Cơ thể con người được cấu tạo từ những tế bào, đơn vị của thể sống. Các tế bào có thể làm nhiều bản sao của chúng để giúp ta tăng trưởng, chống bệnh tật, và phục hồi lại sau khi bị thương tích. Các tế bào đều được trang bị bởi những cơ chế để có thể bảo tồn mức độ trung thực khi sao chép và truyền đạt những tín hiệu di truyền từ một thế hệ tế bào này xuống một thế hệ mới, đồng thời kiểm soát sự nhân đôi của tế bào theo đúng nhịp điệu tuần hoàn, giúp cơ thể xây dựng hoặc tái tạo.
Nhưng, trong tiến trình nhân đôi để cấu tạo nên tế bào mới, những lỗi lầm gọi là đột biến gene có thể xảy ra. Trong mỗi tế bào đều có những gene chuyên kiểm soát độ chính xác của việc sao chép, và những gene kiểm soát hạn định số lần sao chép khi cần thiết. Một khi những đột biến xảy ra cho những gene nầy thì tế bào mất khả năng duy trì độ ổn định, và bắt đầu sao chép nhanh hơn bình thường, hệ quả là ung thư. Hiện tượng nầy còn gọi là sự mất ổn định về gene.
Thật ra hiện tượng mất ổn định về gene có thể về nguyên thủy, từ triệu năm trước, là động cơ thúc đẩy sự tiến hóa từ những sinh thể đơn bào, tiến hoá, sanh sản cho nhanh để thành sinh vật đa bào ngày nay.
Khoảng những năm 1950’s, người ta cho rằng ung thư chỉ xảy ra khi nào có hai đột biến trùng lặp, một từ cha và một từ mẹ, thì ung thư mới xảy ra. Tuy nhiên quan niệm đó ngày nay không đúng nữa, vì dường như ung thư xảy ra rất nhanh, và khá dễ dàng. Nghiên cứu cho thấy chỉ cần một đột biến nho nhỏ xảy ra trong một tế bào duy nhất là có thể gây ra ung thư.
Cho đến nay khoa học vẫn không phát hiện ra được khi nào thì sự bất ổn định bắt đầu vì một khi ung thư phát hiện thì các khối u đã thành hình, mang nhiều lỗi lầm đột biến khác nhau.
Nói chung theo dự đoán thống kê, thì những đột biến nầy xảy ra như kiểu bốc thăm xổ số, may nhờ rủi chịu. Vì đột biến cũng như ung thư cũng có thể xảy ra cho những người có nếp sống rất tốt và không có yếu tố di truyền về ung thư trong gia đình.
Tuy nhiên, khoa học cũng khám phá ra rằng các nguyên nhân gây ra ung thư từ môi trường cũng có lưu lại những dấu vết, đại loại như những vết sẹo trên chuỗi DNA.
Cho đến nay, gốc gác cội nguồn của nhiều loại ung thư đều có vẻ mơ hồ, mà phần nhiều các bác sĩ cứ đổ thừa cho các độc tố đến từ môi trường và lối sống, cho xong chuyện.
Ví dụ, ung thư phổi, có không ít người bị ung thư mà không có một nguyên nhân nào rõ rệt cả. Người ta không biết chính xác là có bao nhiêu phần trăm ung thư là vì do hút thuốc lá, bao nhiêu là do ô nhiễm môi trường, bụi bặm, hít thở các độc tố từ công việc làm, và bao nhiêu là vì lý do di truyền.
Gần đây các khoa học gia từ các trường đại học Cambridge University và King’s College London đã liệt kê được một số các độc tố gây ra ung thư bằng cách để lại những dấu ấn như là những “dấu tay” trên chuỗi DNA. Ví dụ, mỗi loại hoá chất có thể gây ra những đột biến gene biểu tượng cho loại hóa chất đó, giống như dấu tay để lại ở hiện trường của một án mạng. Và, cũng như điều tra về tội ác hình sự, các khoa học gia có thể tìm ra thủ phạm đã gây ra các loại ung thư điển hình, như ung thư phổi, ung thư vú, ung thư ruột già…
Điển hình, những mật mã di truyền được ghi lại chỉ trong 4 mẫu tự nucleotides, A, C, G and T.
Bằng cách ghi nhận những “lỗi lầm chính tả” của một đoạn gene người ta có thể biết ai là thủ phạm ví dụ như là tia cực tím, rượu bia, hay thuốc lá…
Và một khi đột biến xảy ra thì sẽ nhân lên, hay sanh ra đột biến mới, tạo thành khối u như đã giải thích ở trên.
Nói chung thì ung thư xảy ra vì do đột biến theo kiểu “Trời kêu ai nấy dạ,” nhưng một số đột biến ấy đến từ môi trường. Do đó, thay đổi nếp sống càng sớm càng tốt để giảm nguy cơ bị ung thư vẫn là điều không ai có thể phủ nhận
Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh
Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số điện thoại liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà:
www.bacsihongocminh.com