Sân khấu cải lương đoàn Thanh Minh Thanh Nga theo phương châm “Thực và Đẹp, khác hẳn với hát bội. Trong hình là tuồng “Tình Sử Dương Quý Phi,” một vở diễn hay của đoàn này. (Hình: Huỳnh Công Minh/Màn Ảnh Sân Khấu)
Hầu hết loại hình nghệ thuật của Việt Nam đều được đặt tên theo hình thức diễn xướng như hát bộ, ca ra bộ, kịch nói, kịch thơ, hát chầu văn, hát ả đào, chiếu bóng… Vì sao chỉ riêng cải lương được đặt theo tính chất, tôn chỉ?
Ngày nay, một số người có thành kiến với từ “cải lương” và dùng từ này như một cách châm biếm, miệt thị một ai đó. Từ “cải lương” được ngầm hiểu để nói về những hành vi kệch cỡm; cách thể hiện tình cảm cường điệu, quá lố; cách ăn mặc diêm dúa; cách nói năng bóng bẩy văn hoa rẻ tiền… Tương tự như từ “sến” trong tân nhạc, cải lương bị xem như cách ứng xử, thể hiện bình dân hạ cấp.
Thật ra đây chỉ là cách hiểu phiếm diện, hời hợt. Khác với tên gọi những loại hình nghệ thuật khác, cải lương hàm chứa trong tên gọi của nó ý nghĩa và lịch sử một quá trình cách tân nghệ thuật. Trong thuật ngữ chính trị, cải lương là một xu thế cải cách ôn hòa, có thừa kế.
Cải lương sang hay sến? Trước đây, nghệ sĩ Diệp Lang bất bình, đôi lúc phẫn nộ khi có ý kiến mỉa mai, xúc phạm cải lương. Theo ông, cải lương là loại hình nghệ thuật độc đáo của người Việt, bằng âm nhạc, ngôn ngữ Việt thể hiện có chiều sâu tích cách, tâm hồn những giá trị văn hóa đạo đức của người Việt một cách nhuần nhuyễn.
Nghệ sĩ Diệp Lang nổi tiếng với các vai ông Hội Đồng trong các tuồng “Tô Ánh Nguyệt,” “Tiếng Hò Sông Hậu”… Ông đã khắc họa tính cách nhân vật này thật sinh động, không một câu chữ, động tác dư thừa quá lố.
Nhắc lại vai Hải Lâm, cha của Tô Châu trong vở “Áo Cưới Trước Cổng Chùa” từng được nghệ sĩ Việt Hùng diễn xuất rất thành công tính cách bi hùng, Diệp Lang mỉm cười nói: “Vai này tôi có sửa một chút anh có thấy không?” Tôi gật đầu thán phục cũng từng ấy lời thoại, bài hát của soạn giả Kiên Giang, Diệp Lang đã thay đổi tính cách Hải Lâm thành bi hài, tạo cho không gian vở diễn nhẹ nhàng dí dỏm hơn.
Quả đúng như nghệ sĩ Diệp Lang nói, có một số nghệ sĩ ca diễn, phục trang, nói năng rẻ tiền kệch cỡm, nhưng đó là khuyết nhược của cá nhân chứ không phải do loại hình nghệ thuật cải lương tạo ra.
Ban nhạc tài tử Nguyễn Tống Triều tại hội chợ đấu xảo thuộc địa ở Marseille, Pháp, năm 1906. (Hình: wikipedia.org)
Cha đẻ cải lương là trí thức Minh Tân Lịch sử ra đời và sự hình thành nghệ thuật cải lương rất thú vị, có tác nhân quan trọng từ phong trào cách mạng xã hội rất đặc thù của Nam Kỳ Lục Tỉnh. Đó là phong trào Minh Tân (làm cho mới hơn, tốt hơn) phát động người dân Việt mở ra hoạt động công thương và thay đổi cách sống. Tập thể những người sáng lập ra sân khấu cải lương là tầng lớp tinh hoa của Nam Kỳ Lục Tỉnh vào đầu những năm 1900 hầu hết là thành viên phong trào Minh Tân.
Trên báo chí cũ và trong ký ức của các nghệ sĩ tiền bối thì chữ cải lương chính thức xuất hiện năm 1921 tại rạp Tân Thinh của gánh hát Tân Thinh trong ngày khai trương. Trước bảng hiệu có treo hai câu đối của soạn giả Lâm Hoài Nghĩa và Nguyễn Biểu Quốc: “Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh.”
Không thể đột nhiên ông chủ gánh hát Tân Thinh lại nghĩ ra chữ cải lương và được xã hội chấp nhận. Nghệ thuật cải lương cũng không phải do ai đó sản sinh ra trong một ngày một bữa mà là cả quá trình phát triển, thai nghén 10 năm trước đó của một lớp người gồm những nhạc sĩ, thầy tuồng, bầu gánh, chủ rạp… đa số những người này đều là thành viên của phong trào Minh Tân.
Cải sửa cho tốt hơn để có sức mạnh dẫn dắt dân tộc đi đến bến bờ văn minh, ý nghĩa từ cải lương không khác mấy với ý tưởng minh đức, tân dân. Ngay từ thời phôi thai, cải lương đã ôm ấp trong lòng nó một hoài bão, một khát vọng lớn của những bậc sinh thành.
Đưa đờn ca tài tử ra biểu diễn Thời điểm ấy, đờn ca tài tử (hồn cốt về âm nhạc của cải lương) đã phát triển rộng nhưng chỉ là nhạc thính phòng trong phạm vi gia đình, bè bạn. Chính những nhà Minh Tân đã đưa ca nhạc tài tử ra sân khấu biểu diễn và quảng bá ra rộng rãi công chúng trên báo Lục Tỉnh Tân Văn.
Do dịch vụ khách sạn ở cả Nam Kỳ đều nằm trong tay người Hoa, dùng cờ bạc đĩ điếm, á phiện thu hút khách. Để cạnh tranh, hai khách sạn Minh Tân và Nam Trung do phong trào Minh Tân mới lập ra đã đưa đờn ca tài tử vào biểu diễn. Đây rõ là sự lựa chọn có chủ đích, có ý thức, không chỉ cạnh tranh kinh doanh mà còn mục đích phổ cập văn hóa.
Báo Lục Tỉnh Tân Văn ngày 10 Tháng Chín, 1908, rao quảng cáo như sau: “Tại Nam Trung mỗi chiều từ 5 giờ đến 11 giờ đều có nhạc tài tử ca xang. Trong đám nhạc ấy có nhiều cô đờn hay lắm. Chư quân tử nên đến đó mà xem cho tiêu khiển.”
Diễn viên Tả Giang trong vai Lữ Bố, vở “Phụng Nghi Đình” diễn năm 1960 ở Sài Gòn. (Hình wikipedia.org)
Báo Lục Tỉnh Tân Văn ngày 4 Tháng Mười, 1908, lại đăng quảng cáo về khách sạn Minh Tân “…có bán trà ngon, nước mắm Phú Quốc đựng ve, chiếu, sáp, savon, và tạp hóa. Mỗi buổi chiều từ 5 giờ đến 10 giờ có nhạc tài tử ca xang, huê dạng…” Ban nhạc biểu diễn ở hai khách sạn này là của ông Nguyễn Tống Triều từng đi biểu diễn ở Pháp năm 1906.
Đặc điểm của đờn ca tài tử là đơn ca theo từng bản nhạc không có đối thoại, không có tiếp nối. Khi đưa ra biểu diễn, đờn ca tài tử phát triển thành ca ra bộ hát đối đáp với nhau, theo một mạch chuyện, có động tác diễn tả. Hình thức này ra đời lần đầu tiên tại nhà ông Tống Hữu Định ở Vĩnh Long. Ông Định là thành viên phong trào Minh Tân đứng ra vận động quyên góp, trùng tu Văn Thánh Miếu.
Người đặt lời cho những bài ca ra bộ đầu tiên là Trương Duy Toản, một cây bút sắc sảo trong phong trào Minh Tân từng sang Nhật gặp Kỳ Ngoại Hầu Cường Để.
Ông Trương Duy Toản đã viết nhiều bài hát từ bài lẻ đến đờn ca tài tử. Bài ca đối đáp đầu tiên là Bùi Kiệm-Nguyệt Nga. “Bùi Kiệm Thi Rớt,” rồi “Khen Anh Tử Trực,” “Lão Quán Ca,” “Vân Tiên Mù”… từ ca ra bộ, ông Toản chuyển dần sang viết lời cho hát chập (liên khúc ngày nay), rồi xâu chuỗi các chập thành vở tuồng.
Cải tiến hát bội Một hướng khác hình thành cải lương là cải tiến loại hình hát bội học từ người Tàu, tuồng tích, âm nhạc của người Tàu. Tuồng quá dài, diễn từ đêm này sang đêm khác, cách diễn không tả thực mà ước lệ, cách điệu, lời hát quá nhiều từ Hán Việt nên công chúng ngán ngẫm.
Chính những thầy tuồng, bầu gánh hát bội cũng là các nhà Minh Tân như Lương Khắc Ninh, Đặng Thúc Liêng… đã nung nấu ý muốn thay đổi hát bội theo kiểu kịch của Pháp.
Nhà văn Sơn Nam viết: “Năm 1917, Lương Khắc Ninh (chủ bút báo Nông Cổ Mín Đàm, thành viên đắc lực của phong trào Minh Tân), sành về hát bội, đã diễn thuyết tại Hội Khuyến Học Sài Gòn: Người An Nam ta thuở nay vẫn cho nghề hát là nghề hạ tiện, nên người có học thức một ít thì không làm… (nay) muốn cải lương phải làm sao?… Chuyện nói đây không khó. Có học trò trường Taberd đến lúc phát thưởng, nó ra hát theo Lang Sa (Pháp), bộ tịch như Lang Sa. Rất đổi là hát theo ngoại quốc, trẻ em còn làm được, hà huống người An Nam mà hát An Nam không được sao?…” Chữ cải lương được ông Ninh dùng để nêu ý cách tân loại hình hát bội.
Tại Long Xuyên, tổ chức Hội Khuyến Học mà nòng cốt là Nguyễn Chánh Sắt (nhà báo, dịch giả thành viên phong trào Minh Tân từng quản lý khách sạn Minh Tân) đã lập nhóm Cải Lương Kịch Xã hát những vở kịch của Pháp.
Trong sách “Những Bước Đường của Sân Khấu Cải Lương,” tác giả Nguyễn Tuấn Khanh trích phát biểu của Nguyễn Chánh Sắt: “Tôi nghĩ khuyến học là chỗ giáo dục nhân tài, chư báo quán là nơi quảng khai dân trí, còn cải lương kịch tràng là nơi khai hóa nhân tâm. Nếu ba nhà ấy mà liên hiệp với nhau, lo tìm đường công ích mà phổ hóa cho đồng bào, dường ấy thì cái tiền đồ của quốc dân ta mới thấy mon men tới bến văn minh mà vẻ vang trong hoàn võ.”
Chữ “cải lương kịch tràng” của ông Sắt dùng đã thể hiện ý nghĩa loại hình nghệ thuật ấp ủ ước mơ giáo hóa con người.
Cách hóa trang diễn xuất ước lệ của hát bội trong vở “Đào Tam Xuân Bẻ Lông Trĩ.” (Hình: wikipedia.org)
Nhà văn, nhà báo hát cải lương Tuồng cải lương đầu tiên được cho là công diễn năm 1918 tại Nhà Hát Lớn Sài Gòn sau đó được lưu diễn khắp Nam Kỳ là tuồng “Pháp Việt Nhất Gia” (còn được gọi là “Gia Long Tẩu Quốc”) của Đặng Thúc Liêng. Những diễn viên của tuồng này hầu hết là các nhà văn, nhà báo trí thức hàng đầu của Nam Kỳ, có cả nhà văn Hồ Biểu Chánh.
Nhưng giới chuyên môn cho rằng, tuồng này mới chỉ là cải lương hát bội, vẫn còn là hát nam hát khách theo hát bội.
Kịch bản cải lương thật sự vang danh là “Kim Vân Kiều” của Trương Duy Toản viết cho rạp Thầy Năm Tú (Pièrre Châu Văn Tú) được ra mắt vào ngày 15 Tháng Ba, 1918. Cố nghệ sĩ Ba Vân ghi lại trong hồi ký: “Vở ‘Kim Vân Kiều’ là vở ăn khách nhất của gánh thầy Năm Tú.”
Hồi ký của nhà nghiên cứu Trương Bỉnh Tòng và những ghi chép của học giả Vương Hồng Sển đều cho rằng cải lương ra đời tại Mỹ Tho, do thầy Năm Tú khởi xướng trên cơ sở của hình thức ca ra bộ và hát chập (tài liệu xưa để lại ghi ông Năm Tú có quốc tịch Pháp).
Trong “Hồi Ký 50 Năm Mê Hát,” cụ Vương Hồng Sển thuật lại: “Kế năm 1918, ông Năm Tú ở Mỹ Tho thuộc ban ca kịch của ông Thận và sắm thêm tranh cảnh, y phục, có ông Trương Duy Toản soạn tuồng. Điệu hát cải lương chánh thức thành hình từ đó.”
Không chỉ nổi tiếng ở Mỹ Tho, gánh hát thầy Năm Tú còn lên Sài Gòn biểu diễn và là gánh hát được ưa chuộng lúc bấy giờ với nhiều tên tuổi đào kép nổi tiếng như Tám Danh (Nguyễn Phương Danh), Ba Du, Bảy Thông, Phùng Há, Năm Phỉ, Năm Thoàn… Nhờ sự nổi tiếng này mà gánh hát thầy Năm Tú được hãng đĩa Pathé Phono đồng ý ký hợp đồng sản xuất đĩa cải lương.
Vở cải lương thật sự cách tân là vở “Lục Vân Tiên” của Trương Duy Toản được dàn dựng và biểu diễn trên sân khấu một gánh hát xiệc (cirque) của ông Lê Văn Thận (André Thận), một chủ hãng tàu ở Sa Đéc, với gánh hát mang tên “Gánh hát thầy Thận Cirque Jeune Annam et Ca ra bộ Sadec – amis,” từ năm 1919 với âm nhạc căn bản là đờn ca tài tử, ca ra bộ và ngôn từ thuần Việt.
Vương Hồng Sển khẳng định: “Trở lại tìm hiểu hậu tổ cải lương là ai, xin cho tôi nhấn mạnh và ghi công cho ông André Thận và ông Mạnh Tự Trương Duy Toản.”
Từ những tài liệu này có thể thấy, cải lương được ghi nhận khởi đầu vào năm 1918, như vậy tính đến nay đã tròn 100 năm.
Anh Thư/Người Việt