logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 22/05/2019 lúc 02:05:11(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
UserPostedImage
Nhà thơ Tô Thùy Yên. (Hình: Triết Trần/Người Việt)

HOUSTON, Texas (NV) – Nhà thơ Tô Thùy Yên, tác giả bài thơ “Chiều Trên Phá Tam Giang,” mà một phần của nó được cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phổ nhạc, vừa qua đời lúc 9 giờ 15 phút tối Thứ Ba, 21 Tháng Năm, tại Houston, Texas, hưởng thọ 81 tuổi, bà Huỳnh Diệu Bích, hiền thê của ông, nói với nhật báo Người Việt qua điện thoại.
“Nhà tôi bị một cơn đột quỵ và được đưa vào một trung tâm trị liệu từ Thanksgiving năm ngoái. Tối hôm qua ông ra đi nhẹ nhàng, như trong giấc ngủ,” bà Diệu Bích kể.

Bà cho biết thêm, hiện chưa có ngày giờ chính thức, nhưng có lẽ tuần tới sẽ an táng nhà thơ.
Bà cho biết nhà thơ Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, sinh ngày 20 Tháng Mười, 1938 tại Gò Vấp, Gia Định. Sau khi họ ở Gia Định, ông học trung học Petrus Ký ở Sài Gòn.
“Chồng tôi sau đó vào học Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, học văn chương Pháp, sau khi chúng tôi vừa cưới nhau,” bà cho biết thêm. “Năm 1964 anh nhập ngũ, đến năm 1975 là cấp bậc thiếu tá chiến tranh chính trị. Sau đó, hai bị tù cộng sản hai lần, một lần 10 năm và một lần 3 năm.”
Theo bài viết “Tuyển Tập Tô Thùy Yên” của tác giả Trần Doãn Nho đăng trên nhật báo Người Việt hôm 10 Tháng Hai, nhà thơ Tô Thùy Yên bắt đầu viết từ cuối thập niên 1950, và là một trong những nhà thơ lớn của văn học miền Nam Việt Nam.
Bài thơ (được xem) như đầu tay của ông, “Cánh đồng, con ngựa, chuyến tàu,” được sáng tác lúc ông còn là một thiếu niên.
“Thơ Tô Thùy Yên có rất nhiều khái niệm hoặc hình tượng triết lý – lời thơ đôi khi bí hiểm, khó hiểu – thì đồng thời lại không thiếu những hình ảnh hiện thực, có thể nói còn hiện thực hơn cả những nhà thơ hiện thực nhất,” theo tác giả Trần Doãn Nho nhận xét.
Theo nhà thơ Du Tử Lê viết trên blog của ông, thơ Tô Thùy Yên bắt đầu xuất hiện trên báo chí từ năm ông 16 tuổi. Gia nhập nhóm Sáng Tạo thành hình năm 1956, cộng tác đều đặn với nhiều tạp chí văn học ở miền Nam, chủ trương nhà xuất bản văn học Kẻ Sĩ.
Đã xuất bản: Thơ Tuyển (một ấn bản tại Đức năm 1994, một ấn bản tại Mỹ năm 1995), Thắp Tạ (năm 2004).
Năm 2018, ông cho ra mắt “Tô Thùy Yên – Tuyển Tập Thơ,” gồm 96 bài thơ, gộp lại những bài từ hai tập trước, cộng thêm một số bài mới được tìm thấy và đưa vào sau này.
Vẫn theo tác giả Trần Doãn Nho, từ khi qua định cư tại Hoa Kỳ, nhà thơ Tô Thùy Yên tiếp tục làm thơ và đi nhiều nơi tham gia các buổi sinh hoạt văn học cũng như giới thiệu tập thơ đầu tiên của ông. Tuy nhiên, trong những năm sau này, sức khỏe nhà thơ không được tốt, nên ông hiếm khi đi đâu và ít thấy xuất hiện trước công chúng. Vào năm 2017, nhân dịp 30 Tháng Tư lần thứ 42, đáp lời mời của trường đại học Yale University, muốn có tiếng nói của một nhà thơ miền Nam Việt Nam, dù đi đứng khá khó khăn, ông đã cố gắng đến tham dự và đọc thơ cùng với một số nhà thơ khác như Đinh Linh, Phan Nhiên Hạo, và Chân Phương vào ngày 26 Tháng Tư, 2017.
Trong dịp này, ông cũng tham dự một buổi sinh hoạt đọc thơ Tô Thùy Yên khác tại trung tâm Việt-Aids do nhóm văn nghệ sĩ Boston tổ chức vào chiều tối ngày 28 Tháng Tư, 2017.
Ngoài bài “Chiều Trên Phá Tam Giang,” nhà thơ Tô Thùy Yên có sáng tác bài “Ta Về,” sau này được nhạc sĩ Đình Đại phổ thành nhạc.
Bà Huỳnh Diệu Bích cho biết, sau khi ra tù, nhà thơ Tô Thùy Yên và gia định sang Mỹ định cư năm 1993, ban đầu đến Minnesota, do nhạc sĩ Cung Tiến bảo lãnh. Đến năm 2000 thì gia đình chuyển về Houston, Texas.
Đỗ Dzũng/Người Việt
song  
#2 Đã gửi : 22/05/2019 lúc 02:09:31(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Đọc ‘Trường Sa Hành’ của Tô Thùy Yên khi biển không yên!

UserPostedImage
Chân dung thi sĩ Tô Thùy Yên. (Tranh của họa sĩ Đinh Cường)

Trung Cộng từ khi chiếm được Hoa Lục năm 1949, bắt đầu giương oai diễu võ! Với đầu óc nông dân đặc sệt cả mấy ngàn năm, triều đại nào, hoàng đế Trung Hoa nào bao giờ cũng nghĩ tới giành giựt đất đai, lấn chiếm ao hồ của hàng xóm nhỏ hơn, yếu hơn mình. Cứ chờ thời cơ rồi ngày gặm thêm một chút.
UserPostedImage
Như Việt Nam từ thời lập quốc tới giờ núi liền núi, sông liền sông với “chú Ba” xấu bụng này chẳng lúc nào được yên. Trên bộ thì Ải Nam Quan rồi thác Bản Giốc; dưới biển thì Hoàng Sa rồi Trường Sa…!
Tình hình Biển Đông luôn nổi sóng về cái vụ giàn khoan Trung Cộng lù lù xuất hiện ngoài khơi thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, làm người viết lại nhớ tới bài Trường Sa Hành của nhà thơ Tô Thùy Yên viết cách đây đã bốn chục năm trời ròng rã.
Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, sinh năm 1938, tại Gò Vấp, Gia Định, học Petrus Ký và Đại học Văn Khoa Sài Gòn, ban Pháp Văn, gia nhập quân đội khóa 17 Trường Bộ Binh Thủ Ðức. Đến 1975, mang lon thiếu tá Chiến Tranh Chính Trị, trưởng Phòng Văn Nghệ, Cục Tâm Lý Chiến. Ông bị Cộng Sản bắt đi học tập cải tạo gần 13 năm; rồi đi định cư ở Houston, Texas, Hoa Kỳ năm 1993.
UserPostedImage
Nhà thơ Tô Thùy Yên. (Hình: Triết Trần/Người Việt)
Trước bài Trường Sa Hành của ông, cũng có những nhà thơ khác làm thơ có tựa là “Hành” như: bài thơ Tống Biệt Hành của Thâm Tâm, năm 1940…
Hành là đi, là đến trong từ hành trình, du hành, vi hành, bộ hành hay hành khách… Nhà văn đi và viết thì gọi là ký. Nhà thơ đi và làm thơ thì gọi là Hành.
Nhưng “Hành” nghĩa là gì? Có người cho đó là một thể thơ cổ. Song người viết lại nghiêng về một cách cắt nghĩa đơn giản hơn: Hành là đi, là đến trong từ hành trình, du hành, vi hành, bộ hành hay hành khách… Nhà văn đi và viết thì gọi là ký. Nhà thơ đi và làm thơ thì gọi là Hành. Đi Trường Sa làm thơ thì đặt tên bài thơ là Trường Sa Hành! Chắc vậy?!
Trường Sa Hành coi như một nhựt ký viết dưới dạng thơ khi Tô Thùy Yên đến Trường Sa năm 1974 vào Tháng Ba khi gió mùa Đông Bắc thổi. Chuyến đi này được thực hiện hai tháng sau khi Trung Cộng xua tàu hải chiến rồi chiếm Hoàng Sa ngày 19 Tháng Giêng, năm 1974, khiến 75 người lính anh hùng của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong lúc bảo vệ biển đảo quê mình.
Trường Sa cách đất liền hơn 400 hải lý, nhà thơ đến bằng tàu Hải Quân và vẫn còn say sóng cũng y như những người lính thú trấn thủ trên đảo (không phải tất cả là ngư dân) trước khi đến Trường Sa có thể chưa biết biển bao giờ?!
Tô Thùy Yên, dân Gò Vấp, dân Sài Gòn, nên đêm đầu ra Trường Sa say sóng, cứ bồng bềnh, cứ tưởng đảo là con tàu vẫn tiếp tục trôi đi. Tả thực và xuất sắc!
Trường Sa! Trường Sa! Ðảo chuếnh choáng!
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề.
Lính thú mươi người lạ sóng nước,
Ðêm nằm còn tưởng đảo trôi đi.
Trường Sa là quần đảo, tên tiếng Anh là Spratly Islands, đảo Trường Sa lớn là một đảo trong quần đảo này; lúc nhà thơ đến, không có dân; chỉ có lính… Đảo san hô đứng thứ tư về diện tích (0.15 km2).
Mãi khi Trung Cộng lấn chiếm quần đảo Hoàng Sa, quân đội Việt Nam Cộng Hòa mới đưa lính thuộc Tiểu Đoàn 371 Địa Phương Quân (ĐPQ), thuộc Tiểu Khu Phước Tuy, ra trấn thủ trên các đảo: Nam Yết, Song Tử Tây, Sơn Ca, Sinh Tồn và đảo Trường Sa lớn.
Nhà thơ đến chào, hỏi han (lính) đảo Hiu Quạnh lớn (có thể là đảo Trường Sa lớn mà nhà thơ tự mình đặt tên! Tôi đoán vậy vì nó viết Hoa?!)
Và có thể vì nhà thơ chỉ là khách, lại là quan “văn nghệ,” đến chơi vài bữa rồi đi… trong khi những người lính gian khổ ở lại… nên bước đầu gặp nhau không vồn vã lắm. Những người lính đó làm “ngơ” cũng phải thôi! Tới đây là cực, là vất vả hết mức rồi thì việc gì phải sợ “quan” nữa chớ?!
Mùa Ðông Bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa.
Ta hỏi han hề, Hiu Quạnh lớn!
Mà Hiu Quạnh lớn vẫn làm ngơ.
Người sống trên đảo năm ấy là lính Địa Phương Quân, mỗi đảo chỉ khoảng 20 người, từ đất liền ra đảo chẳng bao lâu, nên chưa có ai chết thì hồn ma quỷ làm sao mà có?! Thiệt là hiu quạnh! Thảo mộc cây cối thì hồi nhỏ tới giờ mới thấy; nên hỏng biết tên gì?
Đảo hoang, vắng cả hồn ma quỷ,
Thảo mộc thời nguyên thủy lạ tên
Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh
Lên xác thân người mãi đứng yên.
Cách bờ xa quá, nơi những người lính thân cô, thế cô, tuân lịnh trên, xa nhà, xa cửa, xa vợ, xa con, xa cha, xa mẹ, anh em đến đây để giữ đảo quê mình. Xưa ai làm công chức hay quân nhân mà bị đổi đi đảo như Côn Sơn ngay cả Phú Quốc đều mang mặc cảm tự ti là mình bị đi đày, bị bỏ quên giữa trùng trùng sóng vỗ. (Dù sau ba tháng, sẽ có đại đội từ trong đất liền ra thay thế!)
Bốn trăm hải lý nhớ không tới
Ta khóc cười như tự bạo hành
Dập giận, vác khòm lưng nhẫn nhục,
Đường thân thế lỡ, cố đi nhanh.
Vậy mà những người lính tưởng chừng như bị bạc đãi, bị lạc loài, bị bỏ quên, không ai nhớ đó lại can đảm đánh nhau với Tàu Cộng trang bị hùng hậu hơn nhiều để bảo vệ biển đảo quê mình rồi ngã xuống… nên:
Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế.
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi?
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời.
Dù gì đi chăng nữa, đã sanh ra làm dân Việt nếu phải chết vì đất nước thì chết. Lớp này rồi lớp khác!
Mùa gió xoay chiều, gió khốc liệt,
Bãi Đông lở mất, bãi Tây bồi.
Đám cây bật gốc chờ tan xác
Có hối ra đời chẳng chọn nơi?
Trong làn nước vịnh xanh lơ mộng
Những cụm rong óng ả bập bềnh
Như những tầng buồn lay động mãi
Dưới hồn ta tịch mịch long lanh.
Mặt trời chiều rã rưng rưng biển
Vầng khói chim đen thảng thốt quần,
Kinh động đất trời như cháy đảo…
Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân.
Để đêm về sống như người nguyên thủy bên đống lửa, chờ mồi… rồi nhậu!
Ta ngồi bên đống lửa man rợ,
Hong tóc râu, chờ chín miếng mồi,
Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp
Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi.
Rồi văn nghệ, ca hát, không có “quan” và “lính” chỉ có “qua” và “chú em.” Rặt ròng Nam Bộ!
Chú em hãy hát, hát thật lớn
Những điệu vui, bất kể điệu nào
Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ
Cho mái đầu ta chớ cúi sâu.
Rượu lâng lâng sầu viễn xứ rồi nhớ tới những người đã được gởi ra đây lúc trước, chiến đấu rồi chết một cách quạnh hiu mà quân tiếp viện đâu… chờ hoài chẳng thấy… như đã từng xảy ra ở Hoàng Sa chỉ mới hai tháng trước.
Ai hét trong lòng ta mỗi lúc
Như người bị bức tử canh khuya
Xé toang từng mảng đời tê điếng
Mà gửi cùng mây, đỏ thảm thê.
Ta nói với từng tinh tú một
Hằng đêm tất cả chuyện trong lòng
Bãi lân tinh thức, âm u sáng
Ta thấy đầu ta cũng sáng trưng.
Đất liền, ta gọi, nghe ta không?
Đập hoảng Vô Biên, tín hiệu trùng.
Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc.
Con chim động giấc gào cô đơn.
Người lính đảo, hầu hết là trẻ, là hoa niên, đến đây vì đất liền, chạm địch, đối mặt với quân thù thì xin đừng bỏ chúng tôi lại chiến đấu một mình trên “Hiu Quạnh lớn” đồng bào ơi!
Ngày trắng chói chang như giũa.
Ánh sáng vang lừng điệu múa điên.
Mái tóc sầu nung từng sợi đỏ
Kêu giòn như tiếng nứt hoa niên.

Tuổi hoa niên trong binh lửa là vậy đó. Hy sinh phận mình cho đất nước tồn sinh.
Ôi! Lũ cây gầy ven bãi sụp,
Rễ bung còn gượng cuộc tồn sinh,
Gắng tươi cho đến ngày trôi ngã
Hay đến ngày bờ tái tạo xanh.
San hô mọc tủa thêm cành nhánh
Những nỗi niềm kia cũng mãn khai
Thời gian kết đá mốc u tịch
Ta lấy làm bia tưởng niệm Người.
Nhà thơ đem “nỗi niềm” kia hỏi Trời và hiểu ra rồi! Hiểu một điều là đất này, biển này, đảo này do những người lính rất bình thường, không phải là quan quyền chi hết… gian khổ giữ lấy! Và nhà thơ cúi đầu khâm phục sự gian khổ hy sinh kính cẩn gọi những người lính vô danh đó trong bài thơ của mình bằng chữ “Người,” trang trọng viết hoa.
UserPostedImage
Đảo Trường Sa Lớn ngày nay. (Hình: Báo TTVH)
Năm 1974, khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, Hải Quân ta chống trả quyết liệt thì những nhà thơ quốc doanh miền Bắc chịu nhục, cúi đầu câm lặng. Sau 1975, Bắc quân chiếm được miền Nam thì lại tự cao, tự đại… [dù trong thâm tâm cũng phải cúi đầu khâm phục bài thơ này do một nhà thơ tài hoa Nam Bộ duy nhứt trong nhóm Sáng Tạo (chủ lực có nhà văn Mai Thảo và nhà thơ Thanh Tâm Tuyền…viết…)] Nhưng vốn tánh nhỏ nhen, vẫn cón rán “khoèo” một cái là bài thơ Trường Sa Hành của nhà thơ miền Nam Tô Thùy Yên hay… nhưng thiếu tính chiến đấu.
Tính chiến đấu gì đây? Đâu phải cứ là “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước, súng ngoài xa chen khúc quân hành ca, đường vinh quang xây xác quân thù…”
Tính chiến đấu không phải là ngư lôi, là tàu chiến, là tàu ngầm Kilo! Đôi khi có rồi mà chưa chắc đã dám “chơi”… vì nhát?!
Tính chiến đấu trong bài Trường Sa Hành của Tô Thùy Yên là gian khổ của người lính trong trùng trùng gió mùa… khắc nghiệt, nắng cháy đến phỏng da vào mùa khô! Còn mùa mưa bão, những cơn bão nhiệt đới đi qua mạnh đến mức dường như thổi bay luôn cả đảo!
Thiên nhiên là vậy, khắc nghiệt như vậy…vẫn chịu đựng để giữ biển đảo quê mình… Rồi quân thù đến, đánh tới cùng, dù biết rằng chấp nhận ra đây là nếu đụng trận là chỉ có chết chứ còn biết rút đi đâu, còn ai tiếp viện? Đảo mà!… Xa đất liền quá! Hỏng lẽ giơ tay, buông súng mà đầu hàng Tàu Cộng… Hai tháng trước khi nhà thơ đến, hải chiến đã xảy ra rồi đó ở Hoàng Sa. Đã có hy sinh! Biết vậy nhưng không có sợ… Dà! Tính chiến đấu ở đây đó thưa “chư vị” thi sĩ quốc doanh miền Bắc!
Mỗi người đọc thơ đều có thể hiểu cách khác nhau! Càng nhiều cách hiểu càng tốt! Vì một bài thơ hay như một cái kính vạn hoa, mỗi lần đọc lại bài thơ thì tìm ra cái mới, cái hay, cái lạ là lần đọc trước mình chưa tìm thấy, chưa hiểu hết. Như cái kính vạn hoa, mỗi bức hình tuyệt tác chỉ là những hạt thủy tinh được sắp xếp, như những con chữ được sắp xếp trong thơ, lắc lên lại hiện ra hình ảnh khác… rực rỡ muôn màu!
Người viết không phải là nhà phê bình văn học, mạo muội viết ra những điều mình “cảm” về bài Trường Sa Hành của một tác giả nổi tiếng như nhà thơ Tô Thùy Yên là một việc làm mạo hiểm vì dễ bị chê là dốt chẳng hiểu gì thơ.
Tuy vậy, ai chê thì chê… mình hiểu tới đâu hay đó, viết ra chia sẻ cùng bạn đọc thân mến vì trộm nghe có người phê rằng bài thơ hay nhưng không có sức chiến đấu làm mình “tức,” mình “quạu” lên, “quạt” cho nó một trận cho đã tức!
Bài thơ này viết cách đây đã 40 năm vẫn còn đứng vững và chắc rằng sẽ còn đứng rất lâu vì một lẽ đơn giản là nó hay.
Biển Đông không yên và chắc mãi mãi không yên… Mỗi lần biển không yên… lại đọc Trường Sa Hành của Tô Thùy Yên để yêu nước mình thêm. Tôi xin cảm ơn ông! (Đoàn Xuân Thu)
Đoàn Xuân Thu (Melbourne, Úc)
song  
#3 Đã gửi : 22/05/2019 lúc 02:11:03(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Chiều trên phá Tam Giang


Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
(Ca dao)

1.
Chiếc trực thăng bay là mặt nước
Như cơn mộng nhanh
Phá Tam Giang, phá Tam Giang
Bờ bãi hỗn mang, dòng bát ngát
Cát hôn mê, nước miệt mài trôi
Ngó xuống cảm thương người lỡ bước
Trời nước mông mênh, thân nhỏ nhoi
Phá Tam Giang, phá Tam Giang
Nhớ câu ca dao sầu vạn cổ
Chiều dòn tan, nắng đọng nứt ran ran
Trời thơm nước, thơm cây, thơm xác rạ
Thơm cả thiết tha đời
Rào rào trận gió nhám mặt mũi
Rào rào trận buồn ngây chân tay
Ta ngó thấy ghe thuyền quần tụ
Từng đoàn như trẻ nhỏ ghê ma
Ta ngó thấy thùy dương gãy rủ
Từng cây như nỗi bất an già
Ta ngó thấy rào chà cản nước
Từng hàng như nỗ lực lao đao
Ta ngó thấy nhà cửa trốc nóc
Từng ngôi như mặt đất đang gào
Vì sao ngươi tới đây?
Hỡi gã cộng quân sốt rét, đói
Xích lời nguyền sinh Bắc, tử Nam
Vì sao ta tới đây?
Lòng xót xa, thân xác mỏi mòn
Dưới mắt người làm tên lính ngụy
Ví dầu ngươi bắn rụng ta
Như tiếng hét
Xé hư không bặt im
Chuyện cũng thành vô ích
Ví dầu ngươi gục
Vì bom đạn bất dung
Thi thể chẳng ai thâu
Nào có chi đáng kể
Nghĩ cho cùng, nghĩ cho cùng
Ví dầu các việc ngươi làm, các việc ta làm
Có cùng gom góp lại
Mặt đất này đổi khác được bao nhiêu?
Ngươi há chẳng thấy sao
Phá Tam Giang, phá Tam Giang ngày rày đâu đã cạn?
Ta phá lên cười, ta phá lên cười
Khi tưởng tượng ngươi cùng ta gặp gỡ
Ở cõi âm nào ngươi vốn không tin
Hỏi nhau chơi thỏa chút tính bông đùa:
Ngươi cùng ta ai thật sự hy sinh
Cho tổ quốc Việt Nam – một tổ quốc…?
Các việc ngươi làm
Ngươi tưởng chừng ghê gớm lắm
Các việc ta làm
Ta xét thấy chẳng ra chi
Nên ngươi hăng điên, còn ta ảm đạm
Khi cùng làm những việc như nhau
Ta tự hỏi vì sao
(Còn ngươi, có bao giờ ngươi tự hỏi?)
Và ta tự trả lời
(Có bao giờ ngươi tự trả lời?)
Chúng ta khác nào cánh quạt phi cơ
Phải quạt, phải quạt
Chỉ vì nó phải quạt
Ta thương ta yếu hèn
Ta thương ngươi khờ khạo
Nên cả hai cùng cam phận quay cuồng
Nên cả hai cùng mắc đường Lịch Sử
Cùng mê sa một con đĩ thập thành
Chiều trên phá Tam Giang rộn ràng tiếng chiến trận
Chiều trên phá Tam Giang im lìm âm cảm thông
2.
Chiều trên phá Tam Giang
Anh sực nhớ em
Nhớ bất tận
Giờ này thương xá sắp đóng cửa
Người lao công quét dọn hành lang
Những tủ kính tối om
Giờ này thành phố chợt bùng lên
Để rồi tắt nghỉ sớm
(Sài Gòn nới rộng giờ giới nghiêm
Sài Gòn không còn buổi tối nữa)
Giờ này có thể trời đang nắng
Em rời thư viện đi rong chơi
Dưới đôi vòm cây ủ yên tĩnh
Viền dòng trời ngọc thạch len trôi
Nghĩ tới ngày thi tương lai thúc hối
Căn phòng cao ốc vàng võ ánh đèn
Quyển sách mở sâu đêm
Nghĩ tới người mẹ đăm chiêu, đứa em quái quỷ
Nghĩ tới đủ thứ chuyện tầm thường
Mà cô gái nào cũng nghĩ tới
Rồi nghĩ tới anh, nghĩ tới anh
Một cách tự nhiên và khốn khổ
Giờ này có thể trời đang mưa
Em đi nép hàng hiên sướt mướt
Nhìn bong bóng nước chạy trên hè
Như những đóa hoa nở gấp rút
Rồi có thể em vào một quán nước quen
Nơi chúng ta thường hẹn gặp
Buông tâm trí bập bềnh trên những đợt lao xao
Giữa những đám ghế bàn quạnh quẽ
Nghĩ tới anh, nghĩ tới anh
Cơn nghĩ tới không sao cầm giữ nổi
Như dòng lệ nào bất giác rơi tuôn
Nghĩ tới, nghĩ tới một điều hệ trọng vô cùng
Của chiến tranh mà em không biết rõ
Nghĩ tới, nghĩ tới một điều hệ trọng vô cùng
Một điều em sợ phải nghĩ tới
Giờ này thành phố chợt bùng lên
Chiều trên phá Tam Giang
Anh sực nhớ em
Nhớ bất tận
Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi
Rực chiếu bao nhiêu giấc mộng đua đòi
Như những mặt trời con thật dễ thương
Sẽ rơi rụng dọc đường lên dốc tuổi
Mỗi sáng trưa chiều tối đêm khuya
Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi
Coi chuyện đó như lần đi tuyệt tích
Trong nước trời lãng đãng nghìn trùng
Không nghe thấy cả tiếng mình độc thoại
Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi
Thấy trong lòng đời nở thật lẻ loi
Một cành mai nhị độ
Thấy tình yêu như vận hội tàn đời
Để xé mình khỏi ác mộng
Mà người đàn ông mê tưởng suốt thanh xuân
Ôi tình yêu, bằng chứng huy hoàng của thất bại!
3.
Chiều trên phá Tam Giang
Mày nhìn con nước xiết
Chảy băng bờ bãi ngổn ngang câm
Nghĩ tới, nghĩ tới những công trình mày có thể hoàn thành
Mà rồi mày bỏ dở
Nghĩ tới kiếp người đang lỡ độ đường
Trên mịt mùng nghi hoặc
Nghĩ tới thanh xuân mất tích tự đời nào
Còn lưu hậu chua cay hoài vọng
Nghĩ tới khu vườn ẩn cư cỏ cây khuất lấp
Căn nhà ma ám chầy ngày gió thổi miên man
Đụt tuổi già bình an vô tích sự
Như lau lách bờm xờm trên mặt sông nhăn
Cùng cái chết
Cái chết lâu như nỗi héo hon dần
Làm chính mình bực bội
Gió muôn ngàn năm thổi lẽ tuần hoàn
Cho cỏ cây thay đời đổi kiếp
Và mày kinh sợ nghe nhắc điều vượt sức bình sinh
Bởi mày không đủ dạn dày trình diễn tới lui cơn thất chí
Như gã hề cuồng mưu sinh giữa chốn đông người
Với từng ấy tấn tuồng bần tiện
Rút ra từ lịch sử u mê
Gió thổi thêm đi, gió thổi thêm đi
Cho cỏ cây mau chết, mau hồi sinh
Mày mặc kệ
Chiều trên phá Tam Giang
Có gã hề cuồng buông tiếng cười lạnh rợn
Khiến bầy ác thú mà lịch sử sanh cầm cũng chợt hãi hùng
Dớn dác ngó

6-1972
Tô Thùy Yên

phai  
#4 Đã gửi : 26/05/2019 lúc 09:55:47(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Góp phần tưởng nhớ Nhà Thơ Tô Thùy Yên mới vĩnh viễn ra đi Từ Nhiễu Nhương đến Thiên Hạ Đại Loạn: Thời Đại Của Nguyễn Du và Thời Đại của Chúng Ta

Trong hầu hết các tác phẩm viết về Văn Học Sử Việt Nam, Nguyễn Du thường được xếp vào thời Nguyễn Sơ hay Tiền Bán Thế Kỷ 19. Sự sắp xếp này có lẽ đã được căn cứ vào thời gian nhà đại thi hào của chúng ta sáng tác Truyện Kiều sau chuyến ông đi sứ nước Tầu về, tức sau năm 1813. Sắp xếp như vậy tôi nghĩ không được hợp lý và quá tùy thuộc vào các yếu tố chính trị và vào sự phân định thời gian theo lối Tây Phương. Lý do là vì sắp xếp và phân định thời gian trong văn học sử không nhất thiết phải gò bó một cách cứng nhắc y như sự sắp xếp trong sử học, đành rằng ngay trong sử học, nhất là lịch sử văn minh, khi nói tới Thế Kỷ 19, người ta không bắt buộc phải nghĩ rằng thế kỷ này phải bắt đầu vào năm 1800 và chấm dứt vào năm 1899, cũng như Triều Nguyễn phải bắt đầu vào năm 1802. Tất cả đều có thể sớm hơn hay trễ hơn tùy từng khía cạnh hay cách nhìn của sử gia về mỗi vấn đề, mỗi tác giả. Lý do rất đơn giản: một tác phẩm văn học, đặc biệt tác phẩm văn học lớn thường phản ảnh hoàn cảnh chính trị và xã hội của cả thời đại của tác giả.

Đối với Truyện Kiều, được viết sau năm 1813 không có nghĩa là chỉ thuộc Thế Kỷ 19, chỉ thuộc Thời Nguyễn Sơ. Trái lại, đại tác phẩm này phải được coi là đã thành hình từ nhiều chục năm trước đó và được kết tinh trong thập niên thứ hai của Thế Kỷ 19, dưới thời Nhà Nguyễn. Nó không phải chỉ phản ảnh cuộc đời và tâm sự riêng của Nguyễn Du mà còn phản ảnh cuộc đời và tâm sự chung của một phần không nhỏ những người thuộc thế hệ ông, những người sinh trưởng ở Bắc Hà trong hậu bán Thế Kỷ 18, dưới thời Lê -Trịnh và còn tiếp tục sống trong những thập niên đầu của Thế Kỷ 19 dưới thời Nguyễn Sơ. Phạm Quý Thích và hơn hai chục ông nghè khác của Triều Lê chẳng hạn. Gia dĩ ngoài Truyện Kiều, Nguyễn Du còn là tác giả của nhiều tác phẩm khác không kém giá trị ngoài tính phổ thông trong dân gian của chúng, Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh mà các sư ở các chùa ở Miền Bắc luôn luôn ngâm đọc với một giọng điệu vô cùng đau thương và thảm thiết trong ngày Rằm Tháng Bảy, ngày cúng cô hồn, chẳng hạn. Trong bài này, tôi muốn cùng bạn đọc nhìn lại thời đại của Nguyễn Du và những ảnh hưởng của những gì đã xảy ra ở thời này đối với cuộc đời, tâm tư và sự nghiệp của tiên sinh, đồng thời so sánh phần nào thời đại đó với thời đại của chúng ta hiện tại với một ước vọng trong những năm tới đây chúng ta có thể chứng kiến sự ra đời của không phải của một mà nhiều tác phẩm lớn nếu không hơn thì ít ra cũng không kém tác phẩm của Tiên Điền Nguyễn Tiên Sinh. Tất nhiên ước vọng là một chuyện, có được hay không lại là một chuyện khác. Nhưng ước vọng thì cứ ước vọng.

Trong lịch sử Việt Nam từ Thế Kỷ 19 trở về trước, không có thời kỳ nào đen tối hơn thời kỳ của những năm cuối cùng của thời Lê Mạt và trong toàn bộ lịch sử Việt Nam, không có thời nào suy đốn và nhiều bạo lực hơn thời kỳ sau năm 1945. Nguyễn Du đã sống trong những năm cuối cùng của thời Lê Mạt và chúng ta đã sống trong những chục năm sau Thế Chiến Thứ Hai. Trong lịch sử văn học Việt Nam, Nguyễn Du có thể nói là một người đã sống một cuộc sống đau thương nhất, u buồn nhất, do đó đã mang một tâm sự u uẩn nhất, xót xa nhất. Còn trong lịch sử dân tộc, chúng ta là những kẻ đã phải gánh chịu hay được chứng kiến nhiều cảnh đổ vỡ, chia ly éo le nhất, từ đó đã mang những niềm đau khắc khoải nhất, thầm kín nhất, đặc biệt là những người đã có cái may, hay không may sinh ra và trưởng thành trong những năm trước khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt và hiện tại vẫn còn đang sống. Nguyễn Du cũng là người có cái may đồng thời cũng là cái không may tương tự. Hai đại biến cố, hai cuộc đời cách nhau hơn bốn trăm năm, tuy mang những tính cách đặc thù của những biến cố và những sự thực lịch sử vẫn có những tác động giống nhau đối với nội tâm của con người. Có khác chăng là ở thời Nguyễn Du mọi chuyện chỉ xảy ra quanh quẩn trong nội địa của nước Việt Nam và giữa người Việt Nam với nhau. Còn ở thời đại chúng ta mọi chuyện đã xảy ra trên một bình diện lớn lao hơn, cổ kim chưa từng có, là khắp thế giới. Biến cố 30 tháng 4, 1975 đã bẩy tung hàng triệu người Việt ra khắp địa cầu để đến bây giờ, bước sang Thiên Niên Kỷ Thứ Ba sau Tây Lịch, một học sinh Việt Nam đã có thể hãnh diện được học rằng: “Mặt trời không bao giờ lặn trên những miền đất có người Việt Nam cư ngụ!” thay thế cho một học sinh người Anh hồi cuối Thế Kỷ 19, với tất cả những cái may cũng như những cái không may của sự kiện lịch sử này.

 Sinh năm 1865, dưới thời Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 26, trong một gia đình cha, chú, anh, em đều thi đậu và làm quan to vào bậc nhất phẩm đương thời. Nguyễn Du đã có dịp sống cuộc đời niên thiếu của một công tử con nhà thế gia, vọng tộc ở chốn kinh đô ngàn năm văn vật, vào lúc cơ nghiệp của hai họ Lê, Trịnh còn tương đối vững chãi, chưa có gì báo trước một sự xụp đổ trong tương lai. Ông hãy còn được thấy tận mắt hay được nghe nói về cuộc sống nghiêm ngặt hay nhàn rỗi, xa hoa ở các cung vua, phủ chúa vào lúc nước nhà vô sự như được tả trong Thượng Kinh Ký Sự của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 – 1791) hoặc Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Đình Hổ (1768 – 1839), mặc dầu cha mẹ mất sớm và mặc dầu không được thành công lắm trên đường khoa hoạn. Nhưng kể từ khi Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm mất (1782), thế đứng của hai họ Lê, Trịnh đã bắt đầu suy sụp. Kiêu Binh làm loạn (1784) và Tây Sơn ra Bắc (1786 – 1787) đã chấm dứt triều đại Nhà Lê sau ngót bốn trăm năm trị vì kể từ khi Lê Thái Tổ đánh đuổi Quân Minh dựng nên nghiệp lớn (1428 -1787) và làm xụp đổ ngôi chúa của họ Trịnh. Tố Như Tiên Sinh lúc ấy mới có 22, 23 tuổi. Cuộc đời đầy u buồn, bất đắc chí, xen lẫn với những nuối tiếc của ông bắt đầu từ khi ông phải tản cư về ẩn náu ở quê vợ thuộc xã Hải An, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình ngày nay, xa hẳn đất kinh kỳ, nơi sau này chỉ còn là cảnh:

Thiên niên cự thất thành quan đạo,
Nhất phiến tân thành một cố cung.
(Thăng Long I)

Dinh xưa cung cũ còn đâu?
Mà nay đường trước thành sau khác rồi!
(Hoa Đăng dịch)

hay:

Tương thức mỹ nhân khan bão tử,
Đồng du hiệp thiếu tận thành ông.
 
Người đẹp buổi xưa đều bế trẻ,
Bạn chơi thuở nhỏ thẩy thành ông!
(Quách Tấn dịch)
 
khi Nguyễn Du “Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long” (Bạc đầu còn được thấy Thăng Long) nhân chuyến đi sứ Nhà Thanh vào năm 1813 có dịp ghé lại.

Chưa hết, sự đổi chủ đã không diễn ra một cách êm đềm mà trong cảnh “Máu tươi lai láng , xương khô rụng rời” với những “ Bãi sa trường thịt nát máu rơi” để “Phơi thây trăm họ nên công một người” đã liên tiếp xảy ra mà Nguyễn Du đã tả trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh.  Nguyễn Hữu Chỉnh, người bạn giao du thân thiết với anh em họ Nguyễn, người được coi là thiên tài vô song của đất Bắc Hà, đã bị xé xác, phơi thây, bào huynh của Nguyễn Du là Nguyễn Quỳnh cũng bị Tây Sơn giết chết. Anh em xưa kia quây quần đông đúc, nay ly tán mỗi người một phương, còn chính Nguyễn Du cũng đã hơn một lần bị Tây Sơn bỏ ngục. Cuối cùng vào năm 1796, tiên sinh đã phải bỏ tất cả, trở về sống ở chốn cố hương, ngày ngày đi săn để mai danh ẩn tích, nhưng vẫn một lòng tưởng nhớ tới Nhà Lê với một tâm sự mà Hồng Liên Lê Xuân Giáo, một trong những vị túc nho lão thành đã di tản sang sống ở San Diego trong thời đại của chúng ta, đã so sánh với tâm trạng của Đặng Dung, xuyên qua hai câu thơ trong bài Thuật Hoài của vị nghĩa sĩ của Thời Hậu Trần này:

Trí chủ hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
 
Vai khiêng trái đất mong phò chúa,
Giáp gột sông trời khó vạch mây.
(Phan Kế Bính dịch)

với một lòng ước vọng không bao giờ đạt được là “Muốn ra tay tát cạn Biển Đông”. Có điều là vận của Nhà Lê đã hết. Năm 1802, Gia Long thống nhất đất nước. Người ẩn sĩ đã không sao ẩn được danh mình vào lúc toàn thể non sông đã đổi chủ, vào lúc:

Trời Đông Phố ào ào gió động,
Hội tao phùng đái ủng tân quân.
  (Bùi Kỷ, Văn Tế Tiên Điền Nguyễn Du)
 
để cuối cùng thấy mình “dật dân bỗng hóa hàng thần lạ thay” hay “Hàng thần lơ láo” và chẳng biết “phận mình ra đâu”. Bị triệu vời với đích danh, Nguyễn Du đã phải ra làm quan với Nhà Nguyễn một cách miễn cưỡng trong mười tám năm ròng. Cuối cùng ông đã tự kết liễu đời mình bằng cách đau mà không chịu uống thuốc.

Nếu lập một bảng đối chiếu đại cương thời đại Nguyễn Du với thời đại chúng ta hiện tại, ta có thể thấy vô số những điểm tương đồng. Cũng với đất nước bị chia đôi với con Sông Gianh được thay thế bằng Sông Bến Hải. Cũng một xã hội tuy không cường thịnh nhưng những gì các thế hệ trước để lại vẫn còn nguyên vẹn, với những thành trì, cung điện, lăng tẩm, chùa chiền, đền miếu, tập tục, lễ nghi, văn chương đạo đức... mà một dân tộc văn minh phải lấy làm hãnh diện. Cũng với những mốc thời gian then chốt, 1784 và 1787 cho thời Nguyễn Du và 1945, 1975 cho thời hiện tại. Cũng với những đổi thay và đổi đời vĩ đại, khủng khiếp cho một con người bình thường, với những cảnh “thất thế tên rơi, đạn lạc”, “máu tuôn lai láng , xương khô rụng rời” trên mặt đất, hay những trường hợp “đem thân chôn giấp vào vòng kình nghê” trên mặt biển, đặc biệt là của những thành phần xưa kia “phong gấm rủ là”, “màn lan trướng huệ”, “cung quế phòng hoa”. Nhưng ở thời đại chúng ta còn ngang trái, bi thảm hơn nhiều. Người anh hùng đất Bình Định, sau khi diệt Nhà Lê, đã đánh dấu triều đại của mình bằng chiến thắng vĩ đại ở Gò Đống Đa, tiếp đó đã khơi dậy trong lòng dân tộc mình một tinh thần tự tin và tự chủ qua dự định lấy lại Lưỡng Quảng về cho đất nước, do đó đã được một phần dân chúng Bắc Hà chấp nhận. Những kẻ xâm chiếm Miền Nam năm 1975 đã không làm nên điều gì mọi người mong đợi. Trái lại, chiến thắng của họ đã xô đẩy dân tộc Việt Nam đến một tình trạng càng ngày càng tăm tối, tồi tệ hơn. Ở thời đại Nguyễn Du, tuy bất đắc dĩ phải phục vụ tân quân và tân triều, nhưng các sĩ phu Bắc Hà thời ông đã được phục vụ với đầy đủ danh dự như là những quan lại, kể cả quan lại cao cấp của Triều Đình Huế. Ở thời đại của chúng ta, những kẻ hậu duệ của Tố Như Tiên Sinh cũng phải miễn cưỡng ra phục vụ triều đại mới nhưng là phục vụ trong những trại tù khổ sai được những kẻ chiến thắng, giả nhân, giả nghĩa gọi là lao động cải tạo hoặc đem thân ra làm thuê, làm mướn nơi đất khách, quê người để nhà cầm quyền lấy tiền trả nợ, hay lên các vùng kinh tế mới ở với rắn và gió, trong những căn lều không vách... Ở thời đại Nguyễn Du không có những trận đói trong đó nhiều làng một mạng sống không còn để những thành phần chống đối chính quyền đương nhiệm có cơ lợi dụng. Ở thời đại chúng ta không ai có thể quên được Trận Đói Tháng Ba Năm Ất Dậu 1945 khiến hai triệu người bị chết. Ở thời đại Nguyễn Du không có chuyện vu cáo và thanh toán lẫn nhau bằng kết tội nhau là Việt gian, phản động và thủ tiêu nhau vô tội vạ. Ở thời đại Nguyễn Du không có chuyện Tự Vệ Vũ Trang với những cuộn dây thừng để bắt Việt gian, với Công An chận đường bắt cóc mang đi mất tích hay đương đêm vào nhà bắt người mang đi rồi ít ngày sau nạn nhân chỉ còn mình một nơi, đầu một nẻo với một bản án gắn trên ngực, không có chuyện đồng chí con, đồng chí bố, vợ tố cáo chồng, con tố cáo cha, không có Đảng, không có Cách Mạng có quyền sinh sát trong tay để khoan hồng hay bắt người đền tội. Ở thời đại Nguyễn Du không có những cuộc chiến triền miên kéo dài cả ba chục năm mà vẫn chưa hoàn toàn kết thúc với ba, bốn và có thể năm triệu người chết và không biết bao nhiêu triệu người đau khổ. Ở thời Nguyễn Du biến loạn chỉ ảnh hưởng giới hạn trong giới cầm quyền hay lãnh đạo. Ở thời Nguyễn Du chiến tranh chỉ xẩy ra ở kinh đô và một số những địa điểm quan trọng. Ở thời đại chúng ta, chiến tranh xả ra ở khắp các làng xã, các hang cùng ngõ hẻm, thậm chí cả những vùng rừng núi, những thôn bản xa xôi, trước kia rất ít người các miền đồng bằng lui tới. Ở thời đại chúng ta, chiến tranh là chiến tranh toàn diện, không một người dân nào, dù là đàn bà, con trẻ, những kẻ khố rách, áo ôm, những người cùng đinh trong xã hội, bằng cách này hay cách khác, không bị cuốn hút vào cuộc chiến, sau đó là sự cưỡng chiếm miền Nam của người Cộng Sản miền Bắc và cuộc ra đi tị nạn của hàng triệu dân Việt trong suốt hơn bốn chục năm và ảnh hưởng của nó trên toàn cầu, cùng với lối trả thù những người bị kẹt lại một cách vô cùng hiểm độc, dã man, khó có thể tưởng tượng được bởi những người Cộng Sản miền Bắc sau biến cố 30 tháng Tư, 1975. Tất cả đã dẫn tới  hai phong trào dời bỏ quê hương mà Phạm Duy, trong bài 1954 Cha Bỏ Quê, 1975 Con Bỏ Nước đã diễn tả bằng những câu hát như:

Một ngày năm bốn cha bỏ Sơn Tây,
Dắt díu con thơ vô sống nơi Biên Hòa.
Dù là xa đó vẫn là nước nhà.
Một mảnh đất thân yêu gia đình ta.
__________
Một ngày bảy lăm con đứng ở cuối đường,
Loài quỷ dữ xua con ra đại dương..
Một ngày bảy lăm con bỏ nước ra đi.
Hai mươi năm là hai lần ta biệt xứ.
Giờ cha lưu đầy ở ngay trên nước ta,
Và giờ con lưu đầy ở đây nơi xứ lạ...
 
 
Cuối cùng là sự thành hình của Cộng Đồng Việt Nam ở Hải Ngoại với nhiều hứa hẹn sẽ trở thành thành phần thứ hai của Dân Tộc Việt Nam độc lập với thành phần ở trong nước mà tôi gọi là Siêu Quốc Gia Việt Nam của Thiên Niên Kỷ Thứ Ba với Thế Kỷ 21 là thời kỳ chuyển tiếp.
 
Sự so sánh kể trên nếu chỉ được đặt ra một cách đơn thuần, nói chung, có thể bị cho là không cần thiết, đặc biệt là đối với những người thường lưu tâm đến sự nghiệp của thi hào Nguyễn Du, nói riêng, ai cũng có thể làm được. Nhưng tôi đã lựa chọn nó để trình bày ở đây vì từ trước tới giờ tôi luôn luôn thắc mắc là ở thời Lê Mạt, một thời không có gì đáng gọi là huy hoàng của lịch sử dân tộc, đứng trên bình diện chính trị, ngoại giao hay quân sự , trái lại đó là một thời kỳ đại loạn, thế mà trong thời này lại có nhiều tác phẩm lớn, bất hủ xuất hiện. Thời của chúng ta so với thời Lê Mạt còn tệ hại hơn nhiều. Câu hỏi được đặt ra là liệu rằng trong thời hiện tại đã có những công trình nào đáng kể xuất hiện chưa và trong tương lai liệu có tác phẩm nào xuất hiện không?  Nguyễn Du với những tâm sự u uẩn bời bời, chất chứa trong lòng từ nhiều chục năm, sau chuyến đi sứ sang Tầu của ông đã để lại cho hậu thế những áng văn vô giá, bất hủ. Người Việt chúng ta trong thời đại mới cũng có dịp xuất ngoại và xuất ngoại ra nhiều hơn là ra một nước Trung Hoa và lưu lại suốt đời hơn là một thời gian đi sứ ngắn ngủi. Liệu rằng trong những năm, những chục năm sắp tới, điều người ta mong đợi có xảy ra không? Câu hỏi này cho đến nay chưa có câu trả lời, nhưng tôi tin tưởng rằng một khi được tìm tòi sẽ có rất nhiều hy vọng là sẽ có, nhất là ở các anh em trẻ vì anh em vừa được sống, vừa được học hỏi. Thời Nguyễn Du, Tiên Sinh và những người đồng thời với Tiên Sinh chỉ được biết có một nước Tầu. Trong thời đại của chúng ta, chúng ta được biết nhiều hơn một nước Pháp hay một nước Mỹ, một nước Nga hay một nước Tầu. Hơn thế nữa, trong thời đại Nguyễn Du, Nguyễn Du và các cựu thần Nhà Lê khác đã mang những mặc cảm tội lỗi với triều đại cũ, những bạn bè xưa và với chính mình. Những Nhà Nho này đã hơn một lần bị đưa ra làm đề tài chế diễu. Trong thời đại của chúng ta, không thiếu những anh em, bà con của chúng ta mang những tâm sự đau lòng của những kẻ bất đắc dĩ phải đào tẩu, bỏ lại cha mẹ, vợ con, anh em, bạn bè, chiến hữu, thuộc cấp đã từng nhiều năm sát cánh chiến đấu với mình, che chở đùm bọc cho mình và đào tẩu bằng những phương tiện của người bạn cũ mà mình cho là đã phản bội mình, đào tẩu với một ý thức rõ ràng là hành động này sẽ làm cho phần đất mà mình phải bảo vệ sụp đổ mau chóng hơn. Sau đó tất cả đều đã phải tranh đấu, vật lộn để tồn tại, để hướng về tương lai, tương lai cho chính mình, cho con cháu mình và tương lai cho cả tập thể mình với những nỗi lòng không dễ gì bày tỏ cùng ai được, chẳng khác gì những miếng cơm, ngụm nước mà không thiếu gì những bà con vượt biển của chúng ta đã phải nghẹn ngào nuốt nước mắt, xót xa, tủi nhục khi nhận lãnh từ tay đám hải tặc trước đó đã làm hại đời mình.

Trong một bài tham luận đăng trên tờ Hành Trình do Nhà Văn Cao Thế Dung chủ trương ở Thủ Đô Washington trước đây, tôi có đưa ra một nhận xét về “Bi Thảm Tính Trong Văn Hóa Việt Nam” và cho rằng đặc tính này là một trong những đặc tính của văn hóa dân tộc Việt Nam. Nó đã làm cho nền văn hóa của dân tộc ta trở nên vô cùng phong phú, vô cùng sâu sắc và hấp dẫn sau một bề ngoài có vẻ u buồn, thiếu những mầu sắc vui tươi so với nhiều văn hóa khác. Nguyễn Du là một trong những bằng chứng của bi thảm tính đó. Nhưng tác phẩm của ông sở dĩ mang đặc tính ấy và trở nên muôn đời bất hủ là vì nó phản ảnh cuộc đời và thời đại của tác giả, một cuộc đời và một thời đại đầy dẫy những bi thảm và ngang trái. Thời đại và cuộc đời của những người Việt chúng ta thuộc hậu bán Thế Kỷ Thứ Hai Mươi, tiền bán Thế Kỷ 21 này, nếu được diễn tả bởi những thiên tài văn học tương lai hay chưa được khám phá, chắc chắn còn có giá trị hơn gấp bội. Có điều ước vọng là một chuyện, có được hay không lại là một chuyện khác. Đời người quá ngắn ngủi mà những gì người ta ước mong được thấy hay muốn làm thì nhiều, đúng như nhà thơ nổi tiếng của văn học Miền Nam và Hải Ngoại, Tô Thùy Yên, người mới từ giã chúng ta để về nơi miên viễn, đã than trong bài hành bất hủ Ta Về của ông:

Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thuở trần gian bay lướt qua.
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn,
Đành không trải hết được lòng ta!

và người ta không khỏi không nghĩ tới tâm sự đầy u uẩn của Nguyễn Du:

Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như!
 
Ba trăm năm lẻ về sau,
Hỏi ai người nhỏ lệ sầu Tố Như
(Người dịch, không rõ)

còn Tô Thùy Yên thì tuy bề ngoài có vẻ nhẹ nhàng, âm thầm chấp nhận nhưng bề trong không phải là không xót xa, oán hận:

Ta về - một bóng trên đường lớn,
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai.
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ?
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay!
 
Với gần mười ba năm tù, Tô Thùy Yên đã phải sống gần hết thời gian đẹp nhất của cuộc đời trong trại tù khổ sai không có án. Hai chữ “mười năm” đã trở thành nỗi ám ảnh không dời đối với ông khiến ông đã nhiều lần nhắc tới trong bài thơ trường thiên ông làm kể trên:

Vĩnh biệt ta mười năm chết dấp
Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu.
Mười năm mặt sạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ!

Mười năm thế giới già trông thấy
Đất bạc màu đi, đất bạc màu.
 
Một đời được mấy điều mong ước?
Núi lở sông bồi đã lắm khi…
Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động,
Mười năm, cổ lục đã ai ghi?
 
Mười năm chớp bể mưa nguồn đó,
Người thức nghe buồn tận cõi xa.

Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ,
Mười năm người tỏ mặt nhau đây.
 
Ta nhớ người xa ngoài nỗi nhớ.
Mười năm ta vẫn cứ là ta.
 
Hãy kể lại mười năm mộng dữ.
Một lần kể lại để rồi thôi!
 
Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở?
Mười năm, cây có nhớ người xa?
 
Mười năm con đã già trông thấy,
Huống mẹ cha, đèn sắp cạn dầu!
 
Ta về như nước Tào Khê chảy,
Tinh đẩu mười năm luống nhạt mờ.
 
Nhưng cuối cùng thì tác giả đành mượn chén rượu để giải oan:

Chút rượu hồng đây xin rưới xuống,
Giải oan cho cuộc biển dâu này!
 
  
Nguyễn Du may mắn hơn.  Thời đại của Tiên Điền Tiên Sinh chưa có trại tù cải tạo. Không những không bị đi tù, trái lại, ông còn được trịnh trọng mời ra hợp tác với tân triều và lãnh những trách vụ quan trọng ở triều đình, kể cả đi sứ.

Có điều, đúng như lời Tản Đà của nửa đầu thế kỷ trước, cuối cùng tất cả chỉ còn là:

Cảnh vật đầu non đường lối cũ,
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng soi.
 
 
Phạm Cao Dương
Khởi viết Cuối Thu 1982 nhân Ngày Kỷ Niệm Thi Hào Nguyễn Du tại Quận Cam California, Hoa Kỳ
Sửa chữa và phổ biến Đầu Hè 2019 để tưởng nhớ Nhà Thơ Tô Thùy Yên      mới về miền miên viễn..
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.451 giây.