Đau lưng
1. Đau lưng có thể đi từ đau âm ỉ, dai dẳng cho đến đau bất chợt, buốt nhói, làm ta đi lại khó khăn. Nó có thể bắt đầu nhanh chóng nếu bạn té ngã hoặc nâng nhấc vật quá nặng, hoặc có thể từ từ và càng ngày càng đau hơn.
2. Ai cũng có thể bị đau lưng, nhưng nguy cơ tăng cao theo:
- Tuổi tác: Người lớn tuổi dễ bị đau lưng, có thể bắt đầu từ những năm 30 hoặc 40 tuổi.
- Thụ động: Đau lưng thường thấy nơi những người không hoạt động thể lực
- Quá nặng cân: Ăn nhiều chất béo và giàu calorie làm ta lên cân. Sức nặng thân thể quá nặng có thể đè lên lưng làm đau.
- Di truyền: Một số yếu tố gây ra đau lưng là do di truyền.
- Bệnh tật: Thấp khớp và ung thư cũng có thể gây ra đau lưng
- Công việc: Nếu phải nâng, đẩy hoặc kéo đồ vật mà vặn vẹo xương sống, nếu làm việc cả ngày nơi bàn giấy mà không ngồi thẳng, cũng có thể bị đau lưng
- Hút thuốc: Thuốc lá làm cơ thể thiếu chất dinh dưỡng nuôi các đĩa xương sống, hoặc ho vì hút thuốc cũng gây ra đau lưng.
- Chủng tộc: Phần dưới xương sống phụ nữ da đen dễ bị trật ra ngoài khớp ba lần hơn phụ nữ da trắng.
3. Nguyên nhân gây ra đau lưng:
- Do trục trặc thể hình, như đĩa xương sống bị hư hoặc bể, bắp thịt căng cứng, co giật.
- Bị thương do tai nạn, té ngã, bong gân, gãy xương.
- Do một số bệnh tật hoặc tình huống như: thấp khớp, vẹo xương, nhiễm trùng, thai nghén, sạn thận...
4. Ngăn ngừa đau lưng bằng cách:
- Thường xuyên vận động và tạo cho bắp thịt sống lưng mạnh mẽ.
- Giữ thể trọng lành mạnh, nếu quá nặng cân hãy tìm cách giảm cân. Uống đủ calcium và vitamin D hàng ngày cho xương mạnh.
- Cố ngồi thẳng, đứng thẳng, tránh đừng nâng nhấc vật nặng. Nếu phải nâng, hãy rùn hai chân xuống và giữ cho lưng thẳng.
5. Trường hợp đau lưng cần đi khám bác sĩ, nếu thấy:
- tê hoặc ù tai
- nghỉ ngơi mà cơn đau không giảm
- đau lưng sau khi bị té ngã hoặc bị thương
- đau lưng kèm theo các triệu chứng như sốt, mất cân, khó tiểu, mệt mỏi, hai chân tê bại.
Bác sĩ thường khám tổng quát và xem tiền sử bệnh, hoặc làm thêm một số thử nghiệm như rọi X quang, thử máu, làm CT scan hoặc MRI (Magnetic resonance imaging).
6. Khác biệt giữa đau lưng cấp tính (acute) và kinh niên (chronic):
- Đau cấp tính bắt đầu nhanh chóng và kéo dài dưới 6 tuần lễ. Đây là loại đau lưng thông thường, có thể do té ngã, bị chặn hoặc cản khi chơi thể thao, hoặc nâng nhấc vật nặng.
- Đau kinh niên thường lâu hơn ba tháng.
7. Chữa trị đau lưng ra sao? Tùy theo loại đau.
- Đau cấp tính thường khỏi lần mà không cần chữa trị, nhưng có thể dùng các thuốc giảm đau như acetaminophen, aspirin, hoặc ibuprofen.
Chữa đau lưng kinh niên bằng:
Dùng các gói nóng hoặc lạnh (Hot or Cold Packs). Gói nóng làm giảm co giật bắp thịt, giảm đau. Gói lạnh làm bớt sưng và cũng giảm đau. Tuy nhiên cả hai chỉ giúp giảm đau, không trị được bệnh.
Tập luyện đúng cách có thể giảm đau lưng kinh niên, nên tham khảo với bác sĩ.
Dùng thuốc
- Giảm đau như acetaminophen và aspirin bán trên quày hoặc dùng thuốc theo toa bác sĩ.
- Thuốc thoa đắp như các loại kem, dầu, thuốc mỡ bôi trên da.
- Thuốc vừa giảm đau vừa chống sưng như ibuprofen, ketoprofen, và naproxen sodium.
- Thuốc chích: bác sĩ có thể đề nghị chích steroid hoặc thuốc tê để làm giảm đau.
Phương pháp phụ: Khi đau lưng kinh niên mà những cách chữa trị khác không làm giảm đau, người ta có thể đề nghị:
- Thoa bóp: dùng tay massage cột sống và các tế bào bên cạnh.
- Dùng những luồng điện nhẹ kích thích thần kinh nơi vùng bị đau.
- Châm cứu theo phương pháp của người Trung hoa, dùng kim nhỏ để làm giảm đau và hồi phục sức khỏe.
Giải phẫu: Đa số các trường hợp đau lưng kinh niên không cần đến giải phẫu, ngoài những trường hợp sau đây: một hay nhiều đĩa xương sống bị hư, xương sống trật khớp, xương sống gẫy vì bệnh rỗng xương...
Source: Healthfinder.gov