headache ((đau nhói, xoáy, dữ dội, đau trong hốc mắt, cơn đau 15 phút 2-3 giờ, chảy nước mắt, nước mũi)
● Migraine ((đau bưng bưng/pulsating pain; nhạy cảm tiếng động và ánh sáng, buồn nôn, thấy những ánh sáng bất thường, lung linh trước khi xảy ra cơn đau-visual aura).
Định bệnh: căn cứ trên những triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng kể trên. Trường hợp cần, bs có thể dùng thúc tê chích vào sợi dây thần kinh, nếu hết đau, thì giúp bs xác nhận cơn đau do ngưồn gốc từ viêm dây thần kinh chẩm.
Nếu có nguyên nhân do chấn thương gây ra (như trường hợp vị thính giả bị vật nặng đè lên cổ trước khi có triệu chứng), bs có thể dùng CT và MRI để khảo sát cổ, các đốt xương sống, đặc biệt là xem khớp xương sống giữa đốt C1 và C2 có bị bất ổn (atlanto-axial instability) hay không.
Chữa trị:
Đại đa số không cần can thiệp phẫu thuật.
1. Nếu có tổn thương về cấu trúc xương sống (structural damage), có thể cần phải phẫu thuật (hiếm).
2. Đa số trường hợp không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng (idiopathic) chữa trị một cách bảo thủ.
3. Vật lý trị liệu, massage, dùng hơi nóng, châm cứu, ở Mỹ có thể nắn xương do bs chiropractors.
4. Thuốc men: các thuốc chống viêm (Non- Steroid Anti- Inflammatory Drugs: NSAIDS) như ibuprofen (Advil, Motrin), naprosyn thuốc giảm đau: acetaminophen (Paracetamol, Tylenol), các opioid (ma túy, có thể gây ghiền).
5. Các thuốc nguyên thuỷ dùng để chống động kinh có thể làm giảm đau do viêm thần kinh (neuropathic pain):gabapentin (Neurontin, 300mg -3600mg/ ngày), carbamazepine, phenytoin,baclofen.
6. Chích thuốc tê và corticoid tại chỗ.
7. Chích chất độc tố botulinum (botulinum toxin type A [botox]) thường dùng để xoá các vết nhăn.
8. Máy kích thích điện xuyên qua da (percutaneous electrical occipital nerve stimulator).
9. Nếu cần, cắt đứt các dây thần kinh C1,2,3.
Xin nhắc lại, đây chỉ có tính cách thông tin, cần đi khám bác sĩ của quý vị.
Chúc bệnh nhân may mắn.
Ngày 12 tháng 6 năm 2013
Bác sĩ Hồ Văn Hiền (VOA)