Người muốn lấy đề mục từ tâm để tu tập Samatha thì phải thu xếp một nếp sống vệ sinh cá nhân từ thân thể, vật dụng, trú xứ và về nội tâm. Áo quần của hành giả phải thật sạch sẽ thoải mái. Hành giả phải xác định lúc này mình không có một rắc rối gì về tình cảm như nhớ thương, thù hận hay sợ hãi bất cứ ai hay thứ gì.
Cũng như với các đề mục khác, hành giả tu tập từ tâm phải có một chỗ vắng vẻ yên tĩnh để an tâm ngồi yên trong suốt thời gian đã định. Lần nào bắt đầu tọa thiền, hành giả cũng phải niệm tưởng Tam Bảo, thầy tổ và nguyện cúng dường thân mạng cho Đức Phật, rồi tự xác định giới hạnh của mình có thanh tịnh hay không.
Khi ngồi thiền, tư thế ngồi phải được như ý. Lưng và cổ phải giữ thẳng một cách tự nhiên, không khom cúi hay tì, dựa, phải sớm nhận ra bất cứ dấu hiệu căng thẳng nào trong tư thế để kịp thời điều chỉnh. Muốn ngồi thiền lâu thì phải vững vàng và thoải mái, không để nghiêng lệch hay có tư thế bất tiện nào. Theo kinh nghiệm của nhiều hành giả thì tùy cơ thể mỗi người mà ta nên tránh kiểu ngồi nào dễ chèn mạch máu. Hai lòng bàn tay nên để ngửa trên đùi hay trên đầu gối, không nhất thiết phải gài vào nhau như nhiều người hiểu lầm.
Hành giả tu tập đề mục từ tâm phải nhận thức cái hại của tâm sân và cái lợi của từ tâm và kham nhẫn chứ không phải chỉ đơn giản là cầu công đức khi tự mình chưa thấy sợ cái nguy hiểm của tâm sân, của việc thiếu kham nhẫn.
Người sống bằng từ tâm thì trong từng phút sinh hoạt cũng bình tĩnh, an lạc và an toàn hơn người thiếu từ tâm. Không chỉ giận mất khôn, mà thương quá cũng mất khôn. Tham ái và sân hận là hai thứ phiền não phải tránh. Hành giả tu tập từ tâm thì không ghét ai, cũng không bất mãn sự vật gì ở đời, nên không có tâm sân. Lòng từ mẫn là mở lòng ra để thương chớ không phải siết chặt vòng tay để ôm, nên tâm tham cũng không có cơ hội ở đây, vì tham là ôm ấp, cầm nắm, siết chặt, ghì cứng.
Đã có nhiều chứng minh khoa học cho thấy cả tham và sân đều gây nên những hiệu ứng bất lợi cho tim mạch và huyết áp, và tâm từ mẫn thì luôn giúp cho mọi áp lực sinh lý được lắng yên, buông xả. Đó là chưa nói đến những giá trị tâm linh hay công đức cho đời sau kiếp khác.
Tu tập từ tâm cũng là cách trau dồi khả năng kham nhẫn, chịu đựng. Nhìn quanh đời sống ta thấy đâu cũng là cảnh bất toại nhiều hơn chuyện như ý, nên người có khả năng kham nhẫn và yêu thương chúng sanh chính là người có khả năng sống an lạc giữa đời. Trong kinh Akkosasutta (Tăng Chi), Đức Phật dạy rằng người kham nhẫn có được năm lợi ích lớn là:
- Được nhiều người mến thương
- Tránh được nhiều nguy hiểm tai họa,
- Ít mắc lầm lỗi - không làm gì để mình phải hối hận
- Dễ giữ được bình tĩnh lúc cận tử
- Khả năng sinh thiên cũng cao hơn người bình thường, một phần lý do là đương sự có thể chịu đựng và đối phó được những cảm giác khốc liệt lúc mạng chung.
Từ tâm là cách tốt nhất để trau dồi khả năng kham nhẫn, tức khả năng chịu đựng trước mọi người, mọi vật và mọi việc. Kham nhẫn chính là sức sống mà cũng là khả năng tự vệ tốt nhất. Có chịu đựng nổi cuộc đời thì ta mới có thể thương lấy nó.
Người có thể nhờ tình mẫu tử mà chịu đựng được chướng tật của đàn con, nhưng không thể kham nổi một người xa lạ mà mình không thương yêu. Đây là lý do vì sao Đức Phật dạy rằng một người có từ tâm đúng mức luôn thương lấy muôn loài bằng tấm lòng của một người mẹ đối với đứa con duy nhất của mình.
Khi hành giả còn là một phàm phu thì thương và ghét vẫn là hai thứ phiền não tiềm tàng đâu đó trong tâm khảm nên buổi đầu mới tập sự với đề mục từ tâm cần cố tránh nghĩ đến ba đối tượng là:
- Người hay vật mà mình quá ghét sợ
- Người hay vật mà mình quá thương thích
- Người hay vật mà mình có ấn tượng quá mơ hồ, như người đã chết chẳng hạn.
Những đối tượng đó không thích hợp cho từ tâm buổi đầu của ta. Tuy nhiên tùy người mà buổi đầu ấy dài ngắn bao lâu. Theo kinh nghiệm của ngài Sayadaw Chanmyay thì cách tốt nhất để có được từ tâm với ai đó thì ta nên nghĩ đến cái hay, điều tốt của họ. Nếu đó là một đối tượng không có gì khả ái khả kính thì tối thiểu cũng nghĩ đến cái đáng thương của họ để mà thương. Với người không sẵn giàu từ tâm thì phải dùng đến phương cách tự kỷ ám thị là niệm hoài một câu “Mong họ được an lành, không khổ đau.” Sau nhiều ngàn lần thì ta cũng tự dưng thương được họ. Kinh nghiệm này chỉ có người hành trì mới tin được mà thôi.
Khi ta muốn rải từ tâm cho thầy tổ của mình thì hình ảnh về họ không quan trọng mà cái quan trọng là lòng của ta nghĩ về họ. Ta chỉ chân thành nghĩ đến sức khỏe và niềm vui mà họ nên có. Với các đối tượng khác cũng vậy. Giống như ta đang chăm sóc một người già hay người bệnh trong phòng tối, ta không thấy rõ mặt họ mà chỉ dốc lòng phụng sự với mong mỏi là họ được khỏe hơn, vui hơn mà thôi.
Lần đó một vị sư người Úc pháp danh Vimalaramsi đến xin ngài Chanmyay Sayadaw hướng dẫn phép tu từ tâm. Trước đó vị này đã tu Tứ Niệm Xứ được năm tháng. Ngài Sayadaw khuyên vị này cứ theo Thanh Tịnh Đạo mà thực tập. Hai-mươi lăm ngày sau, nhiều người cứ thấy vị sư người Úc này mỉm cười một mình như người bị tâm thần. Thậm chí nhiều lúc có người còn nghe cả tiếng cười của vị này ở chỗ không có ai.
Trong một buổi trình pháp ngài thiền sư đem chuyện đó ra hỏi sư Vimalaramsi xem có đúng như vậy không. Vị này trả lời rằng thỉnh thoảng trong lúc tu tập từ tâm lại nghĩ đến một người bạn rất thân và vô cùng tốt bụng đã giúp đỡ vị này rất nhiều và cứ mỗi lần rải tâm từ đến người bạn đó thì sư Vimalaramsi lại thấy người bạn ấy mỉm cười với mình. Và như một phản xạ tự nhiên, vị sư này cũng mỉm cười đáp lại như là đang đứng trước mặt người bạn mình. Cuộc gặp gỡ đó chỉ diễn ra trong nội tâm nhưng với Sư Vimalaramsi thì nó rõ mồn một. Lúc ấy người ngoài không hiểu được chuyện này nên ai cũng thấy lạ. Ngài thiền sư giải thích rằng nếu mọi việc đúng như vậy thì hình ảnh mà vị sư người Úc nhìn thấy kia là do tâm định tạo ra, giống như hình ảnh trong giai đoạn nhiếp tướng (Uggahanimitta) của các đề mục Kasina, nhắm mắt rồi mà hành giả vẫn cứ thấy rõ sờ sờ ra đó.
Một người đắc thiền bằng đề mục từ tâm thì có thể sống trong đó nhiều ngày liên tục, đồng thời ranh giới giữa thân và tâm của đương sự gần như không còn nữa, vị ấy chỉ nghĩ đến người khác và sống hết mình với lòng từ mẫn mà quên phần tấm thân của chính mình.
SƯ SAYADAW U INDAKA
Theo New Dharma Readers Facebook