Sơ lược lịch sử của nghề Luật Sư cho thấy, vai trò Luật Sư chiếm một vị trí vô cùng nhỏ bé trong xã hội Việt Nam, vốn được quản trị bằng Luật Rừng của người CSVN, luôn tuân theo khẩu hiệu: Chỉ làm những gì có lợi cho cách mạng (!).
Tìm kiếm trên google, cho thấy có ít nhất 11 luật sư nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam được ghi nhận [1], gồm:
01. Luật sư Phan Văn Trường (1876-1933)
02. Luật sư Trần Văn Chương (1898-1986)
03. Luật sư Trịnh Đình Thảo (1901-1986)
04. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997)
05. Luật sư Phạm Văn Bạch (1910-1986)
06. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (1910-1996)
07. Luật sư Phan Anh (1912-1990)
08. Luật sư Vũ Văn Mẫu(1914-1998)
09. Luật sư Thái Văn Lung (1916-1946)
10. Luật sư Nguyễn Phước Đại (hay Nguyễn Thị Quỳnh Anh, (1924-2013).
11. Luật sư Trần Ngọc Liễng (1923-2011)
Trên đây là bảng "xếp hạng" của trang "Nghề Luật Sư". Quan sát cho thấy, việc sắp xếp được thực hiện theo thứ tự năm sanh của các luật sư. Chỉ có 2 vị cuối (tức bà Nguyễn Phước Đại và ông Trần Ngọc Liễng, không biết vì lầm lẫn hay không mà đảo thứ tự. Lẽ ra, theo 9 người trước thì ông Liễng nên đứng thứ 10 trong bảng).
Nghề Luật Sư có ở Việt Nam từ rất xưa, dưới tên gọi "Trạng Sư" (theo kiểu Trung Hoa).
Không biết người Việt Nam nào đã khai sinh ra chữ "LUẬT SƯ". Nhưng có một điểm chung, khi dùng chữ "SƯ", người Việt Nam rất trân trọng và tôn trọng khi dùng danh xưng này - theo cách gọi "thầy cãi" - với tư cách là một bậc thầy trong chuyên môn nào đó, như: thầy giáo, thầy tu, thầy thuốc v.v...
Theo dòng thời loạn, nghề Luật Sư bị chi phối bằng sắc lệnh 46 do Hồ Chí Minh ký ban hành [2], song thực tế, như trang thegioiluat.vn cho biết [3]: "vì nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất là cần tập trung mọi nỗ lực vào công cuộc kháng chiến chống Pháp trở lại, nên hầu như ở vùng giải phóng các văn phòng luật sư đều ngưng hoạt động".
Việt Nam bị chia đôi bởi vĩ tuyến 17 vào năm 1954. Nghề Luật sư theo đó, mai một ở miền Bắc.
Trong 11 vị luật sư nổi tiếng kể trên, toàn bộ đều tốt nghiệp tại Pháp quốc. Cũng trong 11 vị luật sư đó, họ đều là những luật sư giỏi nghề cùng với lòng yêu nước trong thời tao loạn, nên tất cả đều dính líu đến chính trị.
Sau 1975, nghề Luật Sư hoàn toàn không còn chỗ đứng vốn rất quan trọng trong xã hội. Điều này dễ hiểu, bởi từ 1975 cho đến trước khi Hoa Kỳ hủy bỏ cấm vận, nghề Luật Sư không được đào tạo đúng chuyên môn theo tiêu chuẩn quốc tế.
Dù đại học Luật Hà Nội được thành lập từ 1979, nhưng nghề Luật chỉ nhằm phục vụ cho mục tiêu chính trị của người CSVN.
Đại học Luật tại Sài Gòn được thành lập từ 1996 - tức sau khi Hoa Kỳ bỏ cấm vận, đó trở thành bằng chứng cho thấy nhu cầu chuyên môn này không thể thiếu được trong xã hội văn minh.
Sơ lược lịch sử của nghề Luật Sư cho thấy, vai trò Luật Sư chiếm một vị trí vô cùng nhỏ bé trong xã hội Việt Nam, vốn được quản trị bằng Luật Rừng của người CSVN, luôn tuân theo khẩu hiệu: Chỉ làm những gì có lợi cho cách mạng (!).
Hòa theo dòng chảy thế giới, người CSVN buộc phải hội nhập về mọi mặt. Theo đó, nghề Luật Sư dần được công nhận trở lại tại "xứ sở thiên đường".
Ngày 5 tháng Bảy năm 2011, quyết định 1072/QĐ - TTg do Nguyễn Tấn Dũng lúc bấy giờ là Thủ tướng ký ban hành [4], với mục tiêu đạt được số lượng khoảng [5] từ 18.000 - 20.000 luật sư và tỷ lệ số luật sư trên số dân khoảng 1/4.500. Bên cạnh đó, người CSVN mong muốn có chừng 150 Luật Sư đủ khả năng tham gia các cuộc tranh tụng quốc tế về thương mại.
Cũng theo trang thegioiluat.vn cho biết: "số luật sư có trình độ đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế chỉ chiếm khoảng 1,2%", so với số được cấp phép hành nghề khoảng 15.000 người.Tuy nhiên, yêu cầu hội nhập quốc tế theo những tiêu chuẩn gì, không thấy đề cập chi tiết.
Hiện nay, số lượng Luật Sư có đủ khả năng sử dụng tiếng Anh và tiếng Pháp một cách thành thạo trong chuyên môn, có vẻ vô cùng ít ỏi.
Cũng không hề thiếu giới công an, thẩm phán nghỉ hưu hoặc chuyển ngành đi làm Luật Sư. Thậm chí, năm 2006, Nguyễn Văn Hiện lúc bấy giờ tại vị chức Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đã thú nhận phải [6] "vơ vét để có đủ thẩm phán".
Chất lượng chuyên môn của những ông (bà) mang danh Luật Sư vẫn không khá hơn. Bởi người ta cũng thấy còn quá nhiều người mang danh Luật Sư nói - viết tiếng Việt vẫn sai trầm trọng. Đó là lý do mà Nguyễn Hòa Bình đã lên kế hoạch [7] "trong năm 2017, ngành tòa án sẽ mở lớp tập huấn để viết bản án theo mẫu định sẵn. Lớp học này sẽ mời các giáo viên dạy văn đến dạy về chính tả, ngữ pháp và từng dấu chấm, dấu phẩy..."(!)
Trong Bộ Chính trị của ĐCSVN có nhiều người mang danh "con nhà luật" như: Nguyễn Thị Kim Ngân, Tô Lâm, Tòng Thị Phóng... hoặc Trần Đại Quang (đã chết), Nguyễn Tấn Dũng (nghỉ hưu)...
Cũng trong số họ, có những người được nhận bằng nước ngoài như: Nguyễn Tấn Dũng [8] nhận bằng "tiến sĩ danh dự" chuyên ngành giáo dục của Thái Lan năm 2008, Nguyễn Thị Kimm Ngân [9] nhận bằng "tiến sĩ danh dự" chuyên ngành chính trị học của Hàn quốc năm 2018 hay Nguyễn Phú Trọng nhận [10] bằng "tiến sĩ danh dự" chuyên ngành chính trị học của Cuba.
"Án dân sự xử sao cũng được", còn án hình sự?
Mới đây, Chánh án tòa án nhân dân tối cao - Nguyễn Hòa Bình Thiếu tướng công an - Phó giáo sư - tiến sĩ Luật học, muốn dùng hình ảnh vua Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý cho các tòa án tại Việt Nam, bị phản ứng dữ dội, ông Bình vớt vát bằng cách tuyên bố [11] huy động tiền của cán bộ ngành tòa án, không dùng tiền nhà nước. Tuy vậy, dư luận vẫn không đồng tình với cách bào chữa này.
Để tiếp tục ý tưởng sáng tạo và táo bạo, Nguyễn Hòa Bình đổi sang phương án [12] dùng 4 cố Chánh án TAND Tối cao gồm các ông Trần Công Tường (giai đoạn 5/1958-1959), ông Phạm Văn Bạch (giai đoạn 5/1959-5/1981), ông Phạm Hưng (giai đoạn 1979-1997) và ông Trịnh Hồng Dương (giai đoạn 1997-2002).
Trong 4 vị nói trên, người dân Việt Nam không thể nào quên phát ngôn của Trịnh Hồng Dương lúc sanh tiền, về xét xử tại xứ thiên đường: “Ở nước ta, đôi khi án dân sự xử sao cũng được”.
Và người dân đang chờ coi án hình sự của tử tù oan khuất Hồ Duy Hải chuẩn bị xét xử giám đốc thẩm vào ngày 6 tháng Năm năm 2020 do chính tay Nguyễn Hòa Bình "cầm cân nẩy mực" sắp diễn ra có đạt đúng tinh thần "suy đoán vô tội" hay không.
Nên lấy Thúy Kiều làm biểu tượng công lý tại Việt Nam
Liên quan đến việc chọn biểu tượng cho công lý tại Việt Nam nói trên, Dương Trung Quốc - sử gia - đại biểu quốc hội cho rằng [15]: Việt Nam không có nữ thần công lý. Ông Quốc nói tiếp với phóng viên báo Pháp Luật: "Ông cha mình vẫn có câu “cầm cân nẩy mực” thì đưa cái cân vào tượng thôi, chứ không liên quan hay lai căng gì đến nữ thần công lý của phương Tây cả. Còn chọn cụ thể mẫu nào, điều chỉnh thế nào thì hội đồng nghệ thuật còn bàn".
Định dùng hình ảnh vua Lý Thái Tông bị phản ứng dữ dội, quay sang dùng hình ảnh của các ông Chánh án "xứ thiên đường" đã quá cố lại vấp phải "án xử sao cũng được" của Trịnh Hồng Dương. Mười một vị Luật Sư tên tuổi ở đầu bài lại vô cùng "nhạy cảm" nếu dùng hình ảnh của họ. Không lẽ chịu bế tắc?
Với tư cách một người dân Việt Nam, tôi chợt nhớ đến hình ảnh Thúy Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, hình ảnh nàng Kiều hoàn toàn đủ căn cứ để làm biểu tượng công lý cho "xứ thiên đường", bởi:
- Truyện Kiều và nhân vật Thúy Kiều nổi tiếng toàn thế giới, đã được dịch sang nhiều thứ tiếng. Đại thi hào Nguyễn Du được UNESCO vinh danh là "danh nhân văn hóa thế giới".
- Toàn bộ pho truyện bằng thơ này cũng được Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng rất ưng ý và thường "lẩy kiều" lúc cao hứng cũng như khi thành đạt.
- Cựu Tổng thống Obama đã từng dẫn hai câu Kiều [16] "Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi" lúc Hoa Kỳ chính thức gỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí với Việt Nam.
- Thúy Kiều là nhân vật hư cấu tựa như Nữ Thần Công Lý, đồng thời cả hai đều là phụ nữ.
- Đặc biệt, phần nội dung Thúy Kiều xử án nhờ sự bảo kê của tướng cướp Từ Hải cho thấy tài uyên bác trong việc "ơn đền oán trả" của Kiều, đã làm cho người đời tâm phục khẩu phục và truyền tụng xưa nay.
Hy vọng ý kiến hèn mọn này được ngành tòa án "xứ thiên đường" chiếu cố.
Chỉ ghi chú rằng: Một khi Thúy Kiều được dựng tượng, không cần mảnh vải bịt mắt, cũng không cần tay nắm gươm tay cầm cân. Thay vào đó, một tay cầm búa, tay kia cầm liềm cùng vương miện đỏ lòm bao quanh ngôi sao vàng khè, tất cả cùng chói lọi trên đầu nàng Kiều, nhất định biểu tượng đó sẽ trở thành tuyệt tác không thể nào chê.
05/5/2020
Nguyễn Ngọc Già
____________
Chú thích:[1]
https://www.facebook.com...n/posts/329894883852702/[2]
https://thuvienphapluat....n-the-luat-su-35894.aspx[3]
https://thegioiluat.vn/b...-dong-nhu-the-nao--2301/[4]
https://thuvienphapluat....uat-su-126206.aspx?tab=2[5]
https://danluat.thuvienp...0-000-luat-su-78619.aspx[6]
https://tuoitre.vn/vo-ve...-du-tham-phan-174877.htm[7]
https://www.tienphong.vn...chu-chinh-ta-1112444.tpo[8]
http://tuyengiao.vn/prin...-truong-dai-hoc-thai-lan[9]
https://hanoimoi.com.vn/...inh-tri-hoc-cua-han-quoc[10]
https://zingnews.vn/tong...tai-cuba-post830319.html[11]
https://www.msn.com/vi-v...3Bsrcref=rss&index=1[12]
https://dantri.com.vn/xa...oi-20200429144638420.htm[13]
https://danluat.thuvienp...-an-tandtc-da-86455.aspx[14]
https://tuoitre.vn/co-an...ao-cung-duoc-1111663.htm[15]
https://plo.vn/phap-luat...ly-thai-tong-909100.html[16]
https://zingnews.vn/tong...hoa-viet-post652003.html