Năm 1930, kinh tế gia John Maynard Keynes tiên đoán, trong vòng một thế kỷ sau đó, nhờ kinh tế phát triển và năng suất tăng, người ta không còn phải làm nhiều như trước nữa. Lời tiên đoán của Keynes đã đúng phần nào: Năm 1930, trung bình một tuần lễ làm việc của người Mỹ là 47 giờ. Đến năm 1970, con số đó rớt xuống chỉ còn mấp mé dưới 39. Nhưng rồi có sự thay đổi nào đó. Thay vì tiếp tục giảm, số giờ làm việc trung bình trong một tuần dậm chân tại chỗ, và trong gần 5 thập niên kết tiếp, con số giờ làm việc cứ mấp mé ở mức 40. Vậy, chuyện gì đã xảy ra? Và tại sao người Mỹ cho đến nay vẫn làm việc nhiều giờ như trong năm 1970?
Người ta có thể hiểu nếu như kinh tế gia Keynes đã đoán sai về việc tăng năng suất của kinh tế nước Mỹ, mà ông nghĩ rằng sẽ đưa đến tiêu chuẩn sống được “nâng cao hơn từ bốn đến tám lần” so với năm 1930. Nhưng Keynes đã đoán đúng: Kỹ thuật đã làm cho kinh tế tăng năng suất ồ ạt. Theo nhận định của kinh tế gia Benjamin M. Friedman của Đại học Harvard, nền kinh tế nước Mỹ đang đi đúng đường để đến năm 2029 đạt được con số năng suất tăng gấp tám lần như Keynes đã tiên đoán 100 năm trước đó.
Đã có một số nhà nghiên cứu đang cố tìm hiểu tại sao việc tăng năng suất lại không đưa đến việc tăng số giờ nghỉ ngơi thư giãn cho người làm việc. Có lẽ là vì con người ta vẫn chưa cảm thấy thoả mãn vật chất, và vẫn muốn có thêm tiền để mua món đồ nào đó đang thèm thuồng khao khát. Nhưng giả thuyết này vẫn chưa đầy đủ, là vì nếu đây là trường hợp, thì tại sao số giờ làm việc trung bình mỗi tuần lúc đầu có giảm.
Một thuyết khác có phần thuyết phục hơn: Sự bất quân bình lợi tức trong xã hội Mỹ, có nghĩa là việc tăng năng suất đã không chia đều lợi tức cho tất cả mọi người, và phần đông người Mỹ phải làm thêm giờ mới đủ trang trải cuộc sống. Để chứng minh giả thuyết này có lý, người ta đưa thời gian ra so sánh: Sự bất quân bình giảm ở Mỹ trong thời hậu thế chiến (và cùng đó là giảm giờ làm việc trung bình mỗi tuần), nhưng kể từ đầu thập niên 1970 đến nay thì sự bất quân bình lại tăng trở lại.
Sự tiên đoán mà Keynes đưa ra là dựa trên ý kiến cho rằng “tiêu chuẩn cuộc sống” sẽ tiếp tục tăng cho mọi người. Điều đó đã không xảy ra. Mặc dù tiên đoán của Keynes đúng ở chỗ kinh tế tăng trưởng gấp tám lần, nhưng lại không hoàn toàn đúng trong trường hợp của những người lao động trung bình ở Mỹ. Đối với những người này, cho đến năm 2029, lợi tức của họ chỉ tăng khoảng 3.5 lần so với thời điểm khi Keynes đưa ra lời tiên đoán – nghĩa là thấp hơn so với con số từ bốn tới tám lần như đã được tiên đoán.
Theo kinh tế gia Benjamin M. Friedman, dựa trên dữ liệu thu thập được, trong khoảng thời gian từ 1947 đến 1973, lương trung bình của người lao động tại các nhà máy ở Mỹ tăng gần gấp đôi, từ $12.27 lên $21.23 một giờ – tăng trung bình với tỷ lệ 2.1 phần trăm một năm. Nhưng đến năm 2013, lương trung bình chỉ là $20.13 – thấp hơn 5 phần trăm so với mức lương của năm 1973. Đối với phần đông những người lao động này, việc tăng năng suất đã không giúp gì cho họ và vì vậy họ đã buộc phải làm nhiều giờ thì mới đủ thu nhập để trang trải chi phí cho cuộc sống.
Việc tăng năng suất ở đây, theo ý kinh tế gia Keynes, là nhờ kỹ thuật tiến bộ – máy móc tối tân hơn, thông minh hơn, và có thể làm được nhiều công việc mà trước đây phải cần đến bàn tay của con người. Do đó, nay người ta rảnh rang hơn vì không phải làm nhiều giờ như trước nữa. Người ta có thể dùng thì giờ rảnh rang đó để đi du lịch đây đó, hay thậm chí là để nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, điều tiên đoán đó đã không xảy ra. Kết quả một cuộc thăm dò gần đây của trang mạng Marketplace, có tới một nửa công nhân làm việc lương giờ cho biết điều họ quan tâm nhất không phải là họ làm quá nhiều giờ mà là họ làm quá ít giờ – điều này không hẳn vì họ quá yêu những công việc họ làm, mà chỉ vì một điều rất đơn giản là họ cần tiền.
Xã hội Mỹ phồn thịnh như Keynes tiên đoán là có thật. Hơn nữa, nền kinh tế Mỹ nói chung tăng trưởng còn hơn điều đã được tiên đoán nữa. Nhưng đối với phần đông người Mỹ, họ không được hưởng sự phồn thịnh đó, và do đó cũng không nhìn thấy số giờ làm việc trong tuần của họ được giảm đi, mà trên thực tế, nhiều người còn phải làm nhiều giờ hơn mới đủ sống.
Mặc dù nước Mỹ không hẳn đứng đầu danh sách những quốc gia đã phát triển mà người dân phải làm việc quá nhiều giờ; Mễ Tây Cơ, Hy lạp, Nam Hàn, và chín quốc gia khác đứng cao hơn, nhưng tính ra người Mỹ làm nhiều hơn 20 tiếng mỗi năm so với mức trung bình. Một nghiên cứu năm 2016 cho biết người Âu châu làm việc khoảng từ 7 đến 19 phần trăm ít hơn một người Mỹ trung bình, tính ra là ít hơn khoảng từ 30 đến 90 phút mỗi ngày. Gần một phần ba nhân viên Mỹ làm việc 45 tiếng hoặc hơn tại sở làm, và khoảng 10 triệu người làm việc 60 tiếng hoặc hơn. Những người Mỹ đang ở tuổi lao động sung sức nhất nay phải làm việc nhiều hơn 7.8 phần trăm số giờ lao động so với bốn thập niên trước.
Làm việc như chúng ta biết là một hình thức sinh hoạt còn tương đối mới. Nhìn lại suốt chặng đường lịch sử của nhân loại cho tới khoảng mấy ngàn năm trước, lúc ấy con người còn sống theo bầy đàn và săn bắn. Công việc chính của họ đơn giản chỉ là đi tìm thức ăn, và có điều bất ngờ lý thú là con người thời đó không phải làm việc quá sức mệt nhọc để có miếng ăn. Các nhà khảo cổ phỏng đoán con người sống vào thời săn bắn mỗi ngày chỉ mất khoảng bốn tiếng để đi tìm thức ăn, và những thì giờ còn lại họ sống thảnh thơi và hưởng thụ. Đời sống của nhân loại chỉ thực sự khó khăn và làm lụng cực nhọc khi tổ tiên của chúng ta bắt đầu bước vào thời đại trồng trọt. Cố đào xới đất trồng trọt để làm ra thực phẩm bắt buộc người ta phải lao động cực nhọc hơn là công việc săn bắn, hái trái từ trên cây hay ngắt ngọn rau hoang dưới mặt đất. Và rồi đến thời đại cách mạng kỹ nghệ, khi con người bị cầm tù trong những nhà máy sản xuất suốt ngày, làm việc quần quật và bị đối xử không hơn một cái máy, và làm việc trong những điều kiện tồi tệ với đồng lương rẻ mạt. Nếu chỉ nhìn ở khía cạnh lao động như thế thì đâu thể gọi đó là sự tiến bộ của nhân loại được.
Lẽ đương nhiên, điều kiện làm việc nay đã tốt hơn so với trước, ít ra là ở những quốc gia đã phát triển. Tuy nhiên, loài người chúng ta phần nào vẫn sống dưới cái bóng của cuộc cách mạng kỹ nghệ, và con người đến nay vẫn bị xã hội xem như một đối tượng kinh tế mà giá trị được tính bằng sức lao động và tiềm năng sản xuất.
Nói như vậy thì có người sẽ bắt bẻ là nếu chúng ta không làm việc nhiều thì kinh tế của quốc gia sẽ lụn bại, thụt lùi và sẽ không thể cạnh tranh với thế giới. Nhưng thực ra lý luận trên không hoàn toàn đúng. Ở Âu châu, người ta làm việc ít giờ hơn so với Mỹ, và năng suất thì lại cao hơn. Những quốc gia như Hoà Lan và Đan Mạch thật sự thành công về kinh tế hơn là Mỹ. Và không hẳn là sự tình cờ, cuộc sống của họ hạnh phúc và thoả mãn hơn. Làm việc ít giờ hơn không có nghĩa là sẽ đưa tới thất bại kinh tế – mà ngược lại là đằng khác. Làm việc nhiều giờ hơn chỉ làm cho người ta trở nên mệt mỏi, bực bội, và do đó sẽ kém năng suất hơn.
Cũng có người sẽ nói nếu không làm việc thì lấy đâu ra tiền để chi dùng. Vậy thì hãy bớt tiêu xài đi, bớt bị lệ thuộc vào vật chất thì chúng ta sẽ không cần phải làm việc hùng hục để trả nợ. Cứ nhìn quanh trong căn nhà thì thấy có rất nhiều đồ vật chúng ta mua nhưng thật sự không cần thiết, không có những đồ vật đó cuộc sống của chúng ta cũng không vì thế bị kém phẩm chất đi.
Một điều rõ ràng là nếu cứ phải làm việc quần quật suốt ngày, từ lúc mở mắt vào buổi sáng cho đến tối mịt, thì cho dù chúng ta có là một nhà triệu phú hay một đại gia, cuộc sống của chúng ta cũng sẽ không hơn gì một công nhân làm việc cực nhọc trong xưởng máy ở thế kỷ 19.
Đồng ý ai cũng phải làm việc và đó là một phần quan trọng trong đời sống chúng ta. Nhưng nếu cứ phải chạy đuổi theo công việc để trang trải cho cuộc sống vật chất thì như vậy có đáng hay không? Hãy thử coi nếu chúng ta phải làm việc 40 tiếng hoặc hơn mỗi tuần, 50 tuần mỗi năm, và làm việc trong vòng 50 năm – chưa kể thời gian di chuyển, và thời gian nghỉ ngơi để lấy lại sức sau những giờ làm việc quá sức mệt mỏi, thì thử hỏi đó có phải là một cuộc đời lý tưởng hay không? Phải chăng đó là mưu cầu cho chúng ta theo đuổi?
Câu trả lời chắc chắn là không!
Sống và làm việc phải quân bình. Cuộc sống cần phải an nhàn, có thì giờ rảnh rang thư giãn, và làm đủ ăn, đủ mặc, không đòi hỏi quá nhiều, thì đó mới thực sự là một cuộc sống lý tưởng.
Huy Lâm