Ảnh lưu trữ: Một cuộc tập hợp "Juneteenth" trước Brooklyn Museum ngày 10/06/2020. AP - John Minchillo
Hôm qua, 17/06/2021, tổng thống Hoa Kỳ ban hành luật mới, lấy ngày hội truyền thống « Juneteenth », 19/06, làm ngày nghỉ lễ toàn liên bang, để kỷ niệm thời điểm chế độ nô lệ cáo chung tại Mỹ.
Theo Reuters, luật đã được Hạ Viện Mỹ thông qua với đa số áp đảo tại Hạ Viện (415 phiếu thuận, 14 phiếu chống), sau khi đã được Thượng Viện Hoa Kỳ phê chuẩn với 100% phiếu bầu. Ngày 19/06/1865 là ngày mà tướng Gordon Granger, thuộc lực lượng liên bang miền bắc, tức phe chiến thắng, đến bang miền nam Texas, chính thức thông báo toàn bộ nô lệ được giải phóng, theo Tuyên ngôn giải phóng Nô lệ, được tổng thống Abraham Lincoln ban bố năm 1863. Texas, thuộc Liên minh miền Nam ủng hộ chế độ nô lệ, là bang cuối cùng giải phóng nô lệ.
Ngày « Juneteenth » vốn đã được nhiều bang ở Hoa Kỳ, như Texas, New York, Virginia, Washington chọn làm ngày nghỉ lễ, nay trở thành ngày nghỉ lễ thứ 11 trên toàn quốc. Kể từ sau cái chết của người da đen George Floyd do bạo lực cảnh sát hồi mùa hè năm 2020, dẫn đến các cuộc biểu tình phản kháng lịch sử chống nạn kỳ thị chủng tộc vẫn còn phổ biến tại Hoa Kỳ, vấn đề chế độ nô lệ và các hậu quả tâm lý – xã hội của chế độ này được công luận Mỹ chú ý trở lại nhiều hơn. Tổng thống Joe Biden ủng hộ thái độ nhớ về quá khứ để hướng tới tương lai.
Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten cho biết cụ thể :
« Biểu tượng cùng một lúc cho đêm dài, gian khổ của thân phận nô lệ và hứa hẹn một tương lai tươi sáng hơn », tổng thống Joe Biden đã giải thích như trên, về ý nghĩa của ngày lễ « Juneteenth », chữ viết gọn của hai từ « 19 » và « tháng Sáu » trong tiếng Anh. Cách nay 156 năm, ngày 19/06/1865 đã đánh dấu việc giải phóng những người nô lệ cuối cùng tại bang Texas. Chế độ nô lệ tại Hoa Kỳ thực sự bị hủy bỏ sau 250 năm tồn tại.
Nhưng cũng vào một ngày 19/06 cách nay 6 năm, một kẻ theo chủ thuyết da trắng thượng đẳng, đã nổ súng vào một Nhà thờ, nơi lui tới của nhiều người thuộc cộng đồng người da đen ở Charleston, bang Nam Carolina, giết chết 9 người.
Và cuối cùng, tháng 6 này cũng là một tháng có ý nghĩa biểu tượng, đánh dấu 100 năm vụ thảm sát Tulsa. Ngày mồng Một tháng Sáu 1921, hàng trăm người da trắng đã đốt phá một khu phố thương mại của người da đen của thành phố Tulsa, bang Arizona. Bạo lực khiến đến 300 người chết.
Kể từ cái chết của người da đen George Floyd, nước Mỹ chú ý trở lại nhiều hơn đến chế độ nô lệ trong quá khứ và về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có tính hệ thống mà chế độ này đã sinh ra. Tổng thống Joe Biden ủng hộ phong trào này. Đối với ông, đây là lúc để ngày 19/06 trở thành một ngày mang tính biểu tượng trong lịch hàng năm của nước Mỹ ».
Theo RFI