Những hình ảnh về bộ phim “Brokeback Mountain” của đạo diễn Lý An được trưng bày tại Triển lãm 100 năm phim về đề tài “đồng tính”, Paris, năm 2019. Tuấn Thảo / RFI
Tại lễ trao giải MTV Movie Awards năm 2006, giải thưởng “Nụ hôn đẹp nhất” đã thuộc về hai diễn viên chính trong bộ phim “Brokeback Mountain” của đạo diễn Lý An, một bộ phim tình cảm có đề tài về tình yêu đồng giới (tạm dịch là “Chuyện tình sau núi”).
Với những ai đã thưởng thức tác phẩm tuyệt vời này thì chắc hẳn đây không phải là sự ngạc nhiên đáng kể bởi trong mắt nhiều người, bộ phim được coi là “một kiệt tác hay nhất về đồng giới”. Phỏng theo truyện ngắn của tác giả E.Annie Proulx đã từng đoạt giải Pulitzer, đạo diễn Lý An đã không phụ lòng mong mỏi của những người yêu tác phẩm văn học cũng như người yêu điện ảnh, cho ra đời đứa con tinh thần gây ấn tượng mạnh với cả giới phê bình phim cũng như khán giả.
Gặt hái được nhiều thành công ở nhiều liên hoan phim lớn nhưng điều mà người ta nhớ nhất ở “Chuyện tình sau núi” có lẽ là giải “Nụ hôn đẹp nhất” bởi những cảm xúc mà bộ phim mang lại. Nó vượt qua cả giới hạn về tính dục, về chuyện tình đồng tính, nó khiến người xem chỉ thấy hai trái tim đồng điệu khao khát yêu thương nhưng lại không bao giờ đến được với nhau.
Ngọn núi có hai trái tim Truyện phim kể về mối tình ở miền tây Hoa Kỳ trải dài qua ba thập niên 60, 70 và 80 của thế kỷ XX, giữa hai chàng cao bồi Ennis del Mar và Jack Twist khi họ mới vừa chạm ngưỡng tuổi đôi mươi. Cả hai nhận công việc chăn cừu thuê cho một chủ trang trại tại vùng núi Brokeback, Wyoming. Ennis và Jack được xây dựng cùng chung một hoàn cảnh phải xa gia đình, không người thân thích, tự thân lập thân.
Họ gặp nhau, tâm tình và cảm thông với những vất vả mà cả hai cùng phải đương đầu. Thế rồi, điều gì đến cũng đã đến. Năm 1963, trong cái giá lạnh căm căm giữa vùng rừng núi, tuyết rơi dày đặc và cuộc sống tách biệt với bên ngoài, tình cảm giữa họ nảy nở không gì ngăn cản được. Người này đã tìm thấy ở người kia một điểm tựa, hoàn toàn khác biệt với những người khác.
Nhưng bởi quá nhiều kì thị, cả hai đã không thể đến với nhau, dù mỗi người đều có những khát khao vô cùng mãnh liệt. Họ đã lập gia đình, đã có những đứa con, để rồi, kéo dài suốt 20 năm sau đó là những dằn vặt, nhớ nhung, mong đợi, ngậm ngùi cho tới khi cuối cùng, cái chết đã chia lìa họ.
Lý giải cho sự hấp dẫn của “Chuyện tình sau núi”, đầu tiên, có lẽ là hình tượng hai nhân vật chính. Người ta thấy hình ảnh những anh chàng cao bồi vạm vỡ, rắn rỏi, kiên cường với đôi bốt cao, sơ mi và quần jean cùng chiếc mũ kiêu ngạo biểu tượng của sự mạnh mẽ - cưỡi trên những con ngựa khỏe mạnh rong ruổi khắp vùng rừng núi.
Đó là một Ennis thẳng thắn, tính tình thật như đếm, luôn bị ám ảnh bởi sự cố hữu và bảo thủ của người cha, nên không bao giờ dám thừa nhận giới tính thật của mình. Những tưởng tượng của Ennis về tình đồng giới chỉ luôn là hình ảnh cha anh đã đánh chết một người đàn ông đồng tính nhiều năm trước. Nỗi lo sợ bị kì thị, bị ghẻ lạnh và khinh thường ăn sâu vào trong tiềm thức của Ennis - như là lời anh khẳng định từ đoạn đầu phim “tôi không phải là thằng bóng” - đến nỗi, đôi khi, nó biến anh thành kẻ hèn nhát trong mối tình của hai người.
Ngược lại với Ennis, Jack lại là một người đầy khát khao, luôn muốn chứng tỏ tình yêu của mình và khẳng định mình. Không quá tự hào nhưng tự tin, Jack là người bộc lộ tình cảm đầu tiên với Ennis khi hai người ở với nhau trên núi. Cũng sau đó, nhiều năm, chính Jack đã chủ động gặp Ennis và mong muốn hai người có thể đến được với nhau. Và cũng chính Jack đã một mình đến biên giới Mexico, nơi có các “Call boy” như lời đồn thổi, lựa chọn được sống “đúng là mình”, khẳng định giới tính thật, con người thật của mình.
Họ, như âm và dương, rõ ràng một người níu - một người đẩy, nhưng không hiểu sao lại hút vào nhau sâu sắc và gắn kết đến vậy. Có lẽ, cái hoang dại, cái dữ dội của miền Tây nước Mỹ đã kéo họ lại với nhau, trên ngọn núi chỉ có hai người. Những ngày nắng đẹp, họ cùng nhau thong dong trên lưng ngựa chăm sóc bầy cừu và ngắm cảnh núi rừng. Những ngày mưa tuyết lạnh giá, họ chia nhau chiếc chăn mỏng, ấp vào nhau để cảm nhận hơi ấm từ nhau.
Không, đây không còn là một tình yêu giữa hai người đàn ông. Cũng không cần biết họ là gì, họ là ai, chỉ cần biết có hai con người và hai trái tim đơn độc ngập những xúc cảm mãnh liệt, khao khát sẻ chia và cảm thông. Hai trái tim hòa cùng một nhịp trong không gian chỉ của riêng họ, không phố thị ồn ào, không bon chen ganh ghét hay phán xét, chỉ có tiếng của tự nhiên - của gió - của núi đồi. Là tình yêu giữa con người với con người.
Tình yêu không lờiNếu để ý, ta sẽ thấy tuyệt nhiên không có một lời Yêu nào được thốt ra từ môi Ennis hay Jack bởi một khi đã Yêu, người ta không thiếu gì cách để thổ lộ tình cảm của mình với người còn lại. Trong “Chuyện tình sau núi”, ấy là những cách khiến khán giả phải thổn thức, phải đau, phải muốn xé toạc màn ảnh, nhào tới, níu hai người lại với nhau và hét vào mặt họ rằng họ đang yêu nhau đến cuồng dại.
Nhưng vì không thể nên người ta lại ngồi đó, lặng đi lắng nghe tiếng trái tim mình rộn lên vì vui, buồn, bỏng cháy và tiếc nuối. Tiếc cho Ennis mất đi tình yêu bởi sự dè dặt đến mức khó chịu và tiếc cho Jack mất đi tình yêu bởi đã quá Yêu mà không nỡ giằng níu người yêu. Đầu tiên, là cảnh hai chàng cao bồi trẻ chia tay nhau sau thời gian dài trên núi Brokeback. Đây, có thể nói, là đoạn chia tay nhạt nhẽo nhất giữa các cặp đôi yêu nhau mà ta từng thấy. Không ôm, không bắt tay, thậm chí không buồn nhìn thẳng vào mắt nhau, ai đi đường nấy.
Nhưng ngay sau đó, là ánh mắt trìu mến của Jack nhìn Ennis qua gương chiếu hậu của xe … Là cái nôn khan và tiếng nức nở của Ennis khi xe Jack đã đi khỏi tầm mắt anh. Lần chia tay này là sự dồn nén cảm xúc trong Ennis nhiều nhất bởi người phải che giấu mới thật sự là người cảm nhận nỗi đau lớn nhất. Thế rồi, 4 năm sau, khi gặp lại, chính Ennis là người đã kéo Jack lại, chính anh đã phải nói rằng cái nôn khan năm ấy khiến anh tưởng anh ăn phải cái gì thiu nhưng một năm sau anh mới hiểu ra, đáng lẽ anh không nên để mất Jack. Ấy là lúc Ennis giữ chặt Jack trong vòng tay mình, là lúc nụ hôn được trao cho nhau, khăng khít, nồng cháy như thỏa nỗi nhớ nhung và khao khát bấy lâu nay.
Lần thứ hai, khi thấm thoắt 20 năm đã trôi qua, vào khoảng đầu những năm 1980, họ lại gặp lại nhau. Con cái đã trưởng thành, Ennis và vợ đã li dị, Jack muốn một cuộc sống riêng cho hai người chứ không chỉ ở Brokeback, anh cũng sẵn sàng li dị vợ nhưng Ennis từ chối. Jack quyết định đi tới biên giới Mexico còn Ennis thì chỉ thể hiện tình yêu của mình một cách yếu ớt bằng sự ghen tuông vu vơ. Lúc này, Jack, bằng tất cả những thương yêu dành cho Ennis, đã phải thốt lên “Ước gì tôi có thể bỏ được cậu”. Đó chẳng phải là một lời Yêu quá đỗi đớn đau hay sao?
Lần thứ ba, là lần dằn vặt trong hoài niệm của Ennis khi anh nghe tin Jack đã qua đời bởi một vụ tai nạn xe. Ennis tới nhà Jack và cái mà anh tìm thấy, có lẽ chính là tình yêu mà anh né tránh bấy lâu nay. Đó là hai chiếc áo của anh và Jack đã mặc trong lần họ đánh nhau trên núi Brokeback có thấm máu của hai người. Thì ra Jack vẫn treo chúng ở đó, lồng áo của mình ra ngoài áo của Ennis, trên cùng một cái mắc, như là mong muốn hai người vẫn mãi bên nhau. Ennis ôm lấy hai chiếc áo …
Lureen, vợ của Jack đã nói rằng Jack muốn tro của mình được rải khắp Brokeback vì đó là nơi anh hạnh phúc nhất đời mình. Cha Jack, dù phải chịu đựng sự thật rằng con là người đồng tính, nhưng vẫn cho Ennis biết Jack rất hay nhắc tới anh, hứa hẹn sẽ đưa anh về phụ việc sửa nhà và hai đứa sẽ sống chung với nhau … Tất cả chỉ khiến cho Ennis càng ân hận và đau đớn tột cùng vì sự e dè sợ sệt của mình. Còn gì đẹp hơn khi lời Yêu được Jack thể hiện qua việc giữ gìn hai chiếc áo, cùng nhau, suốt 20 năm!
Lần thứ tư, cũng là lần cuối cùng, người ta thấy cũng là hai chiếc áo ấy, nhưng được treo trong tủ của Ennis và ngược lại với Jack, Ennis treo áo Jack vào trong áo của mình, tay áo lồng vào tay áo mình. Và anh khóc … Và lời mà anh thốt ra lúc này … cũng không phải một từ Yêu nhưng nó chắc chắn gồm rất nhiều Yêu trong đó… “Jack… tôi xin thề…”
Có phải Ennis muốn nói “tôi xin thề là tôi chỉ yêu cậu” không? Không ai trả lời được, nhưng tất cả đều mong giá mà Ennis đã thể hiện tình yêu ấy sớm hơn chút nữa, bởi dường như đây là điều mà ai cũng hiểu, chỉ mình Ennis là cố tình né tránh suốt bao năm mà thôi. Chiếc áo Ennis khoác ra bên ngoài áo của Jack có lẽ chính là mong muốn anh sẽ che chở cho Jack, một tuyên ngôn tình yêu không phải bằng lời.
“Chuyện tình sau núi” bằng vào ngôn ngữ điện ảnh dịu dàng, với âm hưởng của những khúc guitar ngọt ngào lúc trầm lúc bổng đã đi vào lòng người xem một cách không cầu kì như thế, nhưng đủ cả cay đắng ngọt bùi, đủ cả những nụ cười và những giọt nước mắt. Health Ledger, diễn viên trong vai Ennis đã qua đời vào năm 2008. Dù có một quãng đời ngắn ngủi song những vai diễn anh để lại cho Điện ảnh là vô giá, trong đó, chính là một Ennis tràn ngập nhớ thương và nỗi buồn mênh mang của một tình yêu đầy tiếc nuối.
Theo RFI