logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 09/05/2021 lúc 09:59:56(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Nhân Mother's Day, vinh danh hai người mẹ Việt Nam

UserPostedImage
Hình minh họa.

Theo truyền thống văn hóa Hoa Kỳ, hàng năm vào ngày Chủ nhật thứ hai của Tháng Năm là ngày lễ “Mother's Day” (Ngày của Mẹ). Năm nay, “Ngày của Mẹ” rơi vào ngày 9-5-2021. Trong ngày này, người chồng và các con thường có thói quen gửi thiệp chúc mừng, tặng hoa, mua sắm quà tặng cho người Mẹ, tổ chức những bữa ăn ở nhà hay nhà hàng để bày tỏ lòng biết ơn người Mẹ có công sinh thành dưỡng dục (đối với các con) hay chia sẻ mọi nỗi trong cuộc sống lứa đôi (đối với người chồng, cha của những đứa con). Trong quan hệ xã hội, vào ngày “Mother’ s Day”, câu chúc trên cửa miệng của người Hoa Kỳ là “Happy Mother’s Day” khi gặp các bà đã làm mẹ hay phụ nữ sẽ làm mẹ.
Tục ngữ Việt Nam có câu “Nhập gia tùy tục, đáo sông tùy khúc”. Vì thế, nhân dịp “Mother’s Day” năm nay, ngoài Thiệp chúc mừng kèm một bó hoa hồng tươi tặng hiền thê như hàng năm, tôi muốn viết bài này để vinh danh hai người Mẹ Việt Nam. Đó là Mẹ tôi (đã khuất) và Mẹ của các con tôi, là hiền thê của tôi.
Vinh danh Mẹ tôi, người Mẹ đã khuất ở tuổi 90 (1913-2003) mà gần cả cuộc đời đã sống cô đơn, vất vả một mình dưỡng nuôi tôi ăn học, khôn lớn thành người.
“Chốn ngục tù canh khuya thao thức,
Nhớ Mẹ hiền ngăn cách đôi nơi,
Con thương Mẹ lắm, Mẹ ơi!
Vì đời Mẹ đã ít vui khổ nhiều…”
Thật vậy, nghe Mẹ tôi kể, khi tôi còn trong bụng mẹ, Cha tôi đã đưa bà từ quê nội về quê ngoại để sinh tôi, rồi ông ra đi biệt tăm biệt tích. Khi đó là vào khoảng những tháng đầu năm 1945, Mẹ tôi mới ngoài 30 tuổi. Khoảng một tháng sau Mẹ sinh tôi ra không có Cha bên cạnh. Mẹ tôi đã sống và nuôi tôi dưới sự bao bọc của bà ngoại và tình thương của chị em, con cháu bên ngoại.
“Mẹ ơi, con còn nhớ đôi lần Mẹ nhắc,
Chuyện Cha con bỏ mặc con thơ,
Và mình Mẹ bơ vơ về quê ngoại,
Con đã sống những ngày thơ dại,
Bằng tình thương bên ngoại ban cho,
Con đã sống những ngày no đủ,
Bằng tình thương ấp ủ Mẹ hiền,
Và ngày tháng triền miên trong lòng Bà Ngoại…”
Mãi đến năm lên bốn tuổi (1945-1949) tôi mới được gặp một người mà “U tôi” nói với tôi “Thày mày đấy”. Tôi rụt rè, e ngại, nắm áo Mẹ, lấm lét nhìn người đàn ông xa lạ mặc âu phục, veston, cà vạt… Tương phản với Mẹ tôi ăn mặc quê mùa, áo cánh, quần đen, đầu vấn khăn độn chít khăn nhung mỏ quả. Tôi nhớ lần đầu tiên gọi Cha tôi là “Thày” là khi ngồi trên xe hàng (xe chở khách) từ Phủ Lý, thủ phủ của Tỉnh Hà Nam, theo Cha tôi về Nam Định, dọc đường xe ngừng lại. Tôi thấy người ta bán kem (cà-rem) và quà bánh dưới đường, thì xin Mẹ “U! con muốn ăn kem”. Mẹ tôi chỉ cha tôi ngồi ghế băng trước, vì bà mới ở nhà quê lên tỉnh đâu có tiền. Tôi rụt rè vỗ nhẹ vai Cha tôi “Thày! Con muốn ăn kem”. Ông lẳng lặng móc ví đưa cho tôi mấy xu và nói nhỏ với tôi câu này “gọi là cậu, đứng gọi là thày”. Sau này tôi mới biết dân tỉnh thành ở Miền Bắc thời đó gọi cha mẹ bằng “Cậu, Mợ”. Từ đó tôi gọi Cha tôi là “cậu”, song vẫn gọi Mẹ tôi là “U”. Mãi sau này tôi mới biết là, năm đó Cha tôi đã đưa Mẹ tôi về quê ngoại sinh tôi rồi đi biệt tích vì ông lên Hà Nội tham gia “Cướp chính quyền tháng 8 năm 1945” do Việt Minh (một tổ chức trá hình của Việt cộng) thực hiện. Sau đó, khi Nhật trong phe trục (Đức-Ý-Nhật) bại trận phải đầu hàng phe đồng minh (Mỹ-Anh-Pháp…) trong Thế Chiến II; rồi Pháp trở lại, Việt Minh phát động và chủ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp 8 năm cuối cùng (1946-1954). Có lẽ do Cha tôi là người thông thạo nói và viết tiếng Pháp (gốc nhà tu xuất tu khi gặp Mẹ tôi ở một xứ đạo mà ông là Thày giúp xứ), nên Việt Minh đã cài được Cha tôi vào làm việc trong Sở mật thám của Pháp (Deuxième Bureau: Phòng Nhì) ở Nam Định.
Thế rồi, Mẹ con tôi chỉ sống chung với Cha tôi khoảng hai năm (1949-1951), dường như bị lộ do Pháp nghi ngờ gì đó... Thế là Mẹ tôi lại phải đem tôi và đứa em trai mới sinh chưa đầy năm về lại quê ngoại ở “vùng tự do” (Do Việt Minh kiểm soát, tương tự như “vùng giải phóng” do Việt cộng kiểm soát sau này), khác “Vùng tề” (Do Pháp cai trị, tương tự như vùng quốc gia do chính phủ quốc gia VNCH sau này kiểm soát). Còn Cha tôi được “Tổ chức” điều vào Miền Nam làm công nhân cạo mũ, rồi phơi mũ trong nhà máy tại Đồn điền cao xu đất đỏ Hớn Quản, Quản lợi (Bình Long, An Lộc sau này) để hoạt động trong phong trào công nhân.
Sau Hiệp Định Genève 1954 chia đôi đất nước, Mẹ tôi đem tôi di cư vào Miền Nam tìm gặp lại Cha tôi. Có lẽ, bằng những kinh nghiệm sống trong “vùng tự do” của Việt Minh cộng sản, Mẹ tôi đã thuyết phục được Cha tôi từ bỏ ý định “tập kết” trở về Miền Bắc; cùng Mẹ con tôi đến sống tại Trại di cư Bàu Trai thuộc Tỉnh Long An. Tại đây, một lần có một người Cha tôi gọi là chú Hựu (hay Xứng) từ Đồn điền cao su đến thăm, khuyến dụ Cha tôi rằng “Anh trở lại với chúng em. Vì chúng em rất cần anh…” Sau đó dường như muốn tránh sự lôi kéo trở lại hoạt động thời “chống Mỹ cứu nước” sau này của Việt Cộng, Cha tôi tìm cách đưa gia đình lên sống ở một dinh điền tân lập trên Banmêthuột (Trại Chi Lăng) để làm ruộng rẫy. Vì “ăn phải bả tuyên truyền của Việt Minh” như Mẹ tôi nói, nên có lẽ Cha tôi đã coi chính quyền quốc gia chỉ là công cụ của ngoại bang, thực dân Pháp trước, “đế quốc Mỹ” sau. Vì thế Cha tôi đã không đem sở học và kinh nghiệm nghề nghiệp (tình báo, dạy học..) ra cộng tác với chính quyền quốc gia, mà đưa gia đình làm ruộng, làm rẫy. Với tướng học trò, như Mẹ tôi nói, không quen với lao động nặng nhọc, ăn uống kham khổ, Cha tôi chết vì lao lực vào năm 1960 ở tuổi 53 (1907-1960) tại nhà thương công thành phố Banmêthuột. Thế nên…
“Từ những đêm mưa tuôn Đồn điền Đất Đỏ,
Đến những ngày nắng gió Đất đỏ Cao Nguyên,
Gia đình ta đang sống bình yên,
Cha vội bỏ về miền thiên cổ,
Khi luống đất trồng khoai còn bỏ dở,
Mẹ lại một mình đói khổ nuôi con!”...
Như vậy là cả đời Mẹ tôi chỉ sống chung với Cha tôi trước sau chưa đầy mười năm. Năm 1960 Cha tôi mất, khi đó tôi mới 15 tuổi. Mẹ con phải làm ruộng làm rẫy và gói bánh bán nuôi thân.
“Mẹ ơi!
Mẹ có nhớ những chiều nắng Hạ,
Ta vào rừng tìm hái lá dong,
Đem về ta gói bánh chưng,
Con đem đội bán khắp vùng Chi Lăng
on tủi phận nên càng gắng học,
Mẹ thương con nào quản nhọc nhằn,
Mong sao con sớm thành nhân,
Để Mẹ bớt phần nặng gánh lo toan”…
Mặc dầu Mẹ tôi quê mùa ít học, chỉ biết đọc, biết viết, nhưng đầu óc rất tiến bộ. Mẹ tôi lúc sinh thời, mỗi khi có ai nói “Bà chỉ có một mẹ một con, sao không cưới vợ sớm cho cậu ấy để có cháu bế bồng…” Mẹ tôi luôn trả lời rằng “Tôi không có của cải gì để lại cho con, nhưng sẽ để chữ nghĩa cho nó. Nếu ngày nào nó còn muốn học, tôi sẽ nuôi nó ăn học. Vì ngày xưa lúc cha mẹ tôi thuê thày về nhà dạy học cho tôi và cậu em trai, tôi đã tìm cớ trốn học nên mới thất học như hôm nay…” Quả thực tôi được học hành đến nơi đến chốn, chính là nhờ Mẹ tôi đã để tôi được tự do học hành, chọn vợ, lấy vợ…
Vì vậy tôi đã chọn vợ và cưới vợ năm 28 tuổi (1945-1973), khi công đã thành, dù danh chưa toại do thời thế đổi thay. Vợ tôi sinh tại Hà Nội, Cha là công chức chính phủ quốc gia, khi di cư vào Nam năm 1954, còn bế ngửa trên tay. Chúng tôi gặp nhau năm 1972, yêu nhau, rồi cưới nhau một năm sau đó. Hiền thê của tôi, chính là người Mẹ thứ hai của bốn đứa con sau này mà tôi muốn vinh danh trong bài viết này.
Vinh danh vì hiền thê đã sinh cho tôi bốn đứa con, ba gái, một trai, hoàn hảo về thể chất và tinh thần; và cùng tôi nuôi dạy các con khôn lớn thành người hữu dụng cho bản thân, gia đình và xã hội. Con gái đầu lòng sinh ngày 7-4-1975, đúng 23 ngày trước biến cố đổi đời 30-4-1975. Khi đến Hoa Kỳ năm 1992 cháu 16 tuổi, đã tốt nghiệp Tiến sĩ Dược khoa. Đứa con út đến Mỹ mới 3 tuổi cũng đã tốt nghiệp Tiến sĩ y khoa. Còn hai đứa giữa, con gái 44 tuổi làm y tá, con trai 42 tuổi đang làm chuyên viên kỹ thuật thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
Nhưng điều đáng vinh danh hơn nữa, là trong thời gian ba năm tôi bị cầm tù vì tham gia thành lập và hoạt động trong Mặt Trận Nhân Quyền Việt Nam, Hiền thê của tôi đã vất vả trăm bề, làm đủ mọi nghề lương thiện để phụng dưỡng Mẹ tôi, nuôi dạy các con tôi và chắt chiu từng đồng mỗi tháng để có đủ tiền mua đồ thăm nuôi tôi trong những tháng năm tù đày (1978-1981). Hiền thê cũng là Mẹ của bốn đứa con tôi, đã phải đi bán dạo vé số, bán quần áo cũ, buôn (lậu) hàng chuyến, bán thuốc Tây chợ trời…. Tất cả được ghi nhận, vinh danh qua bài thơ “Nhớ Vợ hiền” cảm tác từ nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu vào năm 1980:
“Chốn ngục tù canh khuya thao thức,
Nhớ vợ hiền ngăn cách đôi nơi,
Anh thương Mình lắm, Mình ơi?
Vì đâu em phải cảnh đời đắng cay?
Nghe Em kể những ngày gian khổ,
Theo chị em làm đủ mọi nghề,
Từ những chuyến xuôi về Miền Tây chạy gạo,
Đến những ngày bán áo buôn quần,
Đó đây lăn lộn một thân,
Bây giờ lại bán thuốc Tây chợ trời,
Trải bao ngày rộng, tháng dài,
Còn đâu vóc liễu, thân mai ngày nào?
Suy đi càng thấy xuyến xao,
Nghĩ lại dạt dào cảm xúc yêu thương,
Yêu thương càng thấy tơ vương,
Như cảnh trời buồn vì áng mây che…”
Xin được kết thúc bài “Vinh danh hai người Mẹ Việt Nam” nhân Mother’s Day (Ngày của Mẹ) năm nay 2021, bằng những câu kết của hai bài thơ cảm tác từ trong nhà tù Việt Cộng số 4 Phan Đăng Lưu năm 1980:
“Nhớ Mẹ hiền”, rằng:
“Thôi Mẹ ạ! Con xin minh xác,
Với Mẹ rằng con sắp thành nhân,
Mai đây khi được sống gần,
Sẽ làm cho Mẹ có phần sướng vui,
Bên đàn cháu nhỏ thương yêu,
Là niềm an ủi xế chiều Mẹ ơi!”
“Nhớ Vợ hiền”, rằng:
“Bao giờ gió cuốn mây đi,
Là lúc anh được trở về bên Em.
Đôi ta vui sống bình yên,
Nuôi con, dưỡng Mẹ một niềm thủy chung”.

Houston, Mother Day 2021.
Thiện Ý (VOA)
__________________
Chú thích:
Những câu thơ trong bài viết đều là trích đoạn từ hai bài thơ “Nhớ Mẹ hiền” và “Nhớ Vợ hiền” mà chúng tôi cảm tác năm 1980 tại nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu gần Chợ Bà Chiểu và Lăng Ông (Lê Văn Duyệt) Gia định.

Sửa bởi người viết 09/05/2021 lúc 12:08:52(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

song  
#2 Đã gửi : 09/05/2021 lúc 12:10:18(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Ngày Lễ Mẹ

Thế là ngày lễ mẹ lại về, thế nhân rộn ràng với bao lời chúc, với hoa tươi và những món quà… Những  người con lại có phút giây xao lòng hay chạnh lòng nghĩ về mẹ, tưởng nhớ mẹ. Những nghệ sĩ lại viết thêm bài nhạc, bài văn hay bài thơ mới về chủ đề mẹ. Đời sống hiện đại hôm nay vô cùng hối hả và bận rộn, nhiều khi con người ta vô tình lơ đễnh quên đi ơn nghĩa mẹ cha. Ngày lễ mẹ là một ngày lễ đầy tính nhân văn cao cả, giúp đánh động tâm mọi người, nhắc nhở mọi người nhớ về mẹ ( về đấng sinh thành nói chung).


 Các bà mẹ trên đời đều vĩ đại cả, theo như một danh nhân phương tây từng nói:” Mẹ là món quà tuyệt vời nhất mà thượng đế ban tặng cho loài người”. Dân gian ta thì thiết thực hơn, gần gũi hơn, thân mật hơn:


”Mẹ già như chuối ba hương 
   Như xôi nếp một như đường mía lau”,
hoặc đơn giản hơn nữa:
“Không chi bằng cơm với cá, không gì bằng má với con”.

Người mẹ thân thiết, ngọt ngào và thơm tho như chuối ba hương. Mẹ như đường mía lau, như bát cơm với cá… Không còn gì gần gũi hơn và thiết yếu hơn những món trên. Mẹ, chính là người tạo ra những món trên và cũng là hiện thân như những thứ ấy. Những đứa con lớn lên nhờ những món này, nhờ sự mang nặng đẻ đau, nhờ sự chăm sóc của mẹ. Những đứa con lớn lên, đủ lông đủ cánh bay xa bốn phương nhưng có mấy ai quên: chuối ba hương, đường mía lau, bát cơm có cá kho… hay nói cách khác có ai quên được người mẹ tần tảo sớm hôm để rồi có mình hôm nay! Cũng người dân quê, cái tình, cái nghĩa, cái tâm hồn lân mẫn nhớ mẹ, thương mẹ: 


“Mẹ già như chuối chín cây
  Gió lay mẹ rụng con rày mồ côi”


 Mẹ là một đề tài vô tận, một nguồn cảm xúc vô biên để cho thế nhân sáng tác. Đã có vô số những bản nhạc, bài thơ, tác phẩm văn, tranh, ảnh, tượng… về mẹ và sẽ có những sáng tác mới vẫn đang và sẽ tiếp tục tôn vinh người mẹ, ca tụng mẹ. Dẫu có thế nào đi nữa cũng khó mà diễn tả hay nói cho trọn công lao của mẹ ( cha mẹ nói chung). Những sáng tác của người nghệ sĩ chỉ là nét chấm phá, chỉ là phản ảnh được từng khía cạnh nào đó mà thôi. Làm sao có thể mô tả trọn vẹn được? Biển cả mênh mông không thể dùng chung rượu mà lường, hư không bao la, không thể dùng thước thợ may để đo. Ai đó đã viết nên câu này ( giờ thường thấy ở những dòng thư pháp):


”Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
   Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha” 


Công ơn của mẹ mang nặng đẻ đau, vất vả nuôi con tháng ngày. Mẹ suốt đời quan hoài lo lắng, vui với những gì người con đạt được trên đường đời; khổ đau với những mất mát thất bại và lại tiếp tục hỗ trợ cho con, cho dù sức đã yếu, lực đã tàn, dù đã gần đất xa trời... Có những người con cũng biết nghĩ về mẹ, nhưng cũng không hiếm những người con bất hiếu:


"Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng
   Con nuôi cha mẹ tính tháng kể ngày”


Mẹ nuôi con, thương con vô điều kiện, nhưng con thương mẹ thì tính toán đo lường hơn thiệt, nặng nhẹ  mưu toan.


 Những bà mẹ trên đời đều vĩ đại, tuy nhiên với cái môi trường sống khác nhau, tập quán văn hóa khác nhau mà những bà mẹ phương tây và phương đông có cách thương và hành xử khácnhau.

Những bà mẹ Việt gần như cả đời hy sinh cho chồng con, nuôi nấng dẫn dắt đứa con từ tấm bé cho đến khi rưởng thành:


“Ví dầu cầu ván đóng đinh
 Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
 Khó đi mẹ dắt con đi
 Con thi trường học mẹ thi trường đời”


Sự trưởng thành, sự thành công của người con trên đường học vấn, công danh sự nghiệp là nhờ mồ hôi nước mắt của người mẹ đổ ra trên đường đời. 


Những bà mẹ phương tây cũng yêu con cái rất mực, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ con cái, nhưng những bà mẹ phương tây trông rất cứng rắn, dứt khoát không có lối nhẫn nại, mềm mỏng như người mẹ Việt. Người mẹ phương tây cũng không quá vất vả trong việc nuôi con và cũng không có cái lối suốt đời hy sinh cho con.


 Ngày lễ mẹ, nhớ mẹ, nghĩ về mẹ. Những người con xa chắc không khỏi chạnh lòng, khoảng cách xa diệu vợi làm sao sớm hôm thăm hỏi, chăn sóc khi ốm đau, khó mà phụng dưỡng dù chỉ là tối thiểu... Hoàn cảnh quốc độ xa xôi làm sao vượt qua được? Âu cũng là cái khổ trong tám khổ mà Phật đã nói:  Ái biệt ly khổ” là vậy! Khi những đứa con trưởng thành cũng là lúc cha mẹ dần già đi, khi những đứa con tóc xanh thì mẹ tóc dần phai màu. Mỗi đứa con là một giọt máu đào, là một khúc ruột rút ra. Khi những đứa con vô minh bất hiếu với mẹ cha thì cũng chính là tự hại lấy thân mình, tự rước họa về sau cho chính bản thân.


 Truyền thống phương đông con người ta ít biểu lộ tình cảm, thường che giấu cảm xúc của mình, rất ít khi người mẹ hay người con nói “Mẹ yêu con, con yêu mẹ” kiểu như người phương tây. Người mẹ Việt ít khi nào nói yêu thương như người mẹ phương tây, biểu hiện kín đáo, tình cảm ẩn giấu đằng sau những câu nói, câu hỏi tưởng chừng như vu vơ, tỷ như:” Con ăm chưa? Con có mệt không? Con mới về? Con chuẩn bị đi?...” những lời nói đơn sơ, mộc mạc nhưng chứa đầy ắp tình yêu thương, lo lắng, quan tâm. Hoặc tình cảm biểu hiện bằng việc làm như: nấu nồi cơm với món ăn mà con thích, vá cái áo, sửa soạn túi hành trang… tất cả những việc ấy chứa cả một trời yêu thương, chứa cả tấm lòng của người mẹ. 


 Hoàn cảnh nước Việt đôi khi lại rất trớ trêu. Có một thời những bà mẹ Việt đau khổ vì những đứa con của mình rứt ruột sanh ra. Cùng một mẹ, một nhà nhưng thằng lớn thì vào bưng kháng chiến, thằng nhỏ thì làm sĩ quan quốc gia. Những đứa con thù nghịch nhau, sẵn sàng bắn giết nhau. Bà mẹ ở thế kẹt, chỉ biết khóc thầm và ôm nỗi đau:” Con ta giết con ta”, Khi thời thế đổi thay, thằng lớn lại có quyền uy danh phận thì thằng nhỏ lại phải chịu tù đày. Không biết thế gian này có nơi nào khác,  bà mẹ phải chứng kiến nỗi đau những đứa con giết nhau như thế! Những năm gần đây, có những hình ảnh về bà mẹ Palestine ôm con thơ đứng trước ngôi nhà để ngăn chặn xe ủi của người Israel. Những chiếc xe ủi hạng nặngvô cảm cán nát cả người mẹ bồng con và ngôi nhà của họ. Những cái chết kinh hoàng của những bà mẹ Palestine làm chấn động lương tâm của những người tiến bộ trên toàn thế giới. Hình ảnh những bà mẹ ôm con hoặc ở tư thế quỳ khom lưng che chở cho đứa con trong những trận động đất ở Nhật Bản, Iran làm xúc động bao trái tim nhân loại. Những người mẹ che chở cho con đến hơi thở cuối cùng. 


 Ngày lễ mẹ ở Mỹ vào ngày Chủ nhật thứ hai của tháng năm, đã được quy định thành luật từ năm 1914 bởi tống thống Woodrow Wilson. Thế giới có nhiều quốc gia có ngày lễ mẹ nhưng khác ngày và khác tuyền thống, tuy nhiên nhìn chung là đều tôn vinh người mẹ. Việt Nam không có ngày lễ này nhưng có lễ Vu Lan. Lễ Vu Lan cũng có thể xem như là lễ mẹ, ngày lễ tưởng nhớ mẹ hiện tiền cũng như mẹ quá vãng, tưởng nhớ cả cửu huyền thất tổ. Ngày nay, nhờ sự giao thoa của các nền văn hóa nên ở xứ mình giờ những ngày lễ của phương tây cũng rất thịnh hành, không chỉ ngày lễ mẹ mà còn có những ngày lễ khác như: Lễ tình nhân, lễ Halloween…Lễ Vu Lan vốn có xuất phát từ tích Mục Kiền Liên của nhà Phật, là một ngày lễ vừa có tính truyền thống vừa pha tính dân gian… Người dân Việt ngày xưa rất thật thà, rất tâm thành, thương cha mẹ biểu hiện bằng hành động:

“Đêm đêm con thắp đèn trời
  Cầu cho cha mẹ sống đời với con” 


Và việc thể hiện lòng yêu thương cha mẹ cũng rất thiết thực, rất cao cả


“Đói lòng ăn hạt chà là
   Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng’


Hột chà là làm sao mà ăn được? Nhưng với người con có hiếu thì chẳng việc gì mà không thể, sẵn sàng làm mọi việc vì mẹ. Người dân quê không biết sáo ngữ, không văn vẻ bóng bẩy, chẳng miệng lưỡi  nhiều. Người dân quê rất đơn giản, thật thà chất phác, thậm chí quê mùa, nhưng đằng sau những lời nói bình dị, những việc làm thông thường ấy là sự yêu thương đằm thắm và sâu sắc, là một tâm hồn mẫn cảm rung động. 


Trong giai thoại thiền của Nhật Bản có một câu chuyện về mẹ rất hay, rất nhân bản. Chuyện kể rằng: ”Có anh thanh niên nọ học Phật đã lâu, anh ta muốn biết Phật là gì, Phật là ai… nên cất công đi khắp nơi để tham học. Ngày tháng dần qua mà anh ta vẫn không hiểu ra, cho đến một hôm anh ta gặp một vị thiền sư và vị ấy bảo anh ta hãy quay về nhà và người đầu tiên anh ta gặp ấy chính là vị Phật. Anh ta nghe lời quay về, khi về đến nhà, thấy người mẹ ra mừng rỡ ra mở cửa trong khi chân còn mang đôi dép lộn. Anh ta chợt ngộ rằng: Mẹ chính là một vị Phật!”. Câu chuyện này cũng có ý nghĩa gần với câu ca dao của Việt Nam:


“Tu đâu cho bằng tu nhà
   Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu”


Ở đây không nói chuyện tu cao thấp, cái ý chính: Cha mẹ cũng chính là Phật trong nhà, trước khi muốn tu đạo thì phải có hiếu, trước khi muốn thành vị gì thì cũng phải là một người con hiếu trước đã! Đạo Phật là đạo hiếu, phải có hiếu làm nền móng sau đó mới có thể phát triển những mặt khác. 
 Nước Việt là nước văn minh nông nghiệp lúa nước, con người sống quây quần trong những cộng đồng làng, xã, dòng tộc… rất ít khi rời xa nơi chôn nhau cắt rốn, nếu đi ra khỏi làng đã cho là xa; đi khỏi tỉnh  lại xa hơn; đi khỏi miền thì xa thẳm. Nếu một ai đó vì điều gì đó mà phải đi xa, mỗi chiều về nhớ mẹ thì trong lòng buồn không biết bút mực nào tả nổi


“Chiều chiều ra đứng ngõ sau
   Nhớ về quê mẹ ruột đau chín chiều”


Người đi xa ra ngõ nhìn về quê mẹ, có thể là cô gái lấy chồng xa, có thể người ly hương, có thể là kẻ mưu sinh ở phương trời… Tình mẹ là cái tình thiêng liêng cao quý, nhưng cuộc đời vốn muôn màu muôn vẻ. Tâm con người bất đồng nên cũng có những diện mạo khác nhau. Đời có những người mẹ hiền con thảo nhưng cũng có không ít những người con bất hiếu những người mẹ dữ dằn. Sử Tàu ghi rõ những việc bà Lữ Hậu, Võ Hậu, Từ Hy giết con chỉ vì tham lam quyền lực. Sử Việt ta chưa từng ghi có việc này. Tuy nhiên có những  bà mẹ ác như dì ghẻ thì chuyện dân gian có  nhiều, Ngày nay ở xứ mình có những bà mẹ buộc đứa con mình đẻ ra bán dâm, đi ăn xin, bán vé số cho đến hành hạ tàn nhẫn, cũng may là những trường hợp thiểu số này không nhiều.


 Những bà mẹ Việt xưa nay rất chơn chất thật thà, rất đơn sơ giản dị cả đời lo cho chồng con quên cả thân mình. Sử Việt nghìn năm đương đầu với giặc Tàu, trăm năm chống giặc Tây. Những bà mẹ Việt bao lần ầm thầm gạt lệ tiễn chồng con ra trận, người đi rất ít quay về. Những bà mẹ âm thầm ôm nỗi đau, nỗi nhớ thương da diết. Những bà mẹ muôn đời nặng tình nghĩa, đầy ắp tình thương. Những bà mẹ hiền hòa chơn chất nhưng một khi đất nước nguy nan thì lại can đảm lạ thường. Những bà mẹ luôn là hậu phương vững chắc để hỗ trợ cho chồng con ở tuyến đầu.


Những bà mẹ Việt Nam
Sống nghĩa tình, sống nặng về tình cảm
Hy sinh cả đời vì con
Những bà mẹ của thế gian này
Đẻ đau mang nặng, vất vả mưu sinh
Thương yêu chăm lo cho những đứa con của mình
Tình mẹ thiêng liêng cao quý 
Bút mực khó chép ghi
Chữ nghĩa nào tả được
Những bức tranh càng chẳng vẽ nên hình
Dẫu có dựng tượng đồng bia đá 
Cũng không khắc được biển cả công lao
Những bà mẹ trên đời đều vĩ đại
Tạo nên thế giới con người
Ơn mẹ suốt đời và mãi mãi
Ngày lễ mẹ
Tâm nhân thế nao nao
Nhưng nào chỉ một ngày hôm nay
Bóng dáng mẹ còn hoài trong tâm tưởng 
Mẹ là biểu tượng của tình thương 

05/2021
TIỂU LỤC THẦN PHONG
song  
#3 Đã gửi : 09/05/2021 lúc 12:13:55(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Hình Ảnh Mẹ & Những Ca Khúc Bất Tử

Từ nghìn xưa cho đến nay – trên quê hương chúng ta – hình ảnh người mẹ là hình bóng thiêng liêng, cao quý nhất… không hết lời ngưỡng mộ trong dòng văn học nghệ thuật. Mẹ từ khi “mang nặng đẻ đau”, cưu mang, nuôi nấng, dạy dỗ khi con chào đời cho đến khi trưởng thành, xa cách và khi về già. Nói đến mẹ là nói đến trái tim nhân bản, hy sinh và thương yêu vô bờ bến cả cuộc đời cho con đến khi nhắm mắt.


Âm nhạc dễ đi vào lòng người, với hình bóng mẹ, qua lời ca và dòng nhạc, mỗi khi nghe, thấm vào tận đáy lòng. Trước năm 1975, có nhiều ca khúc viết về mẹ. Ở đây, tôi chỉ đề cập đến những ca khúc tiêu biểu, quen thuộc đã đi vào lòng người từ ngày sống trên quê hương và hơn bốn thập niên qua ở hải ngoại.


Trước năm 1975, ở miền Nam VN không có Ngày Hiền Mẫu, Ngày Của Mẹ… để nhắc đến, để vinh danh, để nhớ vì với người con, hình bóng đó gắn liền với ngày tháng cuộc đời.


Nhân ngày Mother’s Day ở Mỹ. Gởi đến mọi người những ca khúc tiêu biểu. Và, thân tặng với những ai không còn mẹ - VTrD


Lá Thư Gửi Mẹ
Thơ: Thái Thủy - Nhạc: Nguyễn Hiền


Mẹ ơi thôi đừng khóc nữa
Cho lòng già nặng sầu thương.
Con đi say tình viễn xứ
Đâu có quên tình cố hương.


Thương ngóng về quê cũ
Gót thù xéo thảm thê
Bầy trai thầm rơi lệ
Súng gươm hẹn mai về.
Con về tầm đẹp lứa
Mẹ cười vun khóm dâu
Mái tranh chiều vươn khói
Vườn thơm ngát hương cau.


Nương chè vươn xanh lá
Ruộng thơm lúa lên mầu
Rộn ràng muôn tiếng hát
Đời hết nghĩa thương đau.
Mẹ ơi thôi đừng khóc nữa
Cho lòng già nặng sầu thương
Con đi say tình viễn xứ
Đâu có quên tình cố hương.

*

Lòng Mẹ của Y Vân


Lòng Mẹ bao la như biển Thái Ɓình rạt rào,
Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào,
Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào.
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ уêu.
Lòng Mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu.
Tình Mẹ уêu mến như làn gió đùa mặt hồ.
Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ.
Ɲắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ.


Thương con thao thức bao đêm trường,
Ϲon đà уên giấc Mẹ hiền vui sướng biết bao.
Thương con khuуa sớm bao tháng ngàу.
Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngàу lớn khôn.
Ɗù cho mưa gió không quản thân gầу Mẹ hiền.
Một sương hai nắng cho bạc mái đầu buồn phiền.
Ɲgàу đêm sớm tối vui cùng con nhỏ một niềm.
Tiếng ru êm đềm mẹ hiền năm tháng triền miên.


Lòng Mẹ chan chứa trên bao xóm làng gần xa.
Tình Mẹ dâng tới trăng ngàn đứng lặng để nghe,
Lời ru xao xuуến núi đồi suối rừng rặng tre.
Ѕóng ven Thái Ɓình im lìm khi tiếng Mẹ ru.
Một lòng nuôi nấng vỗ về những ngàу còn thơ.
Một tình thương mến êm như tiếng đàn lời ca.
Mẹ hiền sớm tối khuуên nhủ bao lời mặn mà.
Khắc ghi bên lòng con trẻ muôn bước đường xa.


Thương con Mẹ hát câu êm đềm,
Ru lòng thơ ấu quản gì khi thức trắng đêm.
Ɓao năm nước mắt như suối nguồn.
Ϲhảу vào tim con mái tóc trót đành đẫm sương.
Ɗù ai xa vắng trên đường sớm chiều về đâu.


Ɗù khi mưa gió tháng ngàу trong đời bể dâu.
Ɗù cho phai nắng nhưng lòng thương chẳng lạt mầu.
Vẫn mong quaу về vui vầу dưới bóng mẹ уêu.

*

Mẹ Tôi của Nhị Hà 
Ca khúc nầy Nhị Hà sáng tác đầu tiên lúc còn trẻ


Mẹ tôi tóc xanh nhuộm bạc tháng ngày
Mẹ tôi đau buồn nặng trĩu đôi vai
Bao năm nuôi đàn trẻ thơ nhỏ dại
Cầu mong con mình có một ngày mai


Mẹ tôi nắng mưa chẳng ngại nhọc nhằn
Mẹ tôi mỉm cười nhìn bóng con ngoan
Không than không phiền dù lâm hoạn nạn
Lòng tin con mình xứng thành người dân


Chiều chiều, bên liếp lều tranh
Mẹ tôi đứng đợi đàn con
Trước gió tóc trắng loa xòa
Đôi mắt dịu hiền như bể tình thương


Lòng người mong ước ngày sau
Đàn con xứng thành người dân
Nhưng nay con đã nên người
Thì nay còn đâu bà mẹ hiền xưa


Chiều nay đốt hương tưởng niệm trước mồ
Nhìn khói đau lòng tưởng nhớ năm xưa


Công ơn sinh thành ngày nao đền trả
Mẹ ơi con nguyền nhớ lời mẹ khuyên

*

Bà Mẹ Quê của Phạm Duy
Ngoài ca khúc Bà Mẹ Quê, Phạm Duy còn có hai ca khúc Mẹ Việt Nam và Người Mẹ Gio Linh.


Vườn rau, vườn rau xanh ngắt một mầu
Có đàn, có đàn gà con nương náu
Mẹ quê, mẹ quê vất vất vả trăm chiều
Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu.


Bà bà mẹ quê!
Gà gáy trên đầu ngọn tre
Bà bà mẹ quê!
Chợ sớm đi chưa thấy về
Chờ nụ cười son, và đồng quà ngon.


Trời mưa, trời mưa ướt áo mẹ già
Mưa nhiều, mưa nhiều càng tươi bông lúa
Trời soi, trời soi bốc khói sân nhà
Nắng nhiều thì phơi lúa ra


Bà bà mẹ quê! Đêm sớm không nề hà chi
Bà bà mẹ quê! Ngày tháng không ao ước gì
Nhỏ giọt mồ hôi, vì đời trẻ vui.


Miệng khô, miệng khô nhớ bát nước đầy
Nhớ bà, nhớ bà mẹ quê xưa ấy
Mùa đông, mùa đông manh chiếu thân gầy
Cháu bà, cháu bà ngủ thiu giấc say.


Bà bà mẹ quê!
Chân bước ra đời rồi xa
Bà bà mẹ quê!
Từ lúc quê hương xoá nhoà
Nhìn về miền quê, mà giọt lệ xa.

*

Lời Ru Của Mẹ của Trầm Tử Thiêng & Tấn An


Con ơi à ơi...
Đây là giấc ngủ ban đầu
Mẹ ru con
Bên ngoài gió thổi Nam non
Hai mươi tuổi đời
Mẹ sinh con... yêu dấu à... ơi
Giấc mộng tuyệt vời
Giấc mộng... là mộng hai mươi


Bao nhiêu hưng vong
Đón đợi thu vào tầm tay
Rồi con lớn khôn... hai mươi tuổi đời
Như mẹ ngày nay
Con vui lên đường à à... ơi
Con say tiếng gọi dị thường
Như say giấc ngủ đêm này
À à ơi... giấc ngủ trên tay


Con ơi à ơi...
Đây là giấc ngủ ban đầu
Mẹ xa cha
Bên ngoài gió nổi thương ca
Đêm soi trăng vàng
Mẹ ru con... ngân tiếng tình tang
Gói mộng trong đời
Giấc mộng... ngày còn hai mươi


Hai mươi năm sau
Đón đợi thu vào tầm tay
Rồi con lớn khôn... hai mươi tuổi đời
Như mẹ ngày nay
Con vui lên đường à à... ơi
Con say tiếng gọi dị thường
Len trong giấc ngủ đêm trường
À à ơi... tiếng gọi quê hương


Con ơi à ơi...
Me nhìn thân thể ngọc ngà
Mẹ trông con
Trong niềm hy vọng bao la
Mây đen giăng trời à... à... ơi
Đã ngóng chờ con
Mong vào giấc ngủ
Giấc ngủ... lộng ngàn kiêu sa.

*

Mẹ Việt Nam Ơi Chúng Con Vẫn Còn Đây
Thơ: Hoàng Phong Lich – Nhạc: Nguyễn Ánh 9
Ca khúc nầy phổ biến vào tháng 1 năm 1975. Sau năm 1975, Việt Dzũng và Nguyệt Ánh đã đi khắp nơi trình bày ca khúc nầy nên rất quen thuộc.


Mẹ Việt Nam ơi! Chúng con vẫn còn đây!
Mẹ Việt Nam ơi! Chúng con vẫn còn đây!
Những đứa con bầu nhiệt huyết dâng đầy
Mang giòng họ của Lê Lý Nguyễn Trần.
Mẹ mặc cho con vải khô áo màu lam
Mẹ dưỡng nuôi con giòng sữa Bắc Trung Nam
Con của Mẹ đều một giống da vàng
Quyết một lòng đập tan lũ hung tàn


Trên đầu voi rạng ngời vung ánh thép
Gái Triệu Trưng bồ liễu đuổi xâm lăng
Hé môi cười nghe tiếng sóng Bạch Đằng
Gươm Hưng Đạo như rồng thiêng vùng vẫy
Vượt Trường Sơn, Nguyễn Huệ Bắc Bình Vương
Quyết một lòng đi giữ vững quê hương
Và còn nữa, con của Mẹ toàn danh tướng
Lòng Mẹ vui hãnh diện với đàn con.


Nhưng Mẹ ơi, giờ đây sao Mẹ khóc?
Hai vai gầy run rẩy nát tâm can
Lòng Mẹ đau thương xót cảnh lầm than
Áo nâu nghèo Mẹ rách để phơi thân.
Một đàn con vội quên ơn Mẹ nuôi dưỡng
Súng đạn cày tan nát luống quê hương
Lệ hồng sa Bến Hải nước tràn dâng
Xót xa nhiều phương Bắc giết phương Nam.


Nhưng Mẹ yêu, Mẹ đừng than khóc nữa!
Vì chúng con tuổi trẻ vẫn còn đây
Chúng con nguyện cùng chung sức đắp xây
Quê hương mình trong tự do ấm no
Xin Mẹ yêu, Mẹ đừng than khóc nữa!
Vì chúng con tuổi trẻ vẫn còn đây
Chúng con nguyện cùng ra sức đắp xây
Chúng con nguyện đi dựng lại quê hương.


Mẹ Việt Nam ơi! Chúng con vẫn còn đây!
Mẹ Việt Nam ơi! Chúng con vẫn còn đây!
Không phản bội giòng sữa thơm nuôi đưỡng
Chúng con nguyện đi dựng lại quê hương.
Mẹ Việt Nam ơi… Mẹ Việt Nam ơi… Mẹ Việt Nam ơi…!

Little Saigon, Mother’s Day 2021
Vương Trùng Dương

song  
#4 Đã gửi : 09/05/2021 lúc 12:18:27(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Video song ngữ: Mother's Day - Ngày Lễ Mẹ

Hình ảnh người mẹ thương con và hình ảnh con hiếu kính mẹ đầy ắp trong ca dao Việt Nam:
.
Nuôi con chẳng quản chi thân,
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn,
Lấý gì đền nghĩa khó khăn,
Lên non xắn đá, xây lăng phụng thờ.
.
Ai về tôi gởi buồng cau,
Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy.
Ai về tôi gởi đôi giày,
Phòng khi mưa gió để thầy mẹ đi.
.
Nuôi con buôn tảo bán tần,
Chỉ mong con lớn nên thân với đời.
Những khi trái nắng trở trời,
Con đau là mẹ đứng ngồi không yên.
Trọn đời vất vả triền miên,
Chăm lo bát gạo đồng tiền nuôi con.
.
Đây bát cơm đầy nặng ước mong,
Mẹ ôi, đây ngọc với dây lòng.
Đây tình con nặng trong tha thiết,
Ơn nghĩa sanh thành, chưa trả xong.
.
Sau đây là video song ngữ:
 
Ngày Lễ Mẹ là một ngày lễ truyền thống ở Hoa Kỳ và ở một số nước trên thế giới để tôn vinh người mẹ. Những lời dạy của Đức Phật thuyết giảng về bổn phận của người con và cách tỏ lòng biết ơn đối với mẹ.


Mother’s Day is a traditional holiday in the United States and in some countries around the world to honor mothers. Buddha preaches about fulfilling the duties of a child and paying gratitude to a mother.
.
Composed by: Laura Thuy-Loan Nguyen, Ph.D.
Wisdom Today: Vietnamese-English YouTube Channel
Ai đang xem chủ đề này?
Guest (2)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.493 giây.