Hình ảnh trong đại lễ
Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Washington D.C và phụ cận phối hợp với 8 Ban Trị Sự PGHH nhiều nơi về đã long trọng tổ chức ngày Đại lễ 18 tháng 5, Kỷ niệm 80 năm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng nền đạo Phật Giáo Hòa Hảo, vào lúc 11:30 giờ trưa ngày 30 Tháng 6, 2019 tại Hội trường Schweinhaut ở Silver Spring, Maryland.
Hiện diện có khoản 300 quan khách tham dự, trong đó có Ông Lý văn Phước, Cố Vấn CĐHTĐ, MD&VA; Ông Lý Thanh Phi Bảo, CT CĐ HTĐ, MD&VA và nhiều đại diện các hội đoàn trong CĐ. Chương trình được điều hợp bởi MC Hà Trung Tín. Trước giờ khai mạc,chân dung Đức Thầy được Ông Nguyễn Thanh Giàu, Xử lý Thường Vụ Hội trưởng BTS/TƯ/HN/GHPGHH, Ông Hà Nhân Sinh, Hội trưởng BTS Washington D.C và nhiều phật tử PGHH trang trọng cung nghinh vào lễ đài.
Tiếp theo chương trình Ông Hà Bảo Linh, Trưởng ban phổ thông giáo lý BTS/Washington D.C tuyên đọc bài “Sứ Mạng Cứu Đời” của Đức Thầy, do chính tay Ngài viết tại Bạc Liêu vào ngày 18/5 năm 1942.
Kế đến Ông Phạm Ngọc Châu, BTS/Oklahoma trình bày lược sử PGHH và Ý nghĩa ngày Đại lễ 18/5.
Được biết, khi Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân Pháp, và Chủ Nghĩa Cộng Sản đang tích cực lợi dụng các phong trào yêu nước để bành trướng, Đạo Phật Giáo Hòa Hảo được xuất hiện như một hiện tượng kỳ bí trong lịch sử tôn giáo và lịch sử tranh đấu cho sự sanh tồn của dân tộc Việt. Ngày 18 Tháng 5 năm Kỷ Mão 1939, Phật Giáo Hòa Hảo được ra đời, đến nay đã tròn 80 năm.
Người sáng lập Đạo Phật Giáo Hòa Hảo là Đức Thầy tục danh Huỳnh Phú Sổ. Sanh ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi (15-1-1920) tại làng Hòa Hảo,tỉnh Châu Đốc, một tỉnh xa xôi giáp biên thùy Việt Miên Nam Việt.
Ngài là trưởng nam của Đức Ông Huỳnh Công Bộ và Đức Bà Lê Thị Nhậm ; một gia đình trung lưu, nhiều phúc hậu và nhiều uy tín với nhân dân địa phương.
Thuở nhỏ, vừa học đến hết bậc tiểu học thì đau ốm liên miên, nên Ngài phải rời nhà trường về dưỡng bịnh. Từ 15 đến 18 tuổi, Ngài không lúc nào dứt được cơn đau và không một lương y nào trị được.
Năm 1939, sau khi hướng dẫn thân phụ đi viếng các am động miền Thất sơn và Tà lơn – những núi non được nổi tiếng linh thiêng hùng vĩ – Ngài tỏ ra đại ngộ. Ngày 18- 5 Kỷ Mão, (1939) Ngài chính thức mở Đạo. Bắt đầu là công việc chữa bịnh. Ngài chữa lành được các chứng hiểm nghèo với phương pháp thật giản đơn là chỉ dùng lá cây, nước lã, giấy vàng, khiến cho các Bác sĩ Tây y, các dược sư Đông y lẫn các danh gia phù thủy đều phải kinh dị.
Song song với việc chữa bịnh, Ngài thuyết pháp thao thao bất tuyệt. Nhiều thi sĩ văn gia hoặc luật gia nghe tiếng, đến chất vấn, đều phải nhận Ngài là một bậc siêu phàm.
Cũng từ năm 1939, Ngài sáng tác thật nhiều kệ giảng, nội dung tiên tri chiến cuộc sẽ tràn lan, nhân loại sẽ điêu linh và kêu gọi mọi người nên bỏ dữ về lành, thực hành tứ ân, trau dồi thiền tịnh để trở thành thiện nhân trong xã hội và tiến đến sự nhập diệu cõi đạo.
Nhìn qua công đức giảng dân cứu chúng, người ta thấy Ngài chữa được hằng vạn chứng hiểm nghèo, thuyết pháp hằng ngàn lần trước đại đa thính chúng và sáng tác sáu quyển Kệ Giảng cùng với hằng trăm bài thi ca, văn có giá trị siêu việt.
Văn chương của Ngài cực kỳ bình dân nhưng rất hàm súc hấp dẫn. Ngài viết không cần giấy nháp.
Giáo Pháp của Đức Giáo Chủ tuy cao siêu nhưng không kém phần thực tế, có thể áp dụng cho bất cứ nơi nào trên thế gian. Ngài là một nhà đại cách mạng tôn giáo. Vì trước khi Ngài ra đời, Đao Phật Việt Nam bị đình đốn sai lạc, và Đạo Phật Thế giới chưa nói tới việc canh tân. Ngài đã cắt bỏ tất cả những nghi lễ phiền toái mà nguyên căn không phải của Đức Thích Ca chủ trương, đồng thời còn canh tân nhiều điểm trong phương pháp thực hành đạo Phật mà trước kia không hề có.
Nhờ Giáo Pháp thích thời đó nên chỉ trong một thời gian ngắn, Ngài thu phục được hai triệu tín đồ tại miền Nam Việt Nam và ảnh hưởng mỗi lúc càng lan rộng thêm ra.
Hằng năm người tín đồ PGHH trong cũng như ngoài nước , dù trong tình huống và hoàn cảnh khó khăn nào, họ cũng xem ngày 18 Tháng 5 âm lịch năm Kỷ Mão (1939) là ngày trọng đại nhất trong Đạo. Chính ngày này là dấu ấn lịch sử đã khai sáng một tông phái lớn của Đạo Phật tại VN.
Kế đến Ông Nhất Lĩnh và Bảo Linh, BTS/Washington D.C diễn ngâm phần đầu Bài Dặn Dò Bổn Đạo
Nối tiếp chương trình là diễn từ của Ông Nguyễn Thanh Giàu, Xử lý Thường vụ Hội trưởng BTS/Trung Ương PGHH Hải Ngoại . Ông nói về ảnh hưởng của PGHH trên ba phương diện xã hội, tôn giáo và chính trị. Trước năm 1939, VN dưới ách thống trị của thực dân Pháp, đời sống của dân chúng rất khốn khổ, xã hội có nhiều thói hư tật xấu ... Lúc đó đạo pháp rất suy đồi, nhiều người đã biến tôn giáo thành mê tín dị đoan. PGHH ra đời đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt xã hội ở một số tỉnh, vùng nông thôn lúc đó.
Người ta thường nói “Tôn giáo không làm chính trị” , tuy nhiên tranh đấu để xã hội có được công bằng, tự do, dân chủ là một bổn phận, là điều một tín đồ PGHH phải làm mới tròn bổn phận của mình tiến lên trên Phật đạo. Do đó khi đất nước còn bị xâm lăng, còn bị một chế độ vô thần độc tài, áp bức, đất nước chưa có tự do, bình đẳng thì người tín đồ PGHH còn tranh đấu. Đức Thầy là giáo chủ một tôn giáo, mà Ngài lăng xã vô con đường chính trị, đấu tranh cho đời sống tốt đẹp hơn. Nếu mình không đi theo thì thử hỏi mình có phải là tín đồ của Ngài hay không? Đó là lời Ông Giàu muốn nhắn gởi tới tất cả đồng đạo trong và ngoài nước nhân ngày kỷ niệm 80 Ngày khai sáng PGHH.
Trong dịp này, Ông Huỳnh Văn Liêm, Ông Hà Nhân Sinh và Bà Trúc Nương lên Lễ đài tặng Bằng vinh danh của BTS/TUHN cho Cô Mã Tiểu Linh, Cô Nguyễn Mỹ Hạnh và Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, đã giúp đỡ rất nhiều cho nhiều tín đồ PGHH, những tù nhân lương tâm ở VN.
Theo sau là phận phát biểu của quan khách, và Ông Phan văn Bề đại diện cho BTC cảm ơn quan khách. Theo sau là tiệc chay thân mật và và văn nghệ cổ nhạc. Chương trình được chấm dứt lúc 2:30 chiều cùng ngày.
Tuyết Mai/Việt Báo