Nghệ sĩ Daniel Levi trên sân khấu, nhà hát Olympia, Paris, ngày 06/06/2019. © wikimedia
Trong lãnh vực nhạc kịch, những năm 2000 đánh dấu sự hồi sinh của nhiều tác phẩm tiếng Pháp. Trong số các bài hát cực kỳ ăn khách, có giai điệu ''Belle'' (Tuyệt Sắc) trích từ vở nhạc kịch ''Nhà thờ Đức Bà Paris. Nổi tiếng không kém là ''L'envie d'aimer'' (Khao khát yêu thương) ca khúc chủ đề của ''Mười điều răn''. Cả hai bài này đều từng được đặt thêm lời Việt. Đây cũng là dịp để Góc vườn âm nhạc RFI tưởng niệm giọng ca quá cố Daniel Lévi, vừa qua đời trong tuần qua.
Ngược dòng thời gian trở về những năm đầu của thế kỷ XXI, sự thành công ngoạn mục vào cuối năm 1998 của tác phẩm ''Notre Dame de Paris'' (Nhà thờ Đức Bà Paris) của hai tác giả Richard Cocciante và Luc Plamondon đã làm rộ lên phong trào sáng tác nhạc kịch tiếng Pháp, với lối dàn dựng công phu không kém gì sân khấu Broadway của Hoa Kỳ. Làn sóng nhạc kịch tiếng Pháp ăn khách lần đầu tiên là vào những năm 1979-1980 với vở kịch ''Starmania'' (Giấc mơ danh vọng) do Michel Berger sáng tác cùng với Luc Plamondon, tạo ra cột mốc quan trọng cho lối sáng tác thuộc thể loại opéra-rock.
Dựa theo đà thành công của Nhà thờ Đức Bà Paris (tính tới nay đã thu hút 9 triệu lượt khán giả), nhiều nhóm sáng tác cùng lao vào cuộc chạy đua để tạo ra vở nhạc kịch thành công nhất những năm 2000. Nhóm sáng tác của Gérard Presgurvic hoàn thành vở kịch Chuyện tình ''Romeo & Juliet'' đầu năm 2001, vở kịch này sau đó được diễn trong 12 thứ tiếng khác nhau, ngoài tiếng Pháp. Còn nhóm sáng tác của Pascal Obispo với sự hỗ trợ của hai ngòi bút Lionel Florence và Patrice Guirao cũng như của đạo diễn Élie Chouraqui hoàn thành vở nhạc kịch ''Les Dix Commandements'' (Mười điều răn), với giai điệu chủ đề là nhạc phẩm ''L'envie d'aimer'' (Khao khát yêu thương).
Daniel Lévi về đầu đợt casting trong số hàng trăm thí sinh Bằng mọi cách, nhóm sáng tác Obispo phải ráo riết chuẩn bị cho xong phần ghi âm album phòng thu trước các đối thủ. Tập nhạc này được chuẩn bị cho mùa hè năm 2000, ba tháng trước khi vở nhạc kịch ra mắt khán giả. Nhạc sĩ Pascal Obispo cùng với đạo diễn Chouraqui mở cuộc thi thử giọng để tìm ra các vai chính của vở nhạc kịch này, trong đó quan trọng nhất vẫn là vai nhà tiên tri Moïse được Chúa Trời giao cho sứ mệnh trở về Ai Cập giải phóng dân tộc Do Thái khỏi ách nô lệ, dắt họ vượt qua Hồng Hải, lưu lạc trong suốt 40 năm (do thiếu đức tin) trước khi được vào miền Đất Hứa.
Thế nhưng, sau nhiều đêm nghe lần lượt hàng trăm ca sĩ hát thử giọng trực tiếp, nhóm sản xuất vẫn chưa tìm ra được một giọng ca xứng đáng vào vai nhà tiên tri Moïse. Cho đến cái ngày ca sĩ Daniel Lévi xuất hiện trong buổi casting, để thử giọng anh hát một ca khúc rất quen thuộc của Édith Piaf. Đó là giai điệu ''L'Hymne à l'Amour'' (Bài ngợi ca tình yêu). Trái hẳn với các thí sinh khác, Daniel Lévi chọn cách diễn đạt tinh tế. Tuy anh có đủ nội lực để phóng giai điệu về phía trước mặt, khán giả ngồi ở cuối phòng vẫn nghe được tiếng hát của anh, nhưng Daniel chọn một lối trình bày rất nhẹ, xen kẽ giọng ngực và giọng gió bởi vì theo quan niệm của anh, ngợi ca tình yêu không cần phải gào thét hay cường điệu mà đôi khi những lời nhắn nhủ thì thầm lại nói được bao tình cảm sâu sắc nồng nàn.
Kỳ diệu thay, chính cái lối diễn đạt nhẹ nhàng tinh tế ấy đã làm xiêu lòng nhóm sáng tác của nhạc sĩ Obisspo và đạo diễn Élie Chouraqui. Nghe Daniel Lévi hát, Obisspo chợt hiểu ra rằng các giai điệu trong vở nhạc kịch ''Mười điều răn'' sẽ có nhiều sức thuyết phục hơn khi không đơn thuần mạnh như tiếng sấm. Trước uy thế của các vì vua Ai Cập, người Do Thái nô lệ vẫn hiên ngang bất khuất. Còn lời gọi của Chúa ''con người hãy yêu thương nhau'', tuy không cần sức mạnh mà vẫn thu phục nhân tâm. Nhạc phẩm ''L'envie d'aimer'' (Khao khát yêu thương) ra đời với ý nghĩa đó vừa tìm ra được một giọng ca xứng đáng.
Bài hát từng đoạt giải Sáng tác Pháp hay nhất trong năm Được phát hành vào tháng 06/2000, bản nhạc ''L'envie d'aimer'' (Khao khát yêu thương) lập kỷ lục số bán với gần một triệu rưỡi đĩa đơn. Album trọn bộ cũng đạt tới mức đĩa kim cương với một triệu bản bán chạy trong năm đầu (tức cao gấp đôi số bán của vở kịch Chuyện tình Romeo & Juliet). Vào thời bấy giờ, nước Pháp đang khám phá dòng nhạc điện tử theo kiểu Pháp French Touch của nhóm Daft Punk (One More Time), điệu nhảy ''Mambo Number 5'' của Lou Bega hay vũ điệu ''Sex Bomb'' của Bố già nhạc soul người Anh Tom Jones.
Nhưng trong số các tình khúc mùa hè, giai điệu "Khao khát yêu thương" đang trở thành một hiện tượng. Nhân kỳ trao giải thưởng âm nhạc của Pháp Victoires de la Musique, bài ''L'envie d'aimer'' giành lấy danh hiệu Sáng tác hay nhất năm 2001. Thậm chí, một phiên bản phóng tác tiếng Anh được viết riêng cho Céline Dion : ''The Greatest Reward'' được diva người Canada ghi âm cho tập nhạc "A New Day Has Come". Trên sân khấu, Céline Dion cũng từng song ca bài này bằng tiếng Pháp với Daniel Lévi.
Bản nhạc cũng được dịch sang nhiều thứ tiếng khác kể cả tiếng Đức, tiếng Ý hay Hà Lan …. Ban nhạc Il Divo chuyên trị dòng nhạc pop cổ điển cũng ghi âm bài này với Sonia Lacen trên album ''A Musical Affair'' phiên bản tiếng Pháp (French Edition) phát hành vào năm 2013, có thêm 5 ca khúc chủ đề trích từ các vở nhạc kịch ăn khách tiếng Pháp quy tụ các giọng ca nổi tiếng hàng đầu như Hélène Segara, Florent Pagny hay Vincent Niclo …...
Bốn tháng sau khi phát hành đĩa hát, vở nhạc kịch''Les Dix Commandements'' (Mười điều răn) ra mắt công chúng vào mùa thu năm 2000 tại nhà hát Palais des Sports và cũng như trường hợp của ''Notre Dame de Paris'', vở kịch này đã được khán giả vỗ tay hưởng ứng nhiệt tình. Trong vòng 7 năm sau đó, tác phẩm được đi trình diễn tại nhiều quốc gia trên thế giới, thu hút hơn 2 triệu lượt người xem. Dự án này được tái khởi động vào năm 2016 tại Pháp với dàn diễn viên trẻ và lối dàn dựng mới. Vở kịch cũng được biểu diễn tai New York vào tháng 05/2022 với giọng ca baritone David Serero trong vai chính.
Phiên bản tiếng Việt của bài ''Khao khát yêu thương'' Còn trong tiếng Việt, nhạc phẩm ''L'envie d'aimer'' (Khao khát yêu thương) từng được đặt lời thành ''Tiếng trái tim''. Tác giả Nguyễn Trần Tuấn Kiệt không giữ lại bối cảnh câu chuyện của ''Mười điều răn'' cũng như cảnh đối đầu của hai nhân vật Moïse và Ramsès, mà chủ yếu là điều răn của Chúa, theo đó chẳng có yêu thương nào lớn hơn là tình thương đồng loại, vì người khác mà có thể phó thác sinh mạng của mình. Bản nhạc lời Việt thường được biểu diễn trong các cộng đoàn công giáo, trong đó có nhóm ca kịch công giáo Sài Gòn, phần trình bày qua hai giọng ca Thành Hưng và Thành Nhân.
''L'envie d'aimer'' đã xuyên qua hai thập niên liền mà vẫn chưa có vết nhăn thời gian. Gần đây trong chương trình bình chọn tình khúc yêu chuộng nhất của người Pháp, bài này lọt vào danh sách 10 giai điệu hay nhất, bên cạnh ''Mistral Gagnant'' của Renaud, ''Je l'aime à mourir'' của Francis Cabrel hay ''Quelques mots d'amour'' của Michel Berger (mà năm nay kỷ niệm đúng 30 năm ngày giỗ). Với hàng loạt phiên bản phóng tác ghi âm lại trong nhiều thứ tiếng, nhưng dường như chưa có phiên bản nào sánh bằng bản gốc của Daniel Lévi. Lối hát rất nhẹ mà vẫn tràn đầy nội lực khi cần tạo ra một âm sắc khác hẳn trong lối tiếp cận. Nghe Daniel Lévi cất tiếng hát để cho kiếp người sớm vơi nỗi buồn man mác, để cho yêu thương còn biết bao khao khát.
VIDEO Theo RFI