Chỉ độ hơn một trăm năm trước, hầu hết người dân Mỹ sống quây quần thành một đại gia đình gồm có ông bà, cha mẹ, con cái, dâu rể và cháu chắt. Vào thế kỷ 19, khoảng ba phần tư người lao động ở Mỹ là nông dân. Một phần tư còn lại, đa số là làm những công việc trong ngành kinh doanh nhỏ do gia đình làm chủ, chẳng hạn như tiệm tạp hoá, tiệm bán đồ khô. Những công việc như vậy cần rất nhiều nhân lực, và vì vậy người ta đẻ con nhiều, với bảy tám đứa là chuyện bình thường. Ngoài ra, trong những đại gia đình đó có thể còn có thêm chú, dì và các anh chị em họ, cũng như người làm công, giúp việc, v.v…
Theo Steven Ruggles, giáo sư nghiên cứu sử học và dân số thuộc Đại học Minnesota, cho tới giữa thế kỷ 19, gần ba phần tư dân Mỹ lớn hơn 65 tuổi sống chung với con cháu của họ. Thời đó, những gia đình nhỏ chỉ gồm cha mẹ và con cái kiểu gia đình hạt nhân (nuclear family) như người Mỹ thường gọi cũng có, nhưng họ cũng thường sống quanh quẩn gần với những thành viên khác trong gia đình.
Lối sống đại gia đình có hai điểm mạnh. Thứ nhất là mọi người có thể nương tựa, hỗ trợ cho nhau, lập thành cả một mạng lưới quan hệ đan kết trong một đại gia đình có thể lên tới 10 hoặc 20 người. Nếu mẹ hoặc cha chết thì đã có ngay ông bà, chú dì cưu mang, đùm bọc cho, kiểu như “sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì” của Việt Nam mình xưa kia vậy. Trong cơ cấu đại gia đình luôn luôn có người sẵn sàng để chia sẻ gánh nặng hoặc điều không may bất ngờ ập đến – như ốm đau hay mất việc.
Ngược lại, một gia đình hạt nhân sống tách riêng thì chỉ là mối quan hệ mấy người với nhau. Nếu một nút thắt bị tuột ra thì thường sẽ tuột ra hết chứ không đỡ được. Trong một gia đình hạt nhân, hôn nhân chấm dứt cũng có nghĩa là gia đình tan vỡ.
Điểm mạnh thứ hai của đại gia đình là lối sống cộng đồng. Lúc nào cũng có người lớn sẵn sàng chỉ bảo cho các em nhỏ biết thế nào là phải trái, cách cư xử với người khác, sống sao cho tử tế. Trong suốt hai thế kỷ 18 và 19, phong trào kỹ nghệ hoá và những thay đổi xã hội bắt đầu đe doạ đến lối sống truyền thống. Nhiều người ở Anh và ở Mỹ đã lên tiếng cổ động cho lối sống đại gia đình với mong muốn để tạo ra một xã hội trật tự và đạo đức trong một thế giới ngày càng tỏ ra lãnh đạm với truyền thống cũ. Trong khoảng thời gian từ 1750 đến 1900, con số người sống chung trong đại gia đình đã tăng gấp đôi, và lối sống này đã được nhiều người hưởng ứng hơn bao giờ hết.
Nhưng trong khi lối sống đại gia đình có những điểm mạnh thì đồng thời nó cũng có thể làm cho người ta cảm thấy ngột ngạt và gò bó. Cuộc sống đại gia đình ít có được sự riêng tư, hàng ngày cứ phải gặp mặt, tiếp xúc với những người không hợp tính. Đại gia đình mang lại sự ổn định nhưng thiếu sự uyển chuyển. Tình cảm gia đình đậm đà hơn, nhưng sự lựa chọn cá nhân bị giảm bớt. Và đương nhiên người ta không thể sống theo sở thích của riêng mình mà phải chấp nhận theo lối sống của đa số.
Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi các nhà máy mở ra tại các thành phố lớn ở Mỹ, nhiều thanh niên nam nữ bắt đầu rời bỏ đại gia đình của họ để chạy theo “giấc mơ Mỹ”. Những người trẻ này vừa đủ tuổi là họ lập gia đình ngay. Một thanh niên sống ở vùng nông thôn có thể chờ tới 26 tuổi mới lấy vợ; nhưng sống độc thân thui thủi một mình ở thành thị, người thanh niên ấy sẽ lấy vợ khi mới 22 hoặc 23 tuổi. Từ 1890 đến 1960, tuổi trung bình của những người khi lần đầu lập gia đình đã giảm 3.6 tuổi đối với nam và 2.2 tuổi đối với nữ.
Những gia đình mà họ lập ra là gia đình hạt nhân – tức những gia đình nho nhỏ gồm hai vợ chồng và con cái, thường là hai đứa. Sự suy giảm của các gia đình sống chung nhiều thế hệ phản ánh đúng với chiều hướng suy giảm của số người làm nghề nông. Trẻ em sinh ra và lớn lên không còn giữ vai trò phụ giúp công việc gia đình nữa – mà chúng được nuôi cho đến khi lớn đủ lông đủ cánh để bay ra khỏi tổ ấm đó, có cuộc sống độc lập và tự tìm cho mình một người bạn tình. Chúng được nuôi dưỡng không phải để hội nhập (vào đại gia đình) mà là tự lập. Đến thập niên 1920, gia đình hạt nhân với người đàn ông là trụ cột trong nhà đã thay thế đại gia đình để trở thành mô hình gia đình mới của thời hiện đại. Đến năm 1960, 77.5 phần trăm trẻ em sống chung với cha và mẹ, là những cặp vợ chồng có hôn thú và sống tách rời khỏi đại gia đình của họ.
Một thời gian sau đó, tất cả mọi thứ dường như ổn định. Từ 1950 đến 1965, tỷ lệ ly dị giảm, tỷ lệ sinh sản tăng, và kiểu gia đình hạt nhân ở Mỹ có vẻ như là một mô hình tuyệt vời. Và hầu như tất cả mọi người được sống trong sung túc và hạnh phúc.
Nhưng rồi những điều tốt đẹp đó không kéo dài lâu. Mô hình gia đình hạt nhân một thời tưởng là lý tưởng thì nay bắt đầu có những dấu hiệu rạn nứt. Một phần nguyên do có liên quan đến kinh tế gia đình. Bắt đầu vào giữa thập niên 1970, lương bổng không những không tăng mà lại có chiều suy giảm, tạo áp lực lên nhiều gia đình, đặc biệt là giới lao động. Tuy nhiên, nguyên do chính là vì vấn đề văn hoá. Xã hội Mỹ ngày càng chú trọng đến chủ nghĩa cá nhân hơn. Người ta đặt nặng giá trị về quyền riêng tư và cuộc sống độc lập. Phong trào nữ quyền lên cao giúp bảo đảm cho phụ nữ có được quyền tự do hơn để sống và làm việc như cách mà họ chọn.
Xu hướng thay đổi mang tính văn hoá này tạo sự thuận lợi cho một số cá nhân, nhưng nói chung lại bất lợi cho cấu trúc gia đình. Nay người ta không có bà con họ hàng ở gần bên vào những lúc cuộc sống vợ chồng gặp trắc trở để giúp họ vượt qua khó khăn. Nếu như người ta lấy nhau vì tình yêu, thì không có lý do gì để người ta ở lại với nhau khi tình yêu đó đã chết. Và vì vậy, tỷ lệ ly dị bắt đầu tăng cao, và khi ly dị tăng cũng có nghĩa là số gia đình theo đúng nghĩa truyền thống suy giảm.
Hiện nay, số gia đình ở Mỹ thấp hơn bao giờ hết. Từ 1970 đến 2012, tỷ lệ các hộ gia đình với đầy đủ vợ chồng và con cái đã bị sụt giảm một nửa. Năm 1960, theo dữ liệu thống kê dân số, chỉ có 13 phần trăm trên tổng số là các hộ gia đình với một người sống độc thân. Năm 2018, con số đó là 28 phần trăm. Năm 1850, 75 phần trăm người Mỹ trên 65 tuổi sống chung với gia đình; năm 1990, chỉ có 18 phần trăm có được diễm phúc đó.
Trong mấy thập niên qua, người Mỹ ngày càng sống trong hôn nhân ít hơn – họ lập gia đình trễ và ly dị nhiều hơn. Hơn nữa, gia đình ở Mỹ cũng ngày càng nhỏ đi. Tỷ lệ sinh sản của người Mỹ nói chung chỉ bằng một nửa so với năm 1960. Năm 2012, đa số các hộ gia đình ở Mỹ không có con cái. Một điều kỳ cục hơn nữa là hiện nay số gia đình Mỹ có nuôi thú cưng còn đông hơn gia đình có con. Năm 1970, khoảng 20 phần trăm các hộ gia đình có năm con hoặc nhiều hơn. Đến năm 2012, con số đó chỉ còn lại 9.6 phần trăm.
Có thể nói mô hình gia đình hiện nay đang trải qua những thay đổi về cấu trúc với tốc độ nhanh đến chóng mặt. Nguyên nhân chính gây ra những thay đổi này, như nói ở trên,có liên quan đến kinh tế, văn hóa cũng như định chế xã hội. Những người lớn lên trong một gia đình hạt nhân thường có xu hướng tư duy cá nhân hơn so với những người lớn lên trong mộtgia đình đa thế hệ. Những người có tư duy cá nhân có xu hướng ít sẵn sàng chịu hy sinh bản thân vì lợi ích của gia đình, hay nói cách khác, họ sống ích kỷ, và kết quả là tình trạng gia đình bị đổ vỡ nhiều hơn.
Trong khoảng 50 năm qua, chính phủ Mỹ đã có nỗ lực để giảm bớt xu hướng gia đình đổ vỡ. Họ cũng đã cố gắng tìm cách gia tăng tỷ lệ kết hôn, giảm tỷ lệ ly hôn xuống, nâng tỷ lệ sinh sản, v.v… Nhưng trọng tâm luôn luôn là nhắm vào mô hình gia đình hạt nhân chứ không phải đại gia đình. Một đôi khi những nỗ lực đó có mang lại một vài kết quả tích cực, nhưng tình trạng gia đình đổ vỡ vẫn không suy giảm.
Một khi gia đình bị đổ vỡ, người chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là trẻ em. Năm 1960, chỉ có khoảng 5 phần trăm trẻ em được sinh ra bởi những bà mẹ không có hôn thú. Nay con số đó là khoảng 40 phần trăm. Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Pew, năm 1960 có 11 phần trăm trẻ em không sống gần cha ruột, năm 2010 là 27 phần trăm. Nay có khoảng một nửa trẻ em Mỹ được sống hết thời thơ ấu với cả hai cha mẹ, một nửa khác chỉ được sống gần cha hoặc gần mẹ. Trẻ em Mỹ có nhiều khả năng sống trong một gia đình chỉ có một cha hoặc một mẹ hơn trẻ em từ bất kỳ quốc gia nào khác.
Mà không chỉ trẻ em, người lớn tuổi cũng bị thiệt thòi khi không được sống trong một gia đình đa thế hệ. Theo hiệp hội người nghỉ hưu AARP, 35 phần trăm người Mỹ trên 45 tuổi cho biết họ sống rất cô đơn. Nhiều người lớn tuổi nay sống không khác gì trẻ mồ côi là vì họ không có người thân thích hay bạn bè ở gần để có thể chăm sóc cho họ những khi cần đến
Mặc dù tình trạng gia đình đổ vỡ ở Mỹ ngày càng có vẻ bi quan, người ta vẫn còn nuôi hy vọng là vì con người luôn luôn biết thích nghi với hoàn cảnh. Khi một mô hình gia đình đem ra áp dụng không có hiệu quả, người ta sẽ biết đi tìm một mô hình mới khác thế vào – mà đôi khi rất có thể lại tìm thấy cái mô hình mới đó trong một cái gì rất cũ.
Huy Lâm