Cái chết của hai nhà leo núi người Ái nhĩ lan và Anh quốc cuối tuần trước đã nâng con số người chết trên đỉnh núi cao nhất thế giới trong năm nay lên đến 10 người.
Nhà leo núi người Anh, ông Robin Fisher, 44 tuổi, lên tới đỉnh vào khoảng 8 giờ 30 sáng ngày thứ Bảy 25 tháng 5. Fisher đã ngã gục trong khi quay về, ngay khi mới chỉ xuống được 150 mét dốc khi còn ở độ cao 28.215 feet.
Trước đó, ở sườn bắc của ngọn núi, phía bên Tây Tạng, một người Ái nhĩ lan đã chết sáng thứ Sáu.
Người đàn ông 56 tuổi này đã quyết định trở về mà không cần lên tới đỉnh nhưng rồi cũng đã chết trong căn lều của mình tại đèo Bắc Col ở độ cao 7.000 mét (22.965 feet).
Các người dẫn đường Sherpa ở phía bên sườn núi thuộc Nepal đã phàn nàn rằng tình trạng kẹt đưởng ở đoạn cuối của chuyến leo, được gọi là “vùng tử thần”, đã trở thành vấn đề nghiêm trọng nhất đối với những người leo núi trong mùa xuân này.
Tshering Jangbu Sherpa, người dẫn đường đã leo lên đỉnh Everest hôm 22 tháng 5, nói “Tôi đã leo Everest nhiều lần, nhưng chuyện kẹt đường mùa xuân năm nay là tệ nhất. Những người leo núi đi lên đỉnh mà không có chai oxy dự phòng đã khổ nhất. Họ khổ vì kẹt đường chứ không phải vì gió và lạnh.”
Điều trớ trêu là ông Robin Fisher đã biết, biết rất rõ, và đã nói về mối nguy hiểm chết người đó. Chú thích cho một bức ảnh mà ông post trên Instagram vào ngày 13 tháng 5, Fisher viết: “Tôi hy vọng sẽ tránh được đám đông vào ngày lên đỉnh vì có vẻ như là một số đội đang giành lên đỉnh vào ngày 21.
“Với một con đường duy nhất để lên đỉnh, sự chậm trễ do quá đông có thể gây chết người vì vậy tôi hy vọng quyết định của mình vào ngày 25 sẽ có nghĩa là ít người hơn. Tất nhiên trừ phi mọi người khác đều chơi cùng một cái trò đợi này (như tôi).”
Đường lên trời cũng bị kẹtSố người chết trong mùa leo núi 2019 trên ngọn núi 29.000 feet hiện đang ở mức tồi tệ nhất trong nhiều thập niên gần đây, không tính các thảm họa tự nhiên lớn như tuyết lở và động đất.
Các nhà tổ chức thám hiểm cho biết số lượng người muốn lên đỉnh thế giới từ phía Nepal đã tăng lên trong những năm gần đây sau khi Trung cộng hạn chế số người leo núi từ phía Tây Tạng. Chỉ có hai trong số những cái chết được báo cáo là xảy ra ở phía Tây Tạng.
Bộ Du lịch của Nepal đã cấp 381 giấy phép lên Everest, một con số kỷ lục, trong mùa này. Mỗi giấy phép – cho một người, có giá khoảng 11.000 Mỹ kim. Năm 2018, “chỉ có” 346 giấy phép đã được cấp.
Khi số lượng người leo núi tăng lên trong năm nay, các công ty thám hiểm và các giới chức chính phủ đã chia họ thành các nhóm để họ có thể leo lên đỉnh Everest trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại của mùa monsoon (gió mùa).
Theo con số ở Trại Căn cứ Everest (Base Camp Everest), số người leo núi đã được sắp xếp để lên đỉnh Everest vào ba ngày trong tháng 5 khi thời tiết thuận lợi nhất là: 122 người trong ngày 21 tháng 5; 297 người ngày 22 tháng 5 và 172 người ngày 23 tháng 5.
Tuy nhiên, vì có nhiều tay leo núi đã đến trước những ngày này đã bị kẹt lại và thế là những con số sắp xếp đã không còn đúng khi cộng thêm những người này vào.
Ang Tshering Sherpa, cựu chủ tịch Hiệp hội leo núi Nepal, cho biết ngoài sự biến động của thời tiết, lỗi còn ở phía chính phủ Nepal vì đã trì hoãn một tuần trong việc cho phép một chuyến trực thăng bay lên để sửa đường dây leo ở đỉnh cao nhất.
Ang Tsering nói rằng “những trục trặc này có thể tránh được nếu sợi dây được sửa đúng giờ”
Hậu quả là trong mùa leo núi năm nay, bốn nhà leo núi từ Ấn Độ, một người từ Hoa Kỳ, một người Áo và một người Nepal đã chết trên đỉnh Everest. Một tay leo núi người Ái nhĩ lan khác bị mất tích và được cho là đã chết sau khi ông trượt chân và rơi xuống khi gần tới đỉnh núi.
Một điều rất trớ trêu là có khi thời tiết tốt lại gây ra tai hại!
Những hàng tựa trên báo chí quốc tế cuối tuần rồi na ná như nhau “Những hàng người dầy đặc trên đỉnh giá băng Everest – một phần do thời tiết tốt!”
Kalpana Das, 52 tuổi, lên tới đỉnh nhưng đã chết vào chiều thứ năm trong khi đi xuống, vì một số lượng lớn các nhà leo núi đang xếp hàng gần đỉnh núi. Một người Ấn Độ khác, Nihal Bagwan, 27 tuổi, cũng đã chết trên đường từ đỉnh trở xuống. Keshav Paudel, thuộc Peak Promotion, một công ty tổ chức các tour du lịch trên đỉnh Everest, nói với thông tấn AFP: “Anh (Bagwan) bị kẹt đường suốt 12 tiếng đồng hồ và kiệt lực. Các dẫn đường Sherpa đã đưa Bagwan xuống Trại 4, nhưng anh đã trút hơi thở cuối cùng ở đó.”
Một chuyên viên leo núi giải thích rằng kẹt đường có nghĩa là mọi người sẽ phải dừng lại ở những độ cao đang giết cơ thể con người, và, những người bị đau ốm cần phải được đưa xuống núi, sẽ có thể phải chờ đợi lâu hơn để được điều trị.
Một dẫn đường Nepal 33 tuổi đã chết tại Trại Căn cứ (Base Camp) hôm thứ Sáu sau khi anh được cứu khỏi Trại Ba vì bị ốm.
Hôm thứ Tư, người Mỹ Donald Lynn Cash, 55 tuổi, ngã gục tại đỉnh núi khi ông đang chụp ảnh.
Pasang Tenje Sherpa, của công ty Pioneer Adventure, cho biết Cash đã gục xuống trên đỉnh và chết gần Hillary Step khi những người dẫn đường đang đưa ông ta trở xuống.
Cùng ngày, Anjali Kulkarni, cũng 55 tuổi, một người Ấn Độ, đã chết lúc đang trở xuống sau khi lên đỉnh.
Arun Treks, người tổ chức cuộc thám hiểm của Kulkarni, cho biết dòng người đông đúc tại đỉnh Everest đã trì hoãn việc trở xuống và gây ra thảm kịch.
Thupden Sherpa nói bà Kulkarni đã phải chờ một thời gian dài để lên tới đỉnh và cũng lại phải chờ quá lâu để xuống đến nỗi: “Bà ấy đã không thể đi nổi nữa và chết khi các người dẫn đường Sherpa đưa xuống.”
Con số những người chết trong khi chinh phục đỉnh cao nhất thế giới năm nay như thế đã vượt qua con số của năm 1996, năm được coi là kỷ lục.
Chomolungma, Đỉnh núi của Thánh MẫuEverest là cái “tên Tây” của chóp đỉnh ngọn núi cao nhất Địa cầu nằm trong khu vực Mahalangur của dãy Hy Mã Lạp Sơn.
Ngọn núi nằm giữa biên giới Nepal và Tây tạng. Do Tây tạng (Tibet) nay đã bị Trung cộng thôn tính, sách vở hiện phải ghi là giữa Nepal và Trung quốc. Ở Nepal, ngọn núi có tên Sagarmatha (tiếng Phạn: सगरमस्तका sagaramastakā, “trán trời”). Trong tiếng Tây Tạng, nó được gọi Chomolangma (ཇོ་མོ་ཀླུངས་མ་ jo mo klungs ma, nghĩa là “Thánh mẫu của vũ trụ”). Phiên âm từ tiếng Tây tạng sang tiếng Hoa, nó trở thành Châu Mục Lãng Mã Phong (珠穆朗瑪峰) hoặc Thánh Mẫu Phong (聖母峰), “đỉnh núi của Thánh mẫu”. (Wikipedia)
Chiều cao được công nhận hiện nay của Đỉnh Everst là 29,029 feet (8,848 mét) so với mực nước biển. Nếu xem lại chiều cao 29,002 của Peak XV, tên của đỉnh núi khi chưa được đặt tên Tây, của lần đầu tiên nó được đo năm 1856, ngọn núi đã “cao thêm” 27 feet.
Người ta kể rằng chiều cao của Peak XV lúc đó, được đo bởi Radhanath Sikdar, một nhà toán học Ấn Độ, cũng là một trắc địa sư của Bengal, đúng chẵn chòi 29,000 feet. Nhưng vì con số này quá tròn trịa, sợ thiên hạ đám tiếu rằng đo đạc thiếu chính xác nên được công bố là 29.002.
Viên quan trắc địa Đế quốc Anh, đô hộ Ấn độ thời đó, ông Andrew Waugh đã lấy tên người tiền nhiệm của ông – Everest để đặt cho Peak XV. Buồn thay, màn o bế xếp của Waugh không thành công trọn vẹn, thay vì phải phát âm đúng như tên ông xếp là Eve-rest, ngày nay, thiên hạ phát âm là E-verest.
Nghĩa địa lộ thiênCứ đến mùa xuân, thông tin về những thành công và những bi kịch trên Núi Everest lại xuất hiện đầy trên các phương tiện thông tin. Năm ngoái đã có 9 người chết, năm 2015, 13 hướng đạo viên Sherpa tử nạn vì tuyết lở.
Ngọn Everest nay đã được mệnh danh là bãi tha ma lộ thiên lớn nhất thế giới.
Hơn 250 thi thể hiện vẫn còn nằm lại trên đỉnh Everest trong tổng số khoảng 300 cái chết. Trong khi hầu hết các trường hợp tử vong trên đỉnh Everest xảy ra do tuyết lở, té ngã và tiếp xúc với khí hậu khắc nghiệt, thì khu vực được gọi là “Vùng chết” (Death Zone) có số lượng xác người nhiều đến mức ghê rợn và là nơi có nhiều vấn đề độc đáo.
“Khu vực tử thần” thường được biết đến là vùng ở cao độ trên 26,000 feet. Khi lên đến độ cao này, cơ thể con người bắt đầu chết dần. Thế là từ điểm này, người leo núi phải chạy đua với thời gian để cố lên đến đỉnh và trở lại trước khi cơ thể của mình không hoạt động nữa. Vì ở độ cao này tỷ lệ oxy trong không khí chỉ bằng một phần ba so với mực nước biển, những người leo núi có thể thấy mình uể oải, mất phương hướng và mệt mỏi. Áp suất làm cho trọng lượng như nặng hơn gấp mười lần và gây ra sự mệt mỏi vô cùng cho các bộ phận cơ thể. Do những tác động nặng nề này, những người leo núi thường chỉ có một khoảng thời gian 48 giờ bên trong Vùng tử thần và lúc nào cũng cần phải dùng đến bình dưỡng khí mọi lúc.
Nếu ai đó chết trên ngọn Everest, gần như không thể thu hồi được thi thể của họ, đặc biệt là ở Vùng chết. Do điều kiện thời tiết không chịu nổi, thiếu oxy trầm trọng, áp suất làm tăng sức nặng của cái xác, và thực tế là nhiều thi thể trên đỉnh Everest bị đóng băng cứng vào mặt núi, hầu hết các xác chết đều bị bỏ lại ngay nơi rơi xuống.
Cũng từng có những nỗ lực để đem cho bằng được thi thể của một người thân về, nhưng những chuyến thu hồi đó, cần từ 6 đến 8 người Sherpa, rất tốn kém và hết sức nguy hiểm.
Thế nên với hầu hết những người đã bỏ xác lại trên đường lên đỉnh cao nhất thế giới, nơi này đã trở thành, nơi an nghỉ vĩnh cửu: EVER REST.
Năm nay, tuyết trên đỉnh Everest tan chảy làm lộ ra khá nhiều thi thể bị chôn vùi dưới lớp băng trong nhiều năm. Expedition Operators Association of Nepal (Hiệp hội các tổ chức thám hiểm của Nepal) bắt đầu nghĩ đến cách thu hồi – dọn dẹp thì đúng hơn, các thi thể này. Tuy nhiên, chi phí không thấp, để lấy một thi thể từ độ cao có thể tốn đến 80,000 đô la.
Trong khi đó, một số nhà leo núi đã bắt đầu coi người quá cố là những “địa danh” hoặc cột mốc.
Nếu theo con đường Bắc Col để lên đến đỉnh núi Everest, những tay leo núi chắc chắn sẽ không thể tránh được phải đi ngang cột mốc nổi tiếng nhất, “Green Boots”. Mới nghe, người ta tưởng đó là tên gọi theo hình thù và màu sắc của một khối đá nhô ra, nhưng đó đúng là một đôi boot màu xanh mà một người leo núi xấu số đã mang dưới chân khi ông ta chết cứng.
Chưa ai chắc chắn được danh tính Green Boots, nhưng nhiều người cho rằng đây là Tsewang Paljor, một nhà leo núi Ấn Độ. Paljor là một người trong một đoàn thám hiểm Ấn Độ lên đỉnh Everest đã chỉ có một duy nhất một người trở về. Người sống sót Harbhajan Singh kể lại rằng cuộc thám hiểm đầy những sai lầm và ông đã thúc giục ba người kia bỏ cuộc khi thời tiết trở nên quá tệ hại và dữ dội.
Singh cho rằng các bạn của mình đã bị chứng “sốt đỉnh cao” – summit fever, một từ được dùng chỉ các tay leo núi bỏ qua tất cả mọi thứ, từ an toàn cho đến kỷ luật, vì họ đã quá gần đỉnh núi và bị ước vọng đạt đến đỉnh cao thúc đẩy đến mức mù quáng.
Ông Singh cho rằng các bạn của ông đã đạt đến đỉnh, để rồi đã gặp trận bão tuyết khủng khiếp năm 1996 trên đường trở xuống. Khi gió và tuyết khiến họ không còn nhìn thấy gì nữa, Paljor và hai đồng đội đã mất tích.
Nơi cái xác được cho là của Paljor nằm gắn chặt vào băng của núi đá sau đó được biết đến với cái tên “Green Boots”, một mốc điểm vĩnh viễn trên lối lên theo đèo Bắc Col. Trong hai thập niên, những người leo núi đã sử dụng Green Boots như một điểm đánh dấu đường để đánh giá họ đã đi được bao xa để đi trên đường đua lên đỉnh.
Đến năm 2014, Green Boots rơi xuống một vị trí thấp hơn bên sườn núi, nơi nhiều thi thể khác cũng đã rơi khỏi tuyến đường chính.
George Mallory là một trong số số ba nhà thám hiểm Anh quốc đầu tiên thử tìm cách chiến thắng đỉnh Everest để rồi đã trở thành thi thể lâu đời nhất được biết đến trên ngọn núi này.
Trong lần cố gắng sau cùng năm 1924, Mallory đã cùng Sandy Irvine, một đồng đội, nhất định phải lên đỉnh cho bằng được. Lối mà họ đã theo cũng là đường đèo North Col bên phía Tây tạng (con đường sau đó Green Boots đã bỏ xác). Họ đã không trở lại và cũng không ai chắc được là họ đã lên được đến đỉnh hay chưa.
Năm 1999, một cuộc thám hiểm điều tra đã được tổ chức ra để cố tìm cho ra họ và làm sáng tỏ những giờ cuối cùng của một trong những nhà thám hiểm nổi tiếng nhất thế giới. Nhóm thám hiểm đã tìm thấy cái xác đông cứng của Mallory trên một mặt thấp ở phía bắc của ngọn núi. Do các thương tích vì dây thừng giật mạnh trên thân mình của Mallory, người ta cho rằng ông vẫn bị nối chặt với Irvine khi một trong hai người rơi khỏi núi và kéo người kia cùng rơi.
Nguy hiểm trên những độ caoNgọn Everest cao 29.029 feet (8,848 mét) so với mặt nước biển. Theo Dr. Andrew Luks, giáo sư tại Khoa Phổi, Chăm sóc Quan trọng và Thuốc ngủ tại trường Y của Đại học Washington, thì ngay ở độ cao thấp hơn nhiều, chỉ chừng 8.200 feet (2.500 m), những người leo núi có thể bắt đầu thấy bị chứng Acute mountain sickness (AMS / bệnh trên núi cấp tính)
Ông Luks viết trong một nghiên cứu năm 2015 trên Tạp chí Sinh lý học ứng dụng rằng AMS không làm chết người, nhưng các triệu chứng của nó có thể khiến người leo núi cảm thấy khó chịu. AMS ảnh hưởng đến 77% du khách leo lên độ cao từ 6.000 đến 19.300 feet (1.850 đến 5.895 m). Những người leo núi bị AMS thường thấy đau đầu và cũng có thể bị buồn nôn, nôn, lờ đờ và chóng mặt.
Giáo sư Luks cho hay “[AMS] là dạng bệnh núi cấp tính nhẹ nhất”. Nó có thể tránh được nếu người ta leo từ từ lên núi (sau khi đạt tới 9.800 feet / 3.000 m), đừng cố gắng quá mức, và uống thuốc chống say độ cao acetazolamide (tên thương mại Diamox) hoặc dexamethasone steroid chống viêm.
Người bị AMS cần ngừng lên cao ngay lập tức và nếu các triệu chứng không cải thiện trong vòng một hoặc hai ngày, hãy xuống núi.
Các bệnh cấp tính nghiêm trọng hơn ở trên núi gồm có sưng não ở độ cao (high-altitude cerebral edema gọi tắt là HACE), sưng phù phổi độ cao (HAPE) khi chất lỏng tích tụ trong phổi. Những chứng bệnh này rất hiếm nhưng có thể làm chết người
HACE ảnh hưởng đến ít hơn 1% số người leo lên trên 9.800 feet. Nhiều người phát chứng HACE thường bị AMS trước đó.
Trong khi đó, HAPE ảnh hưởng đến 8% số người leo núi ở độ cao trong khoảng 8.200 đến 18.000 feet (2.500 đến 5500 m). Nếu nước tích tụ trong phổi, nó có thể khiến người leo núi di chuyển chậm hơn và bị ho, đôi khi có đờm màu hồng, nổi bọt.
Thêm vào đó, bị tê cóng, thân nhiệt hạ thấp và kiệt sức cũng là những mối nguy ảnh hưởng đến sức khỏe của người leo núi.
Rồi đến nguy hiểm của việc sắp hàng để lên và xuống núi, như những gì vừa diễn ra ở đỉnh Everest trong mùa chinh phục năm nay.
Giáo sư Luks giải thích rằng khi xếp hàng chờ đợi, những người leo núi không ăn, uống hay ngủ. Họ cũng đang sử dụng hết nguồn cung cấp oxy quý báu và phơi mình trong điều kiện băng giá.
Ông cũng cho rằng chứng “summit fever” – cơn sốt lên đỉnh cao, cố gắng để đạt đến đỉnh núi bất chấp mọi thứ, cũng có thể có phần trách nhiệm.
“Những người này thường, mặc dù không phải luôn luôn, đã đầu tư một khoản tiền và thời gian đáng kể vào nỗ lực này. Và vào một ngày khi điều kiện thời tiết tốt, sẽ rất khó để thuyết phục người ta quay đầu lại chỉ vì trước mặt có một hàng dài.”
“Bởi vì nó ở đó!”Hàng năm, hàng ngàn người từ khắp nơi trên thế giới giành nhau những giấy phép leo núi của Nepal và Trung cộng.
Cùng một lúc, trên thế giới còn có hàng trăm người mơ màng hay chuẩn bị về cuộc chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới.
Một chuyến leo núi Everest, ngoài tiền giấy phép hơn chục ngàn Mỹ kim, còn phài cộng thêm hàng chục ngàn nữa cho các chi phí khác.
Ngoài tiền ra, họ còn cần phải có sức.
Cái giá để trả cho việc lên đỉnh Everest bắt đầu từ khi người muốn leo bắt đầu cuộc tập luyện dài từ 12 đến 18 tháng trước khi vào cuộc. Người ta không thể leo lên đỉnh của thế giới mà không có thể lực và tinh thần. Mức độ chịu đựng – độ bền, của họ phải ở mức cao nhất.
Joisher là một kỹ sư nhu liệu ngưởi Ấn ở Mumbai. Anh đã một lần cố lên đỉnh Everest năm 2014, nhưng phải trở về khi chuyến thám hiểm của anh bị hủy sau tai nạn tuyết lở làm chết 16 người hướng đạo Sherpa.
Cho lần thử thứ hai năm 2016, Joisher kể rằng chi phí tập luyện có thể có giá khoảng 8.000 đô la. Anh chọn huấn luyện ở Mumbai, rẻ hơn một chút, chỉ mất 7.000.
Các chuyến tiền – thám hiểm Everest ở Ấn Độ – như các đỉnh núi cao hơn 6.500 mét cho đến khoảng 7.300 mét – rất tốn kém. Một chuyến thám hiểm có thể có giá từ 800 đến hơn 2000 đô la.
Trong năm năm qua, Joisher đã mất khoảng 50 ngàn Mỹ kim vào việc huấn luyện. “Tôi đã dành phần lớn thu nhập của mình từ 13 năm qua cho giấc mơ leo lên đỉnh Everest.”
Sau đó là khoản đầu tư vào các trang bị cá nhân. Mặc dù có thể đi thuê, nhưng mua trang bị riêng vừa vặn, phù hợp với mình là tốt nhất. Xong phần trang bị, tiếp theo là chi phí của chính cuộc leo.
Những người muốn lên đỉnh Everest phải trả từ 25.000 đến 75.000, thậm chí đến 100.000 Mỹ kim mỗi người, tùy thuộc vào các yếu tố như các tiện nghi, lượng oxy đóng chai, hướng đạo sherpa và nhiều thứ khác.
Vậy tại sao Everest tiếp tục hấp dẫn như vậy, bất chấp chi phí, đông đảo và hiểm nguy?
Câu trả lời của mỗi tay leo núi có thể khác nhau, nhưng đối với những nhà thám hiểm bị cuốn hút vào đỉnh Everest, đỉnh núi là một giấc mơ của cả đời người, thôi thúc họ chuẩn bị.
Hoặc chỉ giản dị như câu trả lời của George Mallory, một trong những người leo núi nổi tiếng nhất trong thế kỷ 20. Khi được hỏi tại sao lại muốn chinh phục đỉnh Everest, nhà thám hiểm người Anh này đã nói: “Bởi vì nó ở đó!”
Đỗ Quân/Thời Báo
(sưu tầm và tổng hợp)