Võ sư Phan Toàn Châu và các môn sinh Tây Sơn võ đạo trong một cuộc tập huấn tại Pháp. Võ sư Phan Toàn Châu
Từ hơn 20 năm nay, phong trào võ thuật phát triển mạnh tại Pháp với hơn một triệu người tập luyện và 27 liên đoàn ghi danh hoạt động chính thức. (Tạp chí được phát lần đầu ngày 01/12/2019).
Mỗi môn phái chuyển tải một triết lý sống cho môn sinh. Các câu lạc bộ nở rộ, mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể nhập môn dễ dàng, với chủ đích luyện tập cho cơ thể khỏe mạnh, có một tinh thần tự tin để đối phó với những bất trắc trong cuộc sống.
Trăm hoa đua nở Theo tài liệu của bộ Thể Thao, với 550.000 judoka và 160.000 karateka, Nhu Đạo và Không Thủ Đạo là hai môn võ thuật được đại chúng tập luyện đông nhất, trong đó đa số là trẻ em.
Trong số 27 liên đoàn võ thuật khác nhau tại Pháp, môn võ Việt Nam tương đối khiêm tốn nhưng cũng có đến ba liên đoàn : liên đoàn Võ Thuật Việt Nam, liên đoàn Võ Cổ Truyền và liên đoàn Vovinam Việt Võ Đạo.
Nhưng nói đến phát triển võ thì không thể thiếu hai « thành tố » quan trọng là võ sư và võ đường. Dạy võ tại Pháp là « nghề hay nghiệp » ?
Chương trình Thể Thao RFI hôm nay tìm hiểu với một người trong cuộc : võ sư Tây Sơn Võ Đạo Phan Toàn Châu, 8 đẳng. Ông vướng vào nghiệp võ từ thời sinh viên « chân ướt chân ráo », cho đến nay là gần 45 năm.
******
RFI Tiếng Việt : Thân chào võ sư Phan Toàn Châu, với gần 45 năm dạy võ tại Pháp, câu hỏi đầu tiên là khi nói võ thuật phát triển mạnh tại Pháp thì mạnh là như thế nào ? Võ Sư Phan Toàn Châu : Nói về võ thì tại Pháp có rất nhiều, không đếm hết được. Không những các môn võ đến từ Á Châu mà còn có cả võ Mỹ « Full Contact », võ Nam Mỹ Jujitsu-Brazil, rồi có môn võ đến từ Trung Đông như võ Do Thái Krav-Maga. Tại Pháp, người ta ước lượng có trên một triệu người tập luyện võ thuật, nhưng phân nửa là tập Nhu Đạo.
Các môn võ được tổ chức trong 27 liên đoàn. Về việc truyền bá, các võ sư chuyên nghiệp đứng đầu môn phái có đông không ?Những võ sư chuyên nghiệp có thể họ không đứng đầu môn phái. Chuyên nghiệp, tức là sống về nghề võ thì là khác, đứng đầu môn phái lại là chuyện khác. Có người đứng đầu môn phái nhưng đó không phải là nghề chánh của họ. Nó lạ như vậy. Có những người không có đẳng cấp cao nhưng đi dạy là cái nghiệp của họ.
Bên Pháp cũng không có những trường võ như ở Á Đông của mình. Phần đông là các « associations », hiệp hội hay câu lạc bộ. Trong câu lạc bộ, có thể có hai ba môn hoặc nhiều hơn nữa, 20 - 30 môn võ. Chẳng hạn như câu lạc bộ mà tôi biết là Dojo de Grenelle (quận 15), lớn nhất Paris, có 20 môn võ trong đó. Với bốn sân tập, dạy bốn môn khác nhau cùng lúc. Mở cửa 6 ngày trên 7, có khi suốt cả ngày Chủ Nhật, từ 8 giờ sáng đến 10 giờ tối.
Một số màn biểu diễn của võ sư Phan Toàn Châu tại cung Bercy. Võ sư Phan Toàn Châu
Bản thân võ sư bước vào nghề dạy võ thuật này như thế nào ? Là nghề hay nghiệp ?Tôi dạy võ tại Pháp từ năm 1975 lúc mới qua đây tị nạn. Tuần lễ thứ hai đặt chân đến Pháp là tôi được trời thương cho đi dạy võ, theo lời mời của võ sư Le Conte Vĩnh Long và tiếp tục tới bây giờ để sống. Tại Việt Nam, thời học sinh, tôi có dạy võ tại trường Marie Curie.
Tại Pháp, người dạy võ lên đến vài ngàn nhưng sống bằng dạy võ thì rất ít. Tôi nghĩ không tới 50 người sống về nghề võ. Tôi bước vào nghề này từ thời sinh viên vì cuộc sống du học sinh thời 1975 rất khó khăn. Mặc dù đậu vào Đại Học Sư Phạm Sài Gòn và qua Pháp lấy được bằng cử nhân, mình thấy võ cho mình rất nhiều cho nên mình không bỏ võ được. Sau khi suy nghĩ kỹ, mình tiếp tục nghề võ. Nghề võ nó rất tự do và cho mình rất nhiều cho nên mình muốn làm một cái gì đó cho võ và cho võ Việt Nam.
Tự do và cơ hội gặp cao nhânVõ sư nói là dạy võ cho mình tự do và thích thú, nhìn lại hơn 40 năm qua, chắc có nhiều kỷ niệm vui buồn, xin chia sẻ với thính giả.
Trên trang bìa một tạp chí Pháp. Võ sư Phan Toàn Châu
Chuyện buồn xin đừng nói. Lên võ đài thua trận hay có học trò không tốt thì cũng buồn. Nhưng chuyện vui có thể nói và về Cung Bercy (Nơi tổ chức đại hội biểu diễn võ thuật quốc tế hàng năm tại Paris), mình được mời tham dự 11 lần, lần cuối là vào năm 2018.
Nhờ võ mà mình đi được khắp nơi trên thế giới, châu Âu, châu Á, châu Mỹ, châu Phi, trừ Úc thì chưa đến….
Mình được đến những đảo nhỏ của Pháp như Martiniques, Guadeloupe, Réunion… Hôm nay có dịp thì nhắc lại mình là một trong những người đầu tiên đem võ phổ biến tại Martiniques.
Nhờ đi mà mình gặp được những người mà nếu ở Việt Nam thì không bao giờ gặp…, gặp người hay về võ, hay về cách suy nghĩ, cái đạo đức của họ, cái triết lý sống của họ. Đúng là đi một ngày đàng gặp một sàng khôn. Trong những lần đi biểu diễn tôi gặp những võ sư hàng đầu trong nước của họ, những tổ sư của Nhật, của Đại Hàn. Họ rất giỏi về nội công, ngoại công, nhãn công… mà cũng có tư tưởng, suy nghĩ rất hay, cái tinh thần dân tộc rất cao. Anh coi, Đại Hàn, năm 1952 còn bị chiến tranh mà bây giờ sắp vượt qua nước Nhật. Cái tinh thần dân tộc cao đó được truyền ra cả võ đạo cho nên tinh thần võ đạo rất đẹp.
Võ Đại Hàn đâu phải đánh đấm không. Cái phần Tae Kwondo đi về Thế Vận Hội là khác. Còn cái tinh thần của những ông Thầy Đại Hàn khác với tinh thần Thế vận hội. Tinh thần dân tộc từ đó chuyển qua võ đạo, qua cách ăn, cách học của giới trẻ Đại Hàn. Những võ sư thì khỏi nói, họ có một tinh thần cư xử đối với người ngoài và với môn sinh rất đẹp.
Hơn 40 năm nghề võ với ít nhất 10 quyển sách võ thuật. Động cơ nào thúc đẩy võ sư tập trung thời giờ viết sách thay vì mở võ đường như nhiều đồng nghiệp ở Việt Nam ?Mình có mặc cảm võ biền nên phải viết văn. Năm nay, sau 44 năm dạy võ, tôi có mấy trăm môn sinh đai đen, cao nhất là đệ lục đẳng. Tôi hân hạnh viết quyển sách đầu tiên về võ thuật Việt Nam và bằng hình màu. Tổng cộng 11 tựa sách, trong đó có những chuyện cổ tích về võ thuật Việt Nam… với mục đích truyền bá để cho người Việt Nam và thế giới biết Việt Nam có võ sư biết văn và võ. Thời trước, ngoài các quan võ được thi cử, phần đông thầy võ của mình không biết chữ nhiều. Đó là điều thiếu sót của võ thuật Việt Nam.
Còn chuyện mở võ đường, không thể nào mở được bởi vì đất cát khá mắc. Tiền xã hội đóng cho chính phủ cũng nhiều. Thí dụ mình làm được 100 euro thì đóng cho chính phủ 33 euro không khác chi một bác sĩ (có phòng mạch). Đó là lý do rất nhiều võ sư không khai nghề của mình là võ sư. Đó là chưa kể tiền thuế.
Tại Pháp, không có võ đường mà chỉ có câu lạc bộ. Ít nhất 10 môn võ hợp lại trong một câu lạc bộ. Dù có khi được chính phủ tài trợ, một võ sư không thể đứng riêng một mình được.
Xin cám ơn võ sư Phan Toàn Châu, Tây Sơn Võ Đạo.
Theo RFI