Nghệ sỹ cựu chiến binh Việt Nam Jesse Trevino trước tác phẩm "Mi Vida" của ông tại bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Smithsonian ở Washington, DC, hôm 14/3. Người nghệ sỹ 73 tuổi mất cánh tay phải khi chiến đấu ở Việt Nam những đã vượt qua nỗi đau để học vẽ bằng tay trái.
Jesse Trevino là một sinh viên hội họa ở New York trước khi bị động viên và đưa sang chiến trường Việt Nam. Từ chiến trường trở về với nhiều vết thương trên người và chỉ một cánh tay lành lặn, ông đã rơi vào khủng hoảng.
“Tôi căm giận tất cả thế giới,” người sau này trở thành một trong những nghệ sỹ nổi tiếng và được yêu mến nhất ở San Antonio, Texas, nhớ lại.
Trevino đã phải đối mặt với cuộc chiến hai lần: một ở Việt Nam và một ở ngay chính quê hương mình. Là một cựu binh thương tật không được chào đón khi trở về Mỹ, Trevino đã rơi vào trầm cảm và không biết làm gì với cánh tay không thuận còn lại.
Nhưng nghệ thuật đã giúp ông quên đi nỗi đau chiến tranh và vượt qua chính mình để có được một sự nghiệp thành công, mà nếu được chuyển thể thành kịch bản cho một bộ phim Hollywood thì có lẽ sẽ bị khước từ vì nó khác thường đến nỗi không thể tin được.
Hai tác phẩm nghệ thuật của Jesse Trevino vẽ năm 1984 (trái) và 2014 (phải). (Ảnh GQ Velasquez)
Ra trậnSinh ra ở Monterrey, Mexico, năm 1946, gia đình Trevino chuyển tới San Antonio sinh sống khi ông mới 4 tuổi. Với tài năng nghệ thuật của mình, Trevino đã chiến thắng nhiều cuộc thi và giành được xuất học bổng tại trường nghệ thuật Art Students League ở New York năm 1965. Một năm sau đó, Trevino bị gọi nhập ngũ và được điều đến Việt Nam, nơi ông bị nhiều vết thương rất nặng.
Đầu năm 1967, ông bị trúng một viên đạn bắn tỉa, rồi sau đó vấp phải một bẫy mìn và toàn thân văng đi xa 9m với 10 mảnh đạn găm trên người. Bị tê liệt toàn thân và đẫm trong máu, Trevino tưởng mình đã chết trong lần bị thương đó trên một cánh đồng lúa ở Việt Nam. Nhưng ông thề rằng nếu còn sống sót ông sẽ quay trở lại San Antonio chứ không phải New York, nơi ông sẽ vẽ về con người và những nơi chốn thân quen nhất đối với ông
Khi tôi mất cánh tay phải, tôi không thể vẽ được nữa. Toàn bộ cuộc đời tôi thế là xong.
Jesse Trevino, nghệ sỹ cựu chiến binh Việt Nam
“Khi tôi trở về, chẳng ai quan tâm đến tôi cả,” Trevino nói. “Không có một ai chờ đợi tôi để nói ‘cám ơn’ hoặc một điều gì đó. Tôi cảm thấy tức giận với cả thế giới.”Khi trở về San Antonio, Trevino lại phải đối mặt với một cuộc chiến khác: nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần.
Với 350 vết khâu trên người, Trevino sống với những vết thương gây đau đớn hàng ngày. Sau nhiều năm với những nỗ lực phục hồi không được, năm 1970, ông đã phải đi đến một quyết định xé ruột khi chặt bỏ bàn tay và phần trên của cánh tay phải. Ông hy vọng việc bỏ đi phần cánh tay này sẽ giúp ông thoát khỏi sự đau đớn. Nhưng sau đó ông bị ám ảnh rằng ông không thể tạo ra nghệ thuật thực sự với bàn tay trái của mình.
“Khi tôi mất cánh tay phải, tôi không thể vẽ được nữa,” Trevino nói. “Toàn bộ cuộc đời tôi thế là xong.”
Trong suốt 6 tháng sau khi mất đi cánh tay phải, ông rơi vào tuyệt vọng. Những giận dữ và thất vọng được ông thể hiện trên 1 bức tường đen trong phòng ngủ. Đó là lúc “Mi Vida” ra đời.
“Mi Vida” "Mi Vida" được Trevino vẽ trong 2 năm từ 1971-1972. (Ảnh GQ Velasquez)
Với sự động viên của một người bạn cùng sự giúp đỡ của gia đình, Trevino quyết tâm học vẽ bằng bàn tay trái. Tuy nhiên, phải mất 3-4 năm sau ông mới bắt đầu lại một cuộc đời mới, trong đó ông đã hoàn thành chương trình đại học ở San Antonio trước khi lấy bằng thạc sỹ và tiến sỹ.
Bức chân dung một người bạn có tên Armando Albarran, người bị mất hai chân khi chiến đấu tại Việt Nam và cũng là người đã động viên ông trở lại với con đường nghệ thuật, là bức họa đầu tiên Trevino vẽ bằng tay trái.
Nó là tấm chân dung của cuộc đời tôi... Tôi trút hết những giận dữ cũng như những buồn bực của mình (về chiến tranh Việt Nam) trong đó.
Jesse Trevino
Nhưng tác phẩm nghệ thuật lớn đầu tiên của ông là “Mi Vida” mà ông gọi đó là “Cuộc đời tôi” được bắt đầu vào năm 1971.
Trên bức tường với nền sơn màu đen cao gần 2,5m và rộng 4,2m, Trevino vẽ một tấm huân chương Purple Heart (Trái tim Tím) rất lớn treo lủng lẳng trên một cánh tay giả ở chính giữa. Purple Heart là tấm huân chương của quân đội Mỹ nhân danh tổng thống được trao cho những ai bị thương hoặc thiệt mạng trong lúc phục vụ trên chiến trường.
Trong những tháng sau đó, ông thêm vào dưới nền của trái tim khuôn mặt của một người con gái mà ông yêu sau khi gặp lại cô – một bạn học cũ thời phổ thông của ông nhưng sau đó đã mất trong một tai nạn xe hơi. Dần dần, ông lại vẽ thêm vào những đồ vật như lon bia, điếu thuốc lá, tách cà phê và cả những viên thuốc giảm đau. Đó là những thứ giúp ông chống chọi lại những cơn đau về thể chất và những khó khăn khi hòa nhập lại với cuộc sống đời thường và nghệ thuật sau khi trở về từ Việt Nam.
“Nó là tấm chân dung của cuộc đời tôi,” Trevino nói về “Mi Vida”, bức tranh tường hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Smithsonian ở thủ đô Washington trong một triển lãm về chiến tranh Việt Nam. “Mất vài năm tôi mới hoàn thành được nó. Tôi trút hết những giận dữ cũng như những buồn bực của mình trong đó.”
Tuy nhiên đó là tác phẩm duy nhất Trevino vẽ về chiến tranh Việt Nam.
Một tác phẩm màu acrylic trên vải của Trevino vẽ năm 2009. (Ảnh GQ Velasquez)
“Tôi vẽ rất nhiều thứ khác nhau. Tôi vẽ về San Antonio – nơi tôi sống, về văn hóa, và tất cả những thứ đó. Tôi không vẽ cái gì về chiến tranh nữa.”
Những tác phẩm nghệ thuật của Trevino rực rỡ trong các sắc màu mạnh, bắt nguồn từ lịch sử và văn hóa của cộng đồng người Mỹ gốc Mexico. Nhiều trong số những tác phẩm ấy đã có mặt trong các bộ sưu tập của các bảo tàng và đem về cho ông những giải thưởng danh giá.
"Nghệ thuật của Jesse là một sự biểu đạt quan trọng của chủ nghĩa biệt lệ Mỹ liên văn hoá," theo nhận định của Gabriel Velasquez, một kiến trúc sư quen biết và làm việc với Trevino nhiều năm.
"Trevino trở về từ cuộc chiến tranh với những vết thương, những mất mát, và cả những cái được từ việc đề cao tất cả những thứ mà sau này trở nên vô cùng quan trọng đối với con người và đối với nghệ thuật của ông," Velazquez nói.
“Mong được vẽ ở Việt Nam”Trong những tháng ngày đau đớn về thể xác lẫn tinh thần, Trevino không bao giờ nghĩ ông muốn quay trở lại Việt Nam, nơi ông mất đi cánh tay phải và mất đi hy vọng có thể tiếp tục theo đuổi nghệ thuật.
“Tôi không muốn trở lại nơi tôi đã bị thương,” Trevino nói khi nhớ lại thời gian chống trọi với sự tuyệt vọng.
Đối với Trevino, mỗi ngày, mỗi giây phút ở Việt Nam là “địa ngục,” mặc dù ông cho biết, là một nghệ sỹ, ông trân trọng vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam.
“Nhưng nghệ thuật đã làm tôi quên đi (chiến tranh) Việt Nam và những gì xảy ra với tôi (ở Việt Nam). Tôi không còn nghĩ về nó nữa.”
Nghệ thuật đã làm tôi quên đi (chiến tranh) Việt Nam và những gì xảy ra với tôi (ở Việt Nam). Tôi không còn nghĩ về nó nữa.
Trevino đã phải bắt đầu lại từ đầu sau khi trở về từ chiến trường Việt Nam nhưng ông cảm thấy may mắn vì ông đã có thể làm được tất cả những thứ đó.
“Tôi tham gia chiến tranh Việt Nam và trở thành một người nghệ sỹ tốt hơn chính mình trước đây,” Trevino nói và giải thích rằng ông đã tìm hiểu để biết tại sao ông lại đến Việt Nam và những gì xảy ra với ông từ những nghiên cứu ở trường học sau khi trở về.
Những gì xảy ra với Trevino đã làm ông thức tỉnh.
“Đó là một phần của cuộc đời tôi. Nó làm thay đổi con người tôi – làm tôi trở thành con người tốt hơn, một nghệ sỹ tốt hơn. Nó thức tỉnh tôi.”
Jesse Trevino bên các tác phẩm nghệ thuật của mình. (Ảnh American Latino Museum)
"(Trevino) sống với nỗi đau. Ông sáng tác nghệ thuật qua nỗi đau," Velasquez, hiện là giám đốc điều hành hiệp hội cộng đồng Avenida Guadalupe ở San Antonio, nói. "Cuộc đời của ông là một minh chứng cho những tội lỗi của cuộc chiến tranh nhưng cũng là sự chiến thắng của tinh thần con người."
Và giờ đây, người nghệ sỹ 73 tuổi muốn được trở lại Việt Nam. Ông muốn tạo ra một tác phẩm nghệ thuật cho người Việt.
“Tôi muốn vẽ một bức tranh tường cho người Việt Nam hay một tác phẩm nghệ thuật gì đó cho chính phủ (Việt Nam),” Trevino nói. “Nó sẽ là một cái gì đó mà người dân (Việt Nam) sẽ thưởng thức như một tác phẩm nghệ thuật cho công chúng.”
Theo VOA
Sửa bởi người viết 11/05/2019 lúc 12:05:51(UTC)
| Lý do: Chưa rõ