Khi bạn nghe từ 'người cầu toàn', gần như lập tức bạn sẽ nghĩ đến ai đó - sếp, đồng nghiệp hoặc thậm chí là cộng sự làm việc với bạn mà các tiêu chuẩn của họ hầu như không liên quan gì đến thực tế.
Họ mong chờ những điều không thể từ chính bản thân họ hoặc từ người khác, bỏ hàng giờ đồng hồ để làm những chỉnh sửa mà bất cứ ai cũng không nhận ra ngoại trừ chính họ, để rồi đến cuối tuần trở nên đuối và kiệt sức.
Không chọn người cầu toàn Thường những người này thậm chí còn tung hô đặc điểm này, la lớn cho mọi người biết: "Tôi là người hơi cầu toàn."
Đó là một cách khoe khoang và là cách để làm cho mình trở thành nhân viên sáng chói, khác với những người khác. Suy cho cùng, ai mà không muốn tuyển dụng người luôn phấn đấu vì sự hoàn hảo chứ?
Nhưng câu trả lời không hẳn lúc nào cũng là một tiếng 'Đúng'.
Càng ngày, các nghiên cứu càng cho thấy rằng tính cầu toàn không phải là một đặc tính chuyên nghiệp bạn nhất thiết phải ca tụng.
Nó thực sự có thể ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường làm việc, khiến đồng nghiệp xa lánh và khiến đội hình khó hòa hợp.
Nghiên cứu sắp công bố của các nhà tâm lý Emily Kleszewski và Kathleen Otto, thuộc Đại học Philipps ở Marburg, Đức, cho thấy những người theo chủ nghĩa cầu toàn nhiều khả năng không được đánh giá là người đồng nghiệp lý tưởng, thậm chí được ưa chuộng để làm việc chung.
"Nếu các đồng nghiệp có thể được lựa chọn giữa làm việc với một người cầu toàn và một người không cầu toàn," Kleszewski phân tích, "thì họ sẽ luôn muốn những người không cầu toàn - tức là người có đặt mục tiêu thực tế cho bản thân và cho mọi người."
Tính cầu toàn có thể len lỏi vào mọi ngóc ngách trong cuộc sống, nhưng trong môi trường làm việc chuyên nghiệp thì tính cách này xuất hiện nhiều hơn cả, bà cho biết.
"Nếu bạn hỏi mọi người là trong lĩnh vực nào họ mới cầu toàn, câu trả lời thường xuyên nhất luôn là nơi làm việc. Tự thân công việc liên quan rất nhiều đến thành tích và đánh giá."
Nghiên cứu thường tập trung vào năng suất thực sự của những người cầu toàn, thay vì ảnh hưởng của nó đối với môi trường làm việc của cả đội hoặc mối quan hệ giữa các cá nhân.
Nhưng điều đó đáng để tìm hiểu, Kleszewski nói. "Chúng tôi biết được từ nghiên cứu trước đây rằng môi trường công ty tốt là điều quan trọng đối với sự an lạc tinh thần tại nơi làm việc."
Thời điểm tiến hành nghiên cứu này cũng thích hợp: có bằng chứng cho thấy là tính cầu toàn đang gia tăng.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Một phân tích hồi năm 2018 của các nhà nghiên cứu Anh Andrew Hill và Thomas Curraninves đã khảo sát câu trả lời của hơn 40.000 sinh viên đại học về 'mức độ cầu toàn', được tổng hợp trong giai đoạn từ năm 1986 đến năm 2015.
Kết quả rất rõ ràng: người trẻ có xu hướng cầu toàn hơn nhiều so với các thế hệ trước. Các sinh viên đại học mới, dù là dưới 20 tuổi hay Thế hệ Z, đều có cảm nhận rằng mọi người mong đợi nhiều hơn ở họ, đồng thời có kỳ vọng cao hơn về bản thân và những người xung quanh họ.
Cầu toàn có tốt không? Thời kỳ khoảng trước năm 1910, 'chủ nghĩa hoàn hảo' thường được dùng để mô tả một quan điểm lý thuyết đặc biệt.
Trong thế kỷ trước, nó được dùng để mô tả một thế giới quan cụ thể: người cầu toàn là người tránh phạm sai lầm trong quá trình phấn đấu của bản thân.
Ban đầu, nhiều nhà tâm lý học cho rằng chủ nghĩa cầu toàn là hoàn toàn tiêu cực và gây loạn thần kinh nghiêm trọng.
Năm 1950, nhà phân tâm học người Đức Karen Horney mô tả những người cầu toàn là đang kinh hoảng trước "sự chuyên chế của việc 'lẽ ra nên làm thế này thế nọ'" - nên họ cảm thấy họ 'phải' có những lý tưởng đối chọi nào đó, phải có khả năng giải quyết mọi vấn đề, phải hoàn thành các nhiệm vụ bất khả thi, v.v...
Trong các thập kỷ kế tiếp, quan điểm học thuật đã trở nên mềm mỏng hơn một chút.
Một mặt, chủ nghĩa hoàn hảo dường như có tương quan chặt chẽ với những vấn đề sức khỏe tâm thần, bao gồm trầm cảm, lo lắng và rối loạn ăn uống.
Nói theo thuật ngữ nơi công sở, nó tương đương với kiệt sức và căng thẳng, vì mong đợi những điều không thể thì cũng đồng nghĩa với việc bạn phải chuẩn bị tinh thần để đón nhận thất bại.
Mặt khác, những người cầu toàn được cho là có động lực và tận tâm hơn những đồng nghiệp không cầu toàn của họ, cả hai điều này đều là những đặc tính được mong đợi ở nhân viên.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Trong trường hợp lý tưởng thì những người cầu toàn đã biến tiêu chuẩn cao của họ thành kết quả hoàn thành xuất sắc công việc, nhưng sẽ khiến bản thân và mọi người chùng xuống khi mọi thứ không diễn ra hoàn hảo như ý.
Nhưng sự cân bằng như vậy không phải lúc nào cũng dễ dàng có được.
Trong nghiên cứu của Kleszewski và Otto, những người cầu toàn và không cầu toàn được yêu cầu xếp hạng các đồng nghiệp tiềm năng về mức độ họ được mong muốn và mô tả trải nghiệm của họ khi hòa đồng với những người khác ở nơi làm việc.
Những người cầu toàn được đại đa số mô tả là có năng lực cao nhưng khó kết thân, còn những người không cầu toàn được đánh giá cao hơn về các kỹ năng xã hội và mức độ mọi người muốn làm việc với họ, ngay cả khi họ không được xem là có năng lực.
Những người cầu toàn dường như nhận thấy các đồng nghiệp có thái độ ít nhiều lạnh lùng với mình: nghiên cứu cho thấy nhiều người mô tả họ cảm thấy bị cho ra rìa hoặc đứng ngoài lề so với cả nhóm.
Các phương pháp tiếp cận khác nhau Ngày nay, hầu hết các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng sự cầu toàn thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau, có những dạng trong số đó có thể gây hại hơn dạng khác.
Một định nghĩa được nhiều người chấp nhận chia những người cầu toàn thành ba nhóm.
Ba dạng này gồm 'người cầu toàn do nhu cầu tự tại, tức là đặt ra các tiêu chuẩn rất cao đối với chỉ bản thân; 'người cầu toàn do đòi hỏi xã hội', tức là người tin rằng bạn có được người khác chấp nhận hay không tùy thuộc vào sự hoàn hảo của chính bạn; và 'người đòi hỏi người khác phải hoàn hảo', tức là mong đợi sự hoàn hảo từ những người xung quanh.
Mỗi dạng có điểm mạnh và điểm yếu riêng - và một số dạng có hại cho tác phong làm việc của nhóm nhiều hơn. (Nghiên cứu của Kleszewski và Otto đã chỉ ra rằng những người theo chủ nghĩa cầu toàn do nhu cầu tự bản thân sẽ dễ hòa đồng hơn rất nhiều so với những người trông đợi nhiều ở những người xung quanh).
Phân tích tổng hợp rộng lớn của các nghiên cứu kéo dài 30 năm do Trường Kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania thực hiện đã mở ra một hệ thống phân loại thường được sử dụng khác: 'tìm kiếm sự xuất sắc' và 'tránh thất bại'.
Loại người cầu toàn đầu tiên cứ chăm chăm vào đạt được các tiêu chuẩn cao quá mức; loại thứ hai thì luôn ám ảnh về việc làm sao để không phạm sai lầm.
Mặc dù cả hai nhóm đều thể hiện một số mặt trái của tính cầu toàn, trong đó có tính tham công tiếc việc, tâm trạng lo âu và kiệt sức, nhưng những mặt trái này đặc biệt đúng với những người cầu toàn 'tránh thất bại', là nhóm người nhiều khả năng sẽ không chịu 'dễ dàng thỏa hiệp'.
Mặc dù người cầu toàn có thể là những đồng nghiệp không mong muốn, nhưng có lẽ đáng ngạc nhiên là không có mối liên hệ nào giữa tính cầu toàn và hiệu suất công việc trong cả hai dạng, nhà nghiên cứu Dana Harari cho biết.
"Đối với tôi, điều rút ra quan trọng nhất của nghiên cứu này là không có liên hệ giữa tính cầu toàn và thành tích," bà nói. "Mối liên hệ đó không cùng chiều, cũng không trái chiều, nó chỉ thực sự là không hề tồn tại."
Người đồng nghiệp cầu toàn của bạn có thể đang đẩy bản thân họ đến thất bại - đặc biệt trong việc hòa hợp với người khác.
Nghiên cứu cho thấy bằng cách dồn hết sức lực vào một công việc, họ có thể sơ suất bỏ bê những việc khác sau này, hoặc bỏ lỡ giá trị của việc duy trì mối quan hệ tích cực với đồng nghiệp.
Những người làm sếp của người cầu toàn nên khuyến khích họ bỏ tâm sức ít hơn cho công việc và nhiều hơn cho sự an lạc của bản thân.
Và nếu bạn đọc bài này với cảm giác tội lỗi ăn sâu về hành vi của bản thân ở công ty, hãy thoải mái với chính mình. Suy cho cùng, không có ai hoàn hảo cả.
Theo BBC