(PL&XH) - Năm nay, quy định mới của Bộ GD&ĐT yêu cầu mọi thanh niên Việt Nam, kể cả đã đỗ ĐH, CĐ nhưng có giấy gọi nhập ngũ thì đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự trước, sau khi hết nghĩa vụ sẽ tiếp tục việc học.
Tuần vừa qua, trong một Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, GS. TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội có nhắc tới hiện tượng thanh niên phổ biến trên mạng cho nhau các chiêu trò để trốn nghĩa vụ quân sự. Ông Thuyết băn khoăn rằng: Liệu có phải điều đó thể hiện sự phai nhạt tình cảm yêu nước, ý thức trách nhiệm với giang sơn. Hoặc đó có chính là một phản ứng xã hội?
Chuyện ông nói rất đúng, bởi có những thanh niên đã bày cho nhau những chiêu trò không tưởng nổi và không ngại công khai trên mạng như: Chấp nhận giả dối, chấp nhận thành kẻ ăn trộm ăn cắp vặt, chấp nhận mất đi một ngón chân, ngón tay để khỏi phải đi nghĩa vụ quân sự. Biết bao nhiêu các chiêu trò đã khiến người đọc không khỏi bàng hoàng và tức giận. Đó là sự tức giận của những người còn đang đau đáu nghĩ về tương lại, nghĩ về sự phát triển và nghĩ về đạo đức của con người trong thời đại mới.
Trước đây, có một cách trốn nghĩa vụ quân sự dễ làm nhất là “đi học”. Thanh niên đến tuổi 18, đỗ ĐH, CĐ hay đỗ bất cứ một trường nào đó (có thể không cần phải thi cũng đỗ) có giấy báo nhập học là nghiễm nhiên được miễn nghĩa vụ quân sự.
Năm nay, quy định mới của Bộ GD&ĐT yêu cầu mọi thanh niên Việt Nam, kể cả đã đỗ ĐH, CĐ nhưng có giấy gọi nhập ngũ thì đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự trước, sau khi hết nghĩa vụ sẽ tiếp tục việc học. Đó là quy định thực sự phù hợp, tránh những tiêu cực trong việc trốn tránh nghĩa vụ quân sự và quan trọng hơn cả là làm cho thanh niên thấy được ý nghĩa của việc có trách nhiệm với Tổ quốc.
Tiếc thay, quy định đó lại được đối phó bởi hàng loạt những chiêu trò của một bộ phận không nhỏ những thanh niên ham chơi, lười làm, sợ khó, sợ khổ, sống hưởng thụ đã quen và không được giáo dục đầy đủ về trách nhiệm đối với cộng đồng và đối với Tổ quốc.
Những ngày vừa qua, cậu thủ khoa nghèo trường ĐH Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến đã được xem xét để tạm hoãn nghĩa vụ quân sự. Trước đó, ngay khi vừa biết tin mình đỗ thủ khoa với số điểm 29,5, Tiến nhận được giấy báo nhập ngũ. Điều này đã gây ra rất nhiều lo lắng cho Tiến bởi gia cảnh khó khăn với số tiền vay nợ gần 100 triệu đồng, Tiến mong muốn được nhập học để sớm có thể ra đời kiếm tiền trả nợ cho gia đình. Ngay sau khi xem xét hoàn cảnh gia đình em, chính quyền địa phương đã có quyết định cho em tạm hoãn nhập ngũ để nhập học. Chuyện của Tiến cho thấy, chính sách nào cũng lưu tâm đến con người. Nhưng điều đó không có nghĩa là em được miễn hoàn toàn nghĩa vụ quân sự, việc thực hiện nghĩa vụ của em sẽ được chuyển để thực hiện tại trường ĐH.
3Chỉ lưu tâm rằng, các cơ quan truyền thông nên cân nhắc khi cho rằng tin nhập ngũ của Tiến là tin “sét đánh” là nỗi lo lắng lớn nhất. Nhập ngũ là nghĩa vụ mà mỗi công dân nam ở bất cứ quốc gia nào cũng phải làm. Nhìn sang Hàn quốc, mọi công dân nam đến tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự đều phải nhập ngũ và họ được giáo dục để thấy tự hào khi mặc lên mình bộ quân phục. Nếu có bất kỳ hành động trốn hay gian lận nào, không cần biết thân thế là ai, người trốn nghĩa vụ quân sự sẽ bị truy tố trước pháp luật.
Truyền thông nói chung, báo chí nói riêng, giáo dục từ nhà trường, gia đình, địa phương và cả xã hội đều góp phần hình thành nên văn hóa của một con người, trong đó có tình yêu và trách nhiệm đối với Tổ quốc. Phản ứng của xã hội tốt khi có những định hướng giáo dục và tuyên truyền tốt. Người lớn sống sao thì trẻ con học vậy. Đừng dạy trẻ gian dối đối với cả Tổ quốc của mình.
Phan Thủy
Theo phapluatxahoi.vn