Phần Dẫn Nhập:
Kinh Viên Giác là kinh đại thừa đốn giáo được Phật cho đó là “Con mắt của 12 bộ kinh”. “Con mắt” ở đây theo thiển ý có nghĩa là Viên Giác soi sáng nghĩa lý, là điểm tựa, là ngọn hải đăng cho các bộ kinh để đi đúng “chánh pháp nhãn tạng”, không lạc vào đường tà và tu thành Phật. Khi nghe kinh này, đại chúng kể cả chư Phật và chư Bồ Tát đều phải vào chánh định/tam muội, không bình thường như những pháp hội khác.
Kinh Viên Giác có tên là Đại Phương Quảng Tu Đà La Liễu Nghĩa do ngài Phật Đà Đa La (Buddhayas’as) nước Kế Tân (Kashmir bây giờ) đương thời nhà Đường dịch ra tiếng Trung Hoa. Tôi không biết có bao nhiêu cao tăng Việt Nam dịch Kinh Viên Giác từ Hán Văn sang Việt Văn. Trước mắt tôi có các bản dịch: Một là của cụ Thích Huyền Cơ dịch năm 1951 tại Hà Nội và bản dịch của HT. Thích Thiện Hoa năm 1957 tại Sài Gòn. Bản dịch thứ ba của HT. Thích Trí Quang năm 1985, bản thứ tư của thầy Thích Duy Lực năm 1991. Và bản thứ năm của thầy Thích Hằng Đạt không ghi rõ năm.
Trong phần giới thiệu bản dịch, Cụ Thích Huyền Cơ nói rằng, “Bộ Kinh Viên Giác này thuộc về loại kinh cao. So theo tứ giáo (*) và nói theo phân biệt thì nó cao hơn Viên Giáo. Nó không những là bao hết tứ giáo như gương trong sáng, gặp vật gì cũng hiện rõ, lại còn trên cỡ phân biệt của tứ giáo. Nó không thuộc phạm vi phân biệt. Nó là hiện tượng không danh từ.”
Cư sĩ Tuệ Quang đã từng gặp và học pháp nơi cụ Huyền Cơ, trong phần giới thiệu sách ghi năm 1964, đã viết, “Đọc tới, ta sẽ bàng hoàng kinh ngạc, không ngờ đạo Phật cao siêu, vĩ đại, đẹp đẽ đến thế. Cao đẹp về tư tưởng, cao đẹp về đức hạnh, về tâm hồn trong trắng cao quý. Ai đọc kinh này mà hiểu được, theo được, vị đó đã có rất nhiều duyên lành, kiếp trước đã tu nhiều, đã từng gần Phật.”
Tôi may mắn được biết tới bộ kinh này khi còn ở Trại Cải Tạo Hà Tây khoảng năm 1980. Do một số anh em Phật tử trước khi đi trình diện cải tạo có đem theo bộ kinh này rồi do một nhân duyên thật hi hữu, gặp nhau, lén truyền tay nhau biên chép, nghiên cứu, đọc tụng. Trong số này có những vị đã giữ những chức vụ rất cao trong quân đội VNCH, khi định cư vào Mỹ thấy cuộc đời này chỉ là huyễn mộng, đã xuất gia và tu thiền. Riêng tôi vẫn còn nặng nợ trần ai, dù rất thích thú với kinh này, nhưng sau bao năm đọc tụng mà vẫn không sao hiểu hết được kinh. Từ đó tôi nghĩ rằng chỉ có Đức Phật mới hiểu hết Viên Giác mới nói được Viên Giác. Ngay hàng Bồ Tát cũng không thể hiểu hết Kinh Viên Giác. Từ đó, tôi không bao giờ có ý nghĩ ngông cuồng là “giảng” về Viên Giác mà chỉ dám ở mức khiêm tốn cố gắng hiểu và hiểu đến đâu thì nói ra. Do đó tôi mong các bậc cao minh nếu thấy có gì sai sót xin chỉ giáo cho.
Tu Phật có nhiều pháp môn. Mỗi pháp môn thường trụ vào một bộ kinh nào đó, như Pháp Hoa Tông (Tu theo Kinh Pháp Hoa), Tịnh Độ Tông (lấy Kinh Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, và Tiểu Bản A Di Đà làm căn bản). Mật Tông y vào giáo lý bí mật của Kinh Đại Nhật, Kinh Kim Cương Đính gọi là Mật Tông hay Chơn Ngôn Tông. Thiền Tông tuy nói “bất lập văn tự” nhưng yếu chỉ của Thiền Tông đều nằm trong Lăng Già, Kim Cang và Bát Nhã. Còn tôi chưa thấy một tông phái nào tu theo Viên Giác. Do đó trong bài này tôi đưa ra một câu hỏi là, “Liệu chúng ta có thể tu theo Viên Giác được không?” Do đó tôi sẽ đi lần lượt từng chương để tìm hiểu mà tôi gọi đó là “tu theo Viên Giác”.
Phẩm Bồ Tát Phổ Hiền Hỏi Phật:
Phẩm này vô cùng quan trọng. Nó là mạng mạch là cốt tủy của đạo Phật. Bởi vì hầu hết các tôn giáo khác đều coi giáo lý, pháp môn tu của họ là có thật và cứu cánh. Ai không tin giáo lý của họ sẽ bị đày hỏa ngục. Chỉ riêng Phật chỉ ra rằng, pháp môn tu, giáo lý, lời giảng dạy cũng đều như huyễn. Nó chỉ là phương tiện giống như chiếc bè qua sông. Chúng ta hãy nghe Bồ Tát Phổ Hiền hỏi Phật:
“Đại Bi Thế Tôn! Xin ngài nói cho các chúng Bồ Tát trong pháp hội và chúng sinh muốn tu đại thừa đời mạt pháp, nghe cảnh giới thạnh tịnh rồi làm thế nào mà tu hành? Thế Tôn! Nếu chúng sinh biết được là như huyễn thì thâm-tâm cũng huyễn làm thế nào lấy cái huyễn mà tu cái huyễn được? Còn như cái tính huyễn hết thì không có tâm, lấy gì mà tu hành? Làm sao lại nói là tu hành như huyễn?” (Thích Huyền Cơ)
Khi ấy Phật bảo Bồ Tát Phổ Hiền rằng:
“Tất cả các cảnh vật huyễn hóa (thế giới, chúng sanh) của chúng sanh đều sanh (hiện ra) trong tâm Viên Giác mầu nhiệm của Như Lai. Các pháp hư huyễn có diệt mà tánh viên giác vẫn không diệt. Cũng như hoa đóm sanh (hiện ra) trong hư không, các hoa đóm hư huyễn kia có hoại diệt mà hư không chẳng hề hoại diệt.” (Thích Thiện Hoa)
Và Phật dạy các phương pháp ly huyễn:
“Này thiện nam tử! Tất cả các vị Bồ Tát và chúng sanh đời sau cần phải xa lìa các việc như sau: Xa lìa các cảnh giới huyễn hóa hư vọng. Nhưng còn cái tâm biết xa lìa? Cái tâm biết xa lìa đó cũng là huyễn hóa nên phải xa lìa luôn. Cái “xa lìa” đó cũng là huyễn hóa cho nên cũng phải xa lìa. Cái “lìa cái xa lìa” cũng là huyễn hóa nên cũng phải xa lìa. Phải không còn gì để xa lìa nữa như thế mới gọi là trừ được các huyễn.” (Thích Thiện Hoa)
Phật lấy một thí dụ rất cụ thể cho việc ly huyễn:
“Tỷ như người lấy lửa dùng hai miếng củi tre cọ sát nhau. Cọ cho đến khi lửa phát ra, trở lại cháy củi. Cháy đến lúc củi hết, lửa tàn, tro bay, bấy giờ chỉ còn đất trống. Ly được huyễn tức là “giác” không có thứ tự, lớp lang, phương tiện gì.” (Thích Thiện Hoa)
Qua phẩm này chúng ta thấy:
-Bồ Tát, chúng sinh, phàm phu vẫn có thể tu và cầu vào đại thừa. Đại thừa không phải là đặc hữu chỉ dành cho người xuất gia.
-Dù Phật dạy giáo pháp là như huyễn. Thế nhưng khi hành giả đang vượt sông (đang ly huyễn) thì phải nương tựa vào bè, phải ôm cứng lấy cái bè tức bám chặt vào giáo pháp. Chỉ khi nào qua sông (đáo bỉ ngạn, chứng đắc) thì mới quăng bỏ bè. Bất cứ ai còn đang tu hành mà xa lìa giáo pháp, lấy cớ đó là “như huyễn” thì chắc chắn kẻ đó hành tà đạo.
-Chúng sinh, trong đó có chúng ta, đang bị chi phối bởi những khổ đau thật sự đã đành, như: Cái chết, bệnh tật, thời tiết nóng lạnh, đói no, thiên tai… mà còn bị chi phối bởi những khổ đau giả tạo. Thắng bại, được thua, lòng ghen tuông, đố kỵ tỵ hiềm, lòng kiêu hãnh, tự tôn, tự ty mặc cảm...đều là huyễn hóa, đều là khổ đau giả tạo. Các ảo tưởng về quyền uy, về sự thánh thiện, về sức mạnh, về sự giàu sang, về vẻ đẹp…cũng đều là huyễn hóa. Khóc cười, yêu đương tha thiết cũng chỉ là huyễn hóa. Tất cả những gì đang diễn ra chung quanh chúng ta đều như màn kịch trên sân khấu, khóc cười trong giây lát. Khi sân khấu khép lại thì chẳng còn gì vì nó là huyễn hóa.
Thế nhưng do nghiệp lực từ vô thủy, chúng sinh yêu mến huyễn hóa, nhiều khi đâm chém, thù hận, giết hại nhau vì những huyễn hóa của cái tâm quay đảo. Chư Phật và hàng Bồ Tát, đạo sĩ nhìn thấy mà xót thương. Xin nhớ, ly huyễn cũng là ly khổ hay diệt khổ. Người nào bớt sống với ảo tưởng, bớt sống với huyễn thì bớt khổ đau. Không bị tác động, bỏ qua đi, không chấp chứa gì hết chính là lấy huyễn tu huyễn. Cho nên những ai đang sống trong huyễn hoặc, sống trong thế giới ảo tưởng vừa làm khổ mình và làm khổ người nên đọc Kinh Viên Giác.
Bài thơ Đại Lãm Thần Quang Tự của Đức Vua Trần Nhân Tông dưới đây cho thấy ngài đã thấu suốt được sự huyễn hóa của cuộc đời:
Thần quang tự diểu hứng thiên u.
Sanh thố phi ô thiên thượng du.
Thập nhị lâu đài khai hoạ trục.
Tam thiên thế giới nhập thi mâu.
Tục đa biến thái vân thương cẩu. (*)
Tùng bất tri niên tăng bạch đầu.
Trừ khước chú hương tham Phật sự,
Tá dư niệm liễu tổng hưu hưu.
Dịch nghĩa
Chùa Thần Quang vắng lặng, hứng thú có nét u nhã riêng,
Chở ngọc thỏ, cưỡi kim ô du ngoạn trên bầu trời.
Mười hai toà lâu đài mở ra bức vẽ,
Ba nghìn thế giới thu vào mắt thơ.
Thói đời nhiều thay đổi như mây trắng hoá chó xanh,
Cây thông chẳng biết đến năm tháng, nhà sư đầu đã bạc.
Ngoài việc thắp hương tham thiền ra,
Mọi điều suy nghĩ đều cho qua đi hết. (**)
California ngày 29/2/2020
Thiện Quả Đào Văn Bình
_______________
(*) Lấy ý từ câu thơ của Đỗ Phủ: “Thiên thượng phù vân như bạch y. Tu du hốt biến vi thương cẩu”
(Trên trời có đám mây nổi trông như áo trắng, phút chốc bỗng biến thành con chó xanh).
(**)Trong thơ văn Lý-Trần