Trong suốt hơn sáu tháng qua, không nói nhưng ai cũng thấy, là chúng ta đang sống trong thời kỳ của lo sợ. Đại dịch coronavirus cho đến nay vẫn đang là mối đe doạ đến cuộc sống, sức khoẻ và công việc của tất cả mọi người mà có thể nói chưa một ai đã từng trải qua. Chúng ta hoàn toàn không biết rồi đây tương lai sẽ đi về đâu. Bao giờ thì hết đại dịch? Khi nào có thuốc? Cuộc sống rồi có trở lại bình thường như trước nữa không? Biết bao nhiêu câu hỏi vang lên trong đầu và cho đến khi nào vẫn chưa có câu trả lời thì lúc đó tương lai vẫn còn là nỗi lo sợ âm ỉ trong mỗi người chúng ta.
Theo kết quả khảo sát hàng năm của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, tỷ lệ người dân Mỹ nói rằng “lo lắng về tương lai của đất nước là nguyên do gây ra thần kinh căng thẳng” đã tăng từ mức 63 phần trăm vào năm 2017 lên 83 phần trăm năm 2020.
Tuy nhiên, thậm chí kể cả trước khi có đại dịch, nỗi lo sợ về tương lai cũng đã cao sẵn rồi và nằm trong chiều hướng tiếp tục tăng cao. Kết quả thăm dò của viện Gallup cho thấy tỷ lệ người Mỹ trải qua những cơn lo lắng “trong suốt ngày hôm trước” đã tăng từ 36 phần trăm lên 45 phần trăm trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến 2018; tương tự, cảm giác căng thẳng tăng từ 46 phần trăm lên 55 phần trăm cũng trong khoảng thời gian này.
Nỗi lo sợ của con người rất khác nhau và do nhiều nguyên nhân đưa tới. Hãy để vấn đề đại dịch qua một bên, nỗi lo sợ có thể đến từ những vấn đề lớn trong xã hội như sự bất tín nhiệm các nhà lãnh đạo quốc gia, lo lắng về các vấn đề môi trường, và cũng có thể là từ những vấn đề gần gũi nhưng cấp thiết trong cuộc sống như làm gì để tự nuôi thân và chăm sóc cho gia đình của họ. Theo cuộc khảo sát thường niên mang tên “Khảo sát về nỗi lo sợ của người Mỹ” của Đại học Chapman, gần 74 phần trăm người Mỹ năm 2018 sợ hãi những giới chức hủ bại trong chính quyền, gần 62 phần trăm lo sợ ô nhiễm trong những nguồn nước, và 57 phần trăm sợ không có đủ tiền sống trong tương lai.
Một cách để đối phó với những nỗi lo sợ này là người ta phải cố gắng loại bỏ các mối đe dọa gây ra lo sợ. Tuy nhiên, trong khi những tiến bộ trong các lãnh vực kinh tế và xã hội là điều quan trọng và có thể giúp làm giảm bớt nỗi lo lắng sợ hãi, điều thực tế là người ta vẫn sẽ luôn luôn phải đối diện với những mối đe doạ và lo sợ về những điều gì đó trong cuộc sống. Vậy, để đối phó và chiến thắng nỗi lo sợ, như có người đề nghị, là hãy sử dụng cái cảm xúc đối nghịch với lo sợ như một thứ vũ khí để chống lại nó. Vũ khí đó không phải là sự bình tĩnh, cũng không phải là lòng can đảm, mà chính là tình cảm yêu thương. Đây là một ý kiến mới lạ và rất đáng nên bàn tới.
Môn sinh học thần kinh đương đại có đưa ra một vài bằng chứng cho thấy ý kiến trên là có căn cứ. Nói theo khoa học, sự lo sợ là một loại cảm xúc chủ yếu được điều tiết trong hạch hạnh nhân (amygdala), là một phần của bộ não có chức năng phát hiện ra mối đe dọa và gứi tín hiệu cho cơ thể để sản xuất ra loại hormone gây căng thẳng giúp chota nhận thức để sẵn sàng đối đầu với mối đe doạ đó hay là bỏ chạy. Chức năng này mặc dù là cần thiết cho sự tồn tại của con người những nó lại thường gây cho người ta cái cảm giác khó chịu.
Tuy nhiên, chúng ta may mắn có chiếc máy điều chỉnh tự nhiên cũng nằm ở trong hạch hạnh nhân: đó là chất hormone oxytocin, đôi khi được các nhà khoa học gọi là “phân tử yêu”. Oxytocin thường được sản xuất trong não để phản ứng khi cónhững giao tiếp bằng mắt và đụng chạm, đặc biệt là giữa những người thân yêu. Cái cảm giác mà nó tạo ra làm cho người ta thấy rất dễ chịu; mà thật vậy, cuộc sống không có nó thì khó có thể tồn tại được. Một vài bằng chứng cho thấy chất oxytocin sụt giảm là một trong những lý do đưa tới sự gia tăng trầm cảm trong thời đại dịch corona, với các biện pháp đóng cửa và giữ khoảng cách xã hội làm cho cơ hội giao tiếp giữa người với người bớt đi rất nhiều.
Chất oxytocin cũng cho thấy giúp làm giảm chứng lo lắng và thần kinh căng thẳng bằng cách ức chế phản ứng của hạch hạnh nhân với các kích thích bên ngoài. Nếu như ta có được sự liên hệ tình cảm với người khác, thế giới bên ngoài sẽ bớt đáng sợ và bớt đe dọa đối với ta – là vì tình cảm, hay nói cụ thể hơn, yêu thương đẩy lui nỗi lo sợ.
Nỗi lo sợ hiện tại của con người không phải là do những đe doạ trong xã hội ngày càng nhiều, mà ngược lại là khác. Mặc dù tất cả những khó khăn chúng ta phải giải quyết trong cuộc sống, thế giới của thế kỷ 21 được cho là an toàn hơn đối với đa số người dân toàn cầu so với thế giới của những thời đại trước. Trận đại dịch hiện nay chưa chấm dứt nhưng có lẽ mức độ thiệt hại do nó gây ra, kể cả tổng số người chết, có lẽ thấp hơn nhiều so với những trận đại dịch và những cuộc chiến tranh trong quá khứ. Vấn đề thực sự còn lại là vì con người thời nay có quá ít tình cảm trong cuộc sống để có thể bảo vệ chính con người chống lại sự lo sợ.
Người Mỹ ngày càng trở nên cô đơn hơn trong cuộc sống. Tình trạng này hiện đang là một vấn nạn trầm trọng đối với nước Mỹ đến độ Sở Y tế và Dịch vụ (HRSA) đã phải tuyên bố nó như một thứ “dịch bệnh cô đơn” và đưa ra những nguyên do như “sống cô độc, không lập gia đình … không tham gia vào các đoàn thể xã hội, ít bạn bè, và trải qua những mối quan hệ đổ vỡ”. Các nhà nghiên cứu xã hội sẽ còn phải mất nhiều thời gian để tìm cho ra nguyên do vì sao con người thời nay lại có cuộc sống quá khép kín như vậy. Nhưng điều rõ ràng là cuộc sống thiếu những mối quan hệ ràng buộc – giữa cá nhân với nhau và giữa cá nhân với xã hội – sẽ khó khả năng chống đỡ khi phải đối diện với nỗi lo sợ.
Điều đặc biệt đáng chú ý là ngày nay thanh thiếu niên và người trẻ trưởng thành không thích vướng bận vào những mối quan hệ tình cảm, hay nói cách khác là họ yêu ít hơn, so với những thế hệ trước. Cha anh của họ chịu yêu và yêu nhiều hơn họ nhiều. Khi mối quan hệ này không thành công thì họ ráng đi tìm mối quan hệ khác chứ đâu chịu ngồi yên. Nhưng thế hệ người trẻ thời nay thì ngược lại. Kết quả một cuộc nghiên cứu cho thấy người trẻ thời nay ít hẹn hò và lập gia đình hơn so với những thế hệ trước, kể cả sinh hoạt chăn gối họ cũng đâm ra lười biếng. Chuyện này thì quả thật là khó hiểu.
Theo một cuộc nghiên cứu có tên Khảo sát Tổng quan Xã hội (General Social Survey), tỷ lệ những người lập gia đình ở lứa tuổi đôi mươi sụt giảm từ 32 phần trăm xuống chỉ còn 19 phần trăm trong khoảng thời gian từ 1989 đến 2016. Trong khi đó, tỷ lệ những người trẻ không có quan hệ chăn gối trong năm vừa qua thì lại tăng từ 12 phần trăm lên 18 phần trăm.
Đại dịch Covid-19 làm cho tình trạng cuộc sống thiếu tình cảm lại càng trầm trọng hơn vì những biện pháp cách ly, và hơn nữa nhiều người lo ngại lây nhiễm bệnh trong những lúc giao tiếp: bạn bè sống xa cách nhau, hàng xóm tách biệt nhau, nhà nào thì ở nhà đó cho an toàn chứ không qua lại như trước đại dịch. Tuy nhiên, sinh hoạt và quan điểm chính trị cũng góp phần gây ra tình trạng cuộc sống thiếu tình cảm, và có phần tàn khốc không kém. Năm 2016, Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết người Mỹ ngày nay có nhiều khả năng không ngần ngại bày tỏ quan điểm tiêu cực về người khác nhiều hơn so với trước đây đơn giản chỉ vì những người này có liên hệ với một đảng chính trị đối lập, và điều này đặc biệt đúng trong nhóm những người thích tham gia vào các sinh hoạt chính trị. Theo kết quả một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos được thực hiện trong khoảng thời gian từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2017, có 13 phần trăm người Mỹ đã “cắt đứt quan hệ với một thành viên trong gia đình hay một người bạn thân vì cuộc bầu cử.”
Có người đã đưa ra một bài toán rất đơn giản để giải thích vì sao người ta sống với nhiều nỗi lo sợ : Cuộc sống cô lập cộng thái độ nghi kỵ bằng cuộc sống thiếu tình cảm; cuộc sống thiếu tình cảm bằng sống trong lo sợ. Vậy, để giảm bớt lo sợ trong cuộc sống, người ta cần phải mang thêm nhiều tình cảm vào trong cuộc sống. Sống chan hoà yêu thương sẽ giúp người ta giảm bớt tâm lý nghi kỵ và đề phòng người khác, và cuộc sống sẽ thảnh thơi hơn và nỗi lo sợ sẽ dần bớt đi.
Tình cảm là bản năng tự nhiên của con người, và có lẽ cũng giống như kỹ năng, nó cần phải được trau dồi, tập luyện thường xuyên. Thiếu tập luyện và thiếu thực hành thì đương nhiên tình cảm sẽ bị sói mòn đi. Nhưng nếu ta chịu trau dồi nó bằng cách sống yêu thương thì cuộc sống sẽ không còn hay ít ra sẽ bớt đi lo sợ – là vì yêu thương sẽ thắng lo sợ.
Huy Lâm