Đăng Cổ Tùng Báo, tờ báo song ngữ Hán - Quốc ngữ, do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút (năm 1907). Trong ảnh, trang bìa chữ Hán và trang Quốc ngữ có bài ''Gái đảm'' của Tân Nam Tử (bút danh của Nguyễn Văn Vĩnh). Copy d'ecran
Năm 2019 vừa qua, trong lĩnh vực văn hóa tại Việt Nam, một hiện tượng đáng chú ý là có nhiều hoạt động xoay quanh dịp kỷ niệm 100 năm kỳ thi chữ Hán cuối cùng. Kỷ niệm 100 năm để trở lại với di sản gần 1.000 năm Nho học (1). Nhưng dịp kỷ niệm này cũng là cơ hội để soi tỏ một giai đoạn tương đối ngắn mới đây, tuy được coi là quyết định đối với sự lên ngôi của chữ Quốc ngữ, song trên thực tế còn rất ít được nghiên cứu.
Khoa thi năm Kỷ Mùi (1919) là khoa thi Nho học cuối cùng ở Việt Nam. Lý do chấm dứt được vua Khải Định đưa ra trong lời phê tờ trình của bộ Học như sau: ''Trẫm nghĩ rằng quy chế cựu học đã không còn đáp ứng được điều mong muốn, trong khi con đường tương lai của tân học đang thênh thang mở rộng trước mặt'' (sách Khải Định chính yếu sơ tập) .... Quyết định bỏ thi chữ Hán năm 1919 của triều đình Việt Nam có phải là cơ hội để chữ Quốc ngữ lên ngôi?
Khoa cử Nho học chấm dứt nhường chỗ tự nhiên cho sự lên ngôi của chữ Quốc ngữ, về mặt lô-gic hình thức thông thường, đó là điều dễ chấp nhận. Thế nhưng trên thực tế, sự lên ngôi của chữ Quốc ngữ diễn ra như thế nào so với quyết định đặt dấu chấm hết này đối với khoa cử Nho học?
Đây là chủ đề đã được thảo luận khá rộng rãi trong năm vừa qua tại Việt Nam. Theo nhiều nhà nghiên cứu, sự lên ngôi của chữ Quốc ngữ trên thực tế đã diễn ra từ sớm, trước rất nhiều so với quyết định của vua Khải Định bỏ hoàn toàn thi cử Hán học năm 1919.
1915: Hồi trống báo ''chợ văn-chương'' sắp tànSau đây là nhận định của nhà ngôn ngữ học Hoàng Dũng, Hội Ngôn Ngữ Học thành phố Hồ Chí Minh, với RFI tiếng Việt: ''Tôi hoàn toàn đồng ý là đây là một cơ hội, một cái dịp để cho người ta nhìn lại. Chữ Quốc ngữ như một dòng sông, nó có khởi đầu, và trên dòng chảy của nó chúng ta cắt ra 100 năm để chúng ta kỷ niệm, thì cái đó có những lý do khách quan. (…) Tại sao lại chọn cái đạo dụ của ông Khải Định, một ông vua mà lịch sử đánh giá rất là tệ hại ? Trong lời nói đầu của ông chủ tịch Hội ngôn ngữ học thành phố Hồ Chí Minh, để mở đầu cho hội thảo ngày 21/12 vừa rồi (2), tôi cho nói như vậy là đầy đủ, ông ấy nói thế này: Ta biết rằng chữ Quốc ngữ ở miền Nam sử dụng trước, sau đó lan dần ra cả nước. Và năm 1915, ở miền Bắc đã bãi bỏ thi Hương rồi. Ông Phạm Quỳnh nói đó là ''hồi trống sau cùng đã báo từ nay chợ văn-chương không họp nữa. Ai còn gồng nặng, gánh nhẹ mà quẩy về xoay nghề khác''.
Thực ra nói như thế là đúng, vì phải đến ba năm sau, tức 1918, khi Khải Định ra đạo dụ chính thức bãi bỏ khoa cử Nho học. Và năm 1919, khoa thi Hán học cuối cùng được tổ chức ở miền Trung, thì ''thần Cử-nghiệp'' đến đấy mới chính thức chia tay. Ta biết rằng trên sân khấu có hai nhân vật, một là chữ Nho, hai là chữ Quốc ngữ. Mà nhân vật chữ Nho bị đạo diễn cho đi xuống khỏi sân khấu rồi, thì chữ Quốc ngữ trở nên một mình một ngựa. Nếu không kể tiếng Pháp''.
Hơn một thập niên cải cáchNhà nghiên cứu Hoàng Dũng đặc biệt chú ý đến giai đoạn cải cách giáo dục, kéo dài hơn một thập niên, nhằm thay thế dần dần nền khoa cử lâu đời bằng nền giáo dục mới, với chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Một chủ đề hiện còn rất ít được nghiên cứu và gần như không được công chúng đông đảo biết đến.
Nhà nghiên cứu Hoàng Dũng: ''Không phải là cái đạo dụ chính thức của Khải Định là một cái gì đó ghi nhận công lao của Khải Định đối với văn hóa Việt Nam. Tại sao nói như vậy ? Vì vua Khải Định chẳng qua là thực hiện một chính sách của người Pháp thời đó. Sau khi người Pháp chủ trương phổ biến chữ Quốc ngữ, thì họ đã có một chương trình cải cách giáo dục trong 10 năm, do ông toàn quyền Antony Klobukowski khởi xướng, rồi đến Albert Sarraut hoàn thành, để xóa bỏ dần nhà trường Hán học, bằng cách là trong các kỳ thi Hán học (thi Hương, thi Hội, thi Đình), họ đã xen cài chữ Quốc ngữ. Rồi cho đến lúc quen dần, thì 10 năm sau họ mới chính thức bãi bỏ bằng đạo dụ của Khải Định. Tôi nói rằng, theo cách nói của người Pháp, đấy là dấu chấm trên chữ i thôi, để kết thúc về mặt kỹ thuật, một tiến trình do chính người Pháp chủ trương, chứ không phải chủ trương của ông Khải Định''.
Cho đến nay, vai trò của những người có công đầu tiên trong việc chế tác chữ Quốc ngữ, như Francisco de Pina hay Alexandre de Rhodes đang ngày càng được công nhận trong xã hội Việt Nam, bất chấp một số phản đối ồn ào mới đây chống lại việc đặt tên đường Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes tại Đà Nẵng. Tri ân công lao của những người đóng góp cho văn hóa Việt Nam, dù là người trong hay ngoài nước, là câu chuyện ngày càng trở nên một lẽ dĩ nhiên.
Tâm lý ức chếThế nhưng vấn đề chữ Quốc ngữ trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX dường như vẫn là một câu chuyện ít nhiều vẫn còn được coi là nhạy cảm, có lẽ do bởi gắn liền trực tiếp với giai đoạn thực dân. Và đây có thể là một trong những lý do chính tạo không khí ức chế trong tâm lý của không ít nhà nghiên cứu, giới quan tâm – nguồn gốc sâu xa của việc hầu như rất hiếm công trình nghiên cứu đáng kể nào về sự phát triển của chữ Quốc ngữ giai đoạn bản lề này. Và đây dường như cũng là một lĩnh vực không mấy thu hút các nhà nghiên cứu trẻ.
Tâm lý ức chế khá phổ biến này được nhà nghiên cứu Hồ Hải Thụy (Hà Nội) thuật lại với RFI tiếng Việt. Theo ông, các nhà nho cải cách Việt Nam đầu thế kỷ XX đã ''
đành phải chấp nhận'' chữ Quốc ngữ như một chuyện đã rồi, không có cách nào khác, nếu muốn dân tộc đi lên, thì phải chấp nhận nó. Bởi vì chữ Hán tắc đường rồi, và chấp nhận chữ Quốc ngữ thì còn hơn là chấp nhận tiếng Pháp. ''
Cái khôn'' của các cụ là ở chỗ ấy, nhưng là cái khôn ngoan trong tình thế bị áp đặt, trong sự đã rồi. Nhà nghiên cứu Hồ Hải Thụy cũng ghi nhận một thực tế là những người đứng đầu nhà nước quân chủ Nho giáo Việt Nam đã không tỉnh táo nghĩ đến việc mở đường cho chữ Quốc ngữ Latinh trở thành chữ viết quốc gia – trong thời kỳ còn kiểm soát toàn bộ hoặc một phần đất nước.
Trang Lời Tựa của cuốn truyện ngắn ''Thầy Lazaro Phiền'' của nhà văn Công Giáo P.J.B. Nguyễn Trọng Quản, ấn hành năm 1887. @RFI/Viet
Áp đặt hay dung hòa?Chữ Quốc ngữ dần dần trở thành chữ viết chính thức ở Việt Nam có phải đơn thuần do người Pháp áp đặt hay không là một chủ đề còn để ngỏ. Nhà nghiên cứu Hoàng Dũng đặc biệt chú ý đến những mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền thực dân Pháp trong việc khuyến khích hay không chữ Quốc ngữ trong giai đoạn này:
''Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ít người chú ý là thực ra việc phổ biến chữ Quốc ngữ ngay cả người Pháp là một chủ trương không dễ dàng. Họ phải đấu tranh nội bộ. Tôi đưa một dẫn chứng. Etienne Aymonier, một người biết nói tiếng Khmer, biết nói tiếng Việt, rồi ông lấy vợ người Chăm. Ông là tác giả của cuốn sách ngữ pháp tiếng Chăm, từ điển Chăm – Pháp. Về mặt chính quyền, ông đã từng làm đến công sứ Bình Thuận, ông đã từng làm hiệu trưởng đầu tiên của trường Hậu Bổ. Aymonier đã hai lần công khai viết rằng: việc phổ biến chữ Quốc ngữ là nguy hiểm cho người Pháp (3). Cách tốt nhất với người Pháp là biến người Việt trở thành một người Pháp gốc Á, tức là dạy tiếng Pháp cho người Việt. Trong nội bộ họ có những cuộc tranh luận rất là gay gắt. Và cuối cùng như ta đã biết là chủ trương phổ biến chữ Quốc ngữ thắng thế. Ý kiến của Aymonier bị gạt đi. Tôi chỉ nhắc lại một chút về lịch sử như thế để thấy rằng việc phổ biến chữ Quốc ngữ ở những năm này là vấn đề không dễ dàng''.
Từ Hà Nội, nhà nghiên cứu Hồ Hải Thụy cho biết thêm là, trên thực tế, việc thừa nhận chữ Quốc ngữ có thể coi là một ''
biện pháp dung hòa''
tốt nhất trong giai đoạn lịch sử này, khi chính quyền thực dân Pháp đã ra nhiều bài học kinh nghiệm từ những nơi khác, trong đó có việc thực dân Anh ở Ấn Độ, tuy thống trị tiểu lục địa này từ lâu, nhưng đã không thể áp đặt được tiếng Anh, đồng hóa được nền văn hóa Ấn Độ. Theo hướng nhìn nhận này, thì giải pháp thừa nhận chữ Quốc ngữ chính là một sự thỏa hiệp giữa quyền lực thống trị thực dân với xã hội bản địa.
Chữ Quốc ngữ là ''hồn trong nước''Vẫn về bước ngoặt đầu thế kỷ XX, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đặc biệt lưu ý đến sự thức tỉnh bất ngờ của giới nhà nho cấp tiến. Trong hoàn cảnh đặc biệt này, đã nhận ra trong chữ Quốc ngữ, đến từ trời Tây, một phương tiện gây lại ''hồn nước'':
''Thái độ đối với chữ Quốc ngữ của nhà nho đương nhiên là phân hóa theo nhiều xu hướng. Xu hướng những nhà nho cấp tiến, chủ trương Duy Tân, đã tìm thấy ở chữ Quốc ngữ một phương tiện hết sức là tích cực, hết sức là căn bản, trong việc gây lại cái gọi là ''hồn nước'', diễn đạt cái tinh thần dân tộc, cái bản lĩnh dân tộc, tố chất dân tộc. Họ gửi gắm vào chữ Quốc ngữ rất là nhiều.
Mặc dù, nếu khảo sát kỹ, các nhà nghiên cứu thấy rằng các nỗ lực của các nhà nho người Việt suốt nhiều thế kỷ chế tác các chữ Nôm, và phương pháp làm chữ Nôm cũng rất đáng kể, đến mức có thể ghi được những sáng tác bằng tiếng Việt, mà điển hình là Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán… Ví dụ như vần điệu của các tác phẩm thơ như thế chứng tỏ những nỗ lực cực kỳ lớn của những người đã làm ra bộ chữ Nôm, dựa trên các mẫu tự chữ Hán.
Thế nhưng, các nhà nho ở thời hiện đại, đầu thế kỷ XX trở đi, thì lại nhìn thấy trong chữ Quốc ngữ rõ hơn cái tinh thần độc lập của dân tộc mình. Theo tôi, những nhà nho Duy Tân đó đã gửi vào trong chữ Quốc ngữ một kỳ vọng cực kỳ lớn. Đằng sau nó là những giá trị hết sức quan trọng, mang tính xu hướng, giá trị về tính độc lập. Rất có thể trước đó dùng các chữ mượn các phương cách của chữ Hán, thì đến lúc này người ta nhận ra là những cái bản sắc thể hiện ở đó không thể nào rõ bằng việc viết bằng chữ cái abc''.
Vì sao Quốc ngữ bằng chữ cái Latinh vốn xa lạ, lại có thể trở nên thân thiết với người Việt đến như vậy trong nhãn quan của giới nho sĩ, trí thức Hán – Nôm đầu thế kỷ XX ? Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho biết cảm nhận của ông:
''Theo tôi, người ta nhìn thấy chữ viết Quốc ngữ ghi tiếng Việt ở dạng hoàn thiện của nó,
như một cái gì đó cực kỳ gắn bó với tiếng Việt (4). Bởi vì, cũng là abc, nhưng là một dòng chữ, một câu tiếng Pháp chẳng hạn, thì nó khác, dòng chữ Bồ Đào Nha thì nó khác. Nhưng đây là từng từ một của tiếng Việt. Người ta thấy tiếng Việt hiển hiện ra trong đó. Và người ta thấy: À, đây là Việt Nam! Còn cái việc đằng sau các ký tự này là chữ Latinh chẳng hạn, thì đối với họ, điều đó trở nên không quan trọng nữa. Theo tôi, (ý nghĩa gắn bó thiết thân của chữ Quốc ngữ với người Việt) là ở chỗ đó''.
Nhiều câu hỏi để ngỏĐối với nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam, kỷ niệm một thế kỷ chấm dứt nền khoa cử chữ Hán, tồn tại trong suốt gần 1.000 năm, đã là một cơ hội tốt để soi tỏ giai đoạn bản lề cuối thế kỷ XIX - đầu XX, khi chữ Latinh ghi âm tiếng Việt bằng nhiều ngả đường khác nhau, từng bước khẳng định, vươn lên trở thành chữ viết quốc gia. Sự lên ngôi của chữ Quốc ngữ, trên thực tế, gần như không gắn gì mấy với cái mốc bỏ thi chữ Hán, với kỳ thi Hội – thi Đình cuối cùng tại Huế năm 1919. Sự lên ngôi của chữ Quốc ngữ và sự suy tàn của khoa cử Hán học là hai quá trình dường như diễn ra song song.
Một số nhà nghiên cứu đặc biệt nhấn mạnh, để phục dựng lịch sử chữ Quốc ngữ giai đoạn này, rất cần khai thác những mảng tư liệu lớn trong đó có các loại sách dạy Quốc ngữ, chương trình giảng dạy liên quan đến Quốc ngữ, do các chủ thể khác nhau soạn thảo, từ chính quyền cho đến các tổ chức tư nhân, nội bộ Giáo hội Công Giáo…
Nhiều vấn đề mang tính lý thuyết cần được đào sâu, như quan hệ giữa chữ viết với tiếng nói, sự trưởng thành của chữ Quốc ngữ Latinh có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của bản thân tiếng Việt? Vì sao chữ Quốc ngữ Latinh lại trở nên gần gũi, gắn bó với người Việt hơn chữ Nôm truyền thống? Do dễ học, dễ đọc hay vì một lý do nào khác (4)? Cú pháp tiếng Việt đã phát triển ra sao trong giai đoạn đột biến này, trong bối cảnh tiếp xúc mạnh mẽ với tiếng Pháp (5)?
RFI xin chân thành cảm ơn các nhà nghiên cứu Hoàng Dũng, Hồ Hải Thụy và Lại Nguyên Ân. Ghi chú :
1 - Tháng 8/2019, Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế ''
Khoa cử Nho học Việt Nam (1075 - 1919)''. Theo cơ quan này, đây
là dịp
thảo luận về toàn bộ tiến trình phát triển của khoa cử Nho học tại Việt Nam, các giai đoạn manh nha, phát triển, đỉnh cao, thoái trào, ảnh hưởng sâu rộng của khoa cử Nho học trong văn hóa Việt Nam, trong so sánh với các nền văn hóa sử dụng chữ Hán.
2- Hội Ngôn Ngữ Học thành phố Hồ Chí Minh tổ chức một hội thảo mang tựa đề '
'100 năm chữ Quốc ngữ'', cuối tháng 12/2019, quy tụ hơn 30 báo cáo, tham luận.
3 - ''
Chính sách giáo dục tại Nam Kỳ cuối thế kỷ 19'', Lại Như Bằng dịch và giới thiệu, NXB Thế giới, 2018.
4 – Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng hệ chữ cái abc ghi tiếng Việt, dễ hiểu, dễ học, gắn bó rõ ràng với phát âm của tiếng nói hàng ngày, người bản địa dù ít học cũng có thể dễ dàng sử dụng, trong lúc những con chữ Nôm, để hiểu được thường phải thông qua chữ Hán. Xét trên phương diện phát âm, một số nhà nghiên cứu nhấn mạnh đến tính chất phản dân chủ tiềm tàng của chữ Hán. Các nhà nho trên thực tế, ngay từ trước Công Nguyên, đã biết cách phân tách phụ âm, phần vần và thanh điệu (
kỹ thuật phiên thiết trong các sách về Vận Thư). Tuy nhiên, kiến thức này đã không được phổ biến rộng, và không phát triển theo hướng trở thành công cụ ghi âm vị. Chỉ giới nhà nho mới có thể sử dụng. Sự tồn tại và hưng thịnh của chữ Hán về cơ bản gắn liền với sự độc quyền về văn hóa của tầng lớp nho sĩ. Về các xã hội Đông Á sử dụng chữ Hán, nhiều nhà nghiên cứu tại Việt Nam, vì lý do này hay khác, đã cố tình bỏ qua việc xã hội Hàn Quốc (hay Triều Tiên), ngay từ thế kỷ XV, đã chế tác ra được hệ chữ cái phiên âm tiết (Hangul), hệ chữ vốn bị lép vế, hoặc bị cấm đoán trong suốt thời kỳ chữ Hán thống trị, nhưng đã trở thành chữ viết chính thức của người Triều Tiên, người Hàn Quốc hiện nay. Hệ chữ phiên âm Hangul của dân Hàn được giới nghiên cứu đánh giá rất cao trên phương diện ghi âm. Chữ Hangul ắt hẳn đã là một phương tiện giúp cho xã hội Triều Tiên thoát khỏi sự thống trị của văn hóa Hán.
5 – Nhà ngôn ngữ học Hoàng Tuệ (1922-1999), cố viện trưởng Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam, từng nhấn mạnh đến ý nghĩa của tiếp xúc Pháp – Việt trong sự phát triển của tiếng Việt nói chung và chữ Quốc ngữ nói riêng: ''thời tiếng Việt tiếp xúc với tiếng Pháp đâu có dài. Nhưng
tuy ngắn mà rất quan trọng trong ý nghĩa một đổi mới. Xã hội Việt Nam vốn khép kín đã, với tiếng Pháp, mở rộng dần tầm nhìn ngôn ngữ và văn hoá sang một không gian khác lạ là Pháp và phương Tây. (…) Ảnh hưởng quan trọng của tiếng Pháp đối với tiếng Việt là về hành văn, như có thể thấy rõ trong thơ mới và trong văn xuôi mới, văn xuôi mới nghệ thuật (…) văn xuôi báo chí và văn xuôi khoa học cũng đã tiếp nhận ảnh hưởng của văn xuôi báo chí và văn xuôi khoa học Pháp. (…) Như vậy, tiếng Pháp đã có mặt trong tiếng Việt. Sự có mặt ấy vẫn còn sức sống. Mất đi đâu được! Nó đã được đưa vào trong ý thức của người Việt qua những câu thơ Việt, những câu văn xuôi Việt'' (bài ''
Nhìn lại thời tiếng Việt tiếp xúc với tiếng Pháp'', Tạp chí Ngôn ngữ, số 3/1997).