Các cô gái VN tố cáo họ bị bóc lột như những nô lệ. Ảnh BBC
Thế kỉ 20 đánh dấu sự hình thành cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Sự thất thủ của Sài Gòn và
làn sóng di cư ồ ạt sau đó tạo nên các cộng đồng người Việt ở Mỹ, Úc, Canada và một số nước phương
Tây. Tiếp đến, sự tan rã của khối XHCN góp phần hình thành một cộng đồng Việt Nam ở các nước đông
Âu lên tới khoảng nửa triệu người.
Nhưng 2 biến cố lớn đó chỉ là những dấu mốc. Thực tế, người Việt vẫn lũ lượt ra đi sau gần 40 năm đất
nước thống nhất và gần 30 năm Việt Nam vận hành một nền kinh tế thị trường.
‘Top’ đầu về vượt biên
Nếu mấy chục năm trước, đường biển gần như là con đường duy nhất để người Việt vươn ra với thế giới
bên ngoài, thì ngày nay họ được các công ty môi giới, các đường dây đưa người đưa tới mọi ngóc
ngách. Và chính sách tăng cường ‘xuất khẩu’ lao động của nhà nước là một trong những nhân tố khiến
cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài tăng từ 2,5 triệu vào thập niên 90s lên chừng 4 triệu vào thời
điểm hiện nay.
Chủ đề người Việt bị bắt, giam giữ vì vượt biên trái phép xuất hiện khá thường xuyên trên các trang báo
nước ngoài cho thấy làn sóng di cư bất hợp pháp chưa bao giờ có xu hướng suy giảm.
Trong 7 tháng đầu năm, gần 800 người Việt đã tới Úc trên những con tầu thế này.
Chính phủ Úc cho hay, trong 7 tháng đầu năm 2013 đã có 759 người Việt vượt biên tới xin tị nạn ở nước
họ. Rất có thể đây không phải là con số thực, do nhiều người vượt thoát không có sự khai báo.
Trên báo chí một số nước phương Tây, đặc biệt là Anh, người Việt không xa lạ với cái tên ‘người rơm’.
Nếu ‘thuyền nhân’ là phát hiện của thế kỉ 20 thì ‘người rơm’ là từ mới gắn với người vượt biên trong thế kỉ
21.
Nhưng ở Ba Lan và một số nước đông Âu những người sống chui lủi, không giấy tờ được gọi bằng một
từ khác: “bộ đội”. Trên báo chí Ba Lan, những bản tin về các vụ bắt giữ người Việt vượt biên trái phép
luôn chiếm số lượng hàng đầu so với các sắc dân khác. Hầu như tháng nào cũng có dăm ba vụ bắt giữ
người Việt Nam vượt biên. Ở những trại giam giữ di dân trái phép, số lượng người Việt cũng luôn ở thế
‘áp đảo’.
Vụ bắt giữ người Việt mới nhất ở biên giới Ba Lan hôm 7/8/2013. Ảnh esanok.pl
Người Việt bị bắt trong nhiều hoàn cảnh khác nhau: Có toán lúc đang vượt rừng, có nhóm nằm/ ngồi
trong (cốp) xe, cá biệt có những người đang đu bám dưới gầm xe tải.
Nhưng dù sao, tất cả những trường hợp kể trên vẫn may mắn hơn so với những gì mà các đồng hương
Việt Nam đã và đang phải hứng chịu ở một quốc gia vốn được coi là anh em hữu nghị của Việt Nam là
nước Nga. Mấy năm gần đây, báo chí, nhất là truyền thông tự do ở hải ngoại đã gióng lên hồi chuông về
tình trạng lao động khổ sai của các công nhân Việt Nam trong các xưởng may chui. Họ bị bỏ đói, rét, lao
động 15, 16 tiếng/ ngày trong điều kiện tồi tệ và luôn nơm nớp vì cư trú bất hợp pháp.
Trong chiến dịch nhắm vào di dân diễn ra mới đây, ngay trong những ngày đầu tiên, phía Nga đã bắt giữ
1200 công dân Việt Nam và con số này có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong những đợt càn quét sắp tới.
Hiện họ bị giam giữ trong các lán trại dựng tạm với điều kiện ăn ở hết sức đáng ngại để chờ thủ tục trục
xuất.
Ở những thị trường hình thành sau này như Nam Hàn, Đài Loan, Nhật, số di dân cả hợp pháp lẫn bất hợp
pháp cũng tăng lên không ngừng trong những năm qua.
Bi kịch vẫn tiếp diễn
Thảm kịch về thuyền nhân kéo dài gần 2 thập niên sau năm 1975 với khoảng nửa triệu người bỏ xác
giữa biển cả đã khiến cả thế giới xúc động, nhưng nó không khép lại những bi kịch mà vẫn tiếp diễn tới
các thế hệ di dân tiếp theo.
Không còn làm mồi cho cá dữ hay bị chém giết vô tội vạ bởi hải tặc, nhưng trang sử di dân sau này, nếu
được chép lại một cách trung thực, sẽ không thiếu nước mắt.
Đã từng xảy ra chuyện mấy chục người bị nhồi nhét trong chiếc xe tir chở hàng bịt kín chạy qua biên giới
và họ đã chết vì ngạt không còn một ai. Chuyến xe nghiệt ngã đó cướp đi sinh mạng của hơn 40 người.
Nhưng có nhiều cái chết âm thầm trong rừng, không ai biết tới, thậm chí cả những người thân của nạn
nhân. Chết vì đói, vì rét và kiệt sức. Từ một nước nhiệt đới, nhiều người vượt biên đã phải đi bộ cả chục
km trong thời tiết lạnh nhiều độ dưới 0 của mùa đông khắc nghiệt tại châu Âu. Có người bỏ xác trong
rừng, có trường hợp lê được tới nơi, nhưng phải cưa bỏ chân do hoại tử vì lạnh.
Con sông biên giới giữa Ba Lan và Đức cũng đã không ít lần đón vào lòng nó những thân phận vượt
biên. Khúc hẹp nhất của sông thường là nơi người vượt biên đi bộ qua vào mùa đông, lúc sông đóng
băng; hoặc được kéo qua bằng dây vào mùa nước chảy. Và đã có không ít trường hợp bỏ xác ở đây do
băng vỡ hay nước xiết. Có gia đình chết cả 2 vợ chồng, đứa con vài tháng tuổi của họ được người dẫn
đường giấu trong cốp xe chở qua biên giới nên sống sót. Cháu bé sau đó được một gia đình nhận nuôi.
Nhưng bi kịch không chỉ tới với những người đã mất, nó còn đeo bám theo số phận của nhiều di dân. Khi
rơi vào một môi trường ‘vô chính phủ’, phụ nữ biến thành những con mồi trong tay những kẻ dắt mỗi, dẫn
đường. Nhiều người trở thành nô lệ tình dục, bị bán sang tay, rơi vào nhà thổ hoặc tới được quốc gia thứ
3 với cái bụng chửa lùm lùm. Nhưng thông thường nhất, họ bị lạm dụng bởi những kẻ dẫn dắt và cả
những di dân nam giới (cùng và khác chủng tộc) trên suốt chặng đường ăn chực nằm chờ, có khi kéo dài
nhiều tháng, thậm chí 1 năm trước khi tới được miền đất hứa.
Nhưng cũng có những người nếm trải đủ thứ cơ cực trong hành trình vượt biên, có ‘lịch sử’ dăm bẩy lần
vượt rừng nhưng vẫn không thể thoát nổi và phải chịu cảnh trục xuất trở về Việt Nam mang theo món nợ
do vay mượn cầm cố trước lúc ra đi.
Chính trị và kinh tế – 2 trong 1
Thảm kịch thuyền nhân mấy thập niên trước là nỗi đau của nhân loại, nhưng bù lại, những người vượt
thoát được đón tiếp chu đáo, được giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần. Họ được coi là những người
tị nạn chính trị. Chế độ cộng sản ngày nay vẫn còn đó, nhưng những người ra đi, tuyệt đại đa số, bị cho
là vì lý do kinh tế.
Việc phân loại người di cư và câu hỏi về lý do họ bỏ nước ra đi không ít lần đã gây tranh cãi và là chủ đề
dễ động chạm về quyền con người. Đa số các quốc gia ngày nay, trong đó có Ba Lan, ít thừa nhận tị nạn
chính trị, trừ một số trường hợp những người hoạt động có tên tuổi. Lý do, có thể vì mối quan hệ tế nhị
với Việt Nam, một đất nước đang phát triển với những tiềm lực kinh tế nhất định; cũng có thể vì những
chính sách đãi ngộ kèm theo với di dân chính trị mà không phải nước nào cũng có đủ điều kiện đáp
ứng…
Trên thực tế, khó có sự tách bạch rõ rệt giữa kinh tế và chính trị. Giống như nhiều sản phẩm mang tính
thời đại khác, ở đây tồn tại một công thức “2 trong 1″. Những nạn nhân trực tiếp của hệ thống chính trị
theo cách hiểu như tù nhân lương tâm, người bị quản chế, bắt bớ, bạc đãi, kỳ thị tôn giáo… không (lộ
diện) nhiều trong số di dân, ít nhất là với khu vực đông Âu; nhưng thay vào đó là những nạn nhân gián
tiếp và vô thức của một chế độ hà khắc. Nhiều người ra đi vì lý do kinh tế kèm theo sự ngột ngạt về môi
trường xã hội trong nước. Họ không hẳn ý thức về chính trị, nhưng muốn tìm một nơi an lành hơn cho
bản thân và nhất là cho tương lai của con cái. Họ than vãn về chế độ bên những bàn tiệc, trong lúc trà dư
tửu hậu, hay khi ‘chém gió’ với bạn bè.
Rõ ràng, dù thể chế ngày nay đã dễ thở hơn phần nào so với mấy chục năm trước kia, chính trị vẫn là
một phần khá lớn nguyên nhân của làn sóng di dân không ngừng nghỉ từ Việt Nam.
Khi “tổ quốc bằng Tây”?
Vậy khi nào làn sóng di cư này dừng lại?
Vào thập niên 70s, 80s của thế kỉ trước, những sinh viên Việt Nam trốn ở lại đông Âu sau khi tốt nghiệp
– ngôn ngữ khi đó gọi là ‘lưu vong’, ‘tuột xích’ – thường bị các ‘chú sứ’ truy lùng ráo riết hoặc ít nhất cũng
gây khó dễ trong việc cấp đổi hộ chiếu. Họ bị gọi về nước. Và việc ở lại, có những lúc, từng bị coi như
tội phản quốc. Giới sinh viên khi đó lưu truyền mấy câu thơ:
“Tổ quốc cũng như tổ cò
Có đói có khổ mới mò sang đây
Bao giờ Tổ quốc bằng Tây
Đếch cần giấy gọi ta đây cũng về”
Ước mơ “Tổ quốc bằng Tây” để trở về hay để khỏi ra đi, trải qua mấy chục năm, có lẽ vẫn còn xa vời vợi.
Theo tính toán được công bố gần đây, thu nhập bình quân trên đầu người của Việt Nam phải mất ít ra
nửa thế kỉ nữa mới đuổi kịp một vài nước trong khu vực và có thể phải mất chừng 150 năm mới bằng
Singapore.
Đó là về mặt kinh tế. Về chính trị mà nói – khỏi sánh với Tây cho thêm phiền phức – thể chế độc đảng
của Việt Nam hiện nay tụt hậu so với chính các quốc gia vốn được coi là ‘chậm tiến’ trong khu vực như
Capuchia hay Miến Điện. Cuộc bầu cử đa đảng ở Campuchia còn nhiều chuyện phải bàn, nhưng ít nhất
đó cũng là những bước tiến cần thiết để có một xã hội thực sự dân chủ. Miến Điện ngày càng cởi mở với
sự tham gia của đảng đối lập vào quốc hội, cho phép xuất bản báo chí tư nhân và thả hàng loạt tù chính
trị.
Chỉ có cải thiện về kinh tế và thay đổi tận gốc về chính trị, làn sóng di cư của người Việt mới có thể giảm
đi hoặc ngừng lại. Và lúc đó, những trang đau buồn trong lịch sử di dân Việt Nam mới thực sự được
khép lại.
© Mạc Việt Hồng (Danchimviet)