Nga lên tiếng trong vụ công nhân ViệtCơ quan di trú Moscow nói họ đang điều tra vụ công nhân Việt làm việc không phép ở Vinastar và quan tâm tới cáo buộc bị đối xử tệ bạc của công nhân.
Nga nói họ phát hiện sáu trường hợp lao động trái phép ở VinastarTrả lời phỏng vấn BBC Tiếng Nga, người đứng đầu cơ quan này, Oleg Molodievsky, nói:
"Chúng tôi đã kiểm tra Vinastar trong năm ngoái và hồi đầu năm nay nhưng không phát hiện vi phạm.
"Lần kiểm tra cuối cùng hôm 18/7 cho thấy sáu người Việt Nam cư trú bất hợp pháp ở công ty trên lãnh thổ Nga, làm việc trái phép."
Trong số sáu người này BBC được biết có những người đã làm việc ở Vinastar gần một năm và điều này đặt câu hỏi về chuyện tại sao họ chỉ bị phát hiện khi đứng đầu cuộc đình công.
Ông Molodievsky nói cơ quan di trú đã chuyển tài liệu tới tòa án và tòa quyết định trục xuất sáu người này khỏi lãnh thổ Nga.
Cũng theo người đứng đầu cơ quan di trú này, hiện Vinastar đang bị điều tra về vi phạm hành chính và có thể phải trả gần 25.000 đô la cho mỗi công nhân làm việc trái phép ở công ty.
Công ty cũng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu để xảy ra tình trạng nhập cư trái phép.
Cảnh sát vào cuộc?Các công nhân ở Vinastar cáo buộc chủ lao động bắt họ làm việc quá sức trong khi họ làm "chỉ đủ ăn" và điều kiện ăn, ở tồi tệ.
Một số người nói họ còn bị "đánh đập", không được cho ra ngoài và khi ốm cũng không được nghỉ việc hay đi khám chữa bệnh.
Khi được hỏi về các cáo buộc của công nhân về chuyện bị ngược đãi, ông Molodievsky nói:
"Những than phiền của công nhân chưa được chuyển tới chúng tôi.
"Nếu quý vị có thể chuyển cho chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận, xem xét kỹ càng, kiểm tra với các công dân có than phiền, tư cách pháp lý của họ và tư cách pháp lý của công ty đã tuyển dụng họ.
"Trong trường hợp nhà máy giữ người trái phép hay những chuyện khác như quý vị nói, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ thông tin với các cơ quan nhà nước khác như cơ quan công tố.
"Những vụ như thế cũng có thể được Thanh tra lao động hay Cảnh sát xem xét."
Ăn, ngủ cùng công nhân
Trong khi đó một quan chức quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài nói công nhân may Việt Nam ở xưởng của công ty Vinastar đã "bị kích động" để đình công từ hơn hai tháng qua.
Ông Đoàn Kiến Trung, Phó Phòng Quản lý Lao động Ngoài nước của Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, nói với BBC có công nhân "mới sang được hai ba hôm" nhưng cũng tham gia đình công.
Các công nhân nói hơn 100 người tham gia đình công từ cuối tháng Năm tới nay nhưng ông Trung nói số người đình công là 87 và hiện hơn 20 người đã đi làm trở lại.
Ông cũng nói ông đã tới ăn, ngủ tại xưởng cùng công nhân và thấy điều kiện ăn ở hơn một số nơi khác như Trung Đông hay Malaysia.
Nhưng ông cũng cho biết khi ông tới điều kiện làm việc và ăn ở đã được cải thiện sau những lần tới thăm và làm việc của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga.
Các công nhân cáo buộc họ bị cho ăn cả thực phẩm đông lạnh đã "bốc mùi"Nhiều công nhân trước đó tố cáo Vinastar bắt họ làm việc từ 16-20 tiếng mỗi ngày trong khi điều kiện ăn ở cực khổ, một số người nói họ bị đánh đập và không được đưa đi chữa trị bệnh.
Hiện số đông công nhân vẫn đòi về Việt Nam do Vinastar đã vi phạm hợp đồng.
Ông Trung cho biết chỉ có hơn 40 lao động của Vinastar đi qua công ty môi giới thuộc quyền quản lý của Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, số còn lại đi qua môi giới của tư nhân hay của các công ty "không có chức năng" đưa người đi lao động ở nước ngoài.
Ông cũng nói Cục chỉ đóng vai trò trung gian để lao động và chủ lao động tìm được giải pháp cho các bất đồng mà ông cho rằng "trong tương lai gần ...sẽ được giải quyết tốt."
BBC không liên hệ được với Vinastar để hỏi về các cáo buộc này. Mặc dù vậy công ty cáo buộc một nhân viên đã về lại Việt Nam tổ chức đình công và đưa ra những hứa hẹn để công nhân đòi về nước.
Source: BBC