Chúa và các môn đệ của Ngài trong tranh vẽ của Ambrose Dudley năm 1920. (Pinterest)
Câu nói quen thuộc, “Qua thập giá mới tới vinh quang,” trở thành một câu ngạn ngữ quan trọng cho đời sống đức tin của người Kitô hữu. Nếu Chúa Giêsu đã phải chịu nhục hình thập giá mới có được vinh quang phục sinh, thì tất cả những ai muốn bước theo Ngài cũng phải chấp nhận một cuộc sống từ bỏ để được thông phần trong vinh quang. Đó là cái giá mà không một người môn đệ nào, xưa và nay, có thể tránh khỏi.
Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói rõ với các tông đồ, nếu muốn theo Ngài, phải từ bỏ cha mẹ mình. Đối với người Do Thái ngày xưa, gia đình luôn nắm giữ căn tính quan trọng. Muốn biết người nào là ai, họ căn cứ trên cha mẹ người đó. Đó là lý do tại sao Thánh Kinh thường hay kèm theo tên người cha vào tên của người con khi được nhắc tới, chẳng hạn như “Phêrô con ông Giôna” hay “Gioan và Giacôbê con ông Giêbêđê.”
Ngay cả Chúa Giêsu, khi những người cùng quê quán với Ngài cần xác định rõ Ngài là ai, họ nói,
“Nào ông này chẳng phải là con bác thợ mộc sao?”
Do vậy, khi một người bị gia đình từ bỏ, người đó coi như là đã chết. Một vài nét về văn hóa của người Do Thái cho chúng ta thấy tương quan giữa con người và gia đình không thể tách rời được. Thế nhưng khi người môn đệ muốn theo Chúa, họ phải chấp nhận từ bỏ và tách rời ra khỏi gia đình, ngay cả với cha mẹ của họ.
Người môn đệ cần phải chấp nhận điều kiện này, và Chúa Giêsu muốn họ biết trước như vậy để khi gặp phải thử thách và chống đối, họ không ngã lòng. Đây là điều Chúa cũng muốn nói với chúng ta. Trong văn hóa của chúng ta ngày hôm nay, có thể chúng ta không đến nỗi phải từ bỏ gia đình, nhưng đối với những ai đã chọn theo Chúa, sẽ phải tiếp tục chọn Ngài trên hết mọi sự, và dĩ nhiên trên cả gia đình và cha mẹ và ngay cả mạng sống của mình. Đối với những ai chọn theo Chúa, Ngài hứa sẽ không để cho chúng ta thiệt thòi nhưng sẽ cho chúng ta tìm thấy mạng sống của mình.
Tuy nhiên việc từ bỏ không bắt đầu với chúng ta, nhưng là do ơn Chúa. Ngài gọi chúng ta trước và đón nhận chúng ta làm môn đệ cho Ngài. Phần chúng ta, chúng ta lắng nghe và suy xét xem sẽ đáp trả ra sao và dành cho Ngài một chỗ như thế nào trong trái tim của mình. Bài đọc một kể lại người phụ nữ thành Sunam đã dành cho Êlisê, người của Thiên Chúa, nguyên một căn phòng trang trọng trên lầu. Chúa cũng muốn có một nơi trang trọng trong tâm hồn chúng ta và không muốn bất cứ giá trị nào của thế gian chiếm mất vị trí của Ngài.
Sau khi hướng dẫn các tông đồ về những điều kiện cần thiết để đi theo Ngài, Chúa nói đến phần thưởng dành cho những ai tiếp đón những người rao giảng Tin Mừng. Ngài nói rõ, họ là những người được chính Chúa sai đi, và như vậy những ai tiếp đón họ là tiếp đón chính Chúa và Đấng đã sai Ngài. Chúa hứa, họ sẽ được lãnh nhận phần thưởng của những ngôn sứ và người công chính. Lãnh nhận lời Chúa và đem ra thực hành, tự bản chất, đã là một ân phúc cao quý, và ân phúc đó sẽ được nhân rộng ra khi chúng ta biết chân thành bày tỏ lòng biết ơn và quý mến đến những ai đem lời Chúa tới cho chúng ta. Phần lớn những người rao giảng lời Chúa đều có một tâm hồn truyền giáo nhiệt thành, gieo vãi hạt giống và mong muốn chúng đâm hoa kết quả. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có những trường hợp xấu, làm cho niềm tin của chúng ta bị giao động, nhưng không vì thế mà chúng ta chối bỏ lời Chúa hay hất hủi người môn đệ của Ngài. Chúng ta vẫn lắng nghe lời Chúa và tiếp đón người môn đệ trong tinh thần xây dựng. Phần thưởng dành cho những ai làm được công việc này chắc chắn sẽ dồi dào hơn.
Sứ vụ người môn đệ của Chúa luôn đòi hỏi một tinh thần hy sinh và dấn thân cao độ, trước hết phải chấp nhận một cuộc sống từ bỏ, và điều đáng tiếc nữa là đôi khi còn bị hất hủi và công kích. Tuy nhiên họ vẫn vui vẻ và say mê rao giảng lời Chúa bởi vì họ đã tìm thấy cuộc sống như Chúa đã nói. Riêng với những người có tâm hồn niềm nở đón tiếp họ, cũng sẽ được chia sẻ cùng một phần thưởng Chúa hứa ban.
LM PHẠM NGỌC HÙNG