logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 05/05/2019 lúc 10:45:18(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
1.
UserPostedImage
 
Hãy tưởng tượng một buổi tối trong một khán trường trang trọng vào bậc nhất của thành phố, bạn và gần nghìn khán thính giả khác nín thở trong im lặng tuyệt đối theo dõi những vũ điệu tuyệt luân của những vũ công thuần thục, biểu diễn những chuyển động khi vũ bão khi dịu dàng, khi tiết chế khi man dại, như bay trong chân không, như thể trọng lực của quả đất chẳng hề có sức hút nào đáng kể đối với họ, và cảm xúc trong tim bạn dâng trào đến độ ngẩn ngơ lúc bạn nhận ra những chuyển động của những vũ công ballet dày công luyện tập ấy ăn nhịp sát sao với những nốt nhạc một bài ca trù thơ Hồ Xuân Hương! Và rất nhiều âm thanh, giai điệu khác, với phong cách sáng tạo hiện đại, vang lên từ các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam, đàn tranh, đàn bầu... Một buổi diễn có một không hai, tôi dám khẳng định như thế. Sự ngạc nhiên lúc ban đầu mau chóng nhường chỗ cho niềm thú vị hiếm thấy trong một chương trình ca vũ, bởi đó là sự phối ngẫu tuyệt hảo giữa nghệ thuật múa và nghệ thuật âm thanh.


Tôi muốn nói đến buổi diễn của vũ đoàn Alonzo King LINES Ballet với tổ khúc Sao Bắc đẩu của nhà soạn nhạc/nghệ sĩ trình diễn nhạc cụ cổ truyền/ca sĩ Vân-Ánh Vanessa Võ vào trung tuần tháng 4 năm 2019 vừa qua tại Yerba Buena Center for the Arts, tọa lạc ngay trung tâm thành phố San Francisco, một tụ điểm nghệ thuật nổi danh thế giới với những bứt phá nghệ thuật độc đáo và nhất là tinh thần nhân bản đề cao tính đa chủng, đa văn hóa của cộng đồng nhân loại.

Ballet là nghệ thuật múa Tây phương có nguồn gốc từ Renaissance Italy, nhưng phát triển mạnh tại hai quốc gia Pháp, Nga. Chính nhà soạn nhạc Nga Peter Tchaikovsky là người viết những tấu khúc ballet bất hủ mà tới ngày nay vẫn được diễn khắp nơi trên thế giới. Đó là ballet cổ điển hay ballet hàn lâm mà các trường đại học lớn đều có chương trình đào tạo các vũ công xuất sắc cho các vũ đoàn lớn nhỏ. So với Nga, nước Mỹ không có một truyền thống ballet lâu đời, nhưng giống như rất nhiều bộ môn nghệ thuật khác, ballet sau khi đặt chân đến đất Mỹ đã trải qua những chuyển hóa kì diệu để thoát thân thành những hình loại mới, tân kì hơn, táo bạo hơn, bứt phá ra khỏi cái truyền thống cứng nhắc đôi khi khệnh khạng một cách không cần thiết. Đó là khi các nhà biên đạo múa lẫy lừng như George Balanchine, Martha Graham (chỉ nêu hai tên tuổi tiêu biểu) ở nửa đầu thế kỉ XX đề xuất loại hình ballet mà ngày nay thường được mệnh danh là ballet tân cổ điển. Nhưng hình như bản chất cố hữu của người Mỹ là không bao giờ chịu đứng yên một chỗ, mà cứ loay hoay tìm cách làm mới, không bằng lòng trọn vẹn với cái đang có, mà chỉ muốn bước ra khỏi cái cliché sáo mòn. Thế là sang nửa sau thế kỉ, người ta có thêm ballet hiện đại và ballet đương đại. Vũ đoàn LINES Ballet do nhà biên đạo múa lừng danh Alonzo King sáng lập là ballet đương đại.

Mặc dù ballet cổ điển vẫn được nhiều người yêu thích và đi xem, nhưng càng ngày ballet đương đại càng lấn lướt sân chơi, và chính sự khởi sắc trong nghệ thuật, tính nhân bản, cùng tinh thần sáng tạo đã cho ballet đương đại một chỗ đứng bền vững và chung thủy trong lòng giới thưởng ngoạn. So với ballet cổ điển, ballet đương đại phóng khoáng hơn nhiều và cho phép nhà biên đạo thực hiện những động tác táo bạo, lạ lùng, đôi khi gần như man dại, để cực tả cảm xúc và mối tương quan bí ẩn giữa cơ thể con người với cảnh sống xung quanh. Các vũ công đi chân không, ngay cả vũ công nữ cũng không đi giày dù đôi lúc vẫn phải nhón chân như ballet cổ điển. Trang phục giản dị, nhưng lạ mắt, đẹp, rất ít vải, thường bằng tơ lụa, rối quyện vào thân hình khi họ bay nhảy trên không trung, càng làm tăng vẻ diễm ảo, kì bí.

Về mặt âm nhạc thì đây mới chính là điểm bứt phá lớn của ballet đương đại. Trong khi ballet cổ điển vẫn bám trụ vào kho tàng âm nhạc cổ điển, nhất là tượng đài Tchaikovsky ở thời kì cực thịnh của Lãng mạn chủ nghĩa, thì ballet đương đại tỏa ra khắp bốn phương trời, ngược xuôi chiều thời gian, thu nạp không biết bao nhiêu thể loại âm nhạc khác nhau, bất kể Đông Tây, miễn hay, miễn làm bật lên tinh thần khai phóng, thể hiện những thuộc tính cao đẹp cùng thân phận con người – cái mà người ta thường gọi là human spirit – và trong chốc lát chụp bắt được ý nghĩa cao xa của thế giới tự nhiên vốn hay bị quên lãng trong cuộc sống bình nhật. Nó là cuộc tìm kiếm không bao giờ ngưng nghỉ hướng đến những thành tố bản thể ràng buộc chúng ta lại với nhau như những con người bên trong cộng đồng chung: sự đồng cảm; niềm vui ngây thơ; không nhân danh bất cứ điều gì dẫn đến sự phân biệt; có khả năng vượt qua đường biên phân cách để đạt đến chỗ hòa đồng…

Có lẽ với những ý niệm như thế, nhà biên đạo múa Alonzo King đã khéo léo thiết dựng một chương trình mà phần âm nhạc có gần như đầy đủ các yếu tố liên kết chặt chẽ với những chuyển động cơ thể, để từ đó chúng ta có cảm tưởng như sự vật hữu hình cũng như phi hữu hình trong thế giới chúng ta đang sống được nối liền với nhau bằng những đường nét nhiệm mầu. (Phải chăng đó chính là ý nghĩa siêu hình có tính triết học của từ LINES?) Phần đầu, ông sử dụng những trích đoạn âm nhạc lấy ra từ một số kiệt tác bất hủ của thời kì Baroque (Johann Sebastian Bach, George Frideric Handel, Henry Purcell) và Lãng mạn (Robert Schumann). Bên cạnh đó là hai tấu khúc Interlude của nhạc sĩ/nhà soạn nhạc Lisa Lee, sáng tác với ngôn ngữ và phong cách âm nhạc hiện đại, mà người trình tấu chính là tác giả. Tổ khúc Sao Bắc đẩu của nhạc sĩ/nhà soạn nhạc Vân-Ánh Vanessa Võ, với thời lượng trên dưới 40 phút, chiếm trọn phần sau chương trình.

Trong phạm vi bài viết đơn sơ này – đơn sơ vì chỉ nghe một lần duy nhất, với một cảm nhận hết sức chủ quan theo cảm tính, không có nhạc phổ trong tay nên chỉ biết nhận định theo tri thức thính giác và trực giác, phần phân tích chắc chắn là không chuyên sâu và chuẩn xác – tôi xin thu hẹp nhận định của mình vào tổ khúc này của chị Vân-Ánh, và xem đó là chủ điểm của bài viết.

UserPostedImage  
  
2.

Sao Bắc đẩu là một tổ khúc gồm chín tiểu đoạn khi trình diễn với ban vũ, nhưng từ góc độ cấu trúc âm nhạc, có thể chia khúc nhạc thành sáu hành âm mà mỗi hành âm có thể xem là một tiểu phẩm tương đối độc lập về cả mặt âm nhạc lẫn ý nghĩa ngoài âm nhạc: Floating Field, Autumn Rain, Lullaby/ Sorrow, Awakening, Shoulders to Shoulders/Tears, Going Home. Mỗi tiểu phẩm có thể là một câu chuyện, nhưng cũng có thể là một cảm hứng, hay một ý thức, một nỗi niềm, một khắc họa, một hoài niệm, một cơn đau, một hành động, v.v… Chúng không nhất thiết phải có chung một chủ đề nào nhất định, nhưng toàn bộ khúc nhạc được nối kết bởi sợi chỉ dài, đó là, cuộc sống con người là một chuỗi những phấn đấu trong bi kịch và thảm kịch khốc liệt, nó đè bẹp chúng ta xuống tận cùng đất đen, thậm chí dưới địa ngục đọa đày, thế nhưng vì sao bắc đẩu không bao giờ tắt, không bao giờ di dịch hay biến đổi để chúng ta có thể nương vào đó mà nhắm hướng, dọ dẫm tìm con đường về nhà, ngôi nhà tâm tưởng của tình thương và bao dung, nhân ái.

Tiểu phẩm mở đầu tổ khúc có tên gọi là Floating Field. Người nghe bị chấn động ngay bởi những thanh âm huyễn hoặc, thậm chí ma mị. Nó ru hồn người nghe vào một thế giới kì ảo, không phải hiện thực trần tục mà cũng không phải thần tiên thoát tục, nó lửng lơ ở nơi nào, đô thị hay hoang mạc, làng thôn hay núi rừng, tất cả như bay bổng vào mộng mị. Nghe kĩ hơn, ta thấy nhà soạn nhạc đã dụng công tạo những thanh âm lạ lùng ấy bằng một hình thức phối âm đầy sáng tạo. Chỉ có hai nhạc cụ truyền thống là piano và cello, còn các nhạc cụ khác, phần nhiều thuộc bộ gõ, là tương đối xa lạ: sansula (một nhạc cụ trông như đồ chơi, chỉ có chín nốt, thanh âm vang vọng những sóng âm tuyệt mù); thunder tube (hình ống, một đầu bít, đầu kia hở, phát ra âm thanh nghe như tiếng sấm rền); hai nhạc cụ khác cũng thuộc bộ gõ là temple blocks (tiếng gõ cóc cóc như tiếng mõ) và singing bowl (còn gọi là prayer bowl, bằng đồng trông như cái lư hương, người sử dụng nhạc cụ cầm vật hình ống ngắn như cái dùi quét xung quanh mép lư tạo thành âm vang u u ngân dài). Chưa hết, những thanh âm mê hoặc ấy được điểm xuyết bởi tiếng đàn tranh réo rắt, và giọng hát nghe như tiếng kinh cầu. Với một giàn nhạc như thế, chẳng trách Floating Field đã mê hoặc người nghe và người xem ngay từ giây phút mở màn. Bất ngờ nhất là khi giọng nói cất lên nhè nhẹ, chậm buồn, và người ta loáng thoáng nghe ra – dĩ nhiên phải hiểu tiếng Việt – trích đoạn văn bản cuốn trung thiên Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Một ngạc nhiên kì thú khi tiếng đọc và tiếng nhạc không chõi nhau tí nào, mà ngược lại, hòa quyện vào nhau như những hòa âm tuyệt hảo.

Ngạc nhiên này chưa dứt thì ngạc nhiên khác phủ lên lấp tràn khi tiếng đàn tranh đột ngột gieo thể ca trù điệu Bắc với giọng ngâm một bài thơ, cũng điệu ả đào: bài Cảnh Thu của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Các vũ công trên sân khấu, chắc chắn không ai hiểu ý nghĩa bài thơ đó, nhưng có hề chi đâu, ai nấy tập trung tâm trí vào những chuyển động cơ thể cố lột tả dòng nhạc. Điểm đáng lưu ý ở đoạn này, chị Vân-Ánh đã sử dụng đàn tranh như một nhạc cụ gõ ngoài phần dây cố hữu. Tay trái chị nhấn nhá dây đàn, ba ngón tay phải đeo móng sắt nhả tiếng tơ, thi thoảng chị dùng khớp ngón tay và lòng bàn tay chỗ tiếp giáp cổ tay gõ hay vỗ lên mình đàn tạo thành những âm thanh nghe tương tự tiếng trống chầu vốn luôn luôn có bên cạnh ca nương và người gẩy đàn đáy trong một buổi hát ca trù truyền thống. Ngôn ngữ âm nhạc ca trù là rất tinh tế, ca nương phải biết ém hơi nhả chữ, giọng hát thì phải tròn vành rõ chữ. Âm quãng các nốt nhạc liền kề thường cách xa nhau, bởi thế chị Vân-Ánh đã bẻ những nốt trầm với nhiều cung bậc trong lúc chậm rãi vươn lên nốt cao để gây hiệu ứng phù hợp với thể nhạc. Tiểu phẩm này được tác giả gọi là Autumn Rain – Mưa Thu, có lẽ vì câu phá đề trong bài thơ Đường luật của nữ sĩ Cổ Nguyệt Đường, Thánh thót tàu tiêu mấy giọt mưa, vẽ cảnh tiêu tao trầm mặc một ngày mùa Thu. Nghe cũng hợp lí.

Tiếp theo là khúc Lullaby, điệu Ru con Nam bộ rất quen thuộc:
  
Ầu ơi... ví dầu
Cầu ván đóng đinh
Cầu treo lắc lẻo
Gập ghềnh khó qua
...
Ầu ơi...
Khó qua mẹ dắt con qua...
Con thi trường học
Mẹ thi trường đời...
  
Khúc hát ru con Nam bộ nghe thật giản dị và không đứa bé nào (dù là Bắc, Trung hay Nam) nghe mà không thiu thiu đi vào giấc ngủ hiền hòa. Ở tiểu phẩm này tác giả sử dụng đàn tranh đi kèm với giọng hát và cả hai được diễn tấu theo thể nhạc “tài tử,” một thể nhạc dân gian đặc trưng của vùng đồng bằng Nam bộ Việt Nam, nghệ nhân thường là nông dân chân lấm tay bùn đàn ca mua vui sau những giờ vất vả lao động ngoài đồng ruộng.

Liền tiếp theo Lullaby là Sorrow, một tiểu phẩm không lời viết cho đàn tranh với phần hòa đệm của giàn nhạc gồm thụ cầm, kèn ôbô và tứ tấu đàn dây (violin, viola, cello, double-bass.) Về tiểu phẩm này, chị Vân-Ánh đã thổ lộ như sau lúc tôi vào gặp chị tại hậu trường sân khấu sau giờ trình diễn:

“Tôi viết khúc nhạc này đặc biệt cho tác phẩm âm nhạc dưới dạng nghệ thuật đa phương tiện The Odyssey: From Vietnam to America, trong đó tôi phỏng vấn 52 thuyền nhân vượt biên tị nạn. Sorrow là một khúc nhạc với tham vọng nói lên nỗi đau đớn, khổ sở vô biên, cả thể xác lẫn tinh thần, của thuyền nhân do hải tặc gây nên. Một trong những câu chuyện tôi được nghe kể là: Một bà mẹ, vì sợ hai đứa con gái của mình bị hải tặc bắt đem đi, đã tưới dầu cặn lên người chúng và bảo chúng nằm giả chết. Bọn hải tặc bắt đi tất cả phụ nữ trên tàu, kể cả bà mẹ, nhưng bỏ lại hai đứa con gái bà. Chúng đem những phụ nữ bất hạnh đó lên một hòn đảo hoang và đêm đêm mò lên đảo hãm hiếp hết người này đến người kia. May thay ít lâu sau có tàu đánh cá đi ngang đảo, thấy họ và giải cứu đem về trại tị nạn Thái Lan. Tại đây, người đàn bà tìm thấy hai đứa con và được thuật lại rằng một trong hai đứa suýt chết ngộp vì dầu cặn.”   – Vân-Ánh

Một câu chuyện thương tâm trong vô vàn những chuyện thương tâm khác của giai đoạn lịch sử đen tối vừa qua của dân tộc.

Hai tiểu phẩm Lullaby và Sorrow được nhà soạn nhạc sử dụng chương trình kĩ xảo âm thanh Fractal để tiếng nhạc “lơ lửng” trong không gian khiến người nghe có cảm giác những người mẹ ấy như có mặt đâu đây với tiếng than khóc nỉ non, sầu muộn.

UserPostedImage
  
Tiếng nhạc chuyển biến sang nhịp tiết mạnh mẽ, hưng phấn hơn khi tiểu phẩm Awakening bắt đầu. Với khúc nhạc này, thụ cầm là chính, được phụ họa bởi kèn ôbô, phong cầm, và một nhạc cụ nguồn gốc Phi châu trông như quả bầu, thuộc bộ gõ, gọi là gourd. Tiếng nhạc đôi khi được phụ họa bởi tiếng giẵm chân nhịp nhàng của các vũ công. Có thể hiểu đây là lúc con người từ tuyệt vọng chuyển sang hi vọng khi thấy vì sao bắc đẩu lấp lánh trên nền trời đêm tối.

Tiểu phẩm Shoulders to Shoulders tiếp theo cũng nói lên tinh thần lạc quan tương tự. Ở khúc nhạc này chị Vân-Ánh đã sử dụng một nhạc cụ độc đáo, đó là cái kèn bóp, để tạo hiệu ứng. Kèn bóp xưa kia được dùng trong quân đội, cùng với tiếng trống, tạo thành tiếng thúc quân giục giã nghe nô nức trong lòng. Sau phần kèn bóp và trống giữ nhịp điệu cho người vũ công solo, đoàn vũ công vai chen vai tiến ra sân khấu và tiếng nhạc trổi lên với English horn và đàn dây. Được hỏi về ý nghĩa khúc nhạc này, chị Vân-Ánh bảo tôi: “Cảm hứng của tôi khi viết khúc Shoulders to Shoulders này xuất phát từ câu nói, mà từ lâu tôi vẫn nghe, ‘Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu bạn muốn đi XA, hãy cùng đi với nhiều người khác.’” Chị nói thêm, “Ngày nay chúng ta đang sống ở một thời đại mà con người dù cách xa vạn dặm vẫn có thể kết nối với nhau, miễn là thương yêu nhau. Chúng ta phải mạnh mẽ để đương đầu với muôn vàn khó khăn gây nên bởi lòng thù hận và tính đố kị, chia rẽ.” Nhưng phải gian nan lắm, phải có những nỗ lực to tát sánh vai cùng nhau vun bồi lí tưởng từ đổ vỡ điêu tàn, chúng ta mới có thể trở nên mạnh mẽ như vậy được, và đôi lúc yếu lòng, chúng ta đã để rơi những giọt nước mắt. Đó là ý nghĩa của khúc Tears xen vào nằm giữa khúc Shoulders to Shoulders. Có những lúc chúng ta “khóc” trong lòng, nhưng niềm tin son sắt vẫn không suy suyển, không nhạt phai để cùng nhau cất bước.

Ở tiểu khúc Tears, tiếng đàn bầu nghe thật khác lạ vì chị đã “kéo” thanh mã vĩ (dùng cho violin) lên dây đàn thay vì dùng cái que gẩy theo phong cách cổ truyền, và hiệu ứng âm thanh u uất, sầu bi đã để lại trong lòng người nghe một cảm giác não nề, chan chứa cảm xúc buồn. Tiếng đàn bầu được phụ họa bởi tiếng organ nhà thờ và tiếng bass trầm.
 
UserPostedImage

   
Xuất hiện sau cùng trong tổ khúc Sao Bắc đẩu là Going Home. Ở tiểu phẩm này chị Vân-Ánh đã mượn nhạc đề chính từ hành âm thứ hai, khúc Largo, giao hưởng số 9, New World Symphony, của nhà soạn nhạc Antonín Dvorák, người Bohemia (Cộng hòa Czech ngày nay), và cải biên cho đàn bầu với tiếng organ lượn những nốt trầm bên dưới. Dvorák sáng tác khúc giao hưởng kì vĩ này trong thời gian ông lưu trú ở Hoa Kỳ và âm nhạc người da đen có ảnh hưởng rất rõ nét lên khúc nhạc. Giai điệu mà chị Vân-Ánh vay mượn đã được chính một môn đệ của Dvorák cải biên thành một ca khúc Spritual với nhan đề Goin’ home, và cũng như tất cả các bài Spritual khác của người da đen, nó dựa trên thang âm pentatonic (ngũ âm). Điều này có nghĩa là những nốt nhạc đó không gặp khó khăn chút nào nếu đưa vào các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam. Thực ra, ngũ âm là thang âm được dùng trong âm nhạc từ thời cổ đại bởi không biết bao nhiêu sắc dân trên thế giới. Từ núi đồi đèo heo hút gió của Scotland cho đến các bộ lạc người da đỏ Nam Mỹ, từ rừng già Phi châu cho đến các đô thị mới Bắc Mỹ, đâu đâu cũng thấy ngũ âm thâm nhập vào tiếng nhạc dân gian. Loại nhạc Spiritual có nguồn gốc từ người nô lệ da đen đều dựa trên thang âm pentatonic, và nó dần dà bước sang chiếm giữ vai trò quan trọng trong nhạc Jazz, nhạc Rock rất phổ biến ngày nay.

Going Home kết thúc tổ khúc Sao Bắc đẩu, là ước mơ của tất cả những kẻ còn lạc loài trên thế gian.

UserPostedImage
  
3.

Vân-Ánh Vanessa Võ là một trong những nhà soạn nhạc Việt trẻ gần đây tạo được tiếng vang sâu rộng, có tiềm năng đi xa vào nghệ thuật dòng chính của nước Mỹ, nơi chị đang định cư. Tiếng nhạc của chị vang vọng tại các thính đường trang trọng; chị được trao giải Emmy, một vinh dự không nhỏ; cho đến thời điểm này, chị là nhạc sĩ Việt Nam duy nhất được mời vào trình diễn tại White House; chị thường xuyên cộng tác với Kronos Quartet, một ban nhạc tứ tấu đàn dây trứ danh hoàn vũ “chuyên trị” nhạc đương đại; chị thu thanh với diệu thủ cello Yo Yo Ma; và không biết bao nhiêu công trình lớn nhỏ khác liệt kê trong tiểu sử chị, không thể kể hết ra đây được. Tiểu sử chị là một chuỗi những thành tựu mà thành tựu nào cũng là giấc mơ của lắm kẻ khác, bất kể nguồn gốc từ đâu. Nhờ vào những thành tựu của chị, nhạc Việt vang vọng trên thế giới, và qua đó bản sắc văn hóa Việt có cơ hội đến với cộng đồng nhân loại.

Trong cuộc tranh luận về vấn đề phổ biến nhạc Việt, những nhạc sĩ nhạc dân tộc như Nguyễn Hữu Ba chủ trương nhạc Việt phải được trình tấu bằng nhạc cụ truyền thống. Đó là tinh thần thanh giáo và chúng ta hiểu tại sao. Nhìn từ góc độ của phái “tồn cổ”, những đặc tính tiêu biểu xác định ý niệm, tinh thần, cảm xúc một bản nhạc Việt như: điệu (Nam, Bắc), hơi (Khách, Thiền, Ai, Oán), thể nhạc (dân ca, ca trù, ả đào, chèo cổ, quan họ, lễ nhạc, ca Huế, hò mái nhì, hò khoan Lệ Thuỷ, nhạc tài tử, nhạc thính phòng, vọng cổ, v.v…) hoặc những âm sắc đặc trưng, độc đáo tạo nên bởi những kĩ xảo trong nghệ thuật trình tấu như rung, vỗ, mổ, những thanh âm vi quãng, sẽ tan loãng, thậm chí biến mất, nếu trình tấu bằng nhạc cụ Tây phương. Quan điểm của họ dựa trên lí lẽ bản sắc nhạc Việt chỉ có thể duy trì bằng lối trình tấu với nhạc cụ và phong cách cổ truyền, từ đời này sang đời khác truyền lại bởi những nghệ nhân sống chết với nghệ thuật của mình.

Để phản bác lập luận ấy, nhạc sĩ Lê Văn Khoa bảo, “Muốn phổ biến nhạc Việt, ta phải soạn cho nhạc cụ Tây phương. Nghe mà người ta cảm thông được thì người ta mới tiếp nhận. Nhờ đó, nhạc sĩ trên thế giới mới chơi được. Còn nếu mình chỉ chơi nhạc cổ truyền của mình thôi thì người nào phải học nhạc cổ truyền mới chơi được. Như vậy là tự mình giới hạn mình.”

So với các nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba và Lê Văn Khoa, Vân-Ánh Vanessa Võ trẻ tuổi hơn, thuộc thế hệ hậu chiến, năng động hơn, và dĩ nhiên táo bạo hơn. Chị không ngần ngại sử dụng ngôn ngữ Hậu Hiện đại cho nghệ thuật tạo thanh của mình, chị phối âm các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam với các nhạc cụ lạ của thế giới, thậm chí những kĩ xảo chị cũng không nệ hà, cốt sao tạo âm thanh với hiệu ứng theo ý muốn. Nhờ vậy, bản sắc Việt không biến mất toàn diện như nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba e ngại, mà dường như còn được thăng hoa nhờ những yếu tố kết hợp mới lạ. Ý chí khai phóng bàng bạc trong tiếng nhạc chị. Chị đã thực sự chinh phục được giới yêu nhạc của đất nước này, và con đường chị đang dấn bước là con đường tuy có nhiều chông gai trắc trở nhưng đồng thời đem lại không ít những phần thưởng tinh thần quý giá.

Con đường ấy của chị còn rất dài trước mắt.

5/2019
Trịnh Y Thư
Ai đang xem chủ đề này?
Guest (3)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.215 giây.