Đã từ lâu Colombia nổi tiếng với bạo lực, khủng bố và các tổ chức băng đảng, xã hội đen liên quan tới ma túy. Tuy nhiên trong những năm sau này để nỗ lực phát triển đất nước, chính phủ Colombia đã cố gắng dẹp nhiều tệ đoan xã hội và thay đổi đất nước họ với một bộ mặt rất mới. Trong đó Nghệ Thuật Đường Phố cùng những bức tranh tường đầy nghệ thuật và màu sắc đã được phát triển tột bực. Nhà cửa ở những nơi khá giả, khang trang được sơn phết và trang trí bằng những hình vẽ hoặc khắc hoạ mang nhiều màu sắc khác nhau như phố Zocalos, Guatapé tạo cho Colombia một nét đặc thù nổi trội.
Đặc biệt là Bogotá, thủ đô của nước này đã trở thành quê hương của các bức tranh tường muôn màu, vạn vẻ, trông thật tuyệt vời với trên 5000 bức đầy nghệ thuật. Medellin, thành phố đông dân thứ nhì, cũng có nhiều tranh tường. Hiện nay, với sự hỗ trợ của chính quyền, rất nhiều nghệ sĩ chuyên môn nổi tiếng vẽ tranh tường của địa phương và các nơi trên thế giới đã đổ về đây, thay phiên nhau thi thố tài năng. Nghệ thuật đường phố bỗng biến thành một nét văn hoá rực rỡ mà người dân Colombia rất tự hào khi nói đến nó. Du khách từ khắp nơi trên trế giới bắt đầu đến thăm Colombia ngày một nhiều hơn. Theo chân đoàn du lịch tôi ghé thăm xứ sở của cà phê vào một tháng đầu xuân, là tháng ít mưa nhất của đất chỉ có hai mùa "mưa" và "khô" này.
Pic 1 Tranh Tường The Cat- Ảnh Trịnh Thanh Thủy
Pic 2 Một Góc đường - Ảnh Trịnh Thanh Thủy
Pic 3 Tranh Tường - Ảnh Trịnh Thanh Thủy
Nhắc đến lịch sử tranh tường ở Bogota phải nói đến sự liên hệ của một xứ có xã hội bất ổn, vô cùng phức tạp với những khoảng cách giai cấp rõ rệt giữa giàu và nghèo. Bạn không thể ngờ, một sự thay đổi lớn lao đã biến Bogota thành đô thị của Nghệ thuật đường phố, phát xuất từ một bi kịch.
Vào năm 2011, các cảnh sát đã đuổi theo và giết chết một hoạ sĩ Graffiti là Diego Felipe Becerra, 16 tuổi. Cậu ta được biết đến với cái tên Tripido, khi cậu đang phun sơn vẽ hình chữ ký của chú mèo Felix trên bức tường gần con đuờng Calle 116 và Avenida Boyaca. Cảnh sát đã cố gắng che đậy chuyện này, giả mạo bằng chứng và buộc tội Becerra là một tên cướp có vũ trang. Tuy nhiên cha mẹ của cậu và cộng đồng nghệ thuật thành phố không ai tin lời cảnh sát. Có những cuộc biểu tình được tổ chức trên khắp thành phố và hai sĩ quan bắn cậu cuối cùng đã bị bắt giữ. Đó chính là một bước ngoặt quan trọng của xã hội Columbia. Ngày nay, Bogotá là một trong những thành phố thân thiện với nghệ thuật đường phố nhiều nhất trên thế giới. Cả những bức tường cao tới bảy tầng trên các đường phố lớn đã được sử dụng làm tranh vẽ.
Cảnh sát hiện bảo vệ quyền của các nghệ sĩ và thành phố thường xuyên hỗ trợ văn hóa nghệ thuật đường phố thông qua các ưu đãi và các dự án do thành phố tài trợ. Người dẫn tour cho tôi biết điều này và anh ta cũng là một trong các thành viên của dự án vẽ tranh tường cho thành phố.
Trước khi đến Bogota, tôi đã ghi tên trên mạng tham dự Graffiti Tour do một nhóm có tên The Original Bogota Graffiti Tour chuyên môn tổ chức. Họ không lấy lệ phí nhưng bạn có thể cho tiền trà nước(tip) khoảng từ 8 tới 12 đô, tùy bạn. Phải nói đây là một tổ chức rất chuyên nghiệp, người dẫn Tour có trình độ kiến thức uyên bác, giải thích tường tận về lịch sử tranh tường ở Colombia kể cả các biến động chính trị, xã hội liên hệ rất cặn kẽ. Anh thông thạo tiếng Anh vì từng lớn lên và học ở New York. Anh dẫn cả đoàn đi qua các con đường lịch sử từ thời bắt đầu có tranh tường với các lối viết bậy những biệt danh(nick name) trên tường, của một người có tên là Darryl Mc Cray với biệt danh là "CornBread". Ông này sinh ra ở Philadelphia và tự nhận mình là người đầu tiên phát minh ra lối viết bậy trên tường. Cuối năm 1960 ông và các bạn đã viết biệt danh-nickname của mình trên tất cả các bức tường của thành phố Philadelphia. Chính phủ khổ sở đến nỗi phải bắt giam và cho báo chí loan tin là CornBread đã chết. Sau đó phong trào viết biệt danh lan ra khắp New York, nở rộ đến đỉnh điểm năm 1970 ở Hoa Kỳ rồi lan ra cả Âu Châu.
Pic 4 Một góc thơ mộng - Ảnh Trịnh Thanh Thủy
Pic 5 Tranh Tường - Ảnh Trịnh Thanh Thủy
Pic 6 Tranh Tường - Ảnh Trịnh Thanh Thủy
Thực ra, nếu không nhờ các nét vẽ chuyên nghiệp tài hoa của các hoạ sĩ tranh tường, những bức tranh tường nguyên thủy chỉ là những chữ nghệch ngoạc viết tắt tên của các kẻ vẽ bậy, biệt danh (nickname), chữ viết tắt của các băng đảng đường phố hay tệ hơn chỉ là các mảng sơn màu vô nghĩa xịt bậy bạ trên các bờ tường thành phố.
Người dẫn tour giới thiệu tên tác giả và giải thích từng bức hoạ với nội dung và chi tiết của những câu chuyện chính trị hay xã hội liên hệ, rất thú vị. Anh chỉ cho xem một số tác phẩm hay nhất do các hoạ sĩ địa phương và quốc tế vẽ như Ciclope (Argentina), Kiptoe (Hoa Kỳ), Kike (Argentina), Amazon (Brazil) và Ericailcane (Ý). Lối vẽ đầy nghệ thuật này được lan rộng trên khắp các khu vực con phố. Trên các nhà trọ, mặt tiền cửa hàng, công viên, viện văn hóa và thậm chí trên các thùng đựng hàng trong các kho vận chuyển của công trường La Plaza de la Concordia, là quảng trường lâu đời nhất ở Bogotá. Sự sáng tạo có sự pha trộn giữa kiến trúc thuộc địa và văn hoá lịch sử phong phú của xứ này.
Pic 7 Tranh Tường và người dẫn Tour - Ảnh Trịnh Thanh Thủy
Pic 8 Một góc đường - Ảnh Trịnh Thanh Thủy
Gustavo Petro, một thời là thị trưởng của Bogotá, đã ban hành một nghị định xem việc vẽ bậy và vẽ tranh nghệ thuật đường phố là chuyện bình thường để giúp quảng bá những gì được coi là một hình thức nghệ thuật của nét văn hóa mới. Tuy nhiên có 1 thỏa thuận được đặt ra rằng, một số khu vực nhất định vẫn không có graffiti, như các tòa nhà công cộng và di tích lịch sử. Tất nhiên, bản chất của graffiti và nghệ thuật đường phố là chơi trái với quy tắc, vì vậy nhiều hoạ sĩ sáng tạo tự nhiên tìm đến các khu vực này và để lại dấu ấn của họ. Sự việc này gây ra một sự căng thẳng khó chịu với chính quyền. Nền hoà bình giữa các cảnh sát và những nghệ sĩ tuy được thành lập nhưng không dễ chịu tí nào. Năm 2014 lại xảy ra một vụ việc xô xát dẫn đến một cuộc biểu tình graffiti kéo dài 24 giờ bao trùm hết đường Calle 26, nơi có hàng trăm tác phẩm graffiti mới vẽ. Có nhiều cáo buộc tiết lộ rằng nhiều nghệ sĩ graffiti đường phố phải chịu sự lạm dụng, ngược đãi và đôi khi tống tiền từ một số sĩ quan cảnh sát.
Bạn sẽ thấy tranh tường ở khắp nơi, ở mọi góc nhà, góc đường, góc phố. Trong một vài bức tranh có tính thời sự, hình ảnh của Alvaro Uribe đã được hoạ lại. Người dẫn tour bảo ông hiện là một Thượng Nghị Sĩ từ chức và ông từng là vị Tổng Thống trong nhiệm kỳ 2002 tới 2010. Ông từng là một nhân vật gây nhiều tranh luận giữa 2 luồng dư luận bênh và chống, có công và có tội.
Pic 9 Cầu thang - Ảnh Trịnh Thanh Thủy
Pic 10 Tranh Tường - Ảnh Trịnh Thanh Thủy
Các hành động ném bom, bạo lực, bắt cóc, khủng bố v..v.. đều được ghi lại như các cuốn phim sống động trên mỗi vuông gạch tường nhà. Ngược lại có các bức tranh diễn tả thế giới thơ mộng của hiện thực huyền ảo tựa trong truyện của nhà văn đoạt giải Nobel văn học năm 1982 Gabriel Garcia Marquez với tác phẩm "Trăm năm cô đơn". Columbia là quê hương của ông. Nhìn những con két màu sắc lộng lẫy hiện diện trong tranh tường ở đây, gợi tôi nhớ con két rất tếu lâm trong truyện của Garcia Marquez. Tôi thích lối kể chuyện hài hước ý nhị của nhà văn này.
Colombia ngày nay đã khác xưa, tôi ghi nhận được nỗ lực bảo vệ du khách của chính phủ bằng cách, cảnh sát có mặt rất đông ở các nơi du lịch công cộng hay quảng trường nổi tiếng. Du khách bị lạc vẫn có thể hỏi đường cảnh sát mặc dù họ biết rất ít tiếng Anh hay chẳng biết chút nào. Tôi bị lạc đường đưa tên khách sạn ra, họ dẫn tôi về tận nơi vì khách sạn gần đó.
Orange County 2019
Trịnh Thanh Thủy