“Chớ để ngày mai”, theo tôi nhớ, là một câu châm ngôn, và cũng là tựa đề của những cuốn sánh thuộc loại “học làm người”.
Khi còn bé, tôi thích tìm đọc những loại sách của học giả Nguyễn Hiến Lê dịch từ những tác giả nổi tiếng ngoại quốc. Học làm người thì học nhưng mà cái tật lười thì cứ lười. Người ta nói “nước đến chân mới nhảy”, nhưng má tôi thường nhận xét và cảnh cáo vợ tôi khi chúng tô mới cưới nhau, là, con bà thuộc loại “nước đến trôn mới nhảy”! Và, cho đến ngày hôm nay, vợ tôi lại nhận xét về các con của chúng tôi, “cha nào con nấy”!
Thế thì khuynh hướng trì hoãn, chần chừ trong công việc, có tính chất di truyền hay không? Đâu là cơ sở khoa học?
Mọi người đều có thói quen trì hoãn công việc. Tất cả mọi người, ít nhất, lâu lâu một lần, đã đình trệ công việc được xem là quan trọng. Tất cả mọi người, ai cũng đã từng tránh né thực hiện một số việc thật lòng muốn làm hay cần phải hoàn thành. Và, tất cả những người đã từng trì hoãn, thật tâm lại không thích là mình hành động như thế.
Trì hoãn, tương tự như nhiều thói quen hay cá tính của con người, xem ra có vẻ vô lý. Tại sao con người ta lại viện đủ mọi lý do để tránh thực hiện những điều mà có thể làm thay đổi cuộc sống hay bỏ mất đi những dịp may không bao giờ trở lại lần thứ nhì?
Chỉ vì chúng ta là con người. Não bộ của con người được cấu tạo để mà trì hoản, để chần chừ, để rồi hẳn tính.
“Limbic system” là bộ phận “não dưới” vì nằm ngay phía dưới của lớp vỏ chất xám, giúp kiểm soát những phản xạ thói quen cũng như phản ứng về tình cảm chẳng hạn. Tác giả Seth Godin đã đặt tên là “não bộ của loài bò sát” như rắn mối, kỳ nhông.
Trong quá trình tiến hóa, phần não bộ nầy phát triển đầu tiên, trước những phần khác như hai bán cầu não trên chẳng hạn. Bộ não nầy đóng vai trò cho sự sống còn của loài động vật, và kiểm soát những phản ứng hay hành xử bản năng như, đói thì ăn, sợ thì bỏ chạy… nếu gặp chuyện gì khó hay trắc trở thì, tránh qua một bên, mặc dù lý trí của não trên vẫn nhận thức được rằng, chuyện khó đến đâu cũng có thể vượt qua được và có khi đem lại những hệ quả tốt.
Phần chất xám của não trên, được phát triển trong những loài động vật cấp cao hơn, ví dụ như loài người. Phần não nầy giúp ta suy luận, tư duy, phát triển ngôn ngữ, và làm những quyết định ảnh hưởng đến hiện tại và tương lai.
Trong đời sống, hãy tự kiểm điểm, có rất nhiều chuyện chúng ta đã trì hoản cho dù biết rằng những chuyện đó cần phải làm, trước sau gì cũng không thể tránh khỏi, và có những lợi ích về lâu về dài, nhưng nếu phải làm hôm nay, làm bây giờ thì lại đau đớn, khổ tâm, không mấy sướng!
Thật ra, trì hoãn không hoàn toàn đồng nghĩa với lười biếng, hoặc thiếu ý chí, hoặc thiếu khả năng, nhưng chỉ vì não dưới và não trên thường xuyên nội chiến mà trong những cuộc giao tranh, phần não kiểm soát guồng máy tự động, thường xuyên là “bên thắng cuộc”.
Vậy thì, làm thế nào để vượt qua tật “nước đến chân mới nhảy”?
Chúng ta không thể loại bỏ phần não dưới, do đó chỉ có cách làm cho não dưới được thoả mãn rằng “nó” là kẻ chiến thắng. Bằng cách, đính kèm những hệ quả xa vời của tương lại với những hệ quả của hiện tại. Có nghĩa là, đừng viện dẫn những gì tốt đẹp của tương lai xa vời về chuyện cần phải làm, mà nên dụ dỗ não dưới về những thoả mãn nho nhỏ rất gần mà chuyện cần làm sẽ mang lại.
Ví dụ cụ thể:
Đưa trọng tâm của tương lai về với hiện tại
Thí dụ, dẫu biết rằng, tập thể dục thể thao về lâu về dài sẽ có hệ quả tốt. Nhưng, nếu “phải” tập hôm nay, bây giờ, thì thôi, “bỏ đi tám”!
Nếu ghét chạy bộ ( thật ra chạy bộ không hẳn là tốt), thì hãy tìm những món thể dục khác mà mình thích, dẫu ít nhưng mà “có còn hơn không”. Thực hiện được 70% còn hơn là không làm được tí nào của 100%. Ví dụ như, đi bộ với người mình thích, nghe những bài hát mà mình thích trong khi đi bộ chẳng hạn.
Khi người ta muốn thì sẽ tìm ra cách để thực thi, nhưng nếu người ta không muốn thì sẽ viện dẫn lý do này lý do nọ để ránh né. Vì thế, nên tránh việc dẫn lý do cho tương lai xa, mà hãy tạo ra những điều muốn nho nhỏ trong hiện tại.
Chia để trị
Chia những mục đích lớn ra thành nhỏ để thực hiện. Bẻ một bó đũa thì khó, nhưng nếu bẻ từng chiếc đũa thì có thể thực hiện được. Và, bẻ một bó đũa lớn thì đau tay, nhưng bẻ từng chiếc đũa nhỏ lại mang đến những “chiến thắng” nhỏ với những “niềm vui nhỏ không tên”.
Tránh làm phiền não dưới
Nên đơn giản hóa, tự động hóa công việc để khỏi phải tính tới tính lui.
Ví dụ, nếu phải trả tiền bill hằng tháng, trước sau gì cũng trả, thì nên để ngân hàng tự động rút tiền trả cho mình. Tiền của mình cũng là tiền của vợ, check lương trước sau gì vợ mình cũng hỏi, thì thôi cho tự động bỏ vô bank của nàng. Đỡ nhức đầu!
Mười ngàn dặm bắt đầu bằng một bước đầu tiên
Hãy dụ dỗ não dưới là mình chỉ cần bắt đầu một công chuyện phải làm trong 5 phút thôi. Chỉ 5 phút thôi!
Rất nhiều trường hợp, một khi đã bắt tay vào công việc, mình sẽ thấy rằng chuyện phải làm không đến nỗi khó và khổ như mình hằng tưởng, mà ngược lại sẽ giảm đi những stress vì những lo âu, vì phải “ cưu mang” canh cánh trong lòng về chuyện “sợ” phải làm.
Thật ra, trì hoãn cũng có cái lợi của nó. Trì hoãn đúng lúc có khi lại cho ta đủ thời gian để suy nghĩ chính chắn trước khi bắt tay vào công việc. Nếu chỉ biết hành động theo phản xạ có khi sẽ dẫn đến những hậu quả không như ý muốn.
Ví dụ, biết rằng trước sau gì tôi cũng viết bài viết mà bạn đang đọc, nhưng tôi lại trì hoãn đi đôi ba ngày, và có khi cả tuần, để tích lũy những ý tưởng hay cho bài viết. Vì thế, trì hoãn ở đây lại tạo điều kiện và môi trường cho sáng tạo.
Hôm cuối tuần lễ Labor Day vừa rồi, vợ chồng chúng tôi đi chơi ở vùng lưu vực sông Colorado, tham quan các thắng cảnh hùng vĩ của nước Mỹ như: Zion National Park, thung lũng Bryce Canyon, và hang động Antelope. Được biết vùng nầy, cả triệu năm trước, nằm dưới đáy biển, để thấy rằng thời gian hiện hữu 100 năm trên trái đất nầy quá ư là ngắn ngủi.
Trên đây tôi đưa ý tưởng đem tương ai về với hiện tại. Ở đây, sống trong hiện tại khác với sống cho hiện tại. Sống cho hiện tại có khi hàm chứa ý nghĩ sống bất cần đời, nhưng sống trong hiện tại là biết hành xử và tận hưởng những niềm vui đang có.
Biết rằng thời gian không bao giờ trở lại, nhưng tranh thủ từng phút từng giây để làm cho xong công việc vì sơ cơ hội vụt mất có khi lại quên mất chủ đích sống trong hiện tại.
Nói chung là phải biết cân bằng, chuyện nhỏ thì nên làm ngay, còn chuyện đại sự thì chia nhỏ ra mà làm. Chớ để ngày mai, vì ngày mai có thể không bao giờ đến.
Hồ Ngọc Minh